tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Kỳ vọng cường quốc của Trung Quốc chỉ là 'lâu đài trên cát'?

  • Cập nhật : 24/11/2017

Trung Quốc mong muốn làm "lãnh đạo toàn cầu", có nền kinh tế phát triển toàn diện tập trung vào công nghệ trong tương lai nhưng thực tế việc đầu tư chiều sâu trình độ cho người dân lại gặp vô số thách thức.

hang trieu tre em trung quoc o cac khu vuc nong thon khong duoc tiep can cac dich vu cong du tieu chuan, dac biet la truong hoc - anh: afp

Hàng triệu trẻ em Trung Quốc ở các khu vực nông thôn không được tiếp cận các dịch vụ công đủ tiêu chuẩn, đặc biệt là trường học - Ảnh: AFP

Gần đây Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã vẽ ra một viễn cảnh đầy táo bạo: cải cách đưa Trung Quốc trở thành một nền kinh tế phát triển toàn diện vào năm 2050. Trong đó, Bắc Kinh tập trung khuyến khích cải tiến và phát triển công nghệ.

Tuy nhiên, Hãng tin Bloomberg nhận định căn cứ vào nguồn nhân lực hiện tại của Trung Quốc cũng như những thay đổi trong nền kinh tế toàn cầu, mục tiêu trên có vẻ không dễ đạt được như ông Tập kỳ vọng.

Hoài bão lớn

Tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 hồi tháng 10, ông Tập khẳng định Trung Quốc quyết tâm vào năm 2050 trở thành "một lãnh đạo toàn cầu xét vệ sức mạnh tổng thể quốc gia và ảnh hưởng quốc tế" với tinh thần thượng tôn pháp luật cùng một loạt công ty được cải tiến, một môi trường minh bạch, một tầng lớp trung lưu mở rộng, một hệ thống vận tải công phù hợp và một sự chênh lệch giảm đi giữa khu vực thành thị và nông thôn.

Từ lâu các quốc gia phương Tây đã có suy nghĩ rằng hệ thống trường dạy học tại Trung Quốc sở hữu nhiều thần đồng về toán học và các môn khoa học tự nhiên. Và các công ty trong tương lai sẽ cần loại học sinh này.

Tuy nhiên, lối suy nghĩ này vốn dĩ sai lầm. Nhiều năm qua, hàng loạt nghiên cứu cho thấy các bài thi chuẩn hóa của Trung Quốc thật ra chỉ đánh giá được năng lực của học sinh ở các khu vực giàu có và không mang tính đại diện cho toàn quốc gia. Khi xét trên phạm vi rộng hơn, xếp hạng của Trung Quốc đều giảm ở tất cả các môn học.

Theo kết quả điều tra dân số năm 2010, ít hơn 9% công dân Trung Quốc học cao hơn cấp trung học. Trong khi đó, hơn 65% người không học cao hơn cấp trung học cơ sở.

Giai đoạn 2008-2016, tổng số sinh viên tốt nghiệp của Trung Quốc đã giảm 1%. Bên ngoài các khu đô thị giàu có của Trung Quốc là một số đông người dân thiếu thậm chí các kỹ năng cơ bản vốn cần thiết cho một nền kinh tế có mức thu nhập cao.

cong nhan trong day chuyen san xuat o trung quoc. muc luong can ban bi day cao len cho phu hop muc song cua nuoc lon cung da khien cac nha dau tu roi khoi trung quoc - anh: afp

Công nhân trong dây chuyền sản xuất ở Trung Quốc. Mức lương căn bản bị đẩy cao lên cho phù hợp mức sống của nước lớn cũng đã khiến các nhà đầu tư rời khỏi Trung Quốc - Ảnh: AFP

"Cuộc khủng hoảng vô hình"

Vấn đề lại càng trầm trọng hơn khi có hàng triệu trẻ em Trung Quốc ở các khu vực nông thôn. Với việc bố mẹ phải đi làm xa tại các thành phố để phục vụ sinh kế, không được đầu tư nuôi dạy cũng như không có môi trường hoàn hảo để phát triển, những đứa trẻ này thường có kết quả học tập không tốt và kết các bài trắc nghiệm trí tuệ IQ cũng không nằm ngoại lệ.

Nhà kinh tế học Scott Rozelle tại ĐH Stanford của Mỹ nhận định đây là một "cuộc khủng hoảng vô hình". Ông ước tính trong nhiều thập kỷ tới, có khoảng 400 triệu người Trung Quốc chưa được trang bị đầy đủ kỹ năng sẽ đi săn tìm việc làm.

Theo báo New York Times, cứ vào tháng 9 hằng năm, khuôn viên các trường ĐH Bắc Kinh hay ĐH Thanh Hoa lại ngập tràn những sinh viên mới háo hức bước vào một "thế giới mới". Những chàng trai và cô gái trẻ cầm trên tay những chiếc điện thoại thông minh sành điệu tụm lại với nhau chia sẻ những câu chuyện về du lịch nước ngoài hay các chương trình truyền hình của Mỹ như Học thuyết Big Bang và loạt phim Sherlock (Holmes).

Họ đã được định hướng cho một tương lai tươi sáng: Trong vài chục năm tới, họ sẽ là ông này bà nọ trong các cơ quan chính phủ hay những người cầm cương của các công ty đa quốc gia. Tuy nhiên, có một thực tế là phần trăm số sinh viên tại ĐH Bắc Kinh có nguồn gốc nông thôn chỉ chiếm 10% trong 10 năm qua so với con số 30% vào những năm 1990. Một nhân viên tại ĐH Thanh Hoa thì tiết lộ các sinh viên của trường đa số là "những đối tượng lớn lên ở các thành phố, có bố mẹ là công chức và giáo viên, đi du lịch cùng gia đình ít nhất 1 lần/năm".

Hiện tại vấn đề này không dễ mấy nhìn nhận. Bởi lẽ tình trạng thất nghiệp chính thức của Trung Quốc hiện ở mức thấp và ổn định. Trong khi đó, tiền lương lại tăng lên và tầng lớp trung lưu cũng ngày càng nổi lên. 

Các nhà máy của Trung Quốc vẫn còn xếp hạng thuộc hàng tốt nhất của thế giới. Đồng thời, công nhân Trung Quốc cũng sở hữu các kỹ năng cần thiết để phục vụ bên trong những nhà máy cho đến thời điểm này.

gioi tre thanh thi trung quoc dien do cosplay. khoang cach giau ngheo giua khu vuc thanh thi/nong thon con rat ro, tu do dan den khoang cach phat trien nhan luc - anh: afp

Giới trẻ thành thị Trung Quốc diện đồ Cosplay. Khoảng cách giàu nghèo giữa khu vực thành thị/nông thôn còn rất rõ, từ đó dẫn đến khoảng cách phát triển nhân lực - Ảnh: AFP

Nhưng khó thực hiện

Có thể thấy, trước những thay đổi ngày một diễn biến nhanh liên quan tới nhân khẩu học và công nghệ, khoảng cách về giáo dục sẽ sớm nới rộng ra. Khi yếu tố tự động hóa được áp dụng nhiều, các nhà máy sẽ không chỉ cần những công nhân giỏi chân tay mà phải còn linh hoạt về não. Mặt khác, khi lương tăng, các nhà sản xuất Trung Quốc cũng sẽ đối mặt với cuộc cạnh tranh khốc liệt từ các quốc gia ít phát triển hơn.

Tuy nhiên, cũng như nhiều quốc gia khác, Trung Quốc hiện chưa sẵn sàng trước những thay đổi này. Việc duy trì một nền kinh tế tiên tiến và tập trung vào khu vực dịch vụ sẽ bất khả dĩ khi chỉ 25% dân số Trung Quốc ở tuổi lao động có bằng trung học.

Theo nghiên cứu của ông Rozelle, ở những quốc gia chuyển từ thu nhập trung bình sang thu nhập cao trong 70 năm qua, ít nhất 75% dân số ở tuổi lao động phải có bằng trung học trước khi sự chuyển tiếp này bắt đầu.

Thậm chí các trường thuộc hàng top của Trung Quốc cũng không thể nào giúp lèo lái được tình trạng này khi Trung Quốc có tới gần 1,4 tỉ dân. Theo báo Economist, những người có hộ khẩu nông thôn hiện chiếm gần 60% dân số Trung Quốc.

Hầu hết các quốc gia sẽ hưởng lợi từ việc đầu tư nhiều vào giáo dục. Tuy nhiên, đối với trường hợp Trung Quốc, vấn đề này lại càng cấp bách hơn. Thậm chí tại các trung tâm đô thị giàu có, các lớp học vẫn thường xuyên xảy ra tình trạng nhồi nhét tới 50 học sinh, đặt nhiều gánh nặng cho thầy cô giáo và gia đình.


BÌnh An
Theo Tuoitre.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục