tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Nhiều nước gặp 'ác mộng' giá dầu

  • Cập nhật : 13/01/2016

(Kinh te)

Trong phiên giao dịch sáng nay, 12/1, giá dầu thô thế giới đã lao dốc xuống dưới 32 USD/ thùng, mức thấp nhất trong vòng 12 năm qua, tiếp tục làm trầm trọng hơn cơn “ác mộng” tại nhiều nước.

anh: sputnik

Ảnh: Sputnik

Sự sụt giảm giá dầu càng kéo dài, tác động của nó lên các nước sản xuất dầu càng nhức nhối. Các khoản thặng dư khổng lồ biến thành thâm hụt, các chính sách xã hội hào phóng bị thay bằng những biện pháp thắt lưng buộc bụng. Những nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất phần lớn chính là các thành viên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).

Chính phủ Venezuela, nước có trữ lượng dầu thô lớn nhất thế giới, đã quen với việc chi tiêu tiền từ sản xuất dầu cho các chương trình lương hưu, chăm sóc y tế, phúc lợi xã hội và thậm chí hỗ trợ vấn đề nhà ở và các cửa hàng tạp hóa. Nhưng nền kinh tế này đang đứng bên bờ vực khủng hoảng.

Lạm phát trong năm 2015 đã tăng hơn 150% và dự kiến vượt 200% trong năm nay. Chính phủ không còn khả năng chi trả, trong khi các nguồn nhu yếu phẩm và lương thực thiếu hụt.

Sự bất ổn kinh tế làm thay đổi cán cân chính trị khi phe đối lập đã có chiến thắng đầu tiên sau 17 năm trong cuộc bầu cử hồi tháng trước và một nhân vật đối lập vừa lên giữ chức Chủ tịch quốc hội hôm 3/1/2016.

Thủ lĩnh của OPEC, Saudi Arabia, cũng chịu chung số phận. Nguồn thu từ dầu chiếm đến 75% thu nhập của nước này và sự sụt giảm giá dầu khiến chính quyền Riyadh thâm hụt gần 100 tỉ USD trong năm ngoái, buộc phải thực hiện các biện pháp thắt lưng buộc bụng trong năm 2016.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thậm chí cảnh báo Saudi Arabia có thể phá sản trong vòng 5 năm tới.

“Đó là một lời nhắc nhở rằng ngay cả nhà sản xuất dầu chi phí thấp nhất thế giới cũng cần giá cao hơn để cân bằng ngân sách và mức giá hiện tại khó làm được điều này” – CNN dẫn lời chiến lược gia Kit Juckes của Tập đoàn tài chính Société Générale.

Nigeria, nhà sản xuất dầu lớn nhất của châu Phi, cũng phụ thuộc lớn vào dầu mỏ, chiếm đến 90% xuất khẩu. Truyền thông địa phương cho biết nhiều công chức chính quyền đang bị nợ lương hàng tháng trời trong khi tình trạng cúp điện, thiếu hụt năng lượng xảy ra như cơm bữa.

Ở Trung Đông, Iraq điêu đứng với giá dầu dù đang cần nguồn tài chính cho cuộc chiến chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Iraq sản xuất lượng dầu thô kỷ lục trong năm 2015 nhưng không đủ bù đắp khoản sụt giảm.

Với Nga, đồng nội tệ của nước này mất giá do tác động của giá dầu giảm mạnh trong những ngày đầu năm mới 2016. Các chuyên gia kinh tế cảnh báo nếu dầu mỏ tiếp tục trượt giá, kinh tế Nga sẽ khó khăn hơn, bất chấp việc giới chức Nga cho rằng nước này đang dần thoát khỏi suy thoái.

Theo Ngân hàng thế giới (WB), kinh tế Nga ước tính đã suy giảm 4,3% trong năm 2015 và tiếp tục rơi vào suy thoái trong năm tới. Cuối tháng 12 năm ngoái, Tổng thống Nga Vladimir Putin cam kết nước Nga có thể thoát khỏi khủng hoảng bất chấp sự bất ổn của giá dầu.

Tuy nhiên, giá dầu giảm là “con dao 2 lưỡi”. Đối với các nước nhập khẩu dầu và người tiêu dùng thì đó là tin mừng.

Tại Ấn Độ, với việc giá dầu sụt giảm hơn 60% kể từ giữa năm 2014 tạo điều kiện cho Thủ tướng Modi thúc đẩy chi tiêu cho xây dựng những khung đường bộ quan trọng, cảng và đường sắt trong khi cố gắng để đưa thâm hụt ngân sách ở mức thấp 8 năm. IMF dự đoán khoảng cách tài khoản vãng lai của Ấn Độ sẽ thu hẹp xuống còn 1.4 % tổng sản phẩm trong nước năm nay so với mức kỷ lục trong năm 2012.

Với việc giá dầu thô thế giới liên tục giảm và sự ổn định tương đối trong tỉ giá giữa đồng rupee và đồng USD, hiện tại ở Ấn Độ, giá dầu thô đã chính thức rẻ hơn giá nước khoáng. Theo NDTV, tuần qua chính phủ Ấn độ công bố giá dầu thô đã tụt xuống mức 29,24 USD/thùng (1.956,45 rupee/thùng căn cứ theo tỉ giá 66,91 rupee đổi 1 USD ngày 7/1/2016).

Một thùng dầu có 159 lít và như thế giá mỗi lít dầu thô ở Ấn Độ hiện là 12 rupee (0,17 USD), rẻ hơn 20% so với giá một chai nước khoáng 1 lít là 15 rupee (0,22 USD).

(Theo CafeF)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục