tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Sẽ hạn chế rủi ro trong cho vay tiêu dùng

  • Cập nhật : 22/09/2015

(Tai chinh)

Với Dự thảo Thông tư Quy định hoạt động tín dụng tiêu dùng của Công ty tài chính (CTTC), tín dụng tiêu dùng dự kiến sẽ trở thành mảng nghiệp vụ thế mạnh của tín dụng bán lẻ. Điều này cũng sẽ đem lại nhiều lợi ích cho người dân đặc biệt là người có thu nhập trung bình được tiếp cận với các dịch vụ tài chính chất lượng cao.

 

Tín dụng tiêu dùng - phân khúc chiến lược của ngân hàng bán lẻ…

Theo báo cáo của công ty StoxPlus về thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam, tổng quy mô của thị trường tài chính tiêu dùng đến nay đạt khoảng 200 nghìn tỷ đồng - tương đương 8,88 tỷ USD, mức tăng trưởng trên 12% và chiếm 5,4% GDP.

Hiện hình thức cho vay tiêu dùng (CVTD) là sản phẩm phổ biến ở nhiều quốc gia, nhất là ở các nước phát triển. Tại Việt Nam, hầu hết các ngân hàng thương mại (NHTM) và công ty tài chính (CTTC) đều có các sản phẩm cho vay tiêu dùng, từ các khoản vay lớn như mua nhà, mua ô-tô cho đến các khoản vay nhỏ như vay mua đồ gia dụng, điện thoại, xe máy, phục vụ các nhu cầu tiêu dùng nhỏ như khám chữa bệnh, du lịch...

Một kết quả nghiên cứu khác cho thấy, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng ở Việt Nam hiện tăng trưởng trung bình lên tới xấp xỉ 20%/năm. Ước tính, tỷ lệ cho vay tiêu dùng/GDP hiện đạt 6,4%, tỷ lệ tín dụng tiêu dùng/tổng tín dụng là 5,6%, tỷ lệ cho vay tiêu dùng/tiêu dùng cuối cùng là 7,3% và dư nợ cho vay tiêu dùng bình quân đầu ngưòi đạt xấp xỉ 1,5 triệu đồng/người. Hiện có khoảng gần 16 triệu người là khách hàng tiềm năng với sự thỏa mãn các điều kiện cơ bản về độ tuổi và thu nhập.

Tham gia vào thị trường tín dụng tiêu dùng gồm có hầu hết các NHTM, các CTTC trong nước và 100% vốn nước ngoài. Với cơ cấu dân số trẻ, tốc độ tăng tự nhiên cao, nhiều chuyên gia dự báo thời gian tới, thị trường tài chính tiêu dùng sẽ có những bước tăng trưởng nhanh và trở thành cơ cấu tín dụng quan trọng của chiến lược ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam.

…nhưng chứa đựng nhiều thách thức

Tuy nhiên, thực tiễn cho vay tiêu dùng đã và đang đặt ra nhiều vấn đề và thách thức lớn không chỉ đối với các NHTM, CTTC như quản lý thông tin khách hàng, xây dựng kênh bán hàng, quản trị rủi ro, lãi suất... mà với cả các cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt là vai trò của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong việc định hướng hoạt động cho vay tiêu dùng phát triển lành mạnh.

Tại Việt Nam, khái niệm về cho vay tiêu dùng hiện chưa rõ ràng. Một số quan điểm cho rằng các khoản vay này bao hàm các khoản cho vay có tài sản đảm bảo, chủ yếu là các khoản cho vay mua nhà, xây mới hoặc sửa chữa nhà ở, mua ô tô có quy mô lớn có khi lên đến cả chục tỷ đồng. Với các NHTM, các khoản vay này mới là dư nợ chủ yếu và họ thường nhắm đến những khách hàng đạt chuẩn tín dụng (có thu nhập thường niên từ khá trở lên, có điểm tín dụng cao, có lịch sử tín dụng tốt).

Trong khi đó, các CTTC lại hướng đến đối tượng khách hàng đại chúng, dưới chuẩn (có thu nhập trung bình, thấp, chưa có lịch sử tín dụng hoặc điểm tín dụng thấp, khó tiếp cận dịch vụ ngân hàng..) với các khoản vay tiêu dùng nhỏ, không tài sản đảm bảo, phục vụ nhu cầu mua sắm trang thiết bị gia đình, xe máy, tiền mặt phục vụ nhu cầu đột xuất… Đây là phân khúc khách hàng mà các NHTM không hướng tới.

Việc tồn tại và ghép chung vào khái niệm cho vay tiêu dùng hai loại hình này đã dẫn đến những so sánh bất lợi về lãi suất cũng như trong cách đánh giá về ý nghĩa, lợi ích của hoạt động cho vay tiêu dùng, đồng thời dẫn tới những khó khăn cho cơ quan quản lý.

Theo phân tích của các chuyên gia tài chính, có nhiều sự khác biệt trong nghiệp vụ cho vay tiêu dùng của CTTC và các NHTM. Về số tiền cho vay bình quân tính trên một khách hàng của các NHTM lớn hơn nhiều lần so với các CTTC. Thời hạn vay của các NHTM có thể lên tới 20 năm đối với các khoản cho vay để mua nhà ở, trong khi các CTTC cho vay tiêu dùng với thời hạn tối đa là 5 năm.

Các điều kiện cho vay tại CTTC và NHTM cũng rất khác biệt, trong đó, các NHTM thường có quy trình xét duyệt khoản vay kéo dài, thủ tục tương đối phức tạp, ngược lại CTTC chú trọng yếu tố thuận tiện, đơn giản, nhanh chóng, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của khách hàng. Đặc biệt, lãi suất cho vay tiêu dùng của các CTTC cũng cao hơn rất nhiều lần so với lãi suất cho vay tiêu dùng của các NHTM cho khoản vay có cùng kỳ hạn.

Về quản trị rủi ro, các NHTM sử dụng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ để đánh giá khách hàng, tương tự các sản phẩm tín dụng khác. Còn đối với các CTTC, để phù hợp với đối tượng khách hàng đại chúng và phương thức tiếp cận đơn giản, nhanh chóng nhưng mức độ rủi ro cao, CTTC sử dụng thẻ chấm điểm tín dụng để đánh giá khách hàng vay.

Rủi ro sẽ hạn chế nhờ các quy định chặt chẽ

Mới đây, nhằm mục tiêu tách biệt và hạn chế rủi ro đối với ngân hàng khi cho vay tiêu dùng đối với khách hàng không đúng tiêu chuẩn, NHNN đã đưa ra Dự thảo Thông tư Quy định hoạt động tín dụng tiêu dùng của CTTC để lấy ý kiến.

Theo đó hoạt động cho vay tiêu dùng của các CTTC được thu hẹp lại còn 3 lĩnh vực: cho vay trả góp, cho vay thấu chi qua thẻ tín dụng, phát hành thẻ mua hàng.

Hoạt động cho vay phải đáp ứng các điều kiện sau: Bên cho vay thanh toán cho bên cung ứng hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng đối với hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng do khách hàng mua, sử dụng; Khách hàng hoàn trả tiền vay (bao gồm cả gốc và lãi) theo định kỳ được quy định tại hợp đồng cho vay tiêu dùng. Hoạt động cho vay tiêu dùng được thực hiện tại các điểm bán hàng, giới thiệu dịch vụ của bên cung ứng hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng. Thời hạn cho vay không quá 05 năm, việc đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng trên cơ sở hệ thống thẻ chấm điểm. Hoạt động cho vay tín chấp hoặc cho vay có tài sản bảo đảm là hàng hóa tiêu dùng được mua từ nguồn vốn tín dụng được cấp.

Dự thảo cũng quy định NHTM muốn cho vay tiêu dùng theo hình thức này thì phải thành lập CTTC. Việc quy định một cách rõ ràng các hoạt động tín dụng được coi là cho vay tiêu dùng và tách riêng quản lý đối với hoạt động này phù hợp với các tính chất khác biệt, sẽ giúp cho thị trường cho vay tiêu dùng Việt Nam phát triển minh bạch, lành mạnh và hiệu quả hơn, phù hợp với các thông lệ quốc tế, từ đó, mang lại nhiều lợi ích cho chính người tiêu dùng Việt Nam.

(Theo CafeF)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục