tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Làm rõ nguyên nhân mới tính xóa nợ

  • Cập nhật : 04/11/2015

(Tai chinh)

Nợ là phải trả”, " Phải kiểm tra kiểm toán thua lỗ thế nào, vì sao không đóng thuế được..." là các ý kiến được nêu trong câu chuyện có nên xóa nợ thuế của doanh nghiệp nhà nước.

dai bieu vo thi hong thoai (bac lieu) - anh: v.dung

Đại biểu Võ Thị Hồng Thoại (Bạc Liêu) - Ảnh: V.Dũng

Chiều 29-10, Quốc hội thảo luận tại các tổ về dự án Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế. Câu chuyện có nên xóa nợ thuế của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được nhiều đại biểu tranh luận khá gay gắt.

Cuộc thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM chiều 29-10 đã trở thành một cuộc tranh luận sôi nổi, có thời điểm gay gắt xoay quanh đề xuất “DNNN thuộc danh sách sắp xếp lại hoặc chuyển đổi sở hữu đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt mà có số nợ thuế lớn hơn hoặc bằng số lỗ lũy kế của DNNN thì được xem xét xóa nợ thuế”.

“Nợ là phải trả”

Đại biểu Trần Du Lịch đưa ra quan điểm ủng hộ, cho rằng với các doanh nghiệp này, nếu Nhà nước xóa nợ thuế thì dù mất một khoản cho ngân sách nhưng nhờ việc xóa nợ thuế doanh nghiệp sẽ mạnh lên. Khi sắp xếp lại, doanh nghiệp mạnh lên, phục hồi và bán được cổ phần. Lúc đó, theo đại biểu Lịch, “Nhà nước bỏ cái trước, lấy được cái sau”. Còn hơn là Nhà nước cứ đè doanh nghiệp ra để đòi nợ thuế, làm doanh nghiệp âm vốn và giải thể.

Tuy nhiên, quan điểm này đã nhận được nhiều ý kiến không đồng tình. Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm - phó bí thư Thành ủy TP.HCM - cho rằng nếu Quốc hội đồng ý điều khoản sửa đổi này thì coi như là “đã qua truông”. Bà Tâm đề nghị phải kiểm tra kiểm toán thua lỗ thế nào, vì sao không đóng thuế được... Sau đó mới làm chính sách cho Quốc hội thì sẽ công bằng hơn.

“Có chính sách rồi thì theo đó mà làm chứ lúc đó ai ở không mà hồi tố ông nào sạch, ông nào chưa sạch...” - bà Tâm nói. Đồng ý với quan điểm của bà Tâm, đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa cũng cho rằng DNNN đã nhận quá nhiều ưu đãi của chính sách nên cứ để tất cả vận hành theo kinh tế thị trường, nợ thuế là phải trả. Nếu DNNN không còn vốn, phá sản thì cứ cho phá sản theo luật định.

Tương tự, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng cần xem xét kỹ, những doanh nghiệp được xóa nợ phải thanh tra, kiểm tra kỹ. Nếu doanh nghiệp thua lỗ do khách quan thì có thể chấp nhận, nhưng trường hợp doanh nghiệp làm ăn thua lỗ mà không rõ nguyên nhân thì phải xử lý người đứng đầu, khi đó mới xóa nợ.

Ông Phương phản ảnh có tình trạng nhiều doanh nghiệp làm ăn rất khá, nhưng khi giám đốc chuẩn bị nghỉ hưu là doanh nghiệp thua lỗ dần, thậm chí phá sản, khiến người tiếp quản vị trí lãnh đạo doanh nghiệp rất khó khăn.

Luật chưa có hiệu lực 
đã sửa

Thảo luận về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng: “Luật thuế tiêu thụ đặc biệt mới được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 năm 2014, đến đầu năm 2016 mới có hiệu lực, vậy mà chưa có hiệu lực đã sửa đổi rồi. Điều này thể hiện sự manh mún trong sửa đổi luật”.

Thậm chí, ông Cương còn hoài nghi về mục đích sửa đổi: “Việc sửa đổi lần này, theo tôi, là để đối phó với tranh cãi về cách xác định thuế tiêu thụ đặc biệt trong thời gian vừa qua và để hợp pháp hóa kết luận của Kiểm toán Nhà nước tại một số doanh nghiệp mà điển hình là tại Bia Sài Gòn (Sabeco) vừa qua”.

Cùng suy nghĩ, đại biểu Võ Thị Hồng Thoại (Bạc Liêu) “cũng rất băn khoăn khi luật sửa chưa có hiệu lực lại sửa tiếp. Tôi đi tiếp xúc cử tri người ta nói rất nhiều, người ta trách móc Quốc hội là tại sao nghiên cứu không kỹ, cứ sửa đi sửa lại.

Đặc biệt đối với các luật thuế thì tác động rất lớn đến kế hoạch sản xuất kinh doanh, tâm lý của nhà đầu tư, kinh doanh, người ta không thể yên tâm được khi mà chúng ta cứ sửa đổi thuế liên tục”.

Bà Thoại đồng ý với phân tích của ông Cương là tăng mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt thì chưa hẳn là tổng thu đã tăng, do các loại thuế khác sẽ giảm.

Theo ông Cương, “lần này tôi thấy dường như chỉ có mục đích là tăng thu cho ngân sách, rất mập mờ, có thể dẫn đến tùy tiện trong thu thuế. Các nhà làm chính sách dường như đang đi vào vòng luẩn quẩn, vì tăng thu thuế tiêu thụ đặc biệt thì làm lợi nhuận doanh nghiệp giảm đi, doanh nghiệp bị giảm lợi nhuận thì các thuế khác sẽ giảm đi, ví dụ thuế thu nhập doanh nghiệp”.

(Theo Báo Tuổi Trẻ)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục