tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Lãi suất thực đang quá cao

  • Cập nhật : 01/10/2015

(Tai chinh)

Chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp trong khi lãi suất tiết kiệm vẫn duy trì ở mức cao gây khó khăn cho doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Nhưng giảm lãi suất thực không phải là chuyện đơn giản.

 

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9-2015  tăng 0,4% so với tháng 12 năm trước, CPI bình quân 9 tháng năm 2015 so với cùng kỳ năm trước tăng 0,74%. Đây là mức tăng CPI thấp nhất trong vòng 10 năm qua tại Việt Nam.

Mặc dù CPI ở mức thấp như vậy nhưng lãi suất tiền gửi tiết kiệm tiền đồng (VND) trong hệ thống ngân hàng Việt Nam đang duy trì ở mức khá cao, lãi suất tiết kiệm 12 tháng dao động từ 6- 7%/năm tùy theo ngân hàng. Có nghĩa là lãi suất thực tiền gửi tiết kiệm đang ở mức rất cao từ 5,22% - 6,21%/năm.

Việc duy trì lãi suất thực cao như vậy đang gây khó cho nền kinh tế ở khía cạnh các dòng vốn thay vì tìm kiếm dự án đầu tư lại chảy vào ngân hàng để hưởng lợi tức cao với rủi ro gần như bằng không trong khi các doanh nghiệp đang đối mặt với khó khăn kép: tỷ suất sinh lợi trong hoạt động kinh doanh vốn ở mức thấp thì lại phải chi trả chi phí lãi vay (lãi suất thực) rất cao.

Nhưng việc giảm lãi suất thực mà không gây nên các trục trặc cho nền kinh tế không phải là chuyện đơn giản trong thời điểm hiện nay.

Lãi suất thực cao đang gây nên những hệ lụy gì?

Hiện nay, chi phí lãi vay đã trở nên quá cao trong khi tỷ suất lợi nhuận của hoạt động đầu tư vẫn ở mức thấp đã không khuyến khích hoạt động đầu tư, đặc biệt là từ khu vực tư nhân. Hệ quả là, tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm và đẩy gánh nặng thúc đẩy tăng trưởng sang khu vực đầu tư công vốn đã kém hiệu quả trong khi dư địa để mở rộng đầu tư công gần như không còn do tỷ lệ thâm hụt ngân sách lẫn nợ công đều đang ở mức cao.

Lãi suất thực cao, đặc biệt là ở các kỳ hạn ngắn, đã khuyến khích người gởi tiền tập trung vào đây trong khi nhu cầu huy động vốn kỳ hạn dài để đáp ứng nhu cầu cho vay trung dài hạn của hệ thống ngân hàng luôn cao. Điều này làm sâu sắc thêm sự mất cân đối kỳ hạn giữa huy động và cho vay vốn đã tồn tại lâu nay trong hệ thống ngân hàng thương mại của Việt Nam.

Lãi suất thực cao cũng làm cho hoạt động kinh doanh các ngân hàng khó khăn hơn và rủi ro hơn.

Giảm lãi suất thực sẽ tác động ra sao đến nền kinh tế?

Về cơ bản, để giảm lãi suất thực thì phải tăng lạm phát và/hoặc giảm lãi suất danh nghĩa. Đối với Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các công cụ chính sách để thực hiện mục tiêu này đều dẫn đến một giải pháp, đó là mở rộng tiền tệ. Tuy nhiên, mở rộng tiền tệ luôn có tác dụng phụ tiêu cực đến nền kinh tế. Điều này thể hiện ở những điểm sau:

Thứ nhất, nền kinh tế mới trải qua lạm phát cao và kéo dài, nguyên nhân chính là do chính sách tiền tệ mở rộng quá mức kết hợp với sự thiếu hiệu quả trong hoạt động đầu tư, đặc biệt là đầu tư công làm cho năng lực sản xuất không theo kịp với mức tăng của nhu cầu (do cung tiền tăng). Nếu mở rộng tiền tệ ở thời điểm hiện tại, khi mà các thách thức trên vẫn tồn tại, thì có thể đẩy mức tăng lạm phát lên nhanh hơn mục tiêu và do đó dẫn đến bất ổn vĩ mô trở nên nghiêm trọng trở lại.

Thứ hai, mở rộng tiền tệ gây áp lực phá giá VND so với USD. Trong khi đó, ổn định tỷ giá là một trong những mục tiêu hàng đầu mà NHNN đang theo đuổi bởi lẽ sự bất ổn tỷ giá sẽ tác động lớn sự ổn định nền kinh tế, làm xói mòn niềm tin đối với nhà đầu tư nước ngoài đối với việc đầu tư lâu dài tại Việt Nam.

Ngoài ra, việc phá giá VND gây ảnh hưởng đến mục tiêu thâm hụt ngân sách và tỷ lệ nợ công của chính phủ (do 46% nợ công ở Việt Nam là bằng ngoại tệ), đặc biệt khi mà tỷ lệ nợ công đã tiệm cận mức tối đa mà Quốc hội cho phép. Điều này có nghĩa là với mức độ thâm hụt ngân sách hàng năm vẫn ở mức cao như hiện nay thì bất kì động thái phá giá mạnh nào đối với VND sẽ làm cho nợ công tăng lên (tính theo VND) và điều này ảnh hưởng đến hai vấn đề quan trọng là tỷ lệ nợ công vượt “trần” nợ công theo quy định của Quốc hội là 65% GDP và do đó buộc Chính phủ phải giảm tỷ lệ thâm hụt ngân sách ngay trong năm hiện hành. Đây gần như là điều bất khả thi đối với chính phủ và bất công đối với NHNN bởi lẽ thực tế NHNN phải kiêm thêm nhiệm vụ giữ tỷ giá để “ổn định tỷ lệ nợ công của Chính phủ”.

Nên giảm lãi suất thực như thế nào?

Điều vô lý tồn tại rất lâu trong nền kinh tế VN là các khoản tiền gửi kì hạn rất ngắn dưới 6 tháng mà đặc biệt kì hạn 1 – 3 tháng có lãi suất thực dương rất cao. Trong khi thực tế đây chỉ là các khoản tiền nhàn rỗi tạm thời được đem gửi ngân hàng và do vậy, về mặt lý thuyết tài chính thì các khoản tiền này phải được hưởng lãi suất thực thấp. Do vậy, việc giảm lãi suất ngắn hạn là giải pháp hợp lý và khả thi tại thời điểm hiện tại.

Điều này có thể thực hiện bằng cách NHNN có thể mua vào các giấy tờ có giá ngắn hạn và bán ra trái phiếu với giá trị tương ứng. Việc mua bán này sẽ không làm thay đổi cung tiền và do vậy sẽ không ảnh hưởng đến lạm phát nhưng lại có tác dụng có thể ngay lập tức sẽ làm tăng lượng cung tiền kỳ hạn ngắn qua đó làm giảm lãi suất ngắn hạn, đồng thời biện pháp này làm giảm lượng vốn trung dài hạn tạm thời và do đó tăng lãi suất trung dài hạn. Lãi suất ngắn hạn giảm trong khi lãi suất trung dài hạn tăng sẽ giúp dịch chuyển khoản tiền gởi tiết kiệm "thực sự" từ kì hạn ngắn sang kì hạn dài và do đó sẽ giúp giảm lãi suất trung dài hạn trở lại.

Việc giảm lãi suất thực là giải pháp cần thiết phải làm trong thời điểm hiện tại, đặc biệt là lãi suất thực đối với nguồn vốn ngắn hạn, bởi lẽ điều này giúp làm giảm chi phí vốn đối với nền kinh tế, qua đó thúc đẩy hoạt động đầu tư để kích thích tăng trưởng. Tuy nhiên, dư địa cho việc giảm lãi suất của chính sách tiền tệ đang ở mức thấp khi mà NHNN cùng một lúc phải đạt được rất nhiều mục tiêu trái chiều nhau như kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và kích thích tăng trưởng.... do vậy, việc lựa chọn để giảm lãi suất theo từng kì hạn ngắn và dài khác nhau cũng là một lựa chọn nên được cân nhắc.

(Theo Trung tâm thông tin CN& TM Bộ Công Thương)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục