tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

10 tháng, vốn FDI giải ngân đạt 14,2 tỷ USD, tăng 11,8%

  • Cập nhật : 30/10/2017

Tính chung tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới, cấp vốn bổ sung và đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần 10 tháng đạt 28,2 tỷ USD, tăng 37,4% so với cùng kỳ năm trước; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện ước đạt 14,2 tỷ USD, tăng 11,8%.

10 thang, von fdi giai ngan dat 14,2 ty usd, tang 11,8%

10 tháng, vốn FDI giải ngân đạt 14,2 tỷ USD, tăng 11,8%

Tông cục Thống kê vừa cho biết, tính từ đầu năm đến thời điểm 20/10/2017 trên địa bàn cả nước có 2.070 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 16,3 tỷ USD, tăng 0,4% về số dự án và tăng 32,9% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016.

Bên cạnh đó, có 1.001 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 7,2 tỷ USD, tăng 35,9% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong 10 tháng năm 2017 lên 23,5 tỷ USD, tăng 33,8% so với cùng kỳ năm 2016.

Ngoài ra, trong 10 tháng năm 2017 có 4.156 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 4,7 tỷ USD. Như vậy, tính chung tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới, cấp vốn bổ sung và đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần 10 tháng đạt 28,2 tỷ USD, tăng 37,4% so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 10 tháng ước tính đạt 14,2 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2016.

Công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là lĩnh vực thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất trong 10 tháng qua với số vốn đăng ký của các dự án được cấp phép mới đạt 5,8 tỷ USD, chiếm 35,3% tổng vốn đăng ký cấp mới. Đứng thứ 2 là ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 5,6 tỷ USD, chiếm 34,5%. Các ngành còn lại đạt 4,9 tỷ USD, chiếm 30,2%.

Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước và góp vốn, mua cổ phần thì tổng vốn đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong 10 tháng năm nay đạt 13,8 tỷ USD, chiếm 48,7% tổng vốn đăng ký; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 5,6 tỷ USD, chiếm 20%; các ngành còn lại đạt 8,8 tỷ USD, chiếm 31,3%.

Trong 10 tháng năm nay, cả nước có 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới, trong đó Thanh Hóa hiện đang dẫn đầu với 3.146,8  triệu USD; tiếp đến là Nam Định với 2.129,9 triệu USD; TP.HCM 1.896 triệu USD; Kiên Giang 1.342,3 triệu USD; Bình Dương 1.260,4 triệu USD, chiếm 7,7%; Hà Nội 1.041,9 triệu USD...

Trong số 77 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 10 tháng đầu năm, Nhật Bản đang là nhà đầu tư lớn nhất với 4.970,6 triệu USD; tiếp đến là Hàn Quốc 3.501,4 triệu USD, chiếm 21,5%; Singapore 3.142 triệu USD; Trung Quốc 1.311,9 triệu USD...

Mặc dù còn nhiều ý kiến khác nhau, song không thể phủ nhận những đóng góp quan trọng của dòng vốn FDI đối với kinh tế trong nước. Chỉ tính riêng lượng vốn FDI giải ngân tăng mạnh đã góp phẩn cải thiện tích cực cán cân thanh toán trong nước.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc tỷ giá trong nước được duy trì ổn định kể từ đầu năm đến nay, đặc biệt khi đồng USD trên thị trường thế giới đang có xu hướng phục hồi khá mạnh trong thời gian gần đây, một phần cũng do nguồn cung ngoại tệ trong nước khá dồi dào, trong đó có phần đóng góp quan trọng của nguồn giải ngân vốn FDI. Nhờ đó, giúp cho NHNN tiếp tục mua vào ngoại tệ để nâng dự trữ ngoái hối quốc gia lên mức kỷ lục mới 45 tỷ USD.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đồng thuận cho rằng, để nâng cao hơn nữa hiệu quả của dòng vốn FDI, cần hạn chế những dự án đầu tư tập trung vào khai thác tài nguyên, nhân công giá rẻ; những dự án có hàm lượng công nghệ thấp, gây ô nhiễm môi trường. Thay vào đó tập trung vào những dự án có hàm lượng giá trị gia tăng cao, công nghệ hiện đại; đặc biệt cần tăng sức lan tỏa của khu vực FDI với khu vực kinh tế trong nước.

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục