tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Venezuela "sai 1 ly, đi vạn dặm"

  • Cập nhật : 30/09/2015

(The gioi)

Dựa vào mức thay đổi tỷ giá trên thị trường chợ đen, nhà kinh tế Steve Hanke cho rằng chi phí của sinh hoạt của Venezuela đang tăng với tốc độ chóng mặt 722% mỗi năm.

 

Hiện tại nền kinh tế Venezuela đang chấp chới trước bờ vực siêu lạm phát. Với số lượng ít ỏi các số liệu chính thức không đáng tin cậy được công bố lần cuối vào tháng 2 đầu năm nay, khá khó để có thể đánh giá đúng tình trạng của Venezuela lúc này.

Cơ sở tốt này để suy đoán là dựa vào diễn biến của đồng nội tệ Bolivar tại Cucuta ­ một ngôi làng biên giới của Colombia. Đây là nơi người Colombia dùng nội tệ của mình (Peso) đổi lấy đồng Bolivar của Venezuela để có thể mua nhiên liệu được trợ cấp cũng như các hàng hóa giá rẻ khác (do được trợ cấp) từ Venezuela, sau đó buôn lậu qua biên giới để tuồn hàng vào lại Colombia.

Tại đây, các giao dịch giữa 2 đồng tiền Peso và Bolivar sẽ được tính gián tiếp thông qua giá trị của đồng USD. Tuy mức tỷ giá tại đây thay đổi thất thường nhưng chúng lại cung cấp cái nhìn chân thực hơn so với mức tỷ giá chính thức được niêm yết của Venezuela.

Dựa vào mức thay đổi tỷ giá trên thị trường chợ đen này, nhà kinh tế Steve Hanke cho rằng chi phí của sinh hoạt của Venezuela đang tăng với tốc độ chóng mặt 722% mỗi năm.

Ráo riết in tiền

Mặc dù chưa chạm tới ngưỡng siêu lạm phát kỷ lục thời hậu chiến tranh thế giới thứ II tại Hungary năm 1946 (tháng 7/1946, lạm phát hàng tháng tại Hungary là 4,19 x 10^16% và hàng ngày là 207%), siêu lạm phát ở Venezuela gây tổn thất nặng nề cho người gửi tiết kiệm, cũng như những người nghỉ hưu có thu nhập là các khoản lương hưu cố định. Đồng thời nền kinh tế Venezuela cũng chịu nhiều ảnh hưởng tồi tệ.

Liệu có phải chính phủ Venezuela đang in quá nhiều tiền nên lạm phát mới tăng cao như vậy? Nhà kinh tế Milton Friedman từng nói "Lạm phát kéo dài liên tục và ở khắp mọi nơi là một hiện tượng liên quan tới cung tiền tệ. Khi có quá nhiều tiền trong lưu thông, đi kèm với tình trạng hàng hóa quá ít sẽ khiến giá cả tăng lên. Nguyên nhân của việc có quá nhiều tiền trong nền kinh tế là do chính phủ đang in và phát hành thêm tiền”.

Nhưng tại sao Chính phủ Venezuela phải in thêm nhiều tiền? Câu trả lời là Seigniorage, hay còn gọi là thuế lạm phát. Đây là từ dùng để chỉ khoản lợi nhuận mà một chính phủ có được khi in tiền giấy và đúc tiền xu. Lợi nhuận này có được do chi phí phát hành tiền của NHTW gần như bằng 0 trong khi các ngân hàng thương mại phải trả một mức lãi suất nhất định để tiếp cận cung tiền mới.

Nhìn chung khoản lợi nhuận này không đáng kể. Tuy nhiên, một phân tích của Fed năm 1992 cho thấy thuế lạm phát đóng góp khoảng 1,6% chi phí thực của ngân sách liên bang. Mỹ được hưởng khoản lợi nhuận lớn bất thường do cầu USD là rất lớn.

Các chính phủ có thể cố gắng gia khoản thu được từ "thuế lạm phát" bằng cách bơm tiền không công khai vào nền kinh tế. Về cơ bản, chính phủ lợi dụng sự bất cân đối trong việc nắm bắt thông tin giữa họ và người dân: Chính phủ biết chính xác có bao nhiêu tiền trong nền kinh tế, còn người dân thì không. Vì vậy, người dân có thể sẽ không biết rằng tiền trong lưu thông đang tăng lên, do đó làm phát sẽ chưa được hình thành ngay lập tức.

Nhưng đây là một cách kiếm tiền đầy rủi ro, đó là lý do tại sao các chính phủ thường không dùng đến thủ thuật này như một biện pháp thường xuyên để tăng chi tiêu cho chính phủ. Kỳ vọng lạm phát trong nền kinh tế đó sẽ tăng nhanh chóng, và sau đó chính phủ lại phải in thêm tiền để chạy theo đáp ứng nhu cầu tiền mặt của thị trường khi mà giá cả, mọi chi phí đều tăng cao.

Điều này không quá phức tạp và khó hiểu và chắc chắn nhiều nhà phân tích chính sách tỉnh táo trong chính phủ Venezuela cũng biết. Nhưng tại sao Venezuela lại lâm vào con đường này?

Một phần của câu trả lời là trong những ngày đầu, lạm phát giúp cho chính phủ kiếm được thêm một ít tiền, và thời điểm mà chính phủ Venezuela bắt đầu bị mất dần nguồn thu này cũng là thời điểm con tàu lạm phát đang lao đi với vận tốc chết người khi có vật cản phía trước. Và chỉ còn 2 sự lựa chọn là dừng lại ngay lập tức và giết chết tất cả mọi người do tàu chệch bánh hoặc là lao thẳng vào vật cản phía trước. 2 kết cục như nhau, chỉ khác ở thời điểm.

Lối thoát nào cho Venezuela?

Lạm phát phi mã có thể đặt dấu chấm hết của tư tưởng phát triển của Cố tổng thống Hugo Chavez. Trong khoảng một thập kỷ, ông đã chuyển hướng các quỹ đầu tư cần thiết vốn được dùng để duy trì sản lượng dầu mỏ của Venezuela sang chi tiêu cho phúc lợi xã hội. Mặc dù công bằng mà nói chính sách này đã giúp cải thiện cuộc sống của một nhóm người cực nghèo nhưng xét về tổng thể thì đây là một sự phân bổ lãng phí và không hiệu quả về mặt kinh tế, phát triển trong dài hạn.

Tuy nhiên điều đáng nói là số tiền này chủ yếu đến từ dầu thô. Chi phí khai thác và chiết xuất dầu của Venezuela ở mức khá cao, do đó cần nhiều đầu tư để giữ mức sản lượng dầu đầu ra ổn định. Miễn là giá dầucao thì chính sách này sẽ không quá tốn kém bởi vì sản lượng gia tăng sẽ bù đắp tổn thất trong sản xuất.

Từ năm 1996 đến 2001, Venezuela đã sản xuất hơn 3 triệu thùng dầu 1 ngày. Còn hiện nay sản lượng đang là 2,7 triệu thùng 1 ngày. Thực tế thì, giá của một thùng dầu hiện nay rõ ràng cao hơn giá vào thời điểm tháng 8/2000, nhưng Venezuela lại sản xuất ít hơn khoảng 700 nghìn thùng/ngày so với thời điểm đó.

Các chính sách của chính phủ trông có vẻ rất hoàn hảo khi nền kinh tế trên đà đi lên, vừa tạo thêm thu nhập từ dầu mỏ vừa tăng phúc lợi xã hội. Tuy nhiên tình hình cực kỳ tệ hại khi giá dầu lao dốc cộng với việc sản lượng khai thác dầu cũng giảm.

Điều này đã được nhiều chuyên gia dự đoán ngay khi giá dầu lao dốc hoặc trước đó. Nhưng chính phủ Venezuela hoặc là đã không lắng nghe những dự đoán hoặc là không tin vào những dự đoán này. Hiện nay giá dầu giảm mạnh đang nghiền nát nguồn thu chính của Venezuela đúng lúc nước này cần nhiều tiền nhất. Ban đầu, in tiền có vẻ là một lựa chọn tốt, nhưng qua thời gian, rõ ràng Venezuela sẽ không thể trốn khỏi lạm phát.

(Theo CafeF)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục