tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 01-08-2017

  • Cập nhật : 01/08/2017

Starbucks cược đậm vào thị trường Trung Quốc

Chuỗi cà phê lớn nhất thế giới Starbucks sắp sở hữu toàn bộ các cửa hàng tại Trung Quốc sau khi đồng ý mua lại đối tác liên doanh với giá 1,3 tỉ USD.

logo starbucks o bac kinh anh: reuters

Logo Starbucks ở Bắc Kinh ẢNH: REUTERS

Russia Today cho hay thương vụ này là đợt mua lại lớn nhất của doanh nghiệp. Starbucks đã có mặt tại 130 thành phố Trung Quốc và sắp sở hữu hoàn toàn 1.500 cửa hàng.

Thỏa thuận mới sẽ giúp Starbucks có quyền sở hữu khoảng 1.300 chi nhánh ở Thượng Hải, Giang Tô và Chiết Giang. Theo CEO Starbucks Kevin Johnson, thỏa thuận là một phần trong “trò chơi lâu dài” tại thị trường tăng trưởng nhanh nhất ngoài Mỹ của Starbucks.

“Cơ hội tăng trưởng của Starbucks ở Trung Quốc là vô song. Chúng tôi chỉ mới bắt đầu”, ông Johnson nói với hãng tin Reuters. Công ty có kế hoạch mở rộng hơn 5.000 chi nhánh ở Đại lục đến năm 2021. Chỉ trong thành phố Thượng Hải đã có 600 cửa hàng. Đây là thành phố có số lượng chi nhánh Starbucks lớn nhất thế giới.

Thông báo mua lại đến giữa lúc hãng công bố thu nhập ròng hạ 8,3% xuống 691,6 triệu USD trong quý kinh doanh kết thúc vào ngày 2.7. Starbucks hiện chật vật với đà giảm trong ngành bán lẻ Mỹ vì nhiều người tiêu dùng chuyển sang mua sắm trực tuyến hoặc mua sắm từ cửa hàng tiện lợi hay những nơi bán hộp đồ ăn sẵn.

Doanh số tại Mỹ của Starbucks tăng 5% trong khi tại Trung Quốc tăng 7% trong quý vừa qua. Giới phân tích cắt giảm lợi nhuận ròng cả năm trên mỗi cổ phiếu của hãng xuống từ 2,06 - 2,10 USD còn 1,96 - 1,97 USD. Hãng cũng công bố kế hoạch đóng cửa toàn bộ 379 cửa hàng trà Teavana vào giữa năm sau vì chúng liên tiếp hoạt động kém hiệu quả. Thương hiệu Teavana sẽ tiếp tục được bán tại các cửa hàng Starbucks.(Thanhnien)
-------------------------

Quỹ Tiền tệ Quốc tế: USD được định giá quá cao

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết đồng USD đã được định giá quá cao, khoảng từ 10% đến 20%, so với các nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế Mỹ trong thời gian gần đây.

Báo cáo về kinh tế đối ngoại của IMF, một đánh giá hằng năm về tiền tệ, thặng dư và thâm hụt thương mại của các nền kinh tế, cho thấy thâm hụt tài khoản vãng lai bên ngoài ngày càng tập trung cao ở một số nền kinh tế tiên tiến như Mỹ, Anh. Trong khi đó thặng dư của Trung Quốc và Đức vẫn duy trì ở mức độ ổn định.

Theo đánh giá của IMF, sự tăng giá của đồng USD trong thời gian qua phần lớn nhờ vào kỳ vọng về gói kích thích tài chính từ chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump và chính sách tiền tệ lỏng lẻo ở khu vực đồng euro. Nhưng cho đến nay chỉ số đồng USD, trong tương quan đo lường với các đồng tiền chính khác, đã giảm hơn 8%, mức xấu nhất kể từ năm 2002.

Cũng giống như đồng USD, đồng bảng Anh đang được đánh giá cao hơn 15% so với các nguyên tắc cơ bản trong bối cảnh mối quan hệ thương mại của Anh và Liên minh châu Âu (EU) sau Brexit (Anh rời EU) ngày càng không chắc chắn. Trong khi đó, đồng euro, đồng peso của Mexico và đồng won của Hàn Quốc đều bị đánh giá thấp khoảng từ 5 - 15% so với các nguyên tắc cơ bản của họ.

Theo Channel News Asia, IMF đã khuyến nghị nhà chức trách Mỹ nên có những động thái cụ thể để thu hẹp mức thâm hụt tài khoản vãng lai vẫn còn đang quá lớn, ví dụ như giảm thâm hụt ngân sách liên bang, vượt qua những cải cách cơ cấu để tăng tỷ lệ tiết kiệm cũng như nâng cao năng suất nền kinh tế.

“Điều quan trọng là phải giải quyết sự mất cân bằng. Nếu tình trạng này không được giải quyết một cách hợp lý thông qua các chính sách đúng đắn, đồng USD có thể vấp phải phản ứng dữ dội với những cáo buộc có liên quan đến bảo hộ kinh tế”, ông Luis Cubeddu, Trưởng phòng nghiên cứu của IMF, nhận định.

Ông Cubeddu cũng nói rằng sự tồn tại thặng dư tài khoản vãng lai ở các nước xuất khẩu như Trung Quốc và sự tăng trưởng các khoản thâm hụt ở các nước như Mỹ đang phần nào phản ánh tình trạng tổ chức tiền tệ cứng nhắc, mạng lưới an sinh xã hội không đầy đủ, môi trường đầu tư còn gặp nhiều rào cản. Tất cả những vấn đề này nhiều khả năng đều sẽ không tự động được giải quyết.

Theo IMF, mặc dù nhân dân tệ của Trung Quốc được đánh giá khá phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của đất nước, nhưng mô hình của IMF lại cho thấy khác biệt lớn với mức chênh lệch tăng - giảm đến 10% do sự không chắc chắn về các triển vọng chính sách của Bắc Kinh.(Thanhnien)
---------------------------------

Qatar mất hơn 10 tỷ USD trong tháng 6

Dự trữ quốc tế của Ngân hàng trung ương Qatar đã giảm 10,4 tỷ USD trong tháng 6, xuống 24,4 tỷ USD do các lệnh trừng phạt kinh tế của các nước Arab. Đây là con số thấp nhất 5 năm.

Các số liệu công bố hôm qua cũng cho thấy tiền gửi bằng ngoại tệ tại các ngân hàng Qatar đã giảm mạnh nhất gần 2 năm vào tháng trước. Nhiều nhà băng và quỹ đầu tư đã rút tiền khỏi Qatar, gây áp lực lên thanh khoản.

Việc này đã khiến ngân hàng trung ương phải dùng tiền dự trữ để “giảm thiếu hụt và duy trì tỷ giá giữa đồng riyal và đôla. Tuy nhiên, mức giảm này không đến mức báo động. Nguyên nhân là Qatar còn các tài sản nước ngoài trong quỹ đầu tư quốc gia”, Mohamed Abu Basha - nhà kinh tế học tại ngân hàng EFG-Hermes nhận xét.

Nước này hiện sở hữu một trong những quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất thế giới, với nhiều bất động sản thanh khoản cao trên toàn cầu. Số tài sản có thể bù đắp cho dự trữ của ngân hàng trung ương nếu giới chức thấy cần thiết. Sự tẩy chay của các nước láng giềng cũng vẫn chưa ảnh hưởng đến xuất khẩu khí hóa lỏng tự nhiên của nước này.

Dù vậy, việc bị cô lập đã khiến Qatar phải mở thêm nhiều tuyến thương mại mới, đắt đỏ hơn để nhập khẩu lương thực, vật liệu xây dựng và máy móc. Nhập khẩu của nước này tháng 6 đã giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Việc gián đoạn các tuyến thương mại sẽ gây áp lực lên khu vực tăng trưởng không dựa vào dầu mỏ. Mà tốc độ khu vực này đang chậm lại. Các tuyến thương mại mới có thể tác động lên tăng trưởng và tài chính công”, Abu Basha cho biết.

Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập đã cắt đứt quan hệ ngoại giao và vận tải với Qatar từ ngày 5/6. Các nước này cáo buộc Qatar ủng hộ chủ nghĩa khủng bố và Israel. Qatar bác bỏ mọi cáo buộc, đồng thời tuyên bố không chấp nhận các điều kiện để nối lại quan hệ ngoại giao.(Vnexpress)
---------------------------

Ác mộng ở Venezuela của hàng loạt công ty Mỹ

Lợi nhuận doanh nghiệp Mỹ sụt giảm theo tiền tệ Venezuela và ngày càng có nhiều công ty tháo chạy.

Theo CNN, Venezuela đã và đang trải qua bốn năm khủng hoảng kinh tế song các doanh nghiệp Mỹ dù cố gắng vẫn không thể thoát khỏi nước này đủ nhanh.

Tuần trước, Delta Air Lines thông báo họ sẽ ngừng các chuyến bay đến thủ đô Caracas của quốc gia Mỹ Latin từ tháng 9 vì lý do bất ổn. Chuyến bay cuối cùng từ Venezuela của United Airlines rời đi từ đầu tháng 7. Hãng General Motors thì ngừng hoạt động từ tháng 5, sau khi chính quyền Venezuela tịch thu nhà máy. Ford ngừng hoạt động vào tháng 12.2016 song hoạt động lại từ tháng 7.

Vì tình hình hỗn loạn và lỏng lẻo ở Venezuela, việc xác định chính xác hãng nào còn kinh doanh ở đây là khó khăn. Những doanh nghiệp tiếp tục hoạt động hoặc quảng bá thương hiệu tại Venezuela phải đối mặt với tác động xấu từ nhiều vấn đề khó khăn của đất nước.

Pepsi vẫn được bán tại các cửa hàng và nhà hàng, song hãng này đã ngừng hoạt động tại đây từ tháng 10.2015, chịu lỗ 1,4 tỉ USD. Dù còn xuất hiện ở Venezuela, hãng Pepsi vẫn không tính doanh số ở nước này. General Mills cũng gặp tình huống tương tự khi dân Venezuela vẫn dùng sản phẩm Cheerios song hãng ngũ cốc không còn quan tâm đến tình hình lợi nhuận tại đây.

mot chi nhanh mcdonald's thua vang tai thu do caracasanh: reuters

Một chi nhánh McDonald's thưa vắng tại thủ đô CaracasẢNH: REUTERS

Bridgestone rời Venezuela năm ngoái, Colgate, Kimberly Clark và Mondelez cũng cắt giảm quan hệ kinh doanh tại nước này trong những năm gần đây. Hệ thống nhà hàng McDonald’s ở Venezuela được vận hành bởi hãng được nhượng quyền Arcos Dorados. Các cửa hàng này không được tính vào doanh thu chung của McDonald’s.

Tháng 1.2015, hệ thống nhà hàng McDonald’s ở Venezuela từng tạm thời hết khoai tây chiên. Năm ngoái, họ phải tạm ngừng bán Big Mac vì không tìm đủ nguồn cung bánh. Coca-Cola thì được bán ở Venezuela qua một doanh nghiệp riêng biệt: hãng Coca-Cola FEMSA của Mexico. Năm 2016, hãng tạm thời dừng hoạt động vì thiếu đường.

American Airlines vẫn có các chuyến bay từ Miami (Mỹ) đến Venezuela song cùng với Delta, United và nhiều hãng hàng không Mỹ khác, công ty này đang cố gắng thu hồi 3,8 tỉ USD lợi nhuận bị chính phủ Venezuela tịch thu, theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA).

Hãng khoan dầu Halliburton vẫn vận hành một số giàn khoan tại Venezuela, song đã cắt giảm sản xuất vì hàng triệu USD phía công ty dầu khí quốc doanh Venezuela PDVSA chưa thanh toán được. Tuần trước, Halliburton cho hay họ mất 262 triệu USD trong quý 2/2017 vì hoạt động ở Venezuela.

Chevron có quan hệ đối tác với PDVSA thông qua hãng Petropiar song PDVSA vẫn còn nhiều khoản nợ không trả được. Vì vậy, hãng bán 10% cổ phần trong Petropiar cho hãng dầu khí quốc doanh Nga Rosneft trong tháng 3. ExxonMobil thì đã và đang trong cuộc chiến pháp lý với PDVSA nhiều năm qua vì bất động sản bị chính phủ Venezuela tịch thu năm 2007.(Thanhnien)

Trở về

Bài cùng chuyên mục