Một trong những nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính năm 2007-2008 là việc tích tụ nợ của quốc gia, doanh nghiệp và hộ gia đình.
Vay USD, doanh nghiệp Trung Quốc “lĩnh đòn” vì Nhân dân tệ
- Cập nhật : 18/08/2015
(Tai chinh)
Việc đồng Nhân dân tệ bất ngờ bị phá giá mấy ngày qua có thể sẽ khiến doanh nghiệp Trung Quốc thiệt hại nhiều tỷ USD trong bối cảnh nợ nần chồng chất và nền kinh tế giảm tốc.
Nhân dân tệ bị phá giá sâu khiến các doanh nghiệp Trung Quốc vay nợ bằng ngoại tệ sẽ phải mất nhiều tiền hơn để đổi sang tiền nước ngoài phục vụ cho việc trả nợ.
Theo tờ Wall Street Journal, mấy năm qua, lãi suất toàn cầu ở mức siêu thấp và tình trạng thắt chặt cho vay trong nước đã thúc đẩy nhiều doanh nghiệp Trung Quốc ra nước ngoài vay vốn để được hưởng mức lãi suất“mềm” hơn.
Từ năm 2010, các công ty Trung Quốc, từ các tập đoàn dầu lửa quốc doanh khổng lồ cho tới các công ty địa ốc khát vốn, đã đua nhau vay nợ bằng đồng USD. Khi đồng Nhân dân tệ tăng giá, gánh nặng nợ nần đối với những con nợ này vơi bớt.
Nhưng giờ đây, sau khi đồng Nhân dân tệ bị phá giá liên tục trong 3 ngày, khiến các doanh nghiệp Trung Quốc vay nợ bằng ngoại tệ sẽ phải mất nhiều tiền hơn để đổi sang tiền nước ngoài phục vụ cho việc trả nợ.
Thực tế “đau thương” này sẽ gây sức ép lên kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp Trung Quốc. Hầu hết các công ty Trung Quốc đều không có sự phòng hộ cho các khoản vay bằng USD.
Dữ liệu từ hãng nghiên cứu Dealogic cho thấy, tổng dư nợ USD của các công ty Trung Quốc, bao gồm nợ trái phiếu và các khoản vay, hiện ở mức 367,7 tỷ USD. Trong vòng 5 năm tính đến hết năm 2014, lượng trái phiếu USD phát hành mới của các doanh nghiệp Trung Quốc tăng 5 lần lên 135 tỷ USD.
Nợ ngoài tệ của doanh nghiệp Trung Quốc mới chỉ tương đương một phần nhỏ so với thị trường nợ nội địa quy mô 18 nghìn tỷ của nước này. Tuy vậy, việc đồng Nhân dân tệ bị phá giá tổng cộng 4,6% trong 3 ngày đã khiến “hóa đơn” nợ ngoại tệ của các công ty Trung Quốc tăng thêm 11 tỷ USD.
Xu hướng này đáng lo ngại nhất ở các công ty có điểm tín nhiệm dưới mức khuyến nghị đầu tư - những doanh nghiệp mà nợ do họ phát hành bị gọi là trái phiếu “rác” (junk bond) - với năng lực tài chính yếu hơn.
Trong số này, các công ty địa ốc là đối tượng vay nợ mạnh nhất ở thị trường nước ngoài.
Để hạ sốt bất động sản, cho tới tận thời gian gần đây, Bắc Kinh đã cấm nhiều công ty địa ốc huy động vốn tại thị trường trong nước, hoặc chỉ được vay với lãi suất cao, buộc các doanh nghiệp này phải tìm nguồn vốn ở nước ngoài.
Hiện dư nợ trái phiếu USD trong bảng cân đối kế toán của các doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc ở mức 62,5 tỷ USD.
Công ty địa ốc Glorious Property Holdings có trụ sở ở Thượng Hải là một ví dụ. Công ty này sẽ tới hạn phải thanh toán 300 triệu USD nợ trái phiếu vào tháng 10 năm nay. Mức giảm 3% của tỷ giá Nhân dân tệ đồng nghĩa với công ty này phải mất thêm 57 triệu Nhân dân tệ, tương đương 8,9 triệu USD, để trả nợ.
Khi Nhân dân tệ giảm giá, những doanh nghiệp Trung Quốc có tỷ lệ nợ ngoại tệ cao đối mặt nguy cơ bị đánh tụt điểm tín nhiệm. Với điểm tín nhiệm sụt giảm, các công ty này sẽ phải trả mức lãi suất cao hơn cho những đợt huy động vốn tiếp theo, thậm chí lâm cảnh vỡ nợ vì không vay được vốn mới để thanh toán nợ cũ.
Nhiều chuyên gia phân tích đã cắt giảm dự báo tỷ giá đồng Nhân dân tệ. Ngân hàng Pháp Societe Generale dự báo đồng USD sẽ tăng giá lên mức 6,6 Nhân dân tệ/USD vào cuối năm nay, đồng nghĩa với việc Nhân dân tệ sẽ mất giá thêm khoảng 3% so với tỷ giá hiện tại là xấp xỉ 6,4 Nhân dân tệ/USD.
Country Garden, một doanh nghiệp bất động sản lớn ở Quảng Châu cho biết có thể báo lỗ 1,1 tỷ Nhân dân tệ nếu đồng Nhân dân tệ mất giá 5% so với đồng USD. Công ty này không hề có sự phòng hộ nào về tỷ giá.
Một lý do khiến hầu như không một doanh nghiệp địa ốc Trung Quốc nào phòng hộ tỷ giá là do họ quá tin tưởng vào đồng Nhân dân tệ.
Đồng tiền này đã liên tục tăng giá trong nhiều năm, và trước đợt phá giá vừa rồi, các doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc tin là sự tăng giá này sẽ tiếp tục. Nhưng họ đã nhầm!