tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

“Tha” nợ có là giải pháp tạm thời cho kinh tế thế giới?

  • Cập nhật : 17/06/2016

Về lý thuyết, có một số cách có thể làm giảm những lo ngại từ việc huy động vốn thông qua phát hành nợ. Thứ nhất là giảm chi phí đi vay. Thứ hai là trả hết nợ. Thứ ba là phát triển theo hướng không phụ thuộc vào các khoản nợ. Và thứ tư là xóa nợ. 

Nợ ngày càng tăng cao

Ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng chính sách tiền tệ (CSTT) đang dần mất đi sức mạnh trong việc giải quyết các vấn đề của kinh tế thế giới. Điều này có thể gây hiểu lầm.

Cách nhìn nhận chính xác hơn là việc gia tăng nới lỏng CSTT đang khiến hiệu lực chính sách giảm dần, thậm chí đôi khi là mang lại tác dụng ngược. Bởi thế, các NHTW và các chính phủ có lẽ cần phải tiến hành các giải pháp phi truyền thống mạnh hơn nữa để đảo ngược xu thế này.

tien hanh cac giai phap phi truyen thong manh hon co the giup dao nguoc xu the tang truong kinh te cham hien nay

Tiến hành các giải pháp phi truyền thống mạnh hơn có thể giúp đảo ngược xu thế tăng trưởng kinh tế chậm hiện nay

Trong quá trình phục hồi từ đợt suy thoái dài nhất kể từ cuộc Đại suy thoái, kinh tế thế giới đã trải qua nhiều biến động. Trong đó, các NHTW tại các nước phát triển đã chuyển từ việc giảm lãi suất – giảm dần về mức 0% - sang đưa ra định hướng chính sách với cam kết sẽ giữ lãi suất ở mức thấp trong một thời gian dài để mua vào trái phiếu mà rốt cuộc là đưa lãi suất về mức âm. Khu vực đồng Euro, Nhật Bản và một số nước thuộc khu vực Scandinavia là những minh chứng điển hình.

Nhưng một vấn đề đặt ra là mức tăng trưởng và nhu cầu không đủ. Mặc dù các nền kinh tế phát triển đã phần nào hồi phục sau suy thoái nhưng họ vẫn chưa thể đưa tốc độ tăng trưởng về lại mức như trước thời kỳ khủng hoảng.

Điều này cũng không có gì đáng ngạc nhiên vì nợ là nguồn tài chính chủ yếu giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong suốt 40 năm qua trước khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 bùng phát. Các nền kinh tế mới nổi có đi ngược lại được xu hướng này trong một thời gian, với sự hỗ trợ của sự tăng trưởng dường như không có điểm dừng của Trung Quốc.

Tuy nhiên, sau cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua, nguồn tài chính cho sự tăng trưởng mạnh mẽ của Trung Quốc cũng ngày càng phụ thuộc vào việc phát hành nợ, và hệ lụy của các nỗ lực để giảm nợ đó là tốc độ tăng trưởng tại Trung Quốc và các thị trường đang nổi cũng bị chậm lại.

Khi còn nhỏ, chúng ta được dạy rằng chúng ta không thể cứ mãi chi tiêu vượt quá khả năng của mình và chính chúng ta sẽ phải đối mặt với những hậu quả mà chúng ta gây ra. Điều này cũng đúng ở tầm các quốc gia và nền kinh tế. Với mức nợ đang ở mức rất cao trên toàn cầu và đang tiếp tục gia tăng, nền kinh tế thế giới có thể sẽ tiếp tục chứng kiến tốc độ tăng trưởng chậm chạp, ít nhất là trong vài năm tới.

“Tha” nợ có thể là giải pháp cần tính tới

Vậy, chúng ta sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào? Về lý thuyết, có một số cách có thể làm giảm những lo ngại từ việc huy động vốn thông qua phát hành nợ. Thứ nhất là giảm chi phí đi vay. Thứ hai là trả hết nợ. Thứ ba là phát triển theo hướng không phụ thuộc vào các khoản nợ. Và thứ tư là xóa nợ.

Nhưng trong mỗi phương án nêu trên đều có những vấn đề đi kèm. Như đối với phương án đầu tiên, khi lãi suất đã ở mức quá thấp thì rất khó để có thể giảm chi phí đi vay hơn nữa.

Với phương án thứ hai, nếu cố gắng trả hết các khoản nợ sẽ làm giảm chi tiêu và đầu tư, làm suy yếu nhu cầu, doanh thu của DN và tăng trưởng kinh tế. Điều này có thể dẫn đến những tác động tiêu cực, đặc biệt nếu giảm phát xảy ra (hoặc giá cả sụt giảm) sẽ khiến gia tăng gánh nặng nợ cho bên đi vay.

Phương án thứ ba, thông qua quá trình tăng trưởng mạnh mẽ hơn rõ ràng là cách tối ưu. Nhưng làm sao để có được mức tăng trưởng danh nghĩa (tăng trưởng thực cộng với lạm phát) là một vấn đề bởi khi mức nợ đang có đã ở mức cao sẽ khiến cho điều này khó có thể đạt đạt được.

Như đề cập ở trên, mặc cho những động thái mạnh mẽ chưa từng có tiền lệ về tiền tệ, tăng trưởng toàn cầu tiếp tục duy trì ở mức thấp và lạm phát cũng èo uột. Có thể tình hình sẽ thay đổi, đặc biệt nếu các chính phủ gia tăng chi tiêu.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bất cứ sự kích cầu chính sách tài khóa nào đều có thể tạo ra tăng trưởng hoặc lạm phát. Trên thực tế, cách này có thể đặt gánh nặng lên nền kinh tế với việc tạo ra nhiều nợ hơn, qua đó đưa vấn đề trở về như cũ…

Những phân tích đó đưa chúng ta tới sự lựa chọn cuối cùng – xóa nợ. Trong lịch sử, phương án này được thực hiện bằng cách các chính phủ thông báo không thể thực hiện các nghĩa vụ trả nợ (vỡ nợ). Argentina và Ai cập đã từng là những quốc gia vỡ nợ và hậu quả của việc này đối với nền kinh tế thì hẳn ai cũng đều thấy rõ. 

Nhưng có một phương án nữa đang được chú ý đến dù đến nay chưa được xem xét một cách nghiêm túc, đó là việc “tha” nợ, thay vì vỡ nợ. Điều này nghe có vẻ điên rồ bởi liệu có ai cho vay rồi sau đó nói với người đi vay rằng bạn không cần trả món nợ đó nữa?

Nhưng nếu chúng ta đặt mình vào vị trí người chủ nợ thì phương án này lại có tính thực tế hơn. Sau nhiều năm các nền kinh tế phát triển thực hiện việc nới lỏng định lượng đã tạo ra số lượng đáng kể các khoản nợ chính phủ mà chủ sở hữu là các NHTW.

Đây là những cơ quan, về lý thuyết, có quyền tiếp cận vô hạn với nguồn tiền (thông qua việc kiểm soát quyền in tiền). Điều gì ngăn cản các NHTW xóa đi khoản nợ mà họ sở hữu?

Trên thực tế, có những sự ràng buộc mạnh mẽ bởi đây là việc không chấp nhận được về mặt chính trị và có những lo ngại rằng làm như vậy sẽ làm bùng phát lạm phát và biến tình hình trở nên không thể kiểm soát được. Việc in thêm tiền để bù đắp thâm hụt ngân sách hiếm khi mang lại kết quả tích cực (như trình trạng đã xảy ra tại Zimbabwe).

Tuy nhiên, đôi khi rủi ro từ việc hành động như vậy (siêu lạm phát, hay ít nhất là lạm phát cao) sẽ ít hơn so với rủi ro từ việc không hành động gì (trong bối cảnh kinh tế suy giảm). Tựu chung lại, các NHTW sở hữu các công cụ để chống lại lạm phát hiệu quả hơn là giảm phát.

Cho đến nay chưa có NHTW nào xem xét một cách nghiêm túc phương án đó. Nhật Bản có thể coi là ví dụ rõ ràng nhất – nền kinh tế Nhật và tình trạng lạm phát hiện chưa đi vào ổn định và đồng Yên đang tăng giá dù nhiều gói kích thích tiền tệ đã được tung ra.

Liệu việc mua vào thêm nhiều trái phiếu (và cổ phiếu) hay giảm lãi suất sâu hơn nữa sẽ giúp cải thiện tình hình? Chưa hẳn điều đó sẽ xảy ra. Tuy nhiên, nếu NHTW Nhật Bản xóa đi một lượng lớn nợ chính phủ, nó sẽ xóa bỏ sự cần thiết của việc củng cố tài khóa và gỡ bỏ cái phanh đang kìm hãm nền kinh tế.

Tuy nhiên, về dài hạn, còn có nhiều sự ràng buộc khác cũng cần được giải quyết. Cải cách kinh tế là điều cần thiết để qua đó cải thiện năng suất, giảm sự bất bình đẳng và gia tăng nhu cầu hàng hóa và dịch vụ trên toàn cầu. Đây chính là câu trả lời cho các vấn đề của kinh tế toàn cầu.

Nhưng trong lúc cải cách như vậy cần có thời gian thì việc xóa nợ có thể mang lại không gian đáng kể cho các cơ quan chức năng thực hiện các giải pháp sáng tạo nhằm tăng cường tính hiệu quả của nguồn cung và vực dậy tăng trưởng kinh tế toàn cầu.


Steve Brice, Trưởng nhóm nghiên cứu về chiến lược đầu tư, Ngân hàng Standard Chartered
(Thời báo Ngân hàng)

Trở về

Bài cùng chuyên mục