tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Phát hành trái phiếu doanh nghiệp: Lợi cả ngân hàng và doanh nghiệp

  • Cập nhật : 17/06/2016

Trái phiếu DN phát triển có ý nghĩa rất quan trọng đối với thị trường vốn và giúp giảm sức ép vốn đối với hệ thống NH.

Theo thống kê của Bộ Tài chính, trong năm 2015, có 42.769 tỷ đồng trái phiếu DN được phát hành, giảm 11% so với năm trước. Năm 2016 được dự báo, kinh tế có sự cải thiện hơn nên dù không có đột phá, nhưng trái phiếu DN vẫn được kỳ vọng sẽ khởi sắc hơn. Trái phiếu DN phát triển có ý nghĩa rất quan trọng đối với thị trường vốn và giúp giảm sức ép vốn đối với hệ thống NH.

Trái phiếu DN chưa có bứt phá

Bản thỏa thuận hợp tác phát hành trái phiếu mới đây của OCB và CTCP Đường Biên Hòa (mã CP: BHS) đang thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư. Tuy tổng vốn gọi đầu tư đợt phát hành trái phiếu lần này của BHS trị giá 500 tỷ đồng không phải là quá lớn, nhưng đây là lần đầu tiên trong lịch sử DN này thực hiện phát hành trái phiếu.

Những tháng đầu năm thị trường trái phiếu DN sôi động hơn với nhiều thương vụ phát hành trái phiếu giá trị lớn như CTCP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (TTCS) phát hành 1000 tỷ đồng trái phiếu được TPBank và VIB mua với giá trị lần lượt 600 tỷ đồng và 400 tỷ đồng. CTCK Rồng Việt, dự kiến huy động 300 tỷ đồng trái phiếu thường; CTCP Đầu tư và Sản xuất Thống Nhất dự kiến phát hành 800 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi… Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế nhận định, số lượng trái phiếu DN phát hành vẫn khá khiêm tốn.

de thuc day su phat trien thi truong trai phieu dn, can phai co mot cong ty uy tin xep hang tin nhiem cac dn

Để thúc đẩy sự phát triển thị trường trái phiếu DN, cần phải có một công ty uy tín xếp hạng tín nhiệm các DN

Một trong những yếu tố mà các DN thường ngại phát hành trái phiếu vì lãi suất cao hơn. Nhưng việc phát hành trái phiếu DN cho NH thì DN được hưởng lợi khá nhiều. DN sẽ được giải ngân ngay và toàn bộ thay vì việc giải ngân có lộ trình, từng đợt như khi đi vay vốn NH giúp họ chủ động hơn trong sử dụng vốn. Với một số trường hợp, đặc biệt là khi lãi suất thấp, DN có thể phát hành trái phiếu kỳ hạn dài với lãi suất cố định để tận dụng nguồn vốn với chi phí thấp. Trong khi đối với hình thức đi vay NH thông thường, lãi suất cho vay trung, dài hạn thường là thả nổi và sẽ được rà soát, thay đổi định kỳ.

Tất nhiên không phải là phương án kinh doanh nào cũng phù hợp với phát hành trái phiếu. Giả dụ, trường hợp DN chỉ cần giải ngân vốn từ từ theo tiến độ dự án, và họ chờ nguồn thu rải đều các năm để trả nợ thì phù hợp với vay vốn trực tiếp NH hơn. Do đó, nếu chỉ căn cứ vào lãi suất để so sánh, quyết định phát hành trái phiếu DN hay đi vay NH là chưa chính xác. Vấn đề quan trọng là DN sẽ lựa chọn hình thức huy động vốn phù hợp với nhu cầu, phương án kinh doanh của mình tại thời điểm cần vốn sử dụng.

Lấy ví dụ đợt phát hành trái phiếu năm 2016 mới đây của ACB. Mức lãi suất NH này đưa ra khá cao 8,5%/năm đối với hình thức trả lãi hàng năm và 8,2%/năm đối với trả lãi theo quý. Cơ sở để ACB đưa mức lãi suất trên được Phó tổng giám đốc ACB Nguyễn Thanh Toại cho biết: Thị trường đang cần một mặt bằng lãi suất hợp lý để phát hành thành công. Nếu thấp hơn sẽ không bán được, và chúng tôi không thực hiện được mục tiêu mình đề ra. Với đợt phát hành trái phiếu đầu tiên của NH này, ACB bán thành công 800 tỷ đồng trái phiếu.

Vì sao NH tăng mua và phát hành trái phiếu?

Lý giải vì sao chọn mua trái phiếu của BHS, Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng cho biết, BHS là một DN tốt. Tại sao OCB lại không cho BHS vay trực tiếp mà lại thông qua công cụ trái phiếu? Xét về độ rủi ro tín dụng thì hai loại đầu tư này như nhau. Ông Tùng giải thích: trái phiếu DN năng động hơn các khoản vay bình thường. Với các khoản vay tín dụng bình thường, khi NH có nhu cầu vốn khác, thì phải đợi đến thời gian đáo hạn khoản vay, nếu khách hàng khó khăn phải sát sao đôn đốc thu nợ.

Trong trường hợp khách hàng không có khả năng trả nợ thì phải bán nợ, thủ tục phức tạp. Trong khi đó, NH hoàn toàn có thể mang trái phiếu DN ra thị trường thứ cấp để giao dịch, chuyển nhượng. Những người nắm giữ trái phiếu có quyền mua đi bán lại, thậm chí có thể bán theo từng lô nhỏ cho những nhà đầu tư thứ cấp. NH có thể mua hoặc bán khi thấy có lợi hơn thay vì phải giữ khoản đầu tư đó đến hết kỳ. “Đây là một cách kiếm lời của NH, quan trọng là tính thanh khoản cao.

Dĩ nhiên dễ hay khó còn phụ thuộc vào tình hình thị trường; mức độ giao dịch và mức độ uy tín của công ty phát hành trái phiếu. Thông thường NH lựa chọn mua trái phiếu của DN tốt, uy tín, có tên tuổi trên thị trường…” -  ông Tùng cho biết thêm lý do đầu tư trái phiếu DN.

Thực tế, không chỉ có các DN muốn huy động vốn trung, dài hạn ổn định qua việc phát hành trái phiếu mà ngay cả NH cũng rất cần nguồn vốn như vậy. Nhất là trong thời gian tới khi Việt Nam tuân thủ rất nhiều quy chuẩn mới ngày càng chặt chẽ hơn. Đặc biệt đối với các NH được chọn thực hiện thí điểm Basel II thì điều này càng trở nên cần thiết.

“Đó cũng là lý do chính mà ACB thực hiện phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu trong năm 2016”, Phó Tổng giám đốc ACB Nguyễn Thanh Toại tiết lộ. Việc này ngoài giúp NH bổ sung nguồn vốn cấp 2, vốn tự có theo đúng yêu cầu lộ trình thực hiện Basel II, cũng như hạn chế rủi ro thanh khoản và rủi ro lãi suất do chênh lệch kỳ hạn giữa huy động và sử dụng vốn. Theo kế hoạch của NH này, số vốn huy động từ phát hành trái phiếu sẽ được dùng để đáp ứng nhu cầu tín dụng trung dài hạn của khách hàng trong năm 2016.

Sự tham gia tích cực của cả DN và NH sẽ tạo động lực cho thị trường trái phiếu DN phát triển tốt hơn, qua đó giảm sức ép về vốn nhất là vốn trung, dài hạn lên hệ thống NH. Để thúc đẩy sự phát triển thị trường trái phiếu DN, theo nhận định của TS. Nguyễn Trí Hiếu cần phải có một công ty uy tín xếp hạng tín nhiệm các DN và báo cáo tài chính của các DN phải rất rõ ràng minh bạch.

Đồng quan điểm, ông Tùng cho biết, với trái phiếu DN, thông tin càng minh bạch càng tốt cho sự phát triển thị trường này. Khi có cơ sở thông tin về DN phát hành trái phiếu thì nhà đầu tư có thể dễ dàng ra quyết định đầu tư. Vì trái phiếu DN có những mức độ rủi ro nhất định, những rủi ro này nếu có một tổ chức xếp hạng tín nhiệm đứng ra phân tích, công bố thì sẽ là nguồn thông tin tham khảo quan trọng cho các nhà quản lý, nhà đầu tư. Nếu không có những yếu tố cốt lõi trên, theo ông Hiếu, thị trường trái phiếu DN sẽ vẫn ì ạch và càng làm cho gánh nặng vốn với hệ thống NH ngày càng tăng.


Thanh Huyền
(Thời báo Ngân hàng)

Trở về

Bài cùng chuyên mục