tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Phát triển ngành logistics theo tiến trình hội nhập

  • Cập nhật : 06/06/2016
Thiếu chiến lược cụ thể
 
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, ngành logistics hiện đang phát triển thiếu chuyên nghiệp. Nhận thức về logistics trong xã hội chưa cao nên các doanh nghiệp sản xuất cũng không mặn mà tham gia nhiều vào chuỗi cung ứng...
 
Ông Bùi Quốc Nghĩa, Viện trưởng Viện Logistics Việt Nam cho biết, thị trường logistics Việt Nam chiếm khoảng 25% GDP; trong đó, vận tải chiếm 50 – 60%. Tốc độ tăng trưởng lượng hàng xuất, nhập khẩu khá cao (20%/năm). Đây là nguyên nhân trực tiếp tăng giá sản phẩm, giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế và hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.
 
Hơn 20 năm xây dựng và phát triển của ngành logistics Việt Nam, hầu hết doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này đều thuộc doanh nghiệp vừa và nhỏ, năng lực quản trị, vốn và việc áp dụng công nghệ còn nhiều hạn chế. Trong khi đó nhà nước chưa có một chiến lược cụ thể dành cho lĩnh vực này phát triển xứng tầm với đòi hỏi phát triển kinh tế đất nước.

 
Tháng 7-2015, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1012/QĐ – TTg phê duyệt quy hoạch hệ thống trung tâm logistics trên cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu của quy hoạch nhằm phát triển mạng lưới trung tâm logistics bảo đảm đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất và lưu thông hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu. Khai thác có hiệu quả thị trường dịch vụ logistics của Việt Nam; trong đó, tập trung vào các dịch vụ logistics thuê ngoài, tích hợp trọn gói và đồng bộ. Đồng thời, tổ chức và hoạt động theo mô hình logistics bên thứ 3 (3PL - cung cấp dịch vụ logistics trọn gói) nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển thông qua việc tối thiểu hóa chi phí và bổ sung giá trị gia tăng cho hàng hóa và dịch vụ của các doanh nghiệp.
 
Đồng thời, từng bước triển khai mô hình logistics bên thứ 4 (4PL - tích hợp thêm các dịch vụ gia tăng giá trị khác) và logistics bên thứ 5 (5PL) trên cơ sở phát triển thương mại điện tử và quản trị chuỗi cung ứng hiện đại, hiệu quả, chuyên nghiệp. Việt Nam phấn đấu đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt khoảng 24 - 25%/năm; tỷ trọng đóng góp vào GDP toàn nền kinh tế là 10%. Tỷ lệ dịch vụ logistics thuê ngoài khoảng 40%, giảm thiểu chi phí logistics của toàn nền kinh tế so với GDP còn khoảng 20%.
 
Cũng theo ông Bùi Quốc Nghĩa, hiện cả nước có gần 2.000 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh dịch vụ logistics, với khoảng 300.000 doanh nghiệp khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ này. Tuy nhiên, toàn bộ là doanh nghiệp logistics vừa và nhỏ, chỉ đủ lực tham gia một phần trong chuỗi logistics. Các doanh nghiệp chẳng những không liên kết với nhau mà còn cạnh tranh lẫn nhau theo hướng giảm giá. Trong khi đó đối tác, đối thủ (khoảng 80 doanh nghiệp nước ngoài mạnh như: hãng logistics hàng đầu thế giới là APL Logistics, Mitsui OSK, Meerk Logistics... ) chiếm từ 70 – 80% thị phần đưa ra các loại phí khác nhau.
 
Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam cho biết , có thể phân loại ngành dịch vụ logistics Việt Nam ra thành các nhóm: các doanh nghiệp khai thác dịch vụ vận tải (đường bộ, đường biển, hàng không..). Trừ các doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa, đa số doanh nghiệp này có quy mô nhỏ và vừa, vốn điều lệ bình quân hiện nay khoảng 4 - 6 tỷ đồng (so với 1 - 1,5 tỷ đồng trước năm 2005). Nguồn nhân lực đào tạo bài bản chuyên ngành logistics cũng còn rất thấp (5-7%).
 
Theo các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, hiện chính sách cụ thể của nhà nước đối với ngành logistics chưa có. Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này phải tự xoay xở về vốn đầu tư, huấn luyện nhân lực, học lỏm các hãng logistics lớn về quản trị doanh nghiệp... trong khi phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ đều khó khăn.
 
Cơ hội đang mở
 
Theo nghiên cứu của Viện Logistics Việt Nam, thị trường logistics đang chiếm khoảng 25% GDP. Việt Nam lại đang tham gia vào các hiệp định thương mại tự do với các nền kinh tế lớn trên thế giới. Riêng lượng hàng xuất nhập khẩu qua các cảng biển Việt Nam năm 2015 vượt mức dự kiến, đạt 427 triệu tấn (tương đương 12 triệu TEU). Tỷ trọng công-ten- nơ tăng cao hơn, mức tăng lượng hàng dần tiếp cận xu hướng thế giới, tạo điều kiện hình thành và phát triển trung tâm trung chuyển container quốc tế.
 
 
Dự kiến hàng xuất nhập khẩu qua các cảng biển Việt Nam trong năm 2016 sẽ đạt 470 triệu tấn (13,3 triệu TEU). Lượng hàng xuất nhập khẩu dự kiến đến năm 2020 vào khoảng 560 triệu tấn (23 triệu TEU). Doanh nghiệp Việt Nam đang trong quá trình tái cơ cấu mạnh mẽ để tăng cường sức cạnh tranh nội địa và trên thị trường quốc tế, tạo nhu cầu cao đối với ngành logistics.
 
Trao đổi về vấn đề đầu tư vào lĩnh vực logistics, ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch TBS Group (công ty mẹ của TBS Logistics) chia sẻ, đầu tư vào lĩnh vực logistics cần vốn lớn, công nghệ vận hành hiện đại, đặc biệt là vị trí các kho hàng trung chuyển phải đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
 

Hiện, rất nhiều doanh nghiệp ở khu vực phía Nam, đặc biệt khu vực Đông Nam bộ đã đầu tư vào lĩnh vực logistics và có định hướng phát triển rõ ràng khi cơ hội đang mở ra với họ.


Nguồn: khuyenconghaiphong.com.vn/Báo HPĐT

Trở về

Bài cùng chuyên mục