tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Doanh nghiệp cao su làm ăn chân chính khó khăn đủ bề

  • Cập nhật : 17/04/2016

(Tin kinh te)

Theo Hiệp hội cao su Việt Nam, việc doanh nghiệp trốn thuế, hoặc làm hồ sơ khống để được hoàn thuế VAT 5% gây khó khăn cho cơ quan quản lý.

trung quoc van la thi truong xuat khau lon nhat cua cao su thien nhien. anh internet.

Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của cao su thiên nhiên. Ảnh internet.

Xin cơ chế thuế

Thông tin từ Hiệp hội Cao su Việt Nam cho thấy, cao su thiên nhiên chiếm phần lớn tổng lượng kim ngạch xuất khẩu của ngành cao su, 85% cao su thiên nhiên dùng để xuất khẩu. 

Nếu năm 2011, giá cao su đạt đỉnh điểm nhờ chính sách kích cầu tại nhiều nước thì từ năm 2012 đến nay, ngành cao su liên tục gặp nhiều khó khăn do nhu cầu tiêu thụ trên thế giới tăng trưởng thấp (nhu cầu nguyên liệu cao su cho lốp xe và sản phẩm cao su của ngành ô tô và nhiều ngành công nghiệp khác tăng rất chậm, chỉ khoảng 1,8%).

Không chỉ khó khăn ở thị trường nước ngoài, nhiều doanh nghiệp làm ăn chân chính còn đang phải chịu sức ép từ những doanh nghiệp làm ăn gian dối.

Ông Võ Hoàng An, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội cao su Việt Nam cho hay, với mặt hàng cao su thiên nhiên, trong quá trình sản xuất kinh doanh có 1, 2 doanh nghiệp thương mại mua hàng với thuế VAT 5% và khi xuất khẩu được hoàn lại. Tuy nhiên, từ năm 2015 ngành cao su gặp một số trục trặc về vấn đề thuế.

Ông An khẳng định: "Chúng tôi đã có báo cáo với Bộ Tài chính về vấn đề có doanh nghiệp qua nhiều khâu trung gian để trốn thuế, một số doanh nghiệp không xuất khẩu nhưng vẫn có hồ sơ xuất khẩu khống để rút tiền nhà nước. Điều này gây khó khăn với cơ quan quản lý thuế phải kiểm tra nhiều khâu trung gian. Trong khi doanh nghiệp làm ăn chân chính thì kẹt vốn và tiền hoàn thuế thì chưa được hoàn".

Trước những khó khăn của thị trường thế giới, ông An cho rằng, ngành cao su cần được sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương thông qua các chính sách phù hợp để tháo gỡ những vướng mắc.

Cụ thể, Hiệp hội này kiến nghị Bộ Tài chính và các bộ ngành, địa phương xem xét, giải quyết cho ngành cao su áp dụng chính sách thuế VAT đối với mủ cao su sơ chế như những nông sản sơ chế khác. Đó là, không phải kê khai, tính nộp thuế VAT để không phải chờ đợi được hoàn thuế sau khi xuất khẩu, giúp doanh nghiệp hạn chế chi phí phát sinh.

Khó cạnh tranh

Ngoài những khó khăn trên, theo ông An, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt việc miễn giảm thuế nhập khẩu về 0% từ các hiệp định thương mại mang đến cho ngành cao su Việt Nam nhiều thách thức lớn. 

Cụ thể, khi thuế nhập khẩu cao su thiên nhiên từ các nước trong khu vực như Malaysia, Thái Lan và Indonesia vào Việt Nam giảm xuống còn 0%, các nhà chế biến lốp xe tại Việt Nam có thể chọn nguồn nguyên liệu nhập khẩu vì chất lượng đảm bảo và chủng loại phù hợp hơn.

Bên cạnh đó, các sản phẩm cao su (như lốp xe, găng tay, nệm gối, cao su kỹ thuật…) của các nước có ký kết thỏa thuận thương mại với Việt Nam khi nhập khẩu vào Việt Nam được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu bằng 0% sẽ tạo áp lực cạnh tranh gay gắt với các mặt hàng cao su Việt Nam vì ưu thế về chất lượng, mẫu mã và giá cả, gây khó khăn lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam.  

Để có thể cạnh tranh ở thị trường trong nước cũng như thị trường nước ngoài, Hiệp hội Cao su Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp cần nhanh chóng nâng cao chất lượng và đảm bảo uy tín, xây dựng và củng cố thương hiệu, chuyển đổi cơ cấu nguyên liệu cao su thiên nhiên phù hợp với thị trường xuất khẩu và trong nước.

Hiện nay, kinh phí hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại đối với ngành cao su còn hạn chế, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa ít có khả năng tìm nguồn khách hàng mới.

Mấy năm gần đây, các doanh nghiệp cao su đều "tự thân vận động" bằng cách tổ chức hội nghị doanh nghiệp cao su. Theo đó doanh nghiệp các nước sẽ "tề tựu" để bàn với nhau dự báo thị trường, giá cả, cung cầu để có sự điều tiết.

Dù vậy, ông An vẫn mong tiếp tục được tăng cường hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động xúc tiến để mở rộng và đa dạng hóa thị trường, giảm rủi ro do lệ thuộc lớn vào một vài thị trường. 

Đặc biệt, đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất khẩu để tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp đảm bảo thời hạn giao hàng và giảm thiểu chi phí cũng là mong muốn của doanh nghiệp ngành này.


Phan Thu
(Theo Báo Hải Quan) 
Trở về

Bài cùng chuyên mục