tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Những cuộc viếng tang củng cố quyền lực của ông Tập

  • Cập nhật : 23/09/2015

(Chinh khach)

Những lần dự đám tang của các cựu quan chức cấp cao giúp ông Tập phát đi thông điệp mạnh mẽ đến mọi thành phần trong đảng

chu tich tap bat tay gia quyen ong dang luc quan. anh: reuters

Chủ tịch Tập bắt tay gia quyến ông Đặng Lực Quần. Ảnh: Reuters

Việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới dự đám tang cựu trưởng ban tuyên giáo Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP) Đặng Lực Quần hồi đầu năm là một sự kiện đáng ngạc nhiên, bởi người đàn ông qua đời ở tuổi 99 này không thuộc hàng ngũ quan chức cấp cao nhất và thậm chí từng có quan điểm chính trị trái ngược với cha của ông Tập, Reuters đưa tin.

Thông điệp phát đi từ đám tang

Theo các nguồn tin giấu tên, sự hiện diện của ông Tập tại đám tang này là một phần trong nỗ lực nhằm hàn gắn những chia rẽ về tư tưởng trong nội bộ CCP, đặc biệt là từ khi ông phát động chiến dịch chống tham nhũng "đả hổ, diệt ruồi", hạ bệ một loạt quan chức cấp cao của Đảng, chính phủ và quân đội.

Ông Tập muốn củng cố quyền lực và thu hút sự ủng hộ của mọi người trước thềm đại hội Đảng lần thứ 19 vào năm 2017, khi Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị gồm 7 thành viên có thể có những thay đổi lớn, các nguồn tin có quan hệ thân cận với giới lãnh đạo Trung Quốc cho hay.

Với nhiệm kỳ có thể kéo dài đến năm 2023, ông Tập cần phải có sự đồng thuận trong Thường vụ Bộ Chính trị, những người sẽ ủng hộ ông trong chiến dịch chống tham nhũng cũng như các kế hoạch cải cách nền kinh tế đang phát triển chậm lại của Trung Quốc, các chuyên gia nhận định.

Những đám tang mà ông Tập tới dự gần đây là của những người thuộc đủ thành phần của CCP, từ những người hữu khuynh ủng hộ kinh tế thị trường, cho tới những người tả khuynh có tư tưởng bảo thủ hơn.

Ngoài Đặng Lực Quần, ông Tập còn tới dự đám tang của tướng Trương Chấn, nguyên phó chủ tịch Quân ủy Trung ương, qua đời hồi tháng 9 năm ngoái. Một trường hợp đáng chú ý khác là ông Tăng Ngạn Tu, người có tư tưởng hữu khuynh, từng bị trừng phạt vào năm 1957 và qua đời hồi tháng ba ở tuổi 96. Thời điểm ông Tăng qua đời trùng với phiên họp thường niên của Quốc hội Trung Quốc, và tang lễ không được tổ chức lớn.

Dù không thân thiết với ông Tăng, ông Tập vẫn gửi vòng hoa tới đám tang. Vòng hoa được đặt trang trọng dưới di ảnh của ông, nơi tất cả những người đến viếng đều có thể dễ dàng nhìn thấy.

"Ông Tập thu thập sức mạnh bằng cách thuyết phục các bên rằng ông chính là nhà lãnh đạo phù hợp", Christopher Johnson, chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington nhận định.

"Ông là một người thực tế, không phải là thành phần bảo thủ sốt sắng, cũng không phải là người tự do quá đà", Reuters dẫn một nguồn tin khác có chung quan điểm về ông Tập.

Ở Trung Quốc, tang lễ của các cựu quan chức cấp cao thường được chuẩn bị và tổ chức kỹ lưỡng, thể hiện nhiều điều về các quan hệ chính trị trong nước. Việc ông Tập có mặt trong các đám tang này có thể phát đi thông điệp mạnh mẽ, theo Business Insider.

Chiến dịch "đả hổ, diệt ruồi" của ông Tập đã tung lưới vây bắt nhiều quan chức cấp cao, nhắm vào nhiều dòng tộc có ảnh hưởng và khiến nhiều quan chức trong hệ thống chính trị lo lắng đến mức không dám đưa ra quyết định lớn vì sợ bị chú ý. Chiến dịch cũng đã gây ra những phản ứng trái chiều trong chính nội bộ giới lãnh đạo Trung Quốc, đặc biệt là các cựu quan chức cấp cao, những người đã về hưu nhưng có thể vẫn có ảnh hưởng lớn trong chính giới.

Đó chính là lý do ông Tập đến viếng đám tang ông Đặng ở Bắc Kinh hôm 17/2, nơi ông cúi mình ba lần trước thi hài ông, điều ông không bắt buộc phải làm. "Ông Tập đến viếng đám tang ông Đặng là vì ông cần những người tả khuynh trong cuộc chiến chống tham nhũng của mình", nguồn tin giấu tên nói.

Củng cố quyền lực

ong tap duoc coi la nha lanh dao quyen luc nhat trung quoc ke tu thoi mao trach dong. anh: indianexpress

Ông Tập được coi là nhà lãnh đạo quyền lực nhất Trung Quốc kể từ thời Mao Trạch Đông. Ảnh: IndianExpress

Nỗ lực hàn gắn của ông Tập cho thấy một khía cạnh khác, đa sắc thái hơn của ông, đã được ngầm thể hiện trong những bài viết đăng trên báo chính thống Trung Quốc gần đây.

"Việc các quan chức từ bỏ quyền lực sau khi nghỉ hưu cần phải trở thành thông lệ", một bài xã luận đăng tháng trước trên Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của CCP, nhấn mạnh.

"Cải cách sâu rộng động chạm đến những vấn đề cơ bản trong việc tái cấu trúc huyết mạch của nền kinh tế khổng lồ này, nhằm mục đích khiến nó khỏe mạnh hơn. Sự kháng cự cải cách có quy mô vượt xa những gì chúng ta có thể tưởng tượng", bài xã luận với bút danh "Guoping" cho hay. "Guoping" là bút danh thường được các lãnh đạo CCP sử dụng khi muốn truyền đạt đi thông điệp trên mặt báo.

Ngoài thông điệp ngầm này, sự xuất hiện của ông Tập tại đám tang của một loạt các lão thành có thể được hiểu là động thái nhằm chứng tỏ ông vẫn lãnh đạo tốt toàn bộ CCP, theo Business Insider.

Ông Tập đang ở trong một thời điểm hết sức nhạy cảm. Từ đầu năm, kinh tế Trung Quốc đã phát triển chậm lại, nhất là sau biến động lớn của thị trường chứng khoán và các động thái phá giá đồng nhân dân tệ. Sau một loạt những vụ điều tra, bắt giữ các quan chức cấp cao, trong đó có ông trùm an ninh quyền lực Chu Vĩnh Khang, ông Tập giờ đây cần hơn bao giờ hết sự ủng hộ của các thành viên trong Đảng để củng cố quyền lực và chống lại những đối thủ mà ông đã tạo ra trong cuộc chiến chống tham nhũng, các chuyên gia nhận định.

Theo biên tập viên Linette Lopez của Business Insider, ông Tập được đánh giá là nhà lãnh đạo nắm trong tay nhiều quyền lực nhất kể từ thời Mao Trạch Đông, bởi vậy, ông cũng gánh trên vai nhiều trách nhiệm nặng nề hơn. Chẳng hạn như, vấn đề kinh tế vốn là lĩnh vực của chính phủ, và trong trường hợp này là Thủ tướng Lý Khắc Cường. Tuy nhiên sau khi nhậm chức, ông Tập đã cho thành lập các tiểu ban chỉ đạo, gần như thâu tóm mọi hoạt động để phục vụ mục đích cải cách kinh tế của mình.

Khi thị trường chứng khoán của Trung Quốc lao đao và nền kinh tế chững lại, ông Tập biết rõ rằng mình là người chịu trách nhiệm chèo chống con tàu kinh tế đất nước. Nền kinh tế đi xuống là dấu hiệu cảnh báo đầu tiên thách thức khả năng lãnh đạo của ông.

Vụ nổ kinh hoàng ở thành phố cảng Thiên Tân hồi tháng trước cũng khiến dư luận Trung Quốc bức xúc, khi nó thể hiện rõ cả hai yếu tố mà ông Tập cùng đội ngũ của mình cam kết sẽ loại trừ, đó là nạn tham nhũng trong giới quan chức và sự hủy diệt đối với môi trường do phát triển kinh tế quá nóng gây ra.

Theo các chuyên gia phân tích, những thực tế trên có thể sẽ khiến người dân suy giảm niềm tin vào khả năng lãnh đạo của ông Tập, và cũng có thể là cơ hội để các đối thủ của ông công kích. Bởi vậy ông Tập cần phải củng cố quyền lực của mình, đồng thời tìm sự dung hòa trong nội bộ, và một trong những cách như vậy là đến dự đám tang của các bậc lão thành.

(Theo Vnexpress)

Trở về

Bài cùng chuyên mục