tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh chiều 07-08-2016

  • Cập nhật : 07/08/2016

Kỷ lục xứ Thanh: Sở NN&PTNT từng có 11 Phó giám đốc

Từ 2008 - 2013, sau khi được thành lập trên cơ sở sáp nhập 4 sở và 2 cơ quan ngang sở, Sở NN&PTNT có tới 11 Phó giám đốc.

Ngày 6/8, UBND tỉnh Thanh Hóa báo cáo Thủ tướng về việc Sở NN&PTNT có 8 Phó giám đốc.

Theo báo cáo, năm 1996, Sở NN&PTNT Thanh Hóa được thành lập trên cơ sở hợp nhất và tổ chức lại các sở: Nông nghiệp, Thủy lợi, Lâm nghiệp. Khi đó, Sở có 9 Phó giám đốc.

Năm 2008, theo quy định của Trung ương, tỉnh đã hợp nhất Sở Thủy sản với Sở NN&PTNT; chuyển Chi cục Kiểm lâm từ trực thuộc UBND tỉnh về trực thuộc Sở Nông nghiệp; tiếp nhận Chi cục Di dân và Phát triển kinh tế mới thuộc UBND tỉnh để thành lập Chi cục phát triển nông thôn thuộc Sở Nông nghiệp.

Như vậy, từ năm 1996 đến 2008, Sở NN&PTNT được thành lập trên cơ sở sáp nhập 4 sở và 2 cơ quan ngang sở. Từ 2008 đến 2013, Sở có 11 Phó giám đốc.

Từ năm 2013 đến nay, căn cứ các quy định của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tiến hành sắp xếp, bố trí cán bộ và hiện nay chỉ còn 8 Phó giám đốc.

Riêng ông Phạm Đức Luận, do Bộ NN&PTNT gửi về thời hạn 2 năm, đến ngày 1/6/2017 ông Luận sẽ trở về công tác tại Bộ NN&PTNT.

Ông Lê Thế Long, Phó giám đốc Sở kiêm Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm, trên thực tế không điều hành công việc với chức trách Phó giám đốc Sở.

Như vậy, thực tế đến nay Sở có 6 phó giám đốc giúp Giám đốc điều hành các lĩnh vực công tác thuộc chức năng, nhiệm vụ gồm: lĩnh vực lâm nghiệp, bảo vệ rừng; trồng trọt, bảo vệ thực vật; chăn nuôi, thú y; phát triển nông thôn, xây dựng nông thôn mới; thủy lợi, xây dựng cơ bản, nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn; nuôi trồng, khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Theo ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, ngành nông nghiệp & phát triển nông thôn Thanh Hóa có 6 lĩnh vực (trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi, phát triển nông thôn), đây đều là lĩnh vực có quy mô lớn so với các tỉnh trong cả nước.

Thanh Hóa có sản lượng lương thực lớn nhất trong các tỉnh miền Bắc; đàn gia súc, gia cầm có số lượng lớn nhất cả nước; diện tích rừng lên đến 600.000ha; thủy sản có nghề nuôi trồng phát triển, với hơn 7.000 tàu cá; thủy lợi hơn 1.000km đê, là tỉnh có số km đê lớn nhất cả nước; hơn 1.000 hồ đập với các hệ thống sông lớn như sông Mã, sông Chu, sông Bưởi.

Do đó, theo ông Xứng, nếu số lượng Phó giám đốc Sở NN&PTNT không quá 3 người như quy định tại thông tư liên tịch số 14/2015/TTLT-NNNPTNT-BNV ngày 25/3/2015 của liên Bộ Nông nghiệp và Nội vụ sẽ rất khó khăn trong quản lý, điều hành(Vietnamnet)

SCIC rao bán toàn bộ vốn ở Gemadept

Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) vừa thông báo thực hiện chào bán cạnh tranh toàn bộ số cổ phần (CP) ở Công ty CP Gemadept (GMD).

 Số lượng bán hơn 15,1 triệu CP, chiếm 8,42% vốn điều lệ, với giá khởi điểm 28.000 đồng/CP. Với mức giá khởi điểm trên, dự kiến SCIC sẽ thu về ít nhất 423 tỉ đồng. GMD là doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực logistics và là 1 trong 3 công ty đầu tiên được CP hóa và niêm yết trên thị trường chứng khoán từ năm 2002.
Tính đến cuối năm 2015, danh mục đầu tư của SCIC còn lại 197 doanh nghiệp. Trong năm 2016, SCIC công bố danh mục bán vốn gồm 120 công ty, nhưng không có Vinamilk, Nhựa Bình Minh hay FPT Telecom...(TN)

Hà Nội 'bêu' tên 133 doanh nghiệp nợ thuế

Ngày 5.8, Cục Thuế Hà Nội tiếp tục công khai đợt 8 năm 2016 danh sách 133 đơn vị nợ thuế với tổng số tiền nợ hơn 147 tỉ đồng.
Trong đó có 121 doanh nghiệp nợ thuế, phí khoảng 111 tỉ đồng và 12 đơn vị nợ tiền thuê đất gần 36 tỉ đồng. Đứng đầu danh sách nợ tiền thuế, phí là Công ty TNHH đầu tư và quản lý tòa nhà Ion Complex với hơn 8 tỉ đồng.
Tiếp đến gồm có: Công ty TNHH đầu tư và thương mại Tây Đô hơn 3 tỉ đồng; Công ty CP khai thác mỏ và sản xuất vật liệu xây dựng Vina 34 hơn 2 tỉ đồng; Công ty CP xây dựng Hà Nội Xanh hơn 1 tỉ đồng...
Đối với tiền thuê đất, Công ty TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy và xây dựng Sông Hồng nợ lớn nhất với hơn 18 tỉ đồng; Công ty CP Tập đoàn Sao Sáng nợ hơn 5 tỉ đồng; Công ty CP tòa nhà CAVICO VN nợ 2,1 tỉ đồng...
Trong 7 tháng qua, Cục Thuế Hà Nội đã đăng công khai 7 đợt với 951 doanh nghiệp, dự án nợ thuế, phí và tiền sử dụng đất tương ứng số tiền gần 2.000 tỉ đồng. Kết quả sau 7 đợt công khai đã có 447/951 đơn vị nộp 294 tỉ đồng nợ thuế vào ngân sách.(TN)

Cộng đồng kinh tế ASEAN có thể tạo ra 14-15 triệu việc làm

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung cho biết dự kiến đến năm 2025, Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ tạo ra khoảng 14-15 triệu việc làm mới nhờ tiến trình xóa bỏ các hàng rào thuế quan hay phi thuế quan.

thu truong bo ngoai giao le hoai trung. anh: vgp/hai minh

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung. Ảnh: VGP/Hải Minh

Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí nhân dịp kỷ niệm 49 năm ngày thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) (8/8/1967-8/8/2016) và 21 năm Việt Nam gia nhập ASEAN, Thứ trưởng Lê Hoài Trung đã điểm lại những tiến bộ gần đây của ASEAN, đặc biệt là về kinh tế và chính trị-an ninh.

Thứ trưởng Lê Hoài Trung cho hay, kể từ sau khi thành lập, ASEAN đã thực hiện được 40% trong số 300 dòng hành động theo kế hoạch đề ra.

Về lĩnh vực kinh tế, Cộng đồng ASEAN tạo ra một thị trường trên 600 triệu dân với GDP là 2.600 tỉ USD, đứng thứ 7, dự báo sẽ đứng thứ 4 vào năm 2025.

Thứ trưởng Lê Hoài Trung cho biết, dự kiến đến năm 2025, Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ tạo ra khoảng 14-15 triệu việc làm mới nhờ tiến trình xóa bỏ các hàng rào thuế quan hay phi thuế quan.

Điều quan trọng là thông qua Cộng đồng ASEAN, các nước thành viên đã xây dựng khuôn khổ chính sách, thể chế rất quan trọng cho hoạt động của các doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu.

ASEAN cũng ký những hiệp định thương mại, đầu tư với các đối tác như: New Zealand, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…, góp phần tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại và đầu tư của ASEAN; hiện đang thúc đẩy đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được hưởng những thuận lợi như doanh nghiệp Việt Nam có được ở thị trường ASEAN và đồng thời có thể tiếp cận được với các thị trường khác trong khuôn khổ hợp tác giữa Việt Nam và các nước.

Nếu tận dụng được những thuận lợi đó, các nước sẽ phát triển nhanh chóng. Ngược lại, không nắm bắt tốt cơ hội và xử lí thách thức đặt ra thì không những sẽ gặp khó khăn trong cạnh tranh ngay trên nước mình mà còn làm gia tăng khoảng cách chênh lệch về phát triển.

Sức hút của Cộng đồng ASEAN

Thứ trưởng Lê Hoài Trung cho rằng Cộng đồng ASEAN đã thu hút được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế nhờ uy tín của ASEAN trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN vừa qua ở Lào, đã có thêm 4 nước ngoài khu vực tham gia vào Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) và thiết lập thêm 2 đối tác theo từng lĩnh vực.

Tuy nhiên, ASEAN cũng đang đối diện với nhiều thách thức từ bên trong và bên ngoài, bao gồm những diễn biến phức tạp ở Biển Đông trong thời gian gần đây.

Trong bối cảnh đó, Thứ trưởng Lê Hoài Trung cho rằng ASEAN đã khẳng định những nguyên tắc rất cơ bản là cần phải tôn trọng việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực thông qua các hội nghị, diễn đàn khu vực.

Bằng chứng là Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN tổ chức Lào mới đây đã có một tuyên bố riêng của ASEAN khẳng định lại những nguyên tắc về bảo đảm hòa bình, an ninh ở khu vực, những nguyên tắc đó chính là nền tảng góp phần tạo ra những khuôn khổ để điều chỉnh quan hệ giữa các quốc gia.

Ngoài ra, thông qua các cơ chế hợp tác và hoạt động cụ thể như Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+), Hội nghị giữa lãnh đạo cảnh sát, công an các nước ASEAN…, các nước cùng trao đổi chia sẻ quan điểm về tình hình thế giới, khu vực và đề ra những kế hoạch hợp tác cụ thể trên các lĩnh vực như hợp tác tuần tra trên biển, chống tội phạm xuyên quốc gia, an ninh mạng…

ASEAN nhất trí về tầm quan trọng của hòa bình, ổn định ở Biển Đông

Theo Thứ trưởng Lê Hoài Trung, ASEAN đã nhất trí được một điều rất cơ bản- đó là hòa bình, ổn định ở Biển Đông có vị trí quan trọng và không thể tách rời với hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực Đông Nam Á.

Các nước cũng nhất trí thúc đẩy hợp tác ở Biển Đông, bao gồm hợp tác giữa các nước ASEAN cũng như giữa ASEAN với các đối tác ngoài khu vực, với nhiều hình thức như hợp tác nghiên cứu khoa học biển, ngư nghiệp, chống biến đổi khí hậu, cứu hộ cứu nạn…

ASEAN đã nhất trí về những nguyên tắc cơ bản để giải quyết những tranh chấp ở Biển Đông, đó là các nước phải tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật Biển của Liên Hợp Quốc năm 1982, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, thực hiện có hiệu quả Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm đạt được Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC).

Thông qua các cơ chế hợp tác giữa các nước ASEAN và ASEAN với các đối tác như Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), các nước đã cùng thảo luận về tình hình quốc tế và khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông, đồng thời đề ra các biện pháp cụ thể nhằm tăng cường hợp tác, xây dựng lòng tin, hạn chế xung đột.

Vừa qua, tại Diễn đàn ARF, Việt Nam đã đưa ra dự thảo tuyên bố về hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật trên biển và được Bộ trưởng Ngoại giao các nước ARF thông qua.

Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung cho biết, một công việc quan trọng của ASEAN hiện nay là đề ra các biện pháp cụ thể để ASEAN và Trung Quốc thực hiện hiệu quả hơn DOC, thúc đẩy đàm phán xây dựng COC, điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông.

Lập trường nhất quán của Việt Nam là ủng hộ và cố gắng hết sức thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa các quốc gia ở Biển Đông, ủng hộ giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông

Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung cho rằng các nước ASEAN phải xác định lợi ích chung vì nó liên quan đến cả khu vực và từng quốc gia. Đây là cơ hội rất lớn để Cộng đồng ASEAN ngăn chặn việc xảy ra xung đột, đối đầu.(Chinhphu)

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục