tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh sáng 03-06-2016

  • Cập nhật : 03/06/2016

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu báo cáo việc giải ngân vốn đầu tư công

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương báo cáo tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016.
anh minh hoa

Ảnh minh họa

Trong những tháng đầu năm 2016, các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế đang có dấu hiệu chậm lại, trong đó có nguyên nhân liên quan đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư chậm.

Để bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã được Quốc hội thông qua, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương báo cáo tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016.

Cụ thể, các cơ quan báo cáo về tình hình giải ngân kế hoạch vốn năm 2016; khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai; nguyên nhân (trình tự, thủ tục đầu tư, tổ chức thực hiện, các nguyên nhân khác); kiến nghị giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn.

Thời hạn gửi báo cáo trước ngày 6/6/2016. Cơ quan nhận báo cáo: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp báo cáo của các Bộ, cơ quan và địa phương nêu trên; đề xuất với Thủ tướng Chính phủ các giải pháp cụ thể nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/6/2016.


Giảm giấy phép con: Rút can thiệp của các bộ, ngành với nền kinh tế

Việc nghiêm cấm ban hành giấy phép con đang dần lấy lại niềm tin và mang đến các cơ hội, động lực mới để doanh nghiệp mở rộng và phát triển.

Chỉ còn 1 tháng nữa là đến thời điểm khoảng 3.000 điều kiện đầu tư, kinh doanh được quy định trong các thông tư, quyết định sẽ hết hiệu lực thi hành theo Điều 7 của Luật Đầu tư 2014. Tuy nhiên, ngay cả khi thời điểm này đang cận kề thì vẫn tiếp tục ra đời những “giấy phép con, cháu”. Điều này không chỉ đi ngược chiều cải cách của các bộ, ngành khi kết thúc việc rà soát các giấy phép con trước ngày 30/5, mà còn trở thành gánh nặng rất lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp.

Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sửa đổi là bước cải cách đột phá trong cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp, trong đó, hạn chế tối đa giấy phép con là một trong những mục tiêu mà Chính phủ hướng tới. Tuy nhiên, thực tế hiện nay vẫn tồn tại và phát sinh mới giấy phép con. Theo Luật Đầu tư, chỉ có 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, song, thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, hiện có tới 6.475 điều kiện kinh doanh, trong đó 3.299 điều kiện được quy định tại các văn bản ban hành không đúng thẩm quyền.

Còn theo thống kê mới đây của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), hiện có tới 7.000 giấy phép con đang “hành” doanh nghiệp và một nửa trong số đó không còn căn cứ pháp lý để tồn tại. Đặc biệt, trong những điều kiện kinh doanh này, nhiều quy định dù đã được bãi bỏ, song lại được khôi phục với mức độ phức tạp và khó khăn hơn.

Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM nêu thực tế: Tâm lý bộ ngành luôn luôn muốn quản lý, quản lý không được lại đẻ ra một số điều kiện kinh doanh để hạn chế. “Vì vậy mà bộ nào cũng có rất nhiều giấy phép con, sau “giấy phép con” tới “giấy phép cháu”, rồi dưới dưới nữa, rất nhiều giấy phép, khiến cho doanh nghiệp đi vào môi trường kinh doanh mới, nhìn luật thì thông thoáng, nhưng càng xuống dưới thì càng rối”, ông Hưng cho biết.

Thực tế này tiếp tục đặt ra yêu cầu, phải nhanh chóng dẹp bỏ cả "rừng" giấy phép con, để tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng hơn, lành mạnh và an toàn hơn cho doanh nghiệp. Theo Luật Đầu tư 2014, các quy định về đăng ký kinh doanh do các bộ, UBND các cấp sẽ hết hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016.

Đồng thời, các quy định về đăng ký kinh doanh do các bộ, UBND các cấp ban hành sau ngày 1/7/2015 đương nhiên không có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, việc soạn thảo các văn bản có liên quan về điều kiện kinh doanh thay thế thông tư, quyết định của các bộ hết hiệu lực thi hành từ ngày 1/7 vẫn triển khai chậm chạp, gây khó khăn cho việc áp dụng luật.

Ông Hoàng Trọng Giáp, Giám đốc Công ty TNHH Luật Hoàng Sa cho rằng, hoạt động của tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư cần phải tích cực hơn, theo dõi sát sao công việc áp dụng Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư của các cơ quan cấp dưới, đặc biệt là Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng như các bộ, ngành liên quan, nếu trong trường hợp phát hiện thấy bất cập gì mà trái với Luật thì cần có kiến nghị Chính phủ cũng như các bộ, ngành đấy để chỉnh sửa, sửa đổi một cách hợp lý, nhanh chóng, kịp thời để đáp ứng kỳ vọng của các doanh nghiệp để các doanh nghiệp được tự tin, an tâm hơn trong kinh doanh.

Để phá bỏ hệ thống “giấy phép con” đã ban hành, ngăn chặn việc ban hành thêm các “giấy phép con, cháu”, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành tập hợp, rà soát các quy định về điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực mình quản lý; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bức xúc; đơn giản hóa và công khai thủ tục hành chính; loại bỏ giấy phép con không phù hợp; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, khuyến khích khởi nghiệp, phát huy tự do sáng tạo, huy động mọi nguồn lực cho doanh nghiệp phát triển.

Để dẹp “nạn giấy phép con”, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, cần gắn việc tổ chức triển khai thực hiện Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp với Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp. Theo đó, những quyết tâm ở cấp trung ương phải được lan tỏa tới tất cả các cấp địa phương. Trách nhiệm người đứng đầu được nhấn mạnh là chìa khóa để tháo bỏ những lưỡng lự, băn khoăn, đặc biệt là thói quen trong thực thi công vụ của công chức.

“Cần những biện pháp mạnh hơn, đặt ra chỉ tiêu cụ thể giống như xây dựng Nghị quyết 19 đặt ra chỉ tiêu cải cách, cắt giảm thời gian, cắt giảm chi phí. Cần gắn trách nhiệm với Bộ trưởng là người chịu trách nhiệm cuối cùng; gắn với các chỉ tiêu cụ thể trong việc cắt giảm chi phí, thời gian cũng như cắt giảm những điều kiện kinh doanh không cần thiết hoặc không hợp lý. Như vậy sẽ cụ thể hơn và khiến các bộ, ngành không thể không thực hiện được”, ông Hiếu cho biết.

Theo các chuyên gia kinh tế, giảm bớt giấy phép con đồng nghĩa với việc giảm dần sự can thiệp của các Bộ, ngành đối với nền kinh tế Việt Nam. Với những chỉ đạo kịp thời của Thủ tướng Chính phủ, kiên quyết bãi bỏ những điều kiện kinh doanh không còn phù hợp, nghiêm cấm ban hành bất cứ điều kiện kinh doanh mới nào, nhất là giấy phép con, trái quy định pháp luật… đang dần lấy lại niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, mang đến các cơ hội, lòng tin và động lực mới để doanh nghiệp mở rộng và phát triển kinh doanh, đưa nền kinh tế tăng trưởng cao và bền vững./.


Quảng Nam: Quy hoạch cụm công nghiệp tràn lan, thiếu hiệu quả

Hơn 12 năm quy hoạch, phát triển, mô hình cụm công nghiệp (CCN) ở Quảng Nam gia tăng nhanh về số lượng, dù thiếu vốn, dang dở và chỉ khoảng 55/99 CCN quy hoạch chi tiết được lấp đầy ở mức 57,65%. Quy hoạch, phát triển CCN đã trở thành “phong trào”, dàn trải và thiếu hiệu quả.

Thiếu hiệu quả

Theo ông Nguyễn Quang Thử - GĐ Sở Công Thương, hiện đã thu hút được 215 dự án đăng ký vào 55 CCN đang triển khai trên tổng diện tích đất thuê và đăng ký thuê khoảng 535ha. Tổng vốn đầu tư đăng ký theo dự án 10.668 tỉ đồng. Tổng số lao động đăng ký theo dự án 50.870 người. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 195 dự án thực sự đầu tư với tổng vốn thực hiện khoảng 5.864 tỉ đồng, thu hút lao động thường xuyên hơn 26.130 người. “CCN chủ yếu đón doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo việc làm, tăng thu nhập khá cho lao động nông thôn, giảm áp lực lao động nông thôn tràn về thành phố” - ông Thử nói.

Tuy nhiên, hiện trạng của các CCN Quảng Nam là quy hoạch chắp vá, không định hướng, các doanh nghiệp tại các CCN na ná nhau... 12 năm qua, tại Thăng Bình, ngoài CCN Hà Lam - Chợ Được gần hoàn chỉnh hạ tầng, 4 CCN đã được quy hoạch chi tiết thì 4 CCN còn lại đều chưa được đầu tư cơ sở hạ tầng. Hiện 13 doanh nghiệp đang hoạt động tại các CCN (đã quy hoạch) với tỉ lệ lấp đầy chưa tới 40%, thậm chí có CCN nam Hà Lam tỉ lệ lấp đầy chỉ 8,5%. Thiếu vốn, thiếu cả hạ tầng và sự ưu đãi nên rất nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu, xúc tiến, rồi lắc đầu bỏ đi.

Duy Xuyên thì chỉ lấp đầy 40% tại 4 CCN (104ha) được quy hoạch, nhưng vẫn đang trong tình trạng thiếu hệ thống thoát nước, không nhà máy xử lý nước thải… Theo ông Trần Úc - Chủ tịch UBND huyện Điện Bàn, việc đầu tư lỡ dở đã khiến đất không sử dụng hết, bởi thiếu vốn và chính sách, cơ chế chưa rõ ràng, không đủ hấp dẫn các nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư kết cấu hạ tầng trong CCN. Tổng giá trị đầu tư hạ tầng khoảng 169,6 tỉ đồng, chỉ 28/46 doanh nghiệp sản xuất với diện tích thuê đất sử dụng 104ha. Tỉ lệ lấp đầy bình quân mỗi CCN khoảng 48,3%. Số doanh nghiệp còn lại đang hoàn thiện thủ tục đầu tư và ngừng hoạt động vì thua lỗ. Ông Vũ Văn Thẩm - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh - tham gia các cuộc giám sát của HĐND tỉnh, cho biết: “Phần lớn doanh nghiệp đầu tư vào các CCN đều nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, không đủ điều kiện xử lý môi trường. Nông thôn bị xé lẻ bởi địa phương nào cũng muốn có CCN”.

Thiếu vốn, ô nhiễm môi trường

Mục đích phát triển CCN của Quảng Nam là gom lại doanh nghiệp để hạn chế ô nhiễm môi trường và thúc đẩy phát triển nông thôn đã không thể đạt được. Tình trạng ô nhiễm môi trường ở CCN Thương Tín hay An Lưu từng “nóng” nhưng rất khó giải quyết. Dân phản ứng, chính quyền cương quyết xử lý tồn tại nhưng di dời nhà máy như thế nào thì địa phương không thể thực hiện vì thiếu tiền. Theo ông Lê Viết Vinh - GĐ Trung tâm Phát triển CCN huyện Núi Thành, huyện không mở rộng giai đoạn 2 CCN Trảng Tôn để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường giữa lòng thị trấn, không cấp thêm dự án sản xuất dăm gỗ tại CCN nam Chu Lai. Các địa phương khác cũng đã lên kế hoạch thu hút đầu tư doanh nghiệp một cách có chọn lọc hơn…

Theo Sở Công Thương, số CCN được điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển đến năm 2020 là 99 CCN với tổng diện tích giai đoạn 2016 - 2020 là 2.255ha. Diện tích này lớn hơn so với danh mục quy hoạch phát triển CCN đến năm 2020 của Quảng Nam đã được Bộ Công Thương thông báo là 717,18ha. Tỉ lệ lấp đầy của 55 CCN đã quy hoạch chi tiết chỉ khoảng 57,65% và hầu hết CCN dở dang vì thiếu vốn. Theo tính toán, với tổng vốn đầu tư hạ tầng cho các CCN đang triển khai vào khoảng hơn 700 tỉ đồng thì nếu hoàn tất thì phải cần thêm tới 10.000 tỉ đồng đầu tư. Theo GĐ Sở Công Thương Quảng Nam Nguyễn Quang Thử: “Với mức hỗ trợ nhỏ giọt từ ngân sách mỗi năm thì đến năm 2020 chưa thể đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng các CCN hiện tại, chưa kể đến việc có thu hút được đầu tư hay không”.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu, sự phát triển tràn lan, dàn trải của các CCN trên địa bàn sẽ được chấm dứt. Ngân sách chỉ hỗ trợ đầu tư mỗi huyện từ 1 - 2 CCN hoàn chỉnh, điều hành theo một cơ chế thống nhất. Tỉnh sẽ hỗ trợ đầu tư theo kiểu cuốn chiếu, hoàn thành CCN này mới đến CCN khác…


Hơn 10.000 tỷ đồng nợ đọng xây dựng nông thôn mới: Nguy cơ dẫn tới nhiều bất ổn

"Áp lực thành tích chỉ là một trong những nguyên nhân dẫn đến nợ đọng xây dựng nông thôn mới lên tới 10.200 tỷ đồng", ông Nguyễn Minh Tiến chia sẻ.

Sau 5 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, 1.760 xã đã về đích nông thôn mới. Đây là thành tích đáng ghi nhận. Tuy nhiên, đằng sau thành tích này đã bộc lộ những hệ quả xấu chưa có hướng xử lý, rõ ràng nhất là khoản nợ hơn 10.000 tỷ đồng đang lơ lửng trên đầu các xã.

Trong phiên họp Quốc hội vào ngày 25/5, vấn đề nợ đọng xây dựng cơ bản nông thôn mới là bất cập lớn nhất, khiến nhiều đại biểu quốc hội băn khoăn. Thậm chí, chuyện nợ đọng còn được cảnh báo là sẽ dẫn tới bất ổn ở nông thôn nếu không kiểm soát tốt.

Nói về nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này, ông Nguyễn Minh Tiến – Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo trung ương Chương trình Xây dựng nông thôn mới nhận định: “Áp lực thành tích là một trong những nguyên nhân dẫn đến nợ đọng xây dựng nông thôn mới lên tới 10.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, vấn đề nợ đọng phải được nhìn tổng thể. Nguyên nhân duy nhất không chỉ là các địa phương có dấu hiện chạy theo thành tích".

"Khi bắt đầu triển khai chương trình, nền kinh tế Việt Nam phát triển tương đối thuận lợi. Tuy nhiên, càng về sau, chương trình lại diễn ra đúng thời điểm kinh tế gặp khó khăn. Do vậy, việc huy động nguồn lực rất khó, đặc biệt là nguồn ngân sách trung ương. Bên cạnh đó, các nguồn lực huy động khác cũng không dễ có được", ông Nguyễn Minh Tiến phân tích.

Theo ông Nguyễn Minh Tiến, sau 5 năm triển khai, bộ tiêu chí nông thôn mới gồm 19 điểm đã bộc lộ nhiều bất cập. Điều đó đòi hỏi cơ quan quản lý phải có sự sửa đổi. "Trong 5 năm qua, cơ quan quản lý đã 2 lần trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi bộ tiêu chí. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn còn nhiều bất cập, đặc biệt với những tiêu chí liên quan đến cơ sở hạ tầng trong một số trường hợp dẫn đến nhiều công trình làm ra không hiệu quả, thậm chí lãng phí. Vì vậy, căn cứ vào Nghị quyết 100 của Quốc hội giao cho Chính phủ sửa đổi bộ tiêu chí, đến thời điểm này, bộ tiêu chí đã sửa đổi xong và sẽ ban hành trong giai đoạn 2016 – 2020", ông Nguyễn Minh Tiến cho biết.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục