tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh 29-04-2016

  • Cập nhật : 29/04/2016

Thủ tướng kiên quyết cắt bỏ điều kiện kinh doanh đúng 1-7

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiên quyết cắt bỏ các điều kiện kinh doanh trái luật và gây khó khăn cho doanh nghiệp đúng thời điểm 1-7 tới.

thu tuong nguyen xuan phuc rat kien quyet cat bo cac dkkd. (anh vpcp)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rất kiên quyết cắt bỏ các ĐKKD. (Ảnh VPCP)

Văn phòng Chính phủ đã xác nhận điều này trong một thông báo ngày 27-4, sau khi Thường trực Chính phủ họp với các bộ, ngành về triển khai hai luật Doanh nghiệp và Đầu tư ngày đầu tuần nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đầu tư, kinh doanh.

Ông Phúc giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp thống nhất với các Bộ về nội dung, phạm vi của điều kiện kinh doanh, phân biệt rõ với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, làm cơ sở cho việc xác định điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc thẩm quyền quy định của Chính phủ.

Điều này có nghĩa, các bộ phải rà soát các thông tư, quyết định của bộ trưởng có quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh để tổng hợp, xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh; trình Chính phủ trước ngày 30-5-2016 theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Đối với các dự thảo nghị định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định tại Phụ lục 4 Luật Đầu tư mà các bộ đã soạn thảo, và đã được Bộ Tư pháp thẩm định hoặc đã trình Chính phủ, Văn phòng Chính phủ khẩn trương hoàn tất các thủ tục để trình Chính phủ trước ngày 30-5-2016.

Đối với các dự thảo nghị định đang trong quá trình soạn thảo, cơ quan chủ trì soạn thảo tổng hợp, gửi nội dung dự thảo cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 10-5-2016 để tổng hợp, xây dựng một nghị định của Chính phủ theo trình tự, thủ tục rút gọn, nhưng phải bảo đảm việc lấy ý kiến của các đối tượng điều chỉnh; Bộ Tư pháp tổ chức thẩm định trong thời hạn bảy ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ dự thảo nghị định; Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ trước ngày 30-5-2016.

Các bộ, cơ quan ngang bộ khẩn trương rà soát đầy đủ các điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của mình được quy định tại các luật, pháp lệnh, nghị định được ban hành sau ngày Luật Đầu tư có hiệu lực, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 30-5-2016 để cập nhật và công bố trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12-11-2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, các bộ, cơ quan liên quan rà soát, đánh giá đầy đủ những vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, đặc biệt là những vướng mắc có liên quan đến quy định của pháp luật về đất đai, xây dựng, quy hoạch, nhà ở, đô thị, bất động sản, đấu thầu, môi trường, thương mại, giáo dục, công nghệ... thuộc thẩm quyền của Chính phủ để xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh theo trình tự, thủ tục rút gọn nhằm giải quyết dứt điểm những vướng mắc nêu trên; trình Chính phủ trong tháng 10-2016.

Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ, các Bộ, cơ quan liên quan rà soát, đánh giá đầy đủ các vướng mắc giữa Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư với các luật về đất đai, xây dựng, quy hoạch, nhà ở, đô thị, bất động sản, đấu thầu, môi trường, thương mại, giáo dục, công nghệ...; đề xuất Chính phủ trình Quốc hội bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số luật liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội; báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 8-2016.

Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư có hiệu lực từ ngày 1-7-2015 là hai luật quan trọng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp 2013 về quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.

Việc Thủ tướng chỉ đạo triển khai thi hành hai luật này nhằm tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thêm động lực cho việc huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển cho thấy Chính phủ rất quan tâm đến việc phát triển khu vực doanh nghiệp trong nước.


Chủ tịch TP.HCM nổi nóng vì cả tháng lãnh đạo Sở vẫn "tà tà nghiên cứu"

Sáng 28.4, UBND TP.HCM tổ chức cuộc họp báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 4, sau khi nghe Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM báo cáo về tình hình phát triển nhà ở xã hội và nhà ở tái định cư cũng như phát triển các dự án trọng điểm của TP., Chủ tịch UBND TP.HCM đã “nổi nóng” với vị Giám đốc Sở Xây dựng.

Theo đó, báo cáo tình hình phát triển các dự án xây dựng trọng điểm của Thành phố, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, Sở đang nghiên cứu thêm vấn đề liên quan để thực hiện các dự án. Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã phải “ nổi nóng” trước phát biểu này.

“Tôi rất là bực mình trước cách giải quyết của Sở Xây dựng, một việc giải quyết rất là đơn giản, tôi đã nghe nhiều luồng dư luận về cách làm việc của Sở Xây dựng, đặc biệt xoay quanh thủ tục cấp phép hơn 1.200 căn nhà ở xã hội và tái định cư dự án Thủ Thiêm và các dự án tại quận huyện khác không có tốn tiền đâu, nhưng cứ lề mê nghiên cứu. Sau khi thống kê giao hết cho quận 2 quản lý còn lại 6.000 căn, tôi đề nghị các tổ công tác làm ơn có tham mưu giúp giùm cho việc đẩy nhanh hơn tiến độ, vì cứ mỗi ngày dự án Thủ Thiêm mất bao nhiêu tiền để trả chongân hàng, tiền đó là tiền của ai? Tiền của dân chứ tiền của ai. Hay tại không phải tiền của các đồng chí thì các đồng chí không xót?”, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nói.

cuoc hop ve tinh hinh kinh te - xa hoi thang 4 cua tp.hcm, nhieu van de nong duoc dua ra.

Cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 của TP.HCM, nhiều vấn đề nóng được đưa ra.

Cũng theo Chủ tịch Nguyễn Thành Phong,  ngay cả trong nội bộ các sở, ban, ngành với nhau, mà còn xử sự không tốt trong việc kết hợp triển khai công việc, làm khó nhau thì huống chi đối với các doanh nghiệp? Đây là vấn đề cần cảnh báo đối với các sở, ngành. Dù giải quyết vấn đề gì cũng cần sự chặt chẽ, nhưng cũng phải nghĩ cho việc phát triển của Thành phố.

“Trách nhiệm giao cho các đồng chí thì các đồng chí phải cố gắng mà thực hiện chứ không thể à uôm. Kéo dài như thế thì làm sao Thành phố phát triển, làm sao đạt được sự kỳ vọng của người dân?”, ông Phòng chất vấn.

Ông Phong cũng đưa ra nhiều minh chứng thấy việc làm ăn chậm trễ, tắc trách của các ban, ngành hiện nay.

“Không biết các đồng chí làm ăn kiểu gì, trong khi vấn đề tháng 3 tôi kết luận và giao thực hiện rồi báo cáo ngay, nhưng tới nay các đồng chí vẫn báo cáo là đang nghiên cứu”, ông Phong bức xúc.

Ông Phong cũng đề nghị cần phải tập trung xử lý các vấn đề kinh tế, xã hội của Thành phố ngay, không được để dân ngóng đợi hàng ngày nữa. Đối với người nhận nhiệm vụ trước dân, không cho phép cách làm ăn tắc trách kiểu đó, không nhận thì thôi chứ đã nhận nhiệm vụ cần làm cho ra hồn.

“Làm kiểu gì mà cứ nghiên cứu, chậm rì à, tôi đã nghe người dân phản ánh, làm chậm rì à, cứ để rì rì ra để người dân đợi chờ. Tôi đề nghị Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Tài nguyên và Môi trường cần sâu sát, khẩn trương giải quyết công việc. Đừng cứ nghiên cứu rồi chây ỳ ra như vậy sẽ gây ảnh hưởng thiệt hại biết bao nhiêu cho kinh tế - xã hội, nếu làm không được thì trả lời cho doanh nghiệp, cho dân đừng để người dân, doanh nghiệp cứ ngóng đợi còn mình thì cứ tà tà nghiên cứu. Phải đặt mình vào vị trí của doanh nghiệp thì mình mới thấy doanh nghiệp họ khổ thế nào, trả lời ngay để doanh nghiệp mang tiền đầu tư chỗ khác. Các đồng chí về suy nghĩ thêm, đáng lý ra chúng ta phải năng động hơn, mạnh mẽ hơn trong các chỉ tiêu phát triển thì chúng ta cứ đứng đó rồi lún sâu hơn nữa vào sự ỳ ạch”, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chỉ đạo.(BĐT)


Rốt ráo xử lý hàng tồn đọng tại cảng Cát Lái

 Để xử lý số lượng lớn hàng hóa tồn đọng tại cảng Cát Lái, trong thời gian qua, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đã chủ động phối hợp với DN kinh doanh cảng áp dụng nhiều giải pháp xử lý rốt ráo, vừa tăng thu cho ngân sách Nhà nước, vừa tránh hư hại hàng hóa.

hang hoa xnk qua cang cat lai. (anh: t.h)

Hàng hóa XNK qua cảng Cát Lái. (Ảnh: T.H)

Đã xử lý trên 100 container hàng tồn

Theo lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, cảng Cát Lái là cảng biển có lưu lượng hàng hóa XNK lớn nhất cả nước, nên số lượng hàng hóa tồn đọng quá 90 ngày tại cảng cũng rất lớn, khoảng 700 container, chiếm 0,05% sản lượng hàng hóa nhập khẩu.

Để xử lý số lượng hàng tồn đọng này, trong thời gian qua, lãnh đạo Cục Hải quan TP.HCM và Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao công tác xử lý hàng tồn đọng tại cảng Cát Lái. Trong đó, phối hợp chặt chẽ với đơn vị kinh doanh kho, bãi cảng là Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn để cập nhật, thống kê, phân loại hàng hóa để xử lý. Từ khi Thông tư 15/2014/TT-BTC ngày 27-1-2014 của Bộ Tài chính ban hành và đã được thay đổi bởi Thông tư 203/2014/TT-BTC ngày 22-12-2014 giao cho Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chủ trì việc xử lý hàng hóa tồn đọng, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đã xử lý được 106 container hàng hóa tồn đọng tại cảng, số tiền bán hàng đã nộp vào ngân sách Nhà nước 6,377 tỷ đồng.

Hiện Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đang tiến hành xử lý hàng hóa tồn đọng đợt 1 của năm 2016 với số lượng 218 container. Theo kế hoạch, cuối tháng 4-2016, Chi cục sẽ tiến hành mở kiểm kê, phân loại hàng hóa.

Mặc dù đã hết sức cố gắng xử lý nhưng lượng hàng hóa tồn đọng tại cảng còn nhiều. Theo phân tích của Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, có nhiều nguyên nhân khiến số lượng hàng hóa tồn đọng tại cảng Cát Lái nhiều, như: là cảng lớn nhất Việt Nam với lưu lượng hàng hóa thông qua mỗi năm khoảng 3 triệu container; Nhiều DN làm ăn không hiệu quả, thua lỗ, nợ đọng thuế, bỏ trốn khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh dẫn đến từ bỏ hàng hóa sau khi đã nhập khẩu về cảng; Một số cá nhân, đơn vị NK hàng hóa không đủ điều kiện NK vào Việt Nam, khi biết không thể làm thủ tục NK được thì từ bỏ hàng; Một số trường hợp NK rác, phế liệu, phế thải từ nước ngoài về rồi từ bỏ hàng hóa; DN ở nước ngoài gửi nhầm hàng về Việt Nam rồi không chịu tái nhập hàng về nước sở tại. Ngoài ra, còn nguyên nhân do nhiều lô hàng xuất khẩu đi nước ngoài bị trả về do không đạt tiêu chuẩn chất lượng của quốc gia nhập khẩu, DN trong nước từ bỏ hàng…

Kiến nghị tháo gỡ khó khăn

Hiện công tác xử lý đối với hàng tồn đọng vẫn còn một số khó khăn. Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, việc thống kê hàng hóa tồn đọng  chậm do phải làm thủ công. Bên cạnh đó, theo quy định, cơ quan Hải quan quản lý hàng hóa tồn đọng phải làm thủ tục thông báo trong 60 ngày, thời gian này là khá dài. Ngoài ra, Hội đồng xử lý hàng hóa tồn đọng tại cảng Cát Lái được thành lập theo năm (trước đây Hội đồng thành lập theo từng đợt/vụ việc xử lý). Thành phần tham gia Hội đồng xử lý hàng hóa tồn đọng chủ yếu là cán bộ, công chức Hải quan ở các đơn vị khác nhau lại phải kiêm nhiệm thêm công tác xử lý hàng hóa tồn đọng, gây áp lực rất lớn về mặt thời gian, đi lại, ảnh hưởng đến nhiệm vụ chính trị chính được giao. Số tiền thu được từ bán trực tiếp hoặc bán đấu giá hàng hóa tồn đọng sau khi đã trừ đi chi phí suốt quá trình xử lý rất ít, thậm chí nhiều lô hàng sau khi bán thanh lý thu không đủ bù chi (chi phí lưu container, lưu bãi, vận chuyển, tiêu hủy...). Việc giao cho cơ quan chủ chủ trì xử lý hàng tồn đọng chưa phù hợp, do chỉ là cơ quan quản lý nhà nước về hải quan, không có chức năng kinh doanh nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc tạm ứng, thanh toán thu, chi, thuê các dịch vụ liên quan trong quá trình xử lý hàng hóa tồn đọng. Thời gian chờ đợi kết quả kiểm định, giám định, định giá hàng tồn đọng… của các cơ quan, tổ chức có liên quan kéo dài.

Để việc xử lý hàng tồn đọng được kịp thời, hiệu quả, Cục Hải quan TP.HCM đề xuất Bộ Tài chính giao Sở Tài chính tỉnh/thành phố là thành viên chủ trì Hội đồng xử lý hàng hóa tồn đọng tại cảng biển (Lãnh đạo Sở Tài chính là Chủ tịch Hội đồng) do có nhiều ưu điểm, như: Sở Tài chính là cơ quan quản lý ngân sách Nhà nước, có đầy đủ thẩm quyền thanh toán thu - chi, có bộ phận chuyên trách quản lý công sản, có chức năng thẩm định giá hàng hóa và có kho, bãi để chứa tài sản thuộc sở hữu Nhà nước trước khi bán trực tiếp hoặc bán đấu giá. Giao DN kinh doanh kho, bãi là thành viên Hội đồng chịu trách nhiệm thực hiện công tác thông báo về hàng hóa tồn đọng, thực hiện việc kiểm kê, phân loại ban đầu, liên hệ thuê các cơ quan dịch vụ kiểm đếm, giám định hàng hóa, đấu giá và mang hàng hóa đi tiêu hủy về sau đối với những lô hàng bắt buộc phải tiêu hủy dưới sự giám sát của cơ quan Hải quan. Ứng trước toàn bộ chi phí và thanh toán lại với Hội đồng sau mỗi đợt thanh lý.

Chi cục Hải quan tại cảng biển có hàng hóa tồn đọng là thành viên hội đồng chỉ nên chịu trách nhiệm phối hợp và giám sát chặt chẽ toàn bộ quá trình xử lý hàng hóa tồn đọng từ đầu cho tới khi kết thúc. Đề xuất phải có chế tài với các công ty, các hãng tàu vận chuyển rác, phế liệu, phế thải, hàng không đạt chất lượng nhập khẩu vào Việt Nam thì mới có thể giảm được hàng tồn đọng tại các cảng biển, cửa khẩu.(BHQ)


Phổ biến quy định thế chấp tài sản đảm bảo cho khoản vay được Chính phủ bảo lãnh

Ngày 27-4, Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại - Bộ Tài chính tổ chức triển khai thực hiện Thông tư số 10/2016/TT-BTC hướng dẫn thế chấp tài sản để đảm bảo cho khoản vay được Chính phủ bảo lãnh.

ong hoang hai phat bieu tai hoi nghi.

Ông Hoàng Hải phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu khai mạc, ông Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại cho biết: Việc ban hành Thông tư 10/2016/TT-BTC nhằm hướng dẫn cụ thể hơn việc thế chấp tài sản và đăng ký giao dịch bảo đảm đã được quy định tại Nghị định số 15/2011/NĐ-CP của Chính phủ về cấp và quản lý bảo lãnh chính phủ, đồng thời xuất phát từ yêu cầu thực tế từ doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh và từ yêu cầu quản lý bảo lãnh Chính phủ. 

Giải thích cụ thể hơn, ông Hoàng Hải cho hay, theo Điều 13 Nghị định số 15, ngoại trừ khoản vay, khoản phát hành trái phiếu của các ngân hàng chính sách được Chính phủ bảo lãnh, tài sản hình thành từ vốn vay được Chính phủ bảo lãnh phải được thế chấp để bảo đảm thực hiện các nghĩa vụ của người được bảo lãnh với Bộ Tài chính theo tỷ trọng vốn vay hình thành nên tài sản đó.

Tính đến 31-12-2015, có 86 dự án có khoản vay nước ngoài và 15 dự án có khoản vay trong nước được Chính phủ bảo lãnh đang còn dư nợ. Trong đó, 60 dự án phải thế chấp tài sản bảo đảm (có 3 dự án vay cả trong nước và nước ngoài). 

Cho tới nay, 2 dự án đã đăng ký giao dịch bảo đảm, 6 dự án đã ký hợp đồng thế chấp tài sản. Số dự án phải ký hợp đồng thế chấp tài sản hiện còn 52 dự án, chủ yếu rơi vào lĩnh vực điện (chiếm 86%) tiếp theo là lĩnh vực xi măng (chiếm 11%).

hhoi nghi thu hut su tham gia cua nhieu doanh nghiep dang su dung cac khoan vay do chinh phu bao lanh.

hHội nghị thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp đang sử dụng các khoản vay do Chính phủ bảo lãnh.

Các tài sản bảo đảm của các dự án này thông thường gồm khối tài sản nhà máy/đường dây truyền tải và khối nhà điều hành, tài sản quản lý. Khối tài sản nhà máy bao gồm máy móc thiết bị, hệ thống máy móc và thiết bị phục vụ việc vận hành dự án. 

Khối nhà điều hành và tài sản quản lý bao gồm các công trình và máy móc hỗ trợ việc vận hành dự án, các công trình và máy móc thiết bị phục vụ đội ngũ công nhân viên làm việc tại dự án… 

Sau khi tài sản đã hình thành, các doanh nghiệp được bảo lãnh đều theo dõi và hạch toán kế toán các tài sản này.

Việc ban hành Thông tư 10/2016/TT-BTC là rất cần thiết để tạo ra khung pháp lý đầy đủ, tạo điều kiện thuận lợi cho các bên liên quan triển khai thực hiện thế chấp tài sản cho Bộ Tài chính và đăng ký giao dịch bảo đảm để bảo đảm cho khoản vay được Chính phủ bảo lãnh. 

Tại hội nghị, đại diện Bộ Tài chính đã phổ biến tới đại biểu các nội dung trọng tâm của Thông tư 10/2016/TT-BTC giúp các bên nắm rõ hơn các vướng mắc trong quá trình thực hiện ký hợp đồng thế chấp tài sản cũng như lộ trình ký kết hợp đồng thế chấp và các quy định có liên quan về đăng ký giao dịch bảo đảm. 

Các đại biểu tham dự cũng thẳng thắn trao đổi, đóng góp ý kiến xung quanh việc hoàn tất ký kết hợp đồng thế chấp tài sản hình thành từ khoản vay được Chính phủ bảo lãnh trong năm 2016 để việc triển khai Thông tư có hiệu quả.

Những ý kiến tại hội thảo được Bộ Tài chính ghi nhận và đưa vào nghiên cứu để hoàn thiện bổ sung các quy định về thế chấp tài sản để bảo đảm cho khoản vay được Chính phủ bảo lãnh.(HQ)


Miễn nhiệm Giám đốc dự án đường ống nước sông Đà

Ông Bùi Minh Trường – nguyên Giám đốc Ban quản lý Dự án đường ống nước Sông Đà giai đoạn II chính thức bị miễn nhiệm từ ngày 25-4.

tuyen ong nuoc song da so 1 lien tuc vo thoi gian qua

Tuyến ống nước sông Đà số 1 liên tục vỡ thời gian qua

Theo quyết định số 22 (ngày 22-4-2016) của Công ty CP nước sạch Vinaconex (Viwasupco), Viwasupco quyết định miễn nhiệm chức Giám đốc Ban quản lý Dự án đường ống nước Sông Đà giai đoạn II đối với ông Bùi Minh Trường từ ngày 25/4.

Quyết định nêu rõ: “Ông Bùi Minh Trường có trách nhiệm bàn giao toàn bộ công việc, hồ sơ, tài liệu và các tài sản có liên quan đến công việc đang quản lý cho các cán bộ được phân công tiếp nhận”. Tuy nhiên, lý do miễn nhiệm không được phía Viwasupco công bố.

Cùng đó, theo quyết định số 23 (ngày 22-4-2016), công ty cũng bổ nhiệm ông Lê Minh Quý giữ chức vụ Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Ban quản lý dự án với thời gian bổ nhiệm 5 năm kể từ ngày 25-4-2016. Ông Quý sinh năm 1971 và là thạc sỹ quản trị kinh doanh - kỹ sư xây dựng.

Theo quyết định trên, ông Lê Minh Quý có trách nhiệm thực hiện chức trách, nhiệm vụ theo sự phân công để tổ chức hoạt động của Ban Quản lý Dự án hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hoà Lạc- Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông giai đoạn II, đảm bảo dự án có hiệu quả theo đúng quy định của pháp luật và công ty.

Liên quan đến dự án đường ống nước sông Đà, năm 2005 dự án hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông triển khai giai đoạn 1, dài 45,8km, công suất 300.000 m3/ngày đêm, với số vốn 1.500 tỉ đồng. Năm 2009, tuyến ống số 1 được đưa vào vận hành. Thế nhưng, trong khoảng 6 năm vận hành đến nay, “công trình vàng” đã vỡ đến 17 lần. Nhiều cán bộ thuộc Công ty cổ phần Ống sợi thủy tinh Vinaconex, Ban quản lý dự án cấp nước Sông Đà cùng một số đơn vị liên quan đã bị khởi tố về hành vi “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.

Giai đoạn 2 của dự án được khởi công vào tháng 10/2015 với tổng nguồn vốn đầu tư dự án gần 5.000 tỷ đồng. Tuy nhiên thông tin về việc “Nhà thầu Trung Quốc thắng thầu đường ống nước sông Đà số 2” đã khiến dư luận có nhiều ý kiến trái chiều. Theo đó, Công ty Viwasupco đã lựa chọn Nhà thầu trúng thầu là Công ty TNHH Sản xuất Ống gang dẻo Xinxing (Trung Quốc) với giá trúng thầu thấp hơn khoảng 11,8% so với giá gói thầu được phê duyệt.

Ngày 6-4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo dừng ký hợp đồng với nhà thầu Trung Quốc. Thông tin từ đại diện công ty Viwasupco cho biết, đến nay công ty vẫn thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng dừng ký hợp đồng với nhà thầu Trung Quốc. Trong một diễn biến khác, Viwasupco đang đã thuê một hãng luật để hỗ trợ, đánh giá các hậu quả của việc hủy thầu hoặc không ký kết hợp đồng đối với Xinxing. Công ty đã tính đến phương án phải bồi thường thiệt hại và trường hợp xấu nhất là Xingxing khởi kiện để cân nhắc hướng giải quyết.

Dự án đường ống nước sông Đà giai đoạn 2, sau khi hoàn thành, tuyến ống có tổng chiều dài 47,6 km nâng công suất cấp nước lên 600.000m3 một ngày đêm. Người dân vẫn chờ mong dự án sớm được hoàn thành để không phải chịu cảnh “khát” giữa thủ đô trong những thời kỳ cao điểm.(HQ)


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục