tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin trong nước đọc nhanh trưa 07-10-2015

  • Cập nhật : 07/10/2015

Campuchia di dời 1.000 gia đình người Việt sống ở Biển Hồ

Hơn 1.000 hộ gia đình người Việt sống dọc con sông Tonle Sap hay còn gọi là Biển Hồ của Campuchia buộc phải di dời khỏi khu vực mà họ gắn bó hàng chục năm nay.
campuchia sap di doi 1.000 ho gia dinh nguoi viet song o bien ho - anh minh hoa: afp

Campuchia sắp di dời 1.000 hộ gia đình người Việt sống ở Biển Hồ - Ảnh minh họa: AFP

Báo Cambodia Daily hôm nay 6.10 cho hay việc di dời các hộ gia đình sống trên thuyền, bè hoặc gần bờ sông Tonle Sap là chủ trương của chính quyền tỉnh Kompong Chhnang nhằm mang lại vẻ mỹ quan cho Biển Hồ.
Cùng với cả ngàn hộ gia đình Việt Nam còn có hàng trăm hộ người Khmer và người Chăm pa thuộc diện phải di dời để thực hiện kế hoạch phát triển 5 năm 2015-2019 của tỉnh này.
“Chúng tôi có kế hoạch 5 năm để phát triển thị trấn Kompong Chhnang. Chính quyền đã thông báo cho gần 1.500 hộ gia đình người Khmer, Chăm pa và Việt Nam phải di dời trong khoảng thời gian từ 15-25.10”, ông Sun Sovannarith, Phó tỉnh trưởng tỉnh Kompong Chhnang nói. Theo ông Sovannarith, hơn 90% hộ gia đình đồng ý di dời.
Tuy nhiên, ông Nguyen Yon Mas, đại diện của gần 900 hộ gia đình người Việt sống dọc con sông Tonle Sap từ khi chế độ Khmer Đỏ sụp đổ năm 1979 cho biết họ muốn tiếp tục sống ở đây, chỉ có khoảng 200 gia đình người Việt muốn chuyển đến chỗ ở mới.
“Họ ép buộc chúng tôi phải di chuyển đi xa, cách 5 km. Điều đó sẽ ảnh hưởng nhiều gia đình, đặc biêt là những hộ nghèo khổ”, ông Mas được Cambodia Daily trích phát biểu. Ông cũng cho biết nhiều hộ gia đình có nhà, đất nên có thể tái định cư trên đất liền; nhưng những hộ không có thì vất vả không chỉ nơi định cư mà cả kế sinh nhai.
Nơi định cư mới ngoài việc không an toàn còn thiếu cơ sở hạ tầng như điện, nước, khiến nhiều người Việt ở Campuchia không muốn thay đổi chỗ ở, theo ông Mas.
Chưa rõ việc di dời các hộ gia đình người Việt sẽ được tiến hành như thế nào. Tuy nhiên, theo Cambodia Daily đây là kế hoạch được nói đến từ nhiều năm trước dưới áp lực của dân cư trong vùng, và chính quyền địa phương có thể sẽ dùng biện pháp mạnh để trục xuất các hộ gia đình khỏi Biển Hồ.

Xây dựng 3 trung tâm công nghệ sinh học cấp quốc gia

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt “Quy hoạch mạng lưới các viện, trung tâm nghiên cứu và phòng thí nghiệm về công nghệ sinh học đến năm 2025”.
viet nam se co 3 trung tam cong nghe sinh hoc cap quoc gia - anh: ngoc thang

Việt Nam sẽ có 3 trung tâm công nghệ sinh học cấp quốc gia - Ảnh: Ngọc Thắng

Theo quy hoạch, đến năm 2020, Việt Nam sẽ đầu tư và phát triển 3 trung tâm công nghệ sinh học cấp quốc gia ở miền Bắc, miền Trung và miền Nam trên cơ sở Viện Công nghệ sinh học thuộc Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, Viện Công nghệ sinh học thuộc Đại học Huế và Trung tâm Công nghệ sinh học TP.Hồ Chí Minh.
10 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, bao gồm các phòng thí nghiệm công nghệ gen, phòng thí nghiệm công nghệ tế bào thực vật, phòng thí nghiệm công nghệ tế bào động vật, phòng thí nghiệm công nghệ vi sinh công nghiệp, phòng thí nghiệm công nghệ tế bào gốc... cũng sẽ được hình thành và phát triển đồng bộ.
Đến năm 2025, Việt Nam có 3 trung tâm công nghệ quốc gia đạt trình độ tương đương khu vực ASEAN, trong đó ít nhất 1 phòng thí nghiệm đạt trình độ thế giới. Bản quy hoạch cũng đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có ít nhất 15 phòng thí nghiệm đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN và thế giới, xây dựng 100% phòng thí nghiệm nghiên cứu về sinh vật biến đổi gen được chứng nhận đủ điều kiện an toàn sinh học.

Bộ Ngoại giao Việt Nam nói về TPP

Ngày 6-10, trả lời về câu hỏi đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc kết thúc tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết: “Việt Nam vui mừng và đánh giá cao quyết tâm, nỗ lực vượt bậc, cũng như sự linh hoạt, sáng tạo của các quốc gia thành viên trong việc hoàn tất Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cân bằng, toàn diện, tiêu chuẩn cao vào ngày 10-5-2015 tại thành phố Atlanta, Hoa Kỳ.

Cùng với các cơ chế hợp tác, liên kết hiện có khác như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Hiệp định Đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP)…, việc hoàn tất Hiệp định TPP là dấu mốc quan trọng, góp phần thúc đẩy xu thế liên kết đa tầng nấc cũng như duy trì môi trường hòa bình, ổn định và sự phát triển năng động của châu Á-Thái Bình Dương". 

Cũng theo ông Bình, TPP sẽ giúp Việt Nam mở rộng tiềm năng hợp tác và làm sâu sắc quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác hàng đầu thế giới và khu vực, đồng thời góp phần đa dạng hóa thị trường, nguồn cung nguyên phụ liệu và giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng sản xuất khu vực, toàn cầu.

“Trong quá trình chuẩn bị cho việc ký kết và phê chuẩn hiệp định, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy nhanh quá trình chuẩn bị trong nước, tăng cường phổ biến kiến thức và nâng cao năng lực cho các địa phương, doanh nghiệp để thực hiện nghiêm túc cam kết cũng như tận dụng hiệu quả lợi ích của TPP” - ông Bình nói. 


Kinh tế Đài Loan gặp khó khăn, lao động Việt Nam phải về nước

Ngày 6-10, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết vừa yêu cầu các doanh nghiệp tăng cường theo dõi tình hình và bảo vệ quyền lợi lao động Việt Nam đi làm việc tại Đài Loan.

Theo đó, các doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc nước ngoài cần giải quyết, bảo vệ quyền lợi cho người lao động bị giảm giờ làm, mất việc. Phối hợp với các đối tác và chủ sử dụng lao động tìm việc làm mới cho người lao động tại Đài Loan. Trường hợp lao động phải về nước cần giải quyết đầy đủ quyền lợi và có phương án hỗ trợ cho người lao động.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, kinh tế Đài Loan đang bị biến động theo hướng xấu bởi nền kinh tế thế giới, dẫn đến việc làm và thu nhập của lao động nước ngoài gặp nhiều khó khăn. Đã xuất hiện các nhà máy lớn, đặc biệt là các nhà máy điện tử nhận nhiều lao động nước ngoài không nhận thêm lao động như kế hoạch, thu hẹp sản xuất, cắt giảm giờ làm, nhân lực. Trước tình trạng trên, một số lao động Việt Nam phải chuyển chủ hoặc về nước trước thời hạn.


Công dân có quyền giám sát các dự án đầu tư

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 84/2015/NĐ-CP về giám sát và đánh giá đầu tư, có hiệu lực từ ngày 20-11, thay thế Nghị định 113/2009/NĐ-CP.

Nghị định mới trao cho công dân quyền giám sát các dự án đầu tư, thông qua Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng. 

Theo đó, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp các thông tin về quy hoạch phát triển - kinh tế, xã hội; kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng, quy hoạch xây dựng chi tiết các khu đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp và kế hoạch đầu tư có liên quan trên địa bàn xã;

Yêu cầu chủ đầu tư trả lời, cung cấp các thông tin phục vụ việc giám sát đầu tư như: phương án đền bù, giải phóng mặt bằng và phương án tái định cư; phương án xử lý chất thải và bảo vệ môi trường; quyết định đầu tư; thông tin về chủ đầu tư, ban quản lý dự án, địa chỉ liên hệ; tiến độ và kế hoạch đầu tư; diện tích chiếm đất và sử dụng đất…
Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng cũng là đơn vị kiến nghị các cấp có thẩm quyền đình chỉ thực hiện đầu tư, vận hành dự án nếu phát hiện thấy dấu hiệu vi phạm trong quá trình thực hiện dự án gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, an ninh, văn hóa - xã hội, môi trường sinh sống của cộng đồng; chủ đầu tư không thực hiện công khai thông tin về chương trình, dự án đầu tư theo quy định… 
Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã chủ trì thành lập cho từng chương trình, dự án. Ban gồm có ít nhất năm người, gồm đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã; thanh tra nhân dân và đại diện người dân trên địa bàn.

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục