tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin trong nước đọc nhanh tối 19-02-2016

  • Cập nhật : 19/02/2016

TS Trần Công Trục: "Trung Quốc phản ứng điên cuồng, trắng trợn"

Trước việc Trung Quốc ngang nhiên triển khai hệ thống tên lửa ra đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên trưởng Ban Biên giới Chính phủ nói đây là phản ứng điên cuồng, trắng trợn.

tien si tran cong truc. anh: tuan phung

Tiến sĩ Trần Công Trục. Ảnh: Tuấn Phùng

Nhận định về động thái này của Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh các nước ASEAN và Mỹ đang có cuộc họp thượng đỉnh, tiến sĩ Trục cho rằng chuyện Bắc Kinh xây dựng sân bay, cầu cảng, đưa các phương tiện tàu chiến, máy bay ra đảo không phải là chuyện mới.

Tuy nhiên, ông nhận định việc Trung Quốc đưa tên lửa đất đối không ra đảo Phú Lâm trong bối cảnh này là một sự thách thức, đe dọa nghiêm trọng và là một hành vi trắng trợn của Trung Quốc để phản ứng trước cuộc họp thượng đỉnh ASEAN-Mỹ.

“Đây có thể nói là một phản ứng điên cuồng của Trung Quốc nhằm tìm mọi cách đe dọa và chia rẽ sự đoàn kết đang được hình thành, củng cố sau một quá trình Trung Quốc tìm cách chia rẽ” – ông nói.  

Ông cũng cho rằng Trung Quốc có cảm giác rằng sự đoàn kết của ASEAN là bất lợi cho chủ trương của mình nên họ có một động thái mạnh mẽ như vậy, trắng trợn như vậy.

“Tôi nghĩ đây là việc Trung Quốc tính toán trong thời điểm hiện nay” – ông nhận định.

Xưa nay, Trung Quốc luôn chủ trương giải quyết tranh chấp trên biển Đông một cách song phương chứ không phải đa phương.

“Ngoài phản ứng đó thì tôi thấy họ quân sự hóa, họ đem tên lửa ra đảo Phú Lâm, nhất là tên lửa đất đối không, nhằm tiếp tục thực hiện chủ trương trong việc khống chế đi lại của quốc tế mà Trung Quốc bấy lâu nay đã thực hiện, tìm mọi để biến kế hoạch công bố vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Đông trở thành hiện thực” – tiến sĩ Trục cảnh báo.

Trung Quốc đã từng nói không quân sự hóa biển Đông. Trái ngược lại tuyên bố đó, Bắc Kinh đã đem tên lửa ra Hoàng Sa. Tiến sĩ Trục cho rằng chuyện Trung Quốc nói một đằng làm một nẻo thì “mọi người đã biết rồi và đây không phải là lần đầu tiên chúng ta chứng kiến điều này”.

Ông nói thêm: “Đây là cách mà Trung Quốc vẫn hành xử từ trước đến nay. Chuyện họ làm như vậy một lần nữa chứng tỏ sự bất chấp ý nguyện, quan hệ ngoại giao, luật pháp quốc tế. Họ sẵn sàng chà đạp tất cả để họ có thể thực hiện được tham vọng của mình. Đó là điều chúng ta nên cảnh giác”.

Đặc biệt, với tình hình quốc tế hiện nay, theo ông Trục, việc Trung Quốc bất chấp tất cả dùng đến sức mạnh để mở rộng sự chiếm đóng của mình, thậm chí uy hiếp đến quốc phòng các nước xung quanh biển Đông, trong đó có Việt Nam, là điều chúng ta cần lưu ý.

“Đó là nguy cơ của một mối đe dọa, một cuộc xung đột có thể diễn ra nếu như quốc tế không có một biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn hành động này của Trung Quốc. Có lẽ cộng đồng quốc tế cần có một tiếng nói ngay tức khắc trước khi sự việc trở nên nghiêm trọng” – ông nói.


Bà Trương Thị Mai làm trưởng 
Ban Dân vận 
trung ương

Ban Dân vận trung ương đã tổ chức hội nghị triển khai quyết định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ vào sáng 17-2. 

ba truong thi mai - anh: ttxvn

Bà Trương Thị Mai - Ảnh: TTXVN

Trưởng Ban Tổ chức trung ương Phạm Minh Chính đọc quyết định của Bộ Chính trị phân công bà Trương Thị Mai, ủy viên Bộ Chính trị, giữ chức trưởng Ban Dân vận trung ương.

Ông Đinh Thế Huynh - ủy viên Bộ Chính trị, thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng - bày tỏ tin tưởng bà Trương Thị Mai tiếp tục phát huy năng lực, kinh nghiệm, sự năng động và sáng tạo, hoàn thành nhiệm vụ mới được giao.


Tạm đình chỉ công tác chánh thanh tra Sở GTVT Thanh Hóa

Ông Trịnh Ngọc Minh - chánh Thanh tra Sở GTVT Thanh Hóa bị tạm đình chỉ công tác để kiểm điểm liên quan hoạt động của trạm Thanh tra giao thông Đồng Tâm (quốc lộ 217).

chiec xe tai bi ong mai xuan liem - giam doc so gtvt tinh thanh hoa phat hien, chi dao thanh tra giao thong bat giu chieu 17-2 - anh: ha dong

Chiếc xe tải bị ông Mai Xuân Liêm - giám đốc Sở GTVT tỉnh Thanh Hóa phát hiện, chỉ đạo thanh tra giao thông bắt giữ chiều 17-2 - Ảnh: Hà Đồng

Trưa 18-2, trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Thanh Hóa cho biết sáng cùng ngày, giám đốc Sở này vừa ký quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Trịnh Ngọc Minh - chánh Thanh tra của sở.

Nội dung quyết định số 135/QĐ-SGTVT (ngày 18-2, do giám đốc Sở GTVT tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm ký) nêu rõ lý do tạm đình chỉ điều hành công tác vì ông Trịnh Ngọc Minh chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành công việc của thanh tra sở.

Thời gian tạm đình chỉ công tác đối với ông Minh là 15 ngày, kể từ ngày 18-2.

Tại quyết định nêu trên, lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Thanh Hóa còn yêu cầu ông Minh kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành công việc của chánh Thanh tra và các cá nhân liên quan đến hoạt động tại trạm Thanh tra giao thông Đồng Tâm (đóng trên quốc lộ 217, đoạn qua địa bàn huyện miền núi Bá Thước, Thanh Hóa), báo cáo giám đốc sở trước ngày 25-2.

Ông Trịnh Ngọc Minh phải có trách nhiệm đề xuất giải pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành kiểm tra, giám sát trên cương vị chánh Thanh tra giao thông, để nâng cao hiệu quả hoạt động của trạm thanh tra Đồng Tâm.

Được biết, lúc khoảng 15g10 phút ngày 17-2, trong chuyến đi công tác trên tuyến quốc lộ 217 đoạn qua xã Thiết Ống, huyện Bá Thước, ông Mai Xuân Liêm - giám đốc Sở GTVT tỉnh Thanh Hóa phát hiện xe tải mang biển số 36C-084.47 chạy hướng huyện Quan Hóa đi TP Thanh Hóa chở đầy phế phẩm từ tre luồng, có dấu hiệu vận chuyển hàng hóa quá tải.

Sau đó, ông Liêm đã vào trạm kiểm tra tải trọng của lực lượng Thanh tra Sở GTVT đóng tại Đồng Tâm (Bá Thước) yêu cầu lực lượng chức năng mang cân tải trọng ra kiểm tra chiếc xe tải nêu trên.

Khi lực lượng chức năng dừng xe, yêu cầu xuất trình giấy tờ, cân tải trọng thì tài xế không chịu xuất trình mà còn rút điện thoại di động ra gọi điện "nhờ vả".

Theo giấy tờ, xe tải này chỉ được phép chở 38 tấn, nhưng khi cân xe thì lên tới 51,5 tấn, quá tải trọng cho phép hơn 13 tấn.

Tại trạm thanh tra giao thông Đồng Tâm, chiều 17-2, ông Mai Xuân Liêm đã ký quyết định thành lập hội đồng kỷ luật để xem xét, xử lý các cán bộ có liên quan.


Hà Nội sẽ có trực thăng cứu hộ, máy bay chữa cháy

ha noi se mua may bay chua chay - anh minh hoa: t.n

Hà Nội sẽ mua máy bay chữa cháy - Ảnh minh họa: T.N


UBND thành phố Hà Nội vừa phê duyệt đề án quy hoạch tổng thể cơ sở của lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đến năm 2025, định hướng năm 2030.
Đề án có tổng kinh phí trên 11.500 tỉ đồng, dự kiến lấy từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn thu bảo hiểm cháy nổ, nguồn tài trợ từ các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước.
Trong đó, tại giai đoạn 3 của đề án (năm 2026 - 2030), TP.Hà Nội sẽ trang bị một máy bay trực thăng và một máy bay chữa cháy, thành lập trung tâm chỉ huy điều hành bay. Cùng với việc trang bị máy bay, đề án cũng đặt mục tiêu phát triển, mua sắm trang thiết bị, phương tiện để lực lượng phòng cháy, chữa cháy chính quy, tinh nhuệ.
Đến năm 2020, quân số lực lượng phòng cháy, chữa cháy sẽ được bổ sung 2.000 người và đến năm 2030 tổng quân số dự kiến của lực lượng này khoảng 6.500 người. 58 vị trí với trên 285.000 m2 đất được quy hoạch để xây dựng hệ thống cơ sở của lực lượng phòng cháy, chữa cháy. Sở Cảnh sát phòng cháy chữa, cháy cũng sẽ thành lập 10 phòng chức năng  tại các quận, huyện, thị xã.
Trước đó, ngày 9.11.2015, Bộ Công an đã ban hành Thông tư 60 quy định tiêu chuẩn, định mức trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng cảnh sát phòng cháy và chữa cháy.
Theo đó, kể từ ngày 1.1.2016, Trung tâm ứng cứu khẩn cấp phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ cứu nạn quốc gia được trang bị định mức 1 đến 2 trực thăng chữa cháy và cứu hộ; địa phương loại đô thị đặc biệt (Hà Nội và TP.HCM) được trang bị 1 đến 2 trực thăng loại này và phải có niên hạn sử dụng trong 15 năm. Đồng thời, mỗi đội cảnh sát chữa cháy trung tâm và khu vực phải có 5 xe chữa cháy, 1 xe thang từ 32 đến 52 m, 1 xe cứu thương, 2 mô tô chữa cháy cứu hộ, 1 máy ghi âm, ghi hình, thiết bị camera dò tìm người bị nạn.

Hà Nội bắt quả tang tài xế tống tiền cảnh sát giao thông

Do bị cảnh sát giao thông xử phạt nhiều lần, Chu Hữu Thắng (51 tuổi, ngụ ở quận Đống Đa, thành phố Hà Nội) đã dùng camera ghi hình và đe dọa tống tiền Đội Cảnh sát giao thông số 3, Hà Nội.
thang va vat chung tai tru so cong an - anh: nam anh

Thắng và vật chứng tại trụ sở công an - Ảnh: Nam Anh

Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội thành phố Hà Nội (PC45 Công an thành phố Hà Nội) đang tạm giữ hình sự đối với tài xế Chu Hữu Thắng (51 tuổi, ngụ ở quận Đống Đa, thành phố Hà Nội) để điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản.

Theo thông tin ban đầu, Thắng làm nghề lái xe chở khách và nhiều lần vi phạm luật Giao thông nên bị Đội Cảnh sát giao thông số 3, thuộc Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC67 Công an thành phố Hà Nội) lập biên bản xử phạt. Từ đó, Thắng nuôi ý định trả thù.

Tháng 12.2015, Thắng tìm mua chiếc camera quay lén có gắn thẻ nhớ trị giá 1,1 triệu đồng, rồi bí mật ghi hình tổ công tác thuộc Đội Cảnh sát giao thông số 3 làm nhiệm vụ tại nút giao Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa), sau đó nhắn tin đe dọa tống tiền, buộc họ  phải nộp 300 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng.

Sáng 17.2, khi Thắng tới ngân hàng để rút tiền, thì bị Đội Cảnh sát đặc nhiệm (PC45) bắt quả tang, thu giữ nhiều vật chứng có liên quan.

Theo PC45, quá trình làm nhiệm vụ, các tổ công tác của Đội Cảnh sát giao thông số 3 thực hiện đúng quy trình của ngành, cũng như quy định pháp luật.


Phát hiện tàu chở 20.000 lít dầu DO không rõ nguồn gốc

Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 đã kiểm tra và tạm giữ tàu Anh Đào vì vận chuyển khoảng 20.000 lít dầu DO không rõ nguồn gốc.
Ngày 17.2, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 phối hợp với Đồn biên phòng Bình Châu thuộc Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu điều tra làm rõ việc tàu Anh Đào, số hiệu BV 1323 (thuộc Công ty TNHH Trang Đào, địa chỉ xã Bình Châu, H.Xuyên Mộc) do ông Lê Văn Chính làm thuyền trưởng, vận chuyển khoảng 20.000 lít dầu DO không rõ nguồn gốc.
Trước đó, lúc 8 giờ 15 cùng ngày, tại khu vực biển Bình Châu (H.Xuyên Mộc), Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 đã kiểm tra và tạm giữ tàu Anh Đào sau khi phát hiện số dầu nói trên. Tại thời điểm kiểm tra, trên tàu có 3 thuyền viên, ông Lê Văn Chính không xuất trình được giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của số lượng hàng hóa trên tàu. Theo lời khai ban đầu của ông Chính thì tàu vận chuyển dầu DO để tiêu thụ cho các tàu đánh cá trên biển.

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục