tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin trong nước đọc nhanh 24-12-2015

  • Cập nhật : 24/12/2015

Dự án thủy điện Lai Châu sẽ hoàn thành vào cuối năm 2016

 Ngày 23-12, tại thị trấn Nậm Nhùn, huyện Nậm Nhùn (Lai Châu), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tổ chức lễ mừng phát điện tổ máy 1, công trình thủy điện Lai Châu. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến dự và phát biểu chỉ đạo.

Trước đó, ngày 14-12, tổ máy số 1 thủy điện Lai Châu đã chính thức phát điện hòa vào lưới điện quốc gia, vượt kế hoạch đề ra hơn ba tháng.

Ông Dương Quang Thành, Chủ tịch HĐTV EVN, cho biết tổ máy số 2 và số 3 đang được lắp đặt thiết bị và công trình thủy điện Lai Châu dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2016, sớm trước một năm so với phê duyệt. Tổng mức đầu tư dự án là 35.700 tỉ đồng; đây là công trình thủy điện lớn thứ ba được xây dựng trên dòng chính sông Đà, gắn liền với thủy điện Sơn La và thủy điện Hòa Bình.

nha may thuy dien lai chau du kien se chinh thuc hoan thanh vao cuoi nam 2016. anh: tra phuong 

Nhà máy thủy điện Lai Châu dự kiến sẽ chính thức hoàn thành vào cuối năm 2016. Ảnh: Trà Phương 

Theo ông Thành, việc phát điện tổ máy số 1 thủy điện Lai Châu sớm hơn ba tháng có ý nghĩa rất lớn, góp phần đáng kể vào tổng công suất hệ thống điện, làm giảm nguy cơ thiếu điện trong những năm tới. 

Nếu đưa nhà máy vận hành sớm ba tháng sẽ tạo ra doanh thu 150 triệu USD, tiết kiệm hơn 1 triệu tấn than để sản xuất ra lượng điện năng tương đương.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết việc đưa vào vận hành và phát điện thành công tổ máy số 1 sớm hơn ba tháng so với dự kiến, sẽ rút ngắn tiến độ toàn dự án khoảng một năm, giúp tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước hơn 7.000 tỉ đồng.

Thủ tướng chỉ đạo EVN tiếp tục huy động mạnh vốn đầu tư xây dựng các công trình điện, nhất là nguồn vốn ngoài Nhà nước, nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư, bảo đảm cung cấp đủ điện đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước với chất lượng ngày càng được nâng cao. 

Nhà máy thủy điện Lai Châu được khởi công vào ngày 5-1-2011 gồm ba tổ máy với tổng công suất thiết kế 1.200 MW. Dự kiến khi hoàn thành toàn bộ dự án, thủy điện Lai Châu sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia 4,7 tỉ kWh/mỗi năm.

Thủy điện Lai Châu là công trình thủy điện lớn thứ ba tại Đông Nam Á, chỉ sau thủy điện Sơn La (2.400 MW) và thủy điện Hòa Bình (1.920 MW) . Đây là một trong bốn dự án thủy điện trên hệ thống sông Đà và là dự án thủy điện cuối cùng trong quy hoạch trên dòng sông này.


Xây cầu vượt giảm kẹt xe ở vòng xoay lớn nhất TP HCM

Công trình sẽ được xây ở ngã năm Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm (quận Phú Nhuận, Gò Vấp) để giải quyết tình trạng kẹt xe nghiêm trọng.

Theo Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP HCM, sau khi cân nhắc các phương án giải quyết nạn kẹt xe tại vòng xoay Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm, các đơn vị đã chọn giải pháp xây cầu vượt.Phương án làm hầm chui tại vòng xoay lớn nhất TP HCM (đường kính 70 m, làn đường xung quanh rộng 26 m) không được chọn do có tuyến metro số 4 đi trong lòng đất đường Nguyễn Kiệm và tốn chi phí di dời hệ thống thoát nước cống hộp lắp đặt trên đường này.

vong xoay nguyen thai son - nguyen kiem thuong ket xe nghiem trong. anh: h.c

Vòng xoay Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm thường kẹt xe nghiêm trọng. Ảnh: H.C

Để giải quyết kẹt xe ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, Sở GTVT cho nghiên cứu xây cầu vượt tại giao lộ Trường Sơn - Hồng Hà (quận Tân Bình), nghiên cứu cải tạo nút giao thông Lăng Cha Cả (quận Tân Bình), trong đó sẽ tính toán mở rộng góc giao lộ Trần Quốc Hoàn hướng về đường Cộng Hòa do đoạn đường này bị "thắt cổ chai" gây ùn ứ vào các giờ cao điểm.Ngoài ra, các đơn vị chức năng tính toán cải tạo kích thước hình học tại giao lộ Nguyễn Văn Trỗi - Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình) nhằm giảm kẹt xe trên đường Hoàng Văn Thụ rẽ vào đường Phan Thúc Duyện và Phan Đình Giót.

cau vuot se duoc xay dung o khu vuc vong xoay nguyen thai son de giam ket xe. anh: google maps

Cầu vượt sẽ được xây dựng ở khu vực vòng xoay Nguyễn Thái Sơn để giảm kẹt xe. Ảnh: Google maps

Liên quan đến chương trình giải quyết tình trạng kẹt xe xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất, trước đó, Khu quản lý giao thông đô thị số 1 đã kiến nghị Sở GTVT không thực hiện phương án xây cầu vượt tại nút giao Nguyễn Văn Trỗi - Hoàng Văn Thụ vì sẽ gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, đồng thời cũng không giải quyết triệt để tình trạng ùn tắc giao thông.

Mặt khác, việc xây cầu vượt tại khu vực này cũng ảnh hưởng đến quy hoạch của tuyến Metro số 5 (Cầu Sài Gòn - bến xe Cần Giuộc) và tuyến đường trên cao số 1 của thành phố.


Đà Nẵng định xây hầm vượt sông Hàn

Về kế hoạch xây thêm công trình qua sông Hàn để giảm ùn tắc giao thông, nhiều cơ quan quản lý của TP Đà Nẵng nghiêng về phương án xây hầm

UBND TP Đà Nẵng vừa giao Sở Giao thông Vận tải (GTVT) lên phương án xây cầu hoặc hầm vượt sông Hàn, vị trí giữa 2 cầu Thuận Phước và sông Hàn. Đơn vị tư vấn của Sở GTVT đã trình 2 phương án, trong đó mỗi phương án có 2 hướng tuyến.

Bốn phương án vượt sông

Theo phương án trình UBND TP Đà Nẵng và các sở, ngành địa phương, 2 tuyến xây cầu qua sông Hàn: Tuyến 1 từ đường Đống Đa (quận Hải Châu) sang đường Vân Đồn (quận Sơn Trà), tuyến 2 từ đường Vân Đồn nhưng thẳng sang đường Nguyễn Thị Định. Phương án xây hầm cũng có 2 tuyến tương tự trên. Trong đó, xây hầm theo tuyến 1 thì chi phí xây dựng khoảng 3.094 tỉ đồng và 143 tỉ đồng giải phóng mặt bằng. Tuyến 2 thẳng sang đường Nguyễn Thị Định, chi phí xây dựng khoảng 2.683 tỉ đồng nhưng giải phóng mặt bằng lên đến 463 tỉ đồng.

Khu vực dự kiến xây công trình vượt sông Hàn
Khu vực dự kiến xây công trình vượt sông Hàn

Trong khi đó, nếu xây cầu vượt sông theo tuyến 1 thì chi phí xây dựng khoảng 2.515 tỉ đồng và giải phóng mặt bằng 239 tỉ đồng, tuyến 2 chi phí xây dựng 2.053 tỉ đồng và giải phóng mặt bằng 665 tỉ đồng.

Đơn vị tư vấn cho rằng nên nghiêng về phương án xây hầm và chọn tuyến 1 nhằm giảm chi phí giải phóng mặt bằng. Cũng theo đơn vị tư vấn, phương án xây hầm vượt sông tốn tiền hơn xây cầu khoảng 400 tỉ đồng.

Ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở GTVT TP Đà Nẵng, giải thích cần thiết phải xây thêm công trình qua sông Hàn bởi lưu lượng xe qua các cầu ở đây đã quá tải. Năm 2012, lượng xe qua cầu sông Hàn là 33.000 lượt thì năm 2015 đã tăng lên 53.000 lượt. Theo ông Trung, việc xây dựng một công trình vĩnh cửu bắc qua sông phải không ảnh hưởng đến cảnh quan 2 bờ sông và sự phát triển du lịch của thành phố.

Tại buổi họp mới đây liên quan đến xây dựng công trình vượt sông Hàn, lãnh đạo các đơn vị, sở - ngành đã nghiêng về phương án xây hầm. Ông Vũ Quang Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng, khẳng định thống nhất phương án xây hầm nhằm giữ được không gian giữa cầu sông Hàn và cầu Thuận Phước để tổ chức các lễ hội, sự kiện trên sông. Đại diện Viện Quy hoạch và Xây dựng TP Đà Nẵng cho rằng giữa cầu sông Hàn và cầu Thuận Phước sẽ hình thành các bến du thuyền. Vì thế, xây cầu nổi sẽ hạn chế việc đi lại của tàu thuyền. Bên cạnh đó, xây hầm vượt sông cũng thuận lợi hơn cho người dân đi lại trong mùa mưa bão. Kiến trúc sư Bùi Huy Trí (Sở Xây dựng TP Đà Nẵng) đánh giá hầm vượt sông có nhiều ưu thế hơn về cảnh quan, hiệu quả giao thông...

Chấp nhận tốn kém để có công trình đẹp

Trong khi đó, ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, nhận định xây hầm vượt sông là phương án rất táo bạo. Ngoài tốn kém hơn xây cầu, hầm vượt sông còn phải tốn chi phí duy tu, bảo dưỡng định kỳ. Ông Dũng cho biết TP đang bức bách về giao thông qua sông Hàn, nhất là khu vực từ cầu Thuận Phước đến cầu sông Hàn. Tuy nhiên, việc xây dựng cầu hay hầm vượt sông cần phải có giải pháp tổng thể. Trước khi đưa ra phương án, cần phải lấy ý kiến nhiều đơn vị tư vấn để có một kế hoạch cụ thể nhất. Cũng theo ông Dũng, tuyến 1 nối từ đường Đống Đa sang đường Vân Đồn thì trục giao thông sẽ quanh co. Trong khi đó, tuyến Đống Đa sang Nguyễn Thị Định sẽ trên một trục thẳng nhưng do khu vực này dân cư đông đúc nên phải tốn kém chi phí giải tỏa mặt bằng nhiều hơn. “Nên chấp nhận mức giải tỏa đền bù cao để có tuyến đường đẹp, thay vì sợ tốn kém mà giao thông không được thông suốt” - ông Dũng gợi ý.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP, đề xuất nên đưa các phương án xây hầm và cầu ra cộng đồng để lấy ý kiến.

Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, ủng hộ phương án xây hầm vượt sông. Ông đề nghị Sở GTVT gấp rút hoàn thiện các phương án nhằm sớm trình Thường vụ Thành ủy và HĐND nhằm lấy ý kiến cụ thể để triển khai. Theo ông Thơ, nếu chần chừ thì vài năm nữa, lưu lượng xe qua các cầu sông Hàn sẽ tăng lên gây ách tắc giao thông.


Phê chuẩn nhân sự ba tỉnh Vĩnh Long, Khánh Hòa, Lai Châu

Ngày 21-12, Thủ tướng phê chuẩn kết quả bầu chức vụ phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long nhiệm kỳ 2011-2016 đối với ông Trần Hoàng Tựu, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở GTVT; ông Lữ Quang Ngời, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chánh Văn phòng Tỉnh ủy.

Cùng ngày, Thủ tướng cũng phê chuẩn kết quả bầu chức vụ phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đối với ông Nguyễn Đắc Tài, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Khánh Hòa.

Với tỉnh Lai Châu, Thủ tướng phê chuẩn kết quả bầu bổ sung chức vụ phó chủ tịch UBND tỉnh này với các ông Giàng A Tính, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Sìn Hồ; ông Đoàn Đức Long, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở GTVT.


Hà Nội sai phạm nghiêm trọng trong quản lý biệt thự cổ

 Kết quả giám sát của ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội về việc thực hiện các nghị quyết của HĐND TP về quản lý nhà biệt thự đã chỉ rõ như trên.

biet thu cu nhech nhac tren pho nguyen thai hoc, ha noi - anh: lam hoai

Biệt thự cũ nhếch nhác trên phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội - Ảnh: Lâm Hoài

Báo cáo kết quả giám sát do ông Nguyễn Hoài Nam - Trưởng ban Pháp chế HĐND Hà Nội ký nêu rõ: hiện nay nhiều biệt thự, công trình kiến trúc trước năm 1954 bị các chủ sử dụng xây dựng cơi nới làm ảnh hưởng đến kiến trúc, cảnh quan, không gian của biệt thự nhưng không được ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Đáng nói, theo Ban pháp chế, dù UBND TP Hà Nội đã có chỉ đạo dừng cấp phép xây dựng, phá dỡ biệt thự song Sở Xây dựng, UBND một số quận vẫn cấp phép xây dựng, phá dỡ và xây dựng công trình mới ở 25 biệt thự cũ.

Tương tự, công tác quản lý các biệt thự này cũng bị đánh giá là thiếu chặt chẽ. Hiện 63 biệt thự người dân tự phá dỡ, xây dựng mới nhưng cơ quan quản lý không có hồ sơ, không xác định được thời điểm xây dựng. 

19 biệt thự được báo cáo là biến dạng hoàn toàn và xuống cấp nghiêm trọng nhưng không có hồ sơ đánh giá, thẩm định chất lượng.

48 biệt thự TP báo cáo đã phá dỡ, xây mới nhưng trên thực tế thì 16 biệt thự vẫn còn, 35 biệt thự chỉ sửa chữa, cơi nới, nâng tầng. 45 biệt thự được báo cáo "không phải là biệt thự" nhưng thực tế có 8 nhà đúng là biệt thự.

Theo Ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội, nguyên nhân do công tác quản lý nhà nước của chính quyền các cấp, sở, ngành chức năng đối với quỹ nhà biệt thự chưa chặt chẽ, chưa nghiêm túc dẫn đến vi phạm diễn ra trong một thời gian dài, không được ngăn chặn kịp thời.

Việc quản lý, khai thác sử dụng quỹ nhà biệt thự của Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội thiếu chặt chẽ, thậm chí buông lỏng, đã để xảy ra nhiều vi phạm nghiêm trọng - báo cáo giám sát nhận định.

Ban Pháp chế cũng cho rằng, tại thời điểm kết thúc giám sát, việc kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan trong quản lý biệt thự vẫn chưa có kết quả chính thức.

Trước thực trạng trên, Ban Pháp chế HĐND kiến nghị UBND Hà Nội chỉ đạo Sở Xây dựng, chính quyền các quận tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt đối với trường hợp tự phá dỡ, làm biến dạng, xây mới nhà biệt thự không đúng quy định.

Tiền phạt vi phạm xây dựng tăng 385%

Qua giám sát về quản lý trật tự xây dựng đô thị, Ban Pháp chế cho biết trong năm 2015, số quyết định xử phạt hành chính do các cấp thẩm quyền ban hành đối với các công trình vi phạm xây dựng tăng 316% so với năm 2014, số tiền phạt vi phạm hành chính cũng tăng 385%.

Theo Ban Pháp chế, việc quản lý trật tự xây dựng cũng còn hạn chế, yếu kém. 

cao oc 8b le truc xay sai phep nghiem trong 

Cao ốc 8B Lê Trực xây sai phép nghiêm trọng 

Ban dẫn chứng nhiều dự án có vi phạm về trật tự xây dựng như khu đô thị Mỗ Lao, khu đô thị Văn Quán - Yên Phúc, dự án Thăng Long Garden 250 Minh Khai, dự án tổ hợp công trình nhà ở, dịch vụ công cộng và văn phòng 88 Láng Hạ, dự án công trình có chức năng hỗn hợp Đại Thanh, công trình8B Lê Trực… đến nay chưa được xử lý dứt điểm.

Sự phối hợp giữa Thanh Tra xây dựng với chính quyền cấp huyện, xã trong kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự xây dựng không kịp thời, để một số chủ đầu tư vi phạm nghiêm trọng dẫn đến khó xử lý.

Nhiều trường hợp vi phạm sau khi được báo chí nêu hoặc người dân có khiếu kiện thì chính quyền địa phương và cơ quan chức năng mới kiểm tra xử lý như công trình 250 Minh Khai, 8B Lê Trực, 88 Láng Hạ.

Ban Pháp chế kiến nghị UBND TP nghiên cứu, thành lập các tổ công tác liên ngành để kiểm tra, tổng rà soát tất cả các dự án đã và đang triển khai xây dựng trên địa bàn có vi phạm về quy hoạch, trật tự xây dựng, tổng hợp phân loại vi phạm để có biện pháp xử lý vụ thể đối với từng dự án.

Ban Pháp chế cũng kiến nghị UBND chỉ đạo xem xét xử lý kiên quyết, dứt điểm các sai phạm về trật tự xây dựng tại các dự án 8B Lê Trực, dự án công trình có chức năng hỗn hợp Đại Thanh, khu đô thị Mỗ Lao, Văn Quán - Yên Phúc, dự án 88 Láng Hạ.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục