tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Nhiều xã, huyện nợ cả chục tỉ xây dựng nông thôn mới

  • Cập nhật : 07/11/2015

(Tai chinh)

Đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) đã nêu vấn đề này trước Quốc hội trong phiên thảo luận ngày 4-11.

dai bieu pham duc chau (quang tri) - anh: v.d.

Đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị) - Ảnh: V.D.

Ngày 4-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về “Đánh giá kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015, xây dựng và đề xuất chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu giai đoạn 2016-2020”.

Đại biểu Xuân nêu thực trạng: “Nhiều địa phương chạy theo thành tích nên khi xây dựng nông thôn mới lại ứng vốn đầu tư công trình trong khi chưa có nguồn, huy động đóng góp quá khả năng của người dân.

Đặc biệt là tình trạng nợ đọng vì xây dựng nông thôn mới khá phổ biến, nhất là các xã trong diện phấn đấu đạt chuẩn năm 2015. Nhiều xã, huyện đang nợ đọng hàng chục tỉ đồng, mặc dù đã hoàn thành chương trình nông thôn mới nhưng dư nợ quá khả năng để thanh toán”.

Đã xuất hiện những xã được đào tạo một lúc 30 người làm nghề thú y, 30 người làm nghề máy nổ. Làm sao có đất để hành nghề? Tôi đề nghị Chính phủ phải rà soát lại để các chương trình này hiệu quả hơn

Đại biểu PHẠM ĐỨC CHÂU

Bắt người dân “vung tay quá trán”

Chia sẻ và cũng góp phần giải thích cho ý kiến của đại biểu Cao Thị Xuân, đại biểu Danh Út (Kiên Giang) cho rằng một số nơi khi xây dựng nông thôn mới đã bắt người dân “vung tay quá trán”, huy động vốn trong dân vượt khả năng của họ.

Trong khi đó nhiều công trình được xây dựng quá hình thức và lãng phí, chạy theo phong trào. “Nhiều nhà văn hóa xã xây xong nhưng để không vì không có kinh phí, không có giáo viên, không có người đến học tập, sinh hoạt...” - đại biểu 
Danh Út nêu.

Sự lãng phí này cũng được đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị) cho rằng có nguyên nhân từ chính chủ trương.

“Có tình trạng trong một xã được bố trí vốn xây dựng một đoạn đường từ nguồn vốn nông thôn mới. Sau đó lại có một đoạn đường xây dựng từ vốn chương trình giảm nghèo. Nhưng hai con đường này chưa chắc đã kết nối với nhau và sử dụng cùng một lúc nên khó tạo được hiệu quả” - ông Châu nói.

Ông đề nghị để tránh lãng phí, không nên xây dựng cơ sở vật chất mà phải thực hiện các chương trình định canh định cư, tạo quỹ đất, đào tạo nghề cho người nghèo.

Nhiều nơi phải xin, chạy

Các đại biểu đã nhất trí cao việc điều chỉnh từ 16 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011 - 2015 chỉ còn lại hai chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 là nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

Đại biểu Khúc Thị Duyền (Thái Bình) cho rằng việc rút gọn các chương trình mục tiêu này sẽ đảm bảo tránh trùng lặp mục tiêu, chồng chéo trong quá trình chỉ đạo.

Đại biểu Cao Thị Xuân cũng nhất trí cho rằng thời gian qua đã xuất hiện việc trong cùng thời điểm, trên cùng địa bàn nhưng có chương trình do nhiều cơ quan, nhiều ngành cùng triển khai. Dù các chương trình đó chỉ có một mục tiêu, một đối tượng thụ hưởng, dẫn đến 
hiệu quả rất thấp.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cũng thông tin: trong quá trình đi giám sát về các chương trình mục tiêu quốc gia, ông nhận thấy có quá nhiều bộ cùng quản lý.

“Thủ tục hết sức rườm rà. Phải xin rồi chạy, nhiều lắm. Điều này làm chi phí hành chính quá lớn, lãng phí rất nhiều nguồn lực” - đại 
biểu Thuyền nói.

Đối với chương trình giảm nghèo bền vững, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền đề nghị không được đánh đồng các mức nghèo. Phải phân biệt các mức nghèo, vì có những người “nghèo bền vững” do hoàn cảnh, tàn tật, không dễ gì thoát ra được, để Nhà nước đầu tư như các đối tượng khác.

“Phải khảo sát kỹ để người dân cần gì thì cấp nấy. Chứ không thể ép họ nuôi gà, nuôi dê, nuôi bò... trong khi điều kiện người dân không đáp ứng được, như đã từng xảy ra ở một số địa phương” - đại biểu Nguyễn Bá Thuyền đề nghị.

Thủ tướng 
Nguyễn Tấn Dũng: “Phải thống kê lại”

Ngay trong giờ giải lao của phiên họp Quốc hội chiều 4-11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh đã có trao đổi với nhau bên hành lang Quốc hội về những vấn đề bất cập mà các đại biểu nêu.

Trao đổi với Tuổi Trẻ sau đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: “Tôi mới nói với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh là phải thống kê lại, có nơi hoàn thành chương trình nông thôn mới nhưng nợ đầm đìa thì bây giờ làm sao?”.

Với câu hỏi về thực tế huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu đang nợ hàng trăm tỉ đồng do xây dựng nông thôn mới mà báo Tuổi Trẻ vừa nêu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: “Bây giờ con số cũng chưa chính xác nên tôi nói Bộ Kế hoạch - đầu tư và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn nắm lại”.

Thủ tướng cũng chia sẻ: Bạc Liêu hiện còn tới 12 xã chưa có đường ôtô, do đó khi làm thì phải chú ý chất lượng. “Không làm kiểu ào ào rồi chất lượng không đảm bảo, rồi lại gây ra nợ nần” - Thủ tướng nói.
Đừng vay mượn để chạy theo phong trào

Đó là ý kiến của ông Huỳnh Văn Tiếp - ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, người vừa tham gia cuộc khảo sát của ủy ban này về xây dựng nông thôn mới - trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ. 

Đại biểu Huỳnh Văn Tiếp - Ảnh: V.V.T.
Ông Huỳnh Văn Tiếp nói:

- Chúng tôi không đi khảo sát được hết mà chỉ một số địa bàn. Qua theo dõi tình hình một số địa phương có xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tôi thấy một vấn đề cần lưu ý, đó là thu nhập, đời sống thật sự của người dân.

Mục đích chính là đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên, nhưng thật sự thu nhập trong dân ở nông thôn chưa tăng. Muốn có thu nhập tăng lên thì phải bằng sản xuất, lợi nhuận thì đời sống mới nâng lên.

Nhưng chúng ta không theo tiêu chí đó, mới chỉ tập trung nguồn lực để xây dựng hạ tầng, xây dựng giao thông, xây dựng đường, trường, trạm y tế, trụ sở ủy ban... rồi sau đó xem xét tình hình xây dựng hệ thống chính trị và công nhận (đạt chuẩn nông thôn mới).

Còn thực chất việc tổ chức lại sản xuất trong tái cơ cấu nông nghiệp, thật sự nâng cao đời sống của người dân qua lợi nhuận, qua thu nhập bình quân đầu người tại địa phương đó chưa được quan tâm.

Nếu như vậy thì chạy theo phong trào, được cái xưng danh, nhưng thực chất người dân chưa hưởng được.

Tôi đi kiểm tra thì có nơi vay tiền để đầu tư cho đạt được cái chuẩn, dẫn đến nợ. Đây là vấn đề cần báo động. Rõ ràng chúng ta cần cân nhắc, đánh giá kỹ cho đúng yêu cầu mục đích của đề án đặt ra.

* Ở trung ương đã có chỉ đạo nghiêm cấm dân nghèo đóng góp xây dựng nông thôn mới. Vậy vì sao vẫn xảy ra tình trạng vay mượn dẫn đến nợ nần, thưa ông?

- Có địa phương để phục vụ cho tình hình đại hội cơ sở, của quận huyện, của tỉnh thành thì có một chỉ tiêu phải đạt bao nhiêu xã nông thôn mới.

Muốn đạt cái đó thì phải tập trung vốn để đầu tư, khi tập trung chưa đủ thì phải động viên sức dân, mà động viên sức dân thì lại vướng vay mượn.

Ví dụ bà con có thể vay tín dụng ngân hàng để hùn vô làm lộ (đường), mà họ vay để làm cái lộ đủ bốn thước như tiêu chuẩn thì thực chất là thiếu nợ, mà không sản xuất làm ra tiền thì hậu quả của nó sẽ kèm theo.

* Theo ông, giải pháp cho vấn đề này nên như thế nào?

- Ban chỉ đạo trung ương phải có sơ kết, tổng kết, đánh giá mặt ưu của nó, những cái mà các địa phương làm tốt để phát huy.

Còn những nơi làm nóng vội, chạy theo thành tích thì cũng chỉ ra để rút kinh nghiệm, nhất là những nơi không quan tâm đến tổ chức lại sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân thì phải chỉ rõ để rút kinh nghiệm. 

V.V.THÀNH

(Theo Báo Tuổi Trẻ)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục