tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Lương tối thiểu vùng 2016: Vì sao VCCI đề xuất mức tăng khoảng 10%

  • Cập nhật : 06/08/2015

(tin kinh te)

Trong đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2016, Phòng Công nghiệp và Thương mại VN đưa ra mức khoảng 10%, gồm từ 4-5% cho chỉ số giá tiêu dùng, 3% năng suất lao động bình quân và 3% nhằm bảo đảm nhu cầu tối thiểu của người lao động. Mức tăng này dựa vào căn cứ nào?

luong toi thieu vung nam 2015 da tang tu 250.000 - 400.000 dong/muc so voi nam 2014.

Lương tối thiểu vùng năm 2015 đã tăng từ 250.000 - 400.000 đồng/mức so với năm 2014.

Chi phí tăng

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, từ 1/10/2011 lương tối thiểu vùng được quy định chung cho cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI. Theo đó, các doanh nghiệp khu vực Nhà nước và ngoài nhà nước đều phải áp dụng lương tối thiểu vùng và chuyển đổi lương theo hệ thống thang bảng lương doanh nghiệp tự xây dựng và ban hành.

Việc tăng lương tối thiểu hàng năm và việc quy định về xây dựng và áp dụng thang lương, bảng lương theo Nghị định 49/2013/NĐ-CP có thể đã tác động tiêu cực đến cho cả doanh nghiệp và người lao động.

Theo VCCI cho biết, kết quả khảo sát của Viện Năng suất VN đánh giá năng suất lao động (NSLĐ) của toàn xã hội năm 2014 ước đạt 74,3 triệu đồng/lao động. Nếu tính theo giá so sánh năm 2010, NSLĐ xã hội năm 2014 đạt 50,84 triệu đồng/lao động. Từ năm 2005 đến nay, NSLĐ hàng năm đều tăng với tỷ lệ bình quân hàng năm khoảng 3%

.

Đặc biệt là các doanh nghiệp đang áp dụng hệ thống thang lương, bảng lương theo Nghị định 205/2004/NĐ-CP phải chuyển sang thực hiện theo quy định của Nghị định 49/2013/NĐ-CP.

Đại diện VCCI đơn cử: “Ví dụ đối với một số doanh nghiệp trong ngành may mặc với quy mô lao động khoảng vài ngàn lao động khi phải tự xây dựng thang, bảng lương mới và áp dụng mức lương tối thiểu vùng tăng từ 1/1/2015 thì các khoản chi phí đều tăng lên. Đặc biệt, mức đóng BHXH năm 2015 tăng 47% so với mức đóng năm 2014”.

Trong điều kiện sản xuất khó khăn như hiện nay, VCCI đánh giá đây thực sự là “cú sốc” đối với doanh nghiệp.

“Có thể là một cú sốc với doanh nghiệp, vì đứng trước tình trạng này nhiều doanh nghiệp có thể sẽ chọn phương án giảm phần lương mềm (ăn ca, thưởng các loại, tiền tham quan, nghỉ mát, hỗ trợ nhà trọ, nhà trẻ…) để bù lại phần lương cứng hoặc các khoản trích nộp tăng. Một số doanh nghiệp có thể chọn phương án tăng thời gian làm thêm giờ để giảm các khoản phải trích nộp trên một đơn vị sản phẩm” - ông Vũ Tiến Lộc cho biết.

Sức ép giảm giá sản phẩm

Theo VCCI, năng lực cạnh tranh quốc tế của các ngành nghề có nhiều lao động của VN chủ yếu dựa vào gia công. Một số lĩnh vực tuyển dụng nhiều lao động lắp ráp điện thoại di động; sợi, dệt may; giày dép; thủy sản.

“Khách hàng đang giảm giá hoặc đóng băng giá cả thì chi phí nguồn nhân lực liên tục tăng. Điều này ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm. Trong khi đó, thông thường giá bán sản phẩm đã được thương lượng trước thời điểm điều chỉnh mức lương tối thiểu, khiến sự khó khăn trong kinh doanh gia tăng” - ông Vũ Tiến Lộc cho biết.

 

Ông Vũ Tiến Lộc cho biết thêm, các ngành lắp ráp điện thoại di động, da giày, thủy sản hướng ra xuất khẩu nên doanh nghiệp còn phải chi phí nhiều cho việc thực hiện trách nhiệm xã hội, nâng cao tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm...

Việc điều chỉnh mức lương hàng năm ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể ảnh hưởng đến vấn đề thu hút đầu tư của Việt Nam.

Theo thống kê của VCCI, VN có mức đóng BHXH, BHYT, BHTN, công đoàn phí do chủ sử dụng lao động đóng cao nhất so với các nước trong khu vực (doanh nghiệp Malaysia đóng khoảng 13%, Thái Lan 5% , Philippin 10%, Indonesia 8%).

VCCI thống kê tại nhiều doanh nghiệp, tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN và phí Công đoàn năm 2015 đều tăng 35% so với năm 2014. Điều này dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp sẽ không đủ khả năng thực hiện các chế độ chính sách cho người lao động.

Khi tăng lương tối thiểu, các chi phí đặc biệt chi phí nguồn nhân lực cũng tăng theo từ đó ảnh hưởng đến khả năng chi trả của doanh nghiệp.

“Trong khi đó, cả nước có khoảng 483.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó hơn 96% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ và gần 70% doanh nghiệp kinh doanh không có lãi do đó ảnh hưởng đến việc chi trả các chế độ chính sách cho người lao động” - ông Vũ Tiến Lộc bổ sung.

“Từ những phân tích nêu trên, chúng tôi thấy rằng việc tăng lương tối thiểu vùng là cần thiết. Tuy nhiên cần xây dựng lộ trình cụ thể cho việc tăng lương, căn cứ vào sự phát triển kinh tế và yếu tố thu hút đầu tư nước ngoài, năng lực cạnh tranh của quốc gia, của cộng đồng doanh nghiệp…” - ông Vũ Tiến Lộc cho biết.

(Theo Dân Trí)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục