Xuất khẩu tài nguyên, khoáng sản thô không được hoàn thuế GTGT, trừ một số trường hợp.
Tiêu chuẩn 1,1 tỷ, sao nhiều ô tô biển xanh 5 tỷ?
- Cập nhật : 21/06/2016
(Kinh te)
Sự xuất hiện của những chiếc Lexus LX 570 trị giá đến 5 tỷ đồng mang biển xanh xuất hiện ở một số tỉnh gần đây đã khiến rất nhiều người thắc mắc. Vậy, trường hợp nào thì được phép mua xe công đắt tiền, ai sẽ là người có thẩm quyền quyết định?
Căn cứ Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg quy định về tiêu chuẩn định mức sử dụng ô tô trong cơ quan nhà nước, các chức danh như Trưởng ban của Đảng ở TƯ, Bí thư tỉnh ủy các thành phố trực thuộc TƯ sẽ được sử dụng xe công vụ thường xuyên với giá mua cao nhất 1,1 tỷ đồng/xe. Các chức danh Phó ban, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành trực thuộc TƯ được bố trí đưa đón tới nơi làm việc bằng xe ô tô có mức giá không quá 920 triệu đồng/xe.
Trường hợp đặc biệt mới được mua xe sang
Với giá xe trên thị trường như hiện nay, trong mức ngân sách 1,1 tỷ sẽ có khá nhiều lựa chọn xe hơi 4 chỗ, từ Toyota Camry 2.0E, Mazda 6, Huyndai Sonata... tới các mẫu xe rẻ tiền hơn như Toyota Altis, Vios.
Nếu muốn sử dụng xe SUV thì vẫn có một số lựa chọn như Toyota Fortuner G, Mitsubishi Pajero, Honda CRV 2.0, Huyndai Tucson, Hyundai SantaFe,...
Hai định mức 1,1 tỷ và 920 triệu được đánh giá là phù hợp với thực tế hiện nay. Với số tiền trên, hoàn toàn có thể mua được những chiếc xe tầm trung, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về độ ổn định, an toàn.
Tuy nhiên, trên đường phố, chúng ta vẫn bắt gặp những chiếc ô tô sang trọng được gắn biển xanh. Giá thị trường của những siêu xe này vượt qua định mức nhiều lần. Vậy, đinhm mức mua sắm đối với những chiếc xe này tính như thế nào?
Thực tế, con số 1,1 tỷ chưa phải giới hạn cuối cùng. Nhà nước vẫn cho phép mua sắm những chiếc xe đắt tiền hơn để phục vụ những trường hợp đặc biệt. Đây phải là những chiếc xe gắn kèm thiết bị chuyên dụng; có cấu tạo theo yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ, thường là an ninh quốc phòng, y tế, xây dựng, truyền hình,...
Việc mua sắm những chiếc xe này thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ hoặc Chủ tịch UBND tỉnh sau khi đã thống nhất với Bộ Tài chính về chủng loại, số lượng.
Quy chế phối hợp đã được ban bố rõ ràng, thế nhưng vẫn xuất hiện nhiều chiếc xe công biển xanh lên đến 5 tỷ đồng. Và nếu đã xác định việc mua xe sang là cần thiết, không thể thay thế thì số tiền để trang bị xe trên 64 tỉnh thành là bao nhiêu?
Xe công dư thừa xử lý thế nào?
Mới đây, Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính đã tiến hành rà soát xe công của tất cả các bộ, ngành, địa phương, bước đầu cho thấy lượng xe công cả nước hiện dư thừa khoảng 7.000 chiếc .
Trong số đó, Bộ NN-PTNT dư với 176 xe, tiếp theo là Bộ Công Thương với thừa 57 xe, hệ thống công đoàn của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam thừa 82 xe, tỉnh Bình Thuận thừa 29 xe, tỉnh Quảng Ninh thừa 73 xe...
Theo Bộ Tài chính, lượng xe dư thừa so với quy định tại Quyết định 32/QĐ-TTg chủ yếu do địa phương xác định sai tiêu chuẩn, định mức ở các đơn vị, các chức danh hoặc đã mua mới để thay cho xe cũ nhưng lại không tổ chức thanh lý.
Xử lý ra sao với số xe công dư thừa? Bộ Tài chính đã liên tục đốc thúc các bộ, ngành, UBND các tỉnh rà soát, sắp xếp lại, nơi nào dư thừa xe công sẽ phải điều chuyển sang nơi thiếu, các loại xe hết khấu hao, đã chạy quá 15 năm hoặc 25 vạn km thì được cho phép bán thanh lý.
Thế nhưng, đến hết quý I/2016, vẫn còn tới 30% số bộ, ngành, địa phương chưa gửi báo cáo về cho Bộ Tài chính tổng hợp.
Trong một thông tin được Bộ Tài chính công bố cuối 2015 cho thấy, cả nước có khoảng 40.000 xe công , tổng chi phí xăng xe, bảo dưỡng, tiền lương cho lái xe,... trong 1 năm là khoảng 13.000 tỷ đồng. Khoảng 30% số xe công đến hạn thanh lý, với số lượng lên tới trên 11.000 chiếc.