tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Hội nhập toàn diện và sâu sắc với thế giới: Cần bản lĩnh, trí tuệ Việt

  • Cập nhật : 03/09/2015

(Tin kinh te)

Hài hòa để phát triển bền vững là một trong các thông điệp nổi bật từ “Diễn đàn Kinh tế mùa thu 2015” vừa diễn ra mới đây tại Thanh Hóa. Với việc hàng loạt hiệp định thương mại tự do được ký kết, nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập chưa từng có vào nền kinh tế toàn cầu, song nhiều thách thức vẫn đang ở phía trước. Bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam đang cần được phát huy hơn lúc nào hết.

cac doanh nghiep fdi hien chiem 46,3% gia tri san xuat cong nghiep cua viet nam. anh: ky anh

Các doanh nghiệp FDI hiện chiếm 46,3% giá trị sản xuất công nghiệp của Việt Nam. Ảnh: KỲ ANH

Thành tựu to lớn và toàn diện

Diễn đàn tập trung vào đánh giá những thành công, hạn chế và bài học hội nhập của Việt Nam, đặc biệt khẳng định: Trên hành trình đổi mới, hội nhập và phát triển, Việt Nam đã khẳng định bản lĩnh và trí tuệ, từng bước vượt qua khó khăn, đạt những thành quả kinh tế to lớn, với tốc độ tăng trưởng khá cao và ổn định, quy mô, cơ cấu ngày càng cải thiện và độ mở kinh tế không ngừng gia tăng; so với 30 năm trước, quy mô GDP tăng gấp hơn 4 lần, độ mở nền kinh tế tăng 7 lần và đứng thứ 5 trên thế giới.

Kinh tế đối ngoại ngày càng phát triển cả bề rộng và bề sâu: Việt Nam hiện có quan hệ ngoại giao với 170 nước; ký kết trên 90 hiệp định thương mại song phương, gần 60 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, 54 hiệp định chống đánh thuế hai lần đồng thời đang có quan hệ thương mại, xuất khẩu hàng hoá tới trên 230 nước và vùng lãnh thổ. 

Việt Nam đồng thời có mối quan hệ tích cực với các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế; ngoài WTO, Việt Nam ký 8 hiệp định thương mại tự do (FTA); kết thúc đàm phán FTA với liên minh hải quan 3 nước là Nga, Belarus và Kazakhstan; FTA với Hàn Quốc và FTA với EU; đang đàm phán 5 FTA khác. Hết năm 2013, có 45 nước công nhận Việt Nam có quy chế kinh tế thị trường.

Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu chuyển dịch theo hướng tăng dần tỉ trọng nhóm hàng chế biến và giảm dần hàng xuất khẩu thô. Tốc độ tăng xuất khẩu gần như liên tục đạt 2 chữ số. Kim ngạch xuất khẩu năm 2013 cao gấp 186,1 lần năm 1985. Năm 2014, tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 150 tỉ USD, tăng 13,6% (loại trừ yếu tố giá, tăng 9,1%) so với năm 2013. 

Khu vực FDI hiện chiếm trên 18% GDP và 46,3% giá trị sản xuất công nghiệp theo giá thực tế, 66,2% kim ngạch xuất khẩu, giải quyết việc làm trực tiếp cho trên 1,7 triệu lao động. Tổng ODA từ năm 1993 đến nay đạt trên 78 tỉ USD vốn cam kết, trên 40 tỉ USD giải ngân. Việt Nam nằm trong top 10 nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới và tăng đều qua các năm, với trên 11 tỉ USD năm 2013. Đặc biệt, từ nước nhận đầu tư một chiều, gần đây đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài cũng tăng nhanh. Đến 31.12.2014, có 930 dự án của Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, với tổng vốn đăng ký là 14,85 tỉ USD.

Nhiều vấn đề xã hội và thể chế quốc gia ngày càng được cải thiện. Đặc biệt, từ năm 2010, Việt Nam chính thức ra khỏi tình trạng nước kém phát triển. Tỉ lệ hộ nghèo chỉ còn dưới 10% vào cuối năm 2013, so với mức 22% năm 2006. Nền tảng pháp lý cho việc chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang xây dựng nền kinh tế thị trường, hiện đại và hội nhập, có sự quản lý của Nhà nước ngày càng đồng bộ và vững chắc, tuân thủ nghiêm túc các cam kết hội nhập. 

Các hình thức sở hữu, loại hình doanh nghiệp và các thành phần kinh tế ngày càng đa dạng; vai trò, hiệu quả của các chủ thể, các loại hình doanh nghiệp trong nền kinh tế ngày càng nâng lên; từng bước hình thành đầy đủ, đồng bộ các yếu tố thị trường và các loại thị trường, vận hành cơ bản thông suốt, có sự gắn kết với thị trường khu vực và quốc tế.

Bản lĩnh, trí tuệ để đột phá

Tuy nhiên, kết quả hội nhập quốc tế vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập: Việt Nam đứng vào thứ 5 thế giới về độ mở nền kinh tế, song năng lực thể chế, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh và năng lực đổi mới, sáng tạo công nghệ ở các cấp độ còn hạn chế. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm và chưa gắn với đổi mới mô hình phát triển. Quản lý, điều hành, quản trị doanh nghiệp còn trì trệ. 

Kết cấu hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực, bộ máy hành chính, thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN thiếu đồng bộ chưa đáp ứng được yêu cầu chủ động tận dụng tốt nhiều cơ hội và đối phó với các thách thức. Hợp tác quốc tế về quốc phòng, an ninh chưa được phát huy đầy đủ, chưa gắn kết chặt chẽ với hội nhập kinh tế quốc tế; hợp tác về văn hóa, xã hội và một số lĩnh vực khác chưa sâu rộng. Cơ chế chỉ đạo, điều hành, phối hợp thực hiện và giám sát quá trình hội nhập từ trung ương đến địa phương còn nhiều yếu kém.

Thực tế cho thấy Việt Nam và thế giới đang ngày càng chuyển mạnh từ hội nhập kinh tế quốc tế sang hội nhập quốc tế toàn diện, đầy đủ và sâu sắc hơn. Quá trình hội nhập cho thấy, không có ngoại lệ đổ vỡ và khủng hoảng cho bất kỳ mô hình kinh doanh và nhà nước nào, kể cả các đại gia và cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới. Đồng thời, có sự chuyển hóa giữa nợ công - nợ tư và vai trò ngày càng lớn của khủng hoảng tài chính đối với khủng hoảng chu kỳ, bất ổn vĩ mô, xã hội và chính trị.

Bởi vậy, cần ngày càng đề cao yêu cầu phối hợp hài hoà sử dụng “bàn tay” Nhà nước và “bàn tay” thị truờng trong một mô hình nhà nước kiểu mới; coi trọng tính đồng bộ và chú ý đến tính 2 mặt của các giải pháp chính sách, nhằm đa dạng hoá và phối hợp hiệu quả các nguồn lực trong nước và quốc tế trong quản lý phát triển và vượt qua khủng hoảng; tăng cường dự báo, thông tin, bảo vệ người tiêu dùng và giữ vững lòng tin trên thị trường tài chính; hài hòa các lợi ích kinh tế - chính trị - văn hóa - xã hội và môi trường. 

Đặc biệt, cần xây dựng và tạo sự đồng thuận sâu sắc về hệ thống chuẩn giá trị quốc gia, cũng như không ngừng hoàn thiện cơ chế bảo vệ lợi ích quốc gia và đột phá trong cơ chế phân cấp, kiểm soát quyền lực, công tác cán bộ, song song và là điều kiện để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế trong hội nhập quốc tế, cả vĩ mô và vi mô, trước mắt và lâu dài.

(Theo Báo Lao Động)

Trở về

Bài cùng chuyên mục