tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Diễn biến tình hình của giá cả và tiêu dùng giai đoạn 2011-2015

  • Cập nhật : 20/02/2016

(Tin kinh te)

Chỉ số giá tiêu dùng CPI trong giai đoạn 2011-2015 đã dần được kiểm soát. Nếu như năm 2011 là năm có chỉ số giá tiêu dùng tăng cao nhất trong 10 năm gần đây (tăng 18,58%), thì năm 2015 lại năm có chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp nhất (đạt 0.63%).

dien bien tinh hinh cua gia ca va tieu dung giai doan 2011-2015

Diễn biến tình hình của giá cả và tiêu dùng giai đoạn 2011-2015

1. Giá cả được kiểm soát

Chỉ số giá tiêu dùng CPI trong giai đoạn 2011-2015 đã dần được kiểm soát. Nếu như năm 2011 là năm có chỉ số giá tiêu dùng tăng cao nhất trong 10 năm gần đây (tăng 18,58%), thì năm 2015 lại năm có chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp nhất (đạt 0.63%).


Qua diễn biến chỉ số giá tiêu dùng gia đoạn 2011-2015 có thể thấy lạm phát trong nền kinh tế đã được kiềm chế rất tốt trong giai đoạn này. Để có được những thành tựu như vậy có thể thấy ở hai nguyên nhân chính sau đây:


-  Nguyên nhân bên ngoài: trong giai đoạn 2012-2015 giá cả thế giới cũng có xu hướng giảm mạnh, điển hình như giá dầu thế giới năm 2011 vào khoảng hơn 100USD/thùng thì đến năm 2014 chỉ còn khoảng 70USD/thùng, và đến năm 2015 còn chưa đến 50USD/thùng; giá xăng dầu tại Việt nam chịu tác động lớn từ giá dầu thế giới, điều này giải thích tại sao chỉ số giá nhóm giao thông trong nước đã giảm mạnh hai năm gần đây. Ngoài ra việc giá một số hàng hoá thế giới (như giá nông sản) giảm mạnh thời gian gần đây cũng có tác động nhiều đến nhóm giá lương thực thực phẩm trong nước.


- Nguyên nhân bên trong:  Để giải quyết vấn đề lạm phát tăng cao năm 2011, chính phủ đã ra Nghị quyết số 11/NQ-CP  ngày 24 tháng 02 năm 2011 về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Việc các Bộ, ngành quyết liệt thực hiện tốt chương trình bình ổn giá thị trường từ năm 2012 tới nay đã đảm bảo nguồn cung hàng hoá thiết yếu, góp phần làm tăng cung trong những dịp tiêu dùng cao điểm, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân với giá bán hợp lý. Mặt khác, trước tình hình tổng cầu và sức mua của nền kinh tế còn yếu, hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, lạm phát tuy đã được kiểm soát nhưng tiềm ẩn nguy cơ gia tăng trở lại, qua các năm Chính phủ vẫn duy trì mục tiêu, nhiệm vụ “điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, bảo đảm thanh khoản của các tổ chức tín dụng và nền kinh tế”. Như vậy, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là những mục tiêu được quan tâm hàng đầu bên cạnh việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý. Đây là một định hướng đúng đắn khi vấn đề kinh tế căn bản của Việt Nam trong những năm gần đây xoay quanh hai vấn đề chính là duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô và tạo đà tăng trưởng kinh tế trong trung hạn.


2. Tiêu dùng đã có sự cải thiện rõ rệt qua từng năm


Nhìn từ phía cầu, tiêu dùng cuối cùng luôn chiếm tỷ trọng trên 70% trên tổng GDP, do dó tác động không nhỏ đến tăng trưởng chung. Giai đoạn 2011-2015 cho thấy sự cải thiện tăng trưởng tiêu dùng khá rõ rệt khi tốc độ tăng của tiêu dùng cuối cùng của năm 2011 bị giảm sâu, xuống còn 4,35% do sự giảm sút tăng trưởng tiêu dùng dân cư (chiếm tỷ trọng 90% trên tổng tiêu dùng cuối cùng) thì nay đã tăng trở lại đến 9,12% trong năm 2015 khi tâm lý tiêu dùng của người dân được giải tỏa trước sự phục hồi tăng trưởng kinh tế. Mặc dù vậy, nếu tính chung cả giai đoạn, tốc độ tăng trưởng của tiêu dùng cuối cùng chỉ đạt 6,24%/năm, vẫn thấp hơn so với mức 7,2%/năm giai đoạn 2006-2010.


Tiêu dùng tăng trưởng thấp cũng được thể hiện qua tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ. Mặc dù mức tăng trưởng phục hồi tương đối cao trong năm 2015, nhưng mức tăng tổng bán lẻ hàng hóa và dịch sau khi đã loại trừ yếu tố giá của giai đoạn 2011-2015 mới chỉ đạt 6,24%, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng 11% giai đoạn 2006-2010 .


Nguyên nhân sức cầu yếu những năm đầu trong giai đoạn 2011-2015 là do nhiều yếu tố trong đó phải kể đến yếu tố giá cả, lãi suất tăng cao đột biến trong năm 2011, đây là phản ứng của người tiêu dùng trước tình hình tăng trưởng kinh tế chậm chạp, sản xuất đình trệ và mức tăng thu nhập không bù đắp lại mức tăng giá cao. Bên cạnh đó, người tiêu dùng Việt Nam vẫn có tâm lý đề phòng với việc giá cả tăng do đó việc tăng giá một số các mặt hàng thiết yếu có thể đã gây ra tác động tiêu cực nhiều hơn đến tâm lý của người dân so với cùng tình huống xảy ra giai đoạn trước.


Tuy vậy, cùng với sự hồi phục tăng trưởng tích cực từ sản xuất kinh doanh, nguồn cung hàng hóa ngày càng dồi dào cùng với tác động chính sách bình ổn thị trường và hiệu ứng giảm giá dầu đã khiến cho giá cả hàng hóa gần như không tăng trong năm 2015 nên ngay từ đầu năm, tiêu dùng đã có sự bứt phá rõ rệt và tăng trưởng cao nhất trong 5 năm trở lại đây, đóng góp tích cực vào tăng trưởng cao trong năm 2015. Sự thay đổi này đến từ niềm tin của người tiêu dùng ngày càng tích cực đối với sự hồi phục tăng trưởng kinh tế.

 

Trích nguồn: NCIF
Tác giả: Ban Phân tích dự báo
(Theo Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế-xã hội Quốc gia)

Trở về

Bài cùng chuyên mục