tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Dịch vụ phát triển kinh doanh: Bao giờ cung gặp cầu?

  • Cập nhật : 20/04/2016

(Tin kinh te)

Cung cấp tư vấn thuế, pháp lý, kiểm toán, kế toán, phân tích dữ liệu thị trường…, gọi chung là dịch vụ phát triển kinh doanh, là một xu hướng ngày một phát triển trong mô hình kinh doanh hiện đại. Tuy nhiên thách thức lớn nhất để loại hình dịch vụ này phát triển ở Việt Nam là nhận thức của DN và chất lượng của chính cơ sở cung cấp dịch vụ.

nang luc cua cac noi cung cap dich vu nay hien khong dong deu, phan bo chua phu hop, chat luong dap ung cac tieu chuan quoc te rat it.

Năng lực của các nơi cung cấp dịch vụ này hiện không đồng đều, phân bố chưa phù hợp, chất lượng đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế rất ít.

DN chưa mặn mà…

Một khảo sát do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra trong Diễn đàn dịch vụ phát triển kinh doanh do đơn vị này vừa tổ chức cho biết, trong 600 DN thực hiện khảo sát, dịch vụ mà các DN sử dụng nhiều nhất là dịch vụ kế toán, kiểm toán và tư vấn thuế (65%), tiếp đến là dịch vụ liên quan đến pháp lý (49%), quảng cáo (46,2%). Trong khi đó, chỉ có 23,3% DN đã từng ít nhiều sử dụng dịch vụ nghiên cứu khảo sát thăm dò dư luận, một công cụ rất cần thiết để tìm hiểu, mở rộng thị trường và 30,1% DN từng sử dụng dịch vụ thử nghiệm và phân tích kỹ thuật.

Theo bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký VCCI, Việt Nam đã ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do với các đối tác, hàng rào thuế quan sẽ dần được thay thế bằng các hàng rào kỹ thuật, do vậy, việc các DN Việt Nam vẫn chưa nhận thức được sự cần thiết của việc sử dụng dịch vụ sẽ khiến các sản phẩm của Việt Nam khó có thể vượt qua được các hàng rào kỹ thuật của các nước khác.

Cũng theo VCCI, bên cạnh vấn đề nhận thức, chất lượng các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh cũng là nguyên nhân khiến các DN chưa mặn mà sử dụng các dịch vụ này. Kết quả là vẫn còn tỷ lệ lớn các DN không biết hoặc biết nhưng không sử dụng các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh cơ bản nhất cho sự phát triển của DN, nhất là đối với các dịch vụ thử nghiệm và phân tích kỹ thuật hoặc nghiên cứu khảo sát thăm dò dư luận.

Theo chia sẻ của bà Từ Thị Bích Lộc, Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Anh, DN của bà dù đã hoạt động được 20 năm nay nhưng vẫn chỉ là DN nhỏ.

Những ngặt nghèo, khắt khe của môi trường đầu tư khiến DN ngày ngày phải suy nghĩ làm sao có lương cho công nhân chứ không có nhiều thời gian để tìm hiểu các dịch vụ giúp cho hoạt động kinh doanh của mình tốt lên. Mặt khác, bà Lộc cũng chia sẻ một ví dụ mà bà đã buộc phải sử dụng dịch vụ nhưng kết quả không được như mong muốn. Đó là Công ty của bà đã từng phải bồi thường cho đối tác nước ngoài 300 triệu đồng vì sản phẩm dệt may của công ty bị mốc do ảnh hưởng của thời tiết. Sau đó bà đã tìm đến dịch vụ tư vấn pháp lý nhưng khi làm việc với luật sư, bà khẳng định ngay sự am hiểu của vị luật sư nọ không đáp ứng được yêu cầu của bà. Bà Lộc đặt câu hỏi “Chúng tôi không biết dịch vụ nào có thể giúp chúng tôi?”.

…chất lượng còn là dấu hỏi

Vấn đề chất lượng các dịch vụ cung cấp cho DN phục vụ quá trình sản xuất, kinh doanh cũng được ông Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển DN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân tích. Ông cho rằng, hiện nay một trong những dịch vụ có tiềm năng nhất là các dịch vụ liên quan đến sở hữu trí tuệ nhưng dịch vụ này hiện vẫn mới đang ở giai đoạn đầu phát triển, những gì mới phát triển thì chưa thể có những sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất cho thị trường. Dịch vụ đánh giá sự phù hợp của sản phẩm hàng hoá là một lĩnh vực khá mới mẻ ở Việt Nam. Đây chính là việc thừa nhận một kết quả đánh giá nhưng có hiệu lực ở mọi nơi, mọi chỗ. Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng, năng lực của các nơi cung cấp dịch vụ này hiện không đồng đều, phân bố chưa phù hợp, chất lượng đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế rất ít. Ngoài ra, đối với dịch vụ nghiên cứu thị trường và thăm dò dư luận, ít DN trong nước đạt được tiêu chuẩn quốc tế cũng như chưa có nhiều gói dịch vụ phù hợp đối tượng DNNVV Việt Nam.

Phân tích về dịch vụ kiểm toán và tư vấn đại lý thuế-một dịch vụ hiện được DN sử dụng nhiều nhất, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho biết, theo số liệu thống kê, đến tháng 3-2016 có khoảng 248 công ty có  đăng ký hành nghề kiểm toán, song thực chất chỉ có 142 công ty đủ điều kiện thực tế hành nghề kiểm toán độc lập. Còn theo thông báo của Hội Kế toán kiểm toán,  đến năm 2016 chỉ có 32 công ty đủ điều kiện hành nghề kế toán được công bố và 3 công ty đang làm thủ tục bổ sung chức năng thêm.

Bà Cúc cho biết thêm, danh sách đại lý thuế đủ điều kiện hành nghề có xác nhận của cơ quan Thuế địa phương đến tháng 3-2016 chỉ là 280 DN và đang hoạt động tại 32 tỉnh, thành trong toàn quốc. “Như vậy, mặc dù 31 địa phương còn lại chưa  có đại lý thuế nhưng các đại lý thuế hoạt động theo đúng chức năng trong thực tế còn gặp khó khăn. Để tồn tại, các đại lý thuế phải làm thêm các dịch vụ khác như kế toán, rà soát báo cáo tài chính, tư vấn tài chính, hóa đơn chúng  từ, lập và giải thể DN….”- bà Cúc cho biết.

Ngoài ra, cũng theo bà Cúc, các DN trong thực tế chưa sử dụng nhiều dịch vụ kế toán, đại lý thuế mà còn sử dụng những người hành nghề “kế toán chui”. Những người này không có chứng chỉ kế toán, thuế, không có tên trong danh sách các công ty đủ điều kiện hành nghề kế toán, đại lý thuế mà là người hành nghề tự do nên sẽ mang lại rủi ro cao cho DN bởi họ sẽ không chịu trách nhiệm về kết quả, công việc họ làm.

Như vậy, dường như đây là câu chuyện “con gà, quả trứng” và bài toán sẽ không bao giờ có lời giải nếu DN không tự mình nâng cao nhận thức về việc sử dụng các dịch vụ, mặt khác, các đơn vị cung cấp dịch vụ cũng cần không ngừng hoàn thiện chất lượng dịch vụ của mình.


An Tư
(Theo Báo Hải Quan) 
Trở về

Bài cùng chuyên mục