tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Có nên nhập khẩu điện từ Lào?

  • Cập nhật : 01/12/2017

Việt Nam nên trở thành nhà nhập khẩu điện chính từ Lào. Với việc đóng vai trò quan trọng trong quá trình sản xuất điện của Lào, Việt Nam sẽ dễ dàng tác động hơn vào các chính sách phát triển năng lượng của nước này.

dbscl se bi tac dong nang ne tu thuy dien dong chinh song me kong

ĐBSCL sẽ bị tác động nặng nề từ thủy điện dòng chính sông Mê Kông

 

Đây là sáng kiến của Nhóm Sáng kiến Kết nối Mê Kông gồm: Trung tâm Stimson (Mỹ), Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), Tổ chức The Nature Conservancy và Đại học California Berkeley (UCB).

Những ý tưởng này được đưa ra bàn thảo trong hai ngày 29 và 30.11 tại TP.HCM do Trung tâm Stimson, IUCN và Học viện Ngoại giao Việt Nam tổ chức.

Lào phụ thuộc nhà đầu tư và thị trường điện nước ngoài

Ông Brian Eyler, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á (Trung tâm Stimson) kể: "Chúng tôi đã gặp các quan chức chính phủ Lào và đặt những câu hỏi liên quan đến vấn đề phát triển thủy điện của họ như: nhu cầu, mục tiêu, kế hoạch… xây dựng phát triển thủy điện của Lào? Trả lời cho những câu hỏi đó là “We don’t know” - Chúng tôi không biết".

Theo ông Brian, trên thực tế các dự án thủy điện ở Lào và cả Campuchia hoàn toàn dựa vào các nhà đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư muốn và đề xuất thì Lào sẽ cấp phép. Mặt khác, điện sản xuất ra Lào cũng không có nhu cầu sử dụng hết mà chủ yếu xuất khẩu sang các nước láng giềng. Trước đây là Thái Lan, nhưng hiện nay sau khi rà soát lại nhu cầu của họ cũng không cao như dự báo trước đó, gặp phải sự phản đối từ trong nước và chiến lược phát triển năng lượng tái tạo nội địa tăng mạnh. Hiện tại chỉ có Việt Nam là nhu cầu cao về điện. Nếu không chấp nhận nhập khẩu điện từ Lào, Việt Nam buộc phải xây thêm các nhà máy nhiệt điện than và phụ thuộc vào nguồn cung than nguyên liệu từ nước ngoài.

“Việt Nam do vậy là quốc gia duy nhất sẽ có thể là thị trường lớn trong tương lai cho điện sản xuất tại Lào. Các thỏa thuận mua bán điện sẽ quyết định dự án thủy điện nào sẽ được đầu tư và khi đó, tiếng nói của Việt Nam trong các đàm phán quốc tế về năng lượng sẽ có trọng lượng hơn”, ông Brian nêu ý tưởng.

so do cac du an thuy dien (ca dong chinh va dong nhanh) tai lao va campuchia

Sơ đồ các dự án thủy điện (cả dòng chính và dòng nhánh) tại Lào và Campuchia

Vai trò lãnh đạo và dẫn dắt của Việt Nam

Trong bản kiến nghị của mình, Trung tâm Stimson tái khẳng định: Các dự án thủy điện sẽ biến dòng sông Mê Kông thành mội chuỗi các hồ chứa. Việc xây dựng thậm chí chỉ một vài đập lớn trong số này sẽ gây tác động nghiêm trọng đến an ninh lương thực tại khu vực có sản lượng thủy sản cao bậc nhất thế giới này và sẽ làm giảm nhanh chóng lượng trầm tích giàu dinh dưỡng vốn rất cần thiết cho việc duy trì sản xuất nông nghiệp trong lưu vực, nhất là ở vùng ĐBSCL.

“Vấn đề Mê Kông cũng quan trọng như câu chuyện biển Đông trong an ninh quốc gia và cần sự quan tâm, hành động ở tất cả các cấp bao gồm Chính phủ, Quốc hội, doanh nghiệp và các viện nghiên cứu. Cần có sự tham gia rộng rãi dựa trên các mặt ngoại giao, kinh tế để thay đổi quan niệm về phát triển thủy điện ở Lào và Campuchia”, báo cáo của Trung tâm Stimson nhấn mạnh.

Trao đổi riêng với Thanh Niên nhiều chuyên gia trong nước đánh giá đây là một ý tưởng mới. Tuy nhiên câu chuyện thủy điện Mê Kông rất phức tạp không đơn thuần là vấn đề nhu cầu sản xuất - tiêu thụ điện hay kinh tế mà còn rất nhiều vấn đề đằng sau đó. Chính vì vậy nó cần được xem xét một cách thận trọng. Cái được lớn nhất của Việt Nam hiện nay chính là sự quan tâm của cộng đồng quốc tế mà ở đây cụ thể là Mỹ vào vấn đề này. Tuy nhiên để tận dụng và thu hút được sự quan tâm đó Việt Nam cũng phải thể hiện vai trò của mình và chủ động hơn trong việc xử lý các vấn đề có liên quan.

 

Theo Thanh Niên

Trở về

Bài cùng chuyên mục