tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 29-06-2017

  • Cập nhật : 29/06/2017

Trump thất vọng về Trung Quốc, cân nhắc biện pháp thương mại đáp trả

Các quan chức Mỹ nói Tổng thống Donald Trump ngày càng thất vọng về Trung Quốc và đang cân nhắc có biện pháp thương mại đáp trả.

tong thong my donald trump. anh: reuters.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters.

 

Tổng thống Donald Trump đang xem xét các lựa chọn, trong đó có đánh thuế đối với thép nhập khẩu, Reuters dẫn lời ba quan chức Mỹ cho biết hôm 27/6.

"Ông ấy muốn bảo vệ nền công nghiệp và công nhân Mỹ", một trong ba quan chức nói, nhắc đến cam kết cứng rắn trong thương mại với Trung Quốc mà ông Trump đưa ra khi tranh cử. Thép Trung Quốc đang là đối tượng trong nhiều pháp lệnh chống bán phá giá và chống trợ giá, do đó, mặt hàng này chiếm thị phần nhỏ tại Mỹ.

Hiện chưa rõ ông Trump có triển khai biện pháp nào với Trung Quốc hay không. Dự kiến không có quyết định nào được đưa ra trong tuần này, theo một quan chức.

Về vấn đề Triều Tiên, Tổng thống Trump "cảm thấy ông đã cho Trung Quốc cơ hội để tạo ra khác biệt nhưng chưa thấy đủ kết quả". "Họ làm một chút, không nhiều lắm", quan chức này cho biết thêm. "Nếu không có kết quả cần thiết, ông ấy cần tiếp tục chương trình về thương mại và Triều Tiên của mình".

Triều Tiên gần đây liên tiếp thử tên lửa đạn đạo và hạt nhân khiến Mỹ lo ngại, thúc giục Trung Quốc gây áp lực kinh tế và ngoại giao với quốc gia láng giềng. Bắc Kinh cho biết ảnh hưởng của họ với Bình Nhưỡng là có hạn và họ đang làm mọi việc có thể.

Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Terry Branstad, tới Bắc Kinh ngày 27/6, hôm nay cho biết Washington hy vọng được phối hợp cùng Bắc Kinh "trong nhiều vấn đề khó như mối đe dọa từ Bình Nhưỡng, phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên".

Trump từng thể hiện sự thất vọng về những nỗ lực của Trung Quốc trong một thông báo trên Twitter tuần trước. "Tôi đánh giá cao những nỗ lực hỗ trợ của Chủ tịch Tập và Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên nhưng chúng đã không có tác dụng. Ít nhất tôi biết Trung Quốc đã cố gắng!", ông viết. (Vnexpress)
--------------------------------------

Giá tiêu giảm gần 100.000 đồng một kg

Giá hồ tiêu chạm đáy trong vòng 6 năm vì tâm lý trữ hàng chờ giá lên của nông dân và thương lái, cộng thêm nguồn cung dư thừa.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giá hồ tiêu tại các vùng nguyên liệu lớn đang sụt giảm mạnh và chạm đáy trong vòng 6 năm trở lại đây. Hiện, giá tiêu tại Gia Lai, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu… giảm khoảng 2.000-5.000 đồng so với thời điểm cuối tháng 5, xuống còn 76.000-79.000 đồng một kg.Giá hồ tiêu trong nước có xu hướng lao dốc từ đầu năm ngoái, khi diện tích vùng trồng tăng đột biến. Giá tiêu đen xô dao động ở vùng giá 130.000 đồng một kg vào giữa tháng 3/2016, sau đó tăng lên 180.000 đồng vào giữa năm. Từ đó đến cuối năm, giá hồ tiêu luôn trong tình trạng giảm sâu và không có dấu hiệu phục hồi. Như vậy, giá hồ tiêu hiện giảm hơn phân nửa, tức khoảng trên 90.000 đồng một kg so với cùng kỳ năm ngoái.

gia tieu giam hon phan nua so voi cung ky nam ngoai.

Giá tiêu giảm hơn phân nửa so với cùng kỳ năm ngoái.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ước tính sản lượng hồ tiêu vụ 2017 đạt khoảng 215.000 tấn, cao nhất từ trước tới nay. Sản lượng tăng cao đến mức không thể kiểm soát đang khiến tình hình sản xuất hồ tiêu trong nước rơi vào trạng thái không bền vững. Nông dân nhiều nơi, nhất là khu vực vay vốn ngân hàng để đầu tư, đang bắt đầu hoang mang khi giá xuống gần sát vốn.

Theo phân tích của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), hầu hết các hộ sản xuất hồ tiêu đang dự trữ số lượng lớn để chờ giá lên. Các đại lý mua cầm chừng hơn vì tâm lý không muốn trữ hàng, chưa kể một lượng lớn đã mua vào ở mức giá 110.000 đồng một kg hồi tháng 3 không thể bán ra càng khiến thị trường khó bật lên.

Tình hình xuất khẩu sang các thị trường châu Âu, Mỹ và Nhật Bản cũng bị chững lại, trong khi nguồn cung vượt cầu khiến giá tiêu đen và tiêu trắng xuất khẩu ghi nhận mức giảm kỷ lục 27%. Ngoài ra, doanh nghiệp xuất khẩu còn phải đối mặt với việc các nhà nhập khẩu muốn từ chối nhận hàng, đưa ra các yêu sách về chất lượng để ép giá.

VPA dự báo trong thời gian gần giá tiêu sẽ chưa được như kỳ vọng do các nước Hồi giáo vẫn đang trong tháng lễ Ramadan, trong khi nguồn cung toàn cầu lại sắp có thêm vài chục nghìn tấn của Indonesia.(Vnexpress)
--------------------------

Nhà thầu xây dựng điêu đứng vì nợ đọng

Hiện các nhà thầu xây dựng tại Việt Nam đang bị chủ đầu tư nợ đọng đến vài chục nghìn tỉ đồng gây khó khăn trong hoạt động, thậm chí có nguy cơ phá sản. Do đó các nhà thầu đã có hàng loạt kiến nghị về chính sách để giảm tình trạng này.

Đó là một trong những nội dung được nêu ra tại hội thảo “Nợ đọng xây dựng cơ bản – biện pháp tháo gỡ và hướng giải quyết” do Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam tổ chức vào ngày 28-6.

Thực trạng

Theo số liệu được Tổng công ty cổ phần Xuất Nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam cung cấp tại hội thảo, tính đến cuối năm 2014, tình trạng nợ đọng của đơn vị này là 2.346 tỉ đồng. Và đến hết năm 2016 thì con số đó giảm còn 1.185 tỉ đồng. Tình trạng nợ đọng này không chỉ khiến doanh nghiệp khó khăn mà còn khiến nợ xấu không giải quyết được, ảnh hưởng xấu đến an ninh tài chính, an toàn nợ công và tăng trưởng kinh tế bền vững…

Còn Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cho biết tính đến 31-5-2017, các chủ đầu tư còn nợ đơn vị này số tiền hơn 1.653 tỉ đồng; Giá trị sản xuất dở dang còn chưa được nghiệm thu là 991 tỉ đồng. Trong đó các chủ đầu tư nợ gồm thủy điện Sơn La, thủy điện Lai Châu… là những công trình đã được đưa vào sử dụng từ nhiều năm nay.

Theo Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, để đảm bảo vốn cho quá trình sản xuất kinh doanh, đơn vị này chủ yếu phải sử dụng nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng với lượng vay bình quân khoảng 1.500 tỉ và phải trả lãi vay này là 126 tỉ/năm…

Cũng tình trạng tương tự, tại Tổng công ty 319 tính đến hết năm 2016 các công trình xây dựng cơ bản có nợ đọng vốn của đơn vị này trên 1.860 tỉ đồng, vượt trên 200% vốn chủ sở hữu. Nợ đọng tác động trực tiếp đến quá trình luân chuyển và sử dụng vốn của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản, hay khó khăn về tài chính cũng bắt nguồn từ việc nợ đọng quá lớn và thời gian kéo dài. Doanh nghiệp không có nguồn vốn để trả ngân hàng kịp thời, dẫn đến nợ xấu, nợ quá hạn với ngân hàng.

Theo ông Nguyễn Tuấn Phát, giám đốc Ban kinh tế phát triển của Tổng công ty Sông Đà, với các hợp đồng thi công các dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn nhà nước hoặc nhà nước bảo lãnh vay vốn thì các nhà thầu thi công bao giờ cũng bị giữ lại một khoản tiền nhất định (3-5% tùy công trình) để chủ đầu tư chờ kết thúc thời hạn bảo hành của nhà thầu đồng thời chờ cơ quan thẩm quyền phê duyệt quyết toán vốn đầu tư. Điều này dẫn đến bất cập như sau: đối với một số công trình lớn, trọng điểm quốc gia thì giá trị chủ đầu tư giữ lại của nhà thầu rất lớn (thủy điện Sơn La có những giai đoạn giá trị giữ lại khoảng 400 tỉ đồng; thủy điện Lai châu giá trị giữ lại hiện nay cũng khoảng gần 400 tỉ đồng...) làm công nợ của nhà thầu thi công rất lớn dẫn đến thiếu hụt vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thêm nữa ông Phát cho hay, thời gian phê duyệt quyết toán kéo dài, không xác định rõ ràng và thường vượt quá thời gian quy định do chờ các thủ tục kiểm toán, phê duyệt quyết toán vốn đầu tư của cấp có thẩm quyền đối với chủ đầu tư làm nợ đọng của nhà thầu bị kéo dài, không thanh lý được hợp đồng và không giải quyết dứt điểm được công nợ. Một số công trình (Thủy điện Sơn La khánh thành từ cuối năm 2012, Thủy điện Lai Châu khánh thành cuối năm 2016) đến nay vẫn chưa được phê duyệt quyết toán vốn đầu tư.

Còn Tập đoàn DELTA cho rằng hiện các quy định cụ thể, thiết thực nhằm hạn chế nợ đọng trong xây dựng cơ bản thì chưa đủ mạnh để tạo sức ép cho chủ đầu tư phải thực hiện thanh toán cho nhà thầu như hợp đồng đã ký kết.

DELTA cho hay, ai cũng biết nếu không giải quyết được bằng biện pháp thông thường thì nên đưa ra toà án hay trọng tài kinh tế để giải quyết. Nghe thì đơn giản nhưng thực tế việc đưa nhau ra tòa đều là phương án bất đắc dĩ và không ai muốn vì các bên đều bị thiệt hại và cũng phải mất một thời gian dài theo đuổi với đủ các phiền toái mà chưa chắc đã đòi được tiền.

Tổng công ty Xây dựng công trình Hàng không (ACC) cho hay hiện tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản diễn ra khá nghiêm trọng, gây ra hậu quả như: công trình thi công dở dang, kéo dài, hiệu quả đầu tư kém. Chủ đầu tư không có nguồn vốn để thanh toán cho giá trị khối lượng hoàn thành; nhiều doanh nghiệp xây dựng nợ bảo hiểm, nợ lương công nhân, chiếm dụng vốn của nhau, không ít doanh nghiệp giải thể và phá sản; góp phần làm cho nợ xấu của ngân hàng tăng lên… Như vậy, nền kinh tế đã hình thành một vòng xoáy nợ đọng lẫn nhau giữa các khu vực kinh tế. Đặc biệt là khu vực doanh nghiệp nhà nước đang bị coi là nguyên nhân quan trọng gây ra nợ xấu và mất cân đối lớn về cơ cấu kinh tế hiện nay. Thực trạng này ảnh hưởng xấu đến an ninh tài chính, an toàn nợ công và tăng trưởng kinh tế bền vững.

Ông Dương Văn Cận, phó chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam cho biết, theo số liệu công bố nợ đọng mà hiệp hội này có được đến nay ước lên đến 30-40 nghìn tỉ đồng. Tình hình nợ đọng còn diễn ra trong quá trình bảo hành xây dựng cũng làm cho nhà thầu khó khăn thêm.

Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng cho biết, hiện chưa có doanh thu chính xác của các nhà thầu xây dựng trên toàn quốc nhưng ước tính phải chiếm đến 20-25% GDP. Sợ nợ đọng, có một số doanh nghiệp lớn đã tuyên bố không nhận thi công làm công trình vốn ngân sách nhà nước. Nhưng cũng chỉ doanh nghiệp lớn mới dám làm thế, những doanh nghiệp nhỏ cũng làm như vậy thì không có việc để làm và chấp nhận đối mặt với tình trạng nợ đọng.

Đề xuất giải pháp

Để tạo điều kiện thuận lợi trong việc thanh quyết toán giữa chủ đầu tư và nhà thầu, tránh nợ đọng trong xây dựng cơ bản, DELTA đề xuất một số giải pháp sau: Luật xây dựng, Luật đấu thầu và các Luật có liên quan khác cần phải có quy định bắt buộc chủ đầu tư phải có ngân hàng bảo lãnh vốn theo kế hoạch vốn của dự án để chi trả cho nhà thầu theo hợp đồng đã ký kết. Tương tự như việc chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu phải có bảo lãnh thực hiện hợp đồng – nhằm bình đẳng giữa chủ đầu tư và nhà thầu. Hoặc chí ít ở giai đoạn cuối của phần khối lượng thanh toán thì chủ đầu tư phải có bảo lãnh giá trị vốn thanh toán cho nhà thầu.

Còn ông Phát kiến nghị: “Việc gắn trách nhiệm của nhà thầu thi công cùng với chủ đầu tư trong vấn đề phê duyệt quyết toán vốn đầu tư đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước hoặc nhà nước bảo lãnh vay vốn là chưa phù hợp với thông lệ quốc tế. Làm cho tình trạng dở dang công nợ của nhà thầu lớn, kéo dài, không thanh lý được hợp đồng, nhà thầu phụ thuộc vào quyết định của cơ quan thẩm quyền trong quá trình phê duyệt quyết toán vốn đầu tư của chủ đầu tư. Do vậy, đề nghị xem xét lại các quy định có thể theo hướng hồ sơ thanh toán từng đợt được dùng làm hồ sơ quyết toán để giảm bớt khó khăn cho nhà thầu.”

Cũng đưa ra những đề xuất giải pháp, ông Hoàng Chí Cường, Tổng giám đốc Vinaincon cho rằng trong Nghị định 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 quy định về nội dung chi tiết Hợp đồng xây dựng cần bổ sung về điều khoản bảo lãnh thanh toán của chủ đầu tư cho nhà thầu với giá trị tương đương giá trị còn lại chưa được thanh toán của hợp đồng và được giảm dần theo tiến độ thanh toán.

Theo ông Cận, Chính phủ đã có nhiều Chỉ thị nhằm sớm chấm dứt, không để tình trạng này tiếp tục tái diễn (Chỉ thị 27/CT-TTg ban hành tháng 10/2012, Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 5/8/2014, Chỉ thị số 07/CT-TTg ban hành ngày 30/4/2015) nhưng tình trạng nợ động vẫn không thể giải quyết. Để không tiếp diễn tình trạng nợ đọng cần phải tìm ra các chế tài khác đủ mạnh thêm nữa.

Ông Cận cho rằng, mặc dù Luật đấu thầu số 43/2013/QH13 quy định hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu của gói thầu chỉ được phát hành để lựa chọn nhà thầu khi có nguồn vốn cho gói thầu được thu xếp theo tiến độ thực hiện gói thầu (Điểm d Khoản 1 Điều 7). Tuy nhiên các chế tài cụ thể ở các văn bản dưới luật chưa có các hướng dẫn đủ chi tiết, cụ thể nên quy định này cũng chỉ để cho có.

Ông Cận kiến nghị cần bổ sung cơ chế chủ đầu tư bảo lãnh vốn thanh toán trong Luật đấu thầu (Bổ sung vào Điều 72 Bảo đảm thực hiện hợp đồng) và vào Luật xây dựng (Bổ sung một điều vào Mục 2 Hợp đồng xây dựng, và bổ sung vào Điểm g Khoản 1 Điều 141). Cụ thể, khi giá trị khối lượng gói thầu còn lại từ 20 – 30 % chủ đầu tư phải thực hiện thủ tục bảo lãnh vốn thanh toán. Đây được xem như là một cam kết của chủ đầu tư với nhà thầu về thanh toán. Những giá trị khối lượng đã hoàn thành thủ tục thanh toán sau thời điểm này mà để kéo dài quá thời hạn theo quy định thì nhà thầu có quyền phát văn bản yêu cầu chủ đầu tư thanh toán hoặc phải tính lãi vay hoặc nhà thầu có thể thông báo dừng thi công nếu như chủ đầu tư không còn kinh phí thanh toán.(TBKTSG)
---------------------

Ôm 2,27 nghìn tỷ USD tài sản ngoại tệ, ngành ngân hàng Nhật Bản đang "phơi mình" chờ khủng hoảng?

Tổng mức nắm giữ ròng tài sản bằng đồng USD của ngân hàng Nhật đã tăng gấp đôi lên khoảng 1 nghìn tỷ USD kể từ trước cú sốc Lehman năm 2008, theo số liệu công bố tuần này của ngân hàng thanh toán quốc tế BIS.

Số tiền này là chênh lệch giữa tài sản đồng USD, trị giá khoảng 3,5 nghìn tỷ, và nợ đồng USD, khoảng 2,5 nghìn tỷ. Lượng nắm giữ ròng có thể lớn hơn nếu tính cả các tài sản bằng các loại tiền tệ khác như đồng Euro. Theo Ngân hàng trung ương Nhật BOJ, tài sản ròng ngoại tệ của các ngân hàng nước này tính đến cuối tháng 3 lên tới 2,27 nghìn tỷ USD, mức cao nhất từ trước tới nay.

Theo Ngân hàng trung ương Nhật Bản, tài sản ròng ngoại tệ của các ngân hàng nước này tính đến cuối tháng 3 là mức cao nhất từ trước tới nay

Nhu cầu về tài sản nước ngoài tăng lên do lãi suất ở Nhật cực thấp, buộc các ngân hàng phải tìm kiếm những tài sản rủi ro cao hơn nhưng lợi tức cũng cao hơn ở nước ngoài, BOJ cho biết.

Đặc biệt, các ngân hàng nhỏ phục vụ nền kinh tế nông thôn chậm chạp có vẻ phụ thuộc vào trái phiếu nước ngoài để kiếm thu nhập. Ví dụ, Ngân hàng Hokuetsu tăng lượng mua trái phiếu nước ngoài lên 46% trong năm đến tháng 3/2016, một phần do BOJ đưa ra lãi suất âm trong suốt khoảng thời gian đó. Tuy nhiên, trong 12 tháng sau đó, Hokuetsu có hướng đi hoàn toàn ngược lại, giảm 31% lượng mua trái phiếu nước ngoài trong bối cảnh khả năng sinh lợi giảm sút.

Các ngân hàng Nhật Bản không có cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay bán lẻ nên phải vay USD trên cơ sở ngắn hạn, chẳng hạn như thông qua hoán đổi tiền tệ, để thanh toán cho khoản đầu tư của mình. Sự phụ thuộc vào việc cấp vốn USD ngắn hạn làm tăng rủi ro tái đầu tư. Đảm bảo ngân sách bằng đồng tiền này có thể trở nên khó khăn nếu một cuộc khủng hoảng tín dụng xảy ra trên thị trường như năm 2008.

Tăng trưởng mức nắm giữ ròng tài sản nước ngoài của các ngân hàng Nhật

Trong cuộc khủng hoảng Lehman, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed phải cung cấp khoản vay khẩn cho các ngân hàng châu Âu để giúp giảm bớt khó khăn về tài chính. Sự trợ giúp này có thể sẽ không xảy ra trong cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo, BIS cảnh báo.

Hiện nay, các ngân hàng nước ngoài thường vay USD từ bên ngoài Mỹ, chẳng hạn như từ các quốc gia xuất khẩu dầu. Fed không có khả năng hỗ trợ cho các giao dịch này.

Để giảm rủi ro về một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu trong tương lai, các nhà chức trách nên tăng cường giám sát đối với các ngân hàng, kể cả thông qua các bài kiểm tra căng thẳng để đánh giá mức độ phụ thuộc của ngành này vào các giao dịch hoán đổi tiền tệ, BIS cho biết.(NDH)

Trở về

Bài cùng chuyên mục