tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 28-06-2017

  • Cập nhật : 28/06/2017

Đây là mức phạt lớn nhất mà Liên minh châu Âu (EU) áp cho một doanh nghiệp trong nỗ lực chống độc quyền, theo Reuters.

google dang bi soi vi duoi luat chong doc quyen cua eu - anh: reuters

Google đang bị soi vì dưới luật chống độc quyền của EU - Ảnh: Reuters

Tổng số tiền phạt dành cho Alphabet, công ty mẹ của Google, có thể sẽ còn tăng lên nữa.

Theo Reuters, mức phạt 2,42 tỷ euro (khoảng 2,7 tỷ USD) được Ủy ban châu Âu (EC) công bố ngày 27-6 chỉ là kết quả của một trong ba cuộc điều tra nhắm vào sự thống trị của Google trong lĩnh vực tìm kiếm trên mạng và điện thoại thông minh.

Đây là mức phạt chống độc quyền cao nhất mà EC từng áp với một doanh nghiệp. Năm 2009, Intel, một gã khổng lồ sản xuất chip điện tử khác của Mỹ, bị phạt 1,09 tỷ euro.

Phía EC tuyên bố Google có tối đa 90 ngày để chấm dứt các hoạt động cạnh tranh không lành mạnh (dịch vụ mua bán trực tuyến).

Sau thời gian đó, nếu mọi thứ vẫn còn như cũ, Google sẽ đối mặt với mức phạt bổ sung được tính theo ngày, bằng khoảng 5% doanh thu trung bình mỗi ngày của tập đoàn này trên toàn cầu, theo Reuters.

Theo trang Business Insider, EU đã bắt đầu điều tra Google kể từ năm 2010 dựa trên các đơn kiện của các trang web đánh giá dịch vụ giúp người tiêu dùng như Yelp, TripAdvisor; trang web so sánh giá Foundem, News Corp,...

Kết quả cho thấy Google đã ưu tiên xếp hạng những kết quả tìm kiếm có lợi cho các dịch vụ bán hàng của họ.

Nghiêm trọng hơn, Google còn "chôn" các kết quả tìm kiếm dẫn tới những trang của đối thủ một cách có hệ thống. Năm 2015, EU chính thức đưa ra cáo buộc chống lại gã khổng lồ công nghệ đến từ Mỹ.

"Những gì Google đã làm là trái với các quy định chống độc quyền của EU. Nó tước đoạt cơ hội cạnh tranh của các công ty khác.

Nhưng quan trọng hơn hết, cách làm đó đã tước đoạt đi cơ hội của người tiêu dùng EU được lựa chọn các dịch vụ và hưởng lợi từ sự sáng tạo", Cao ủy EU về cạnh tranh, bà Margrethe Vestager, nhấn mạnh trong thông báo ngày 27-6.

Trên thực tế, trong những năm gần đây, Google và sau này là Alphabet, đã liên tục đối mặt với các cáo buộc độc quyền cả trong và ngoài nước Mỹ.

Năm 2013, Google đồng ý thay đổi một số cách thức tìm kiếm trước nguy cơ đối mặt với án phạt của nhà chức trách Mỹ.

Kent Walker, người đứng đầu nhóm luật sư đại diện cho Google khẳng định sẽ kháng cáo lại án phạt.

"Chúng tôi, một cách đầy tôn trọng, không đồng ý với phán quyết được tuyên ngày hôm nay (27-6). Chúng tôi sẽ xem xét lại chi tiết quyết định của EC và cân nhắc đến việc kháng cáo", ông Walker khẳng định trong một tuyên bố. (Tuoitre)
----------------------------------

Thoái vốn khỏi Lienviet Post Bank, ông chủ Him Lam vào Sacombank?

Công ty cổ phần Him Lam vừa công bố đã chuyển nhượng toàn bộ hơn 96,77 triệu cổ phần tại LienVietPostBank, sẵn sàng cho ông Dương Công Minh ngồi vào ghế nóng Sacombank.

ong duong cong minh - anh: t.l

Ông Dương Công Minh - Ảnh: T.L

Số cổ phần này tương đương 14,98% vốn điều lệ của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) và với động thái này, Him Lam và ông Dương Công Minh không còn là cổ đông lớn của ngân hàng này kể từ ngày 23-6.

Danh tính cổ đông mua số cổ phần trên vẫn chưa được tiết lộ.

Trước khi thông tin Him Lam thoái vốn khỏi LienVietPostBank được công bố, hàng loạt giao dịch cổ phần của lãnh đạo cấp cao ngân hàng này đã được tiến hành. 

Mới nhất là ông Nguyễn Thanh Tùng, phó tổng giám đốc phụ trách khu vực Tây Nam Bộ của LienVietPostBank, giao dịch thỏa thuận 100.000 cổ phần.

Trước đó, hai phó tổng giám đốc LienVietPostBank là bà Nguyễn Ánh Vân và ông Kim Minh Tuấn đã  lần lượt bán ra 120.000 cổ phần và 138.326 cổ phần.

Bên cạnh việc một số lãnh đạo cấp cao thoái vốn, một số trường hợp khác cũng đăng ký mua vào như ông Phạm Doãn Sơn, phó chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc LienVietPostBank đăng ký mua vào hơn 5,1 triệu cổ phần.

Các diễn biến mới gần đây của LienVietPostBank thu hút sự quan tâm của dư luận. Chỉ trong hơn một tháng, ngân hàng này cũng đã hai lần tổ chức đại hội cổ đông bất thường. 

Ở đại hội cổ đông bất thường lần 1, ông Nguyễn Đức Hưởng từ nhiệm vị trí phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị LienVietPostBank để ứng cử vào Hội đồng quản trị của Ngân hàng Thương tín Sài Gòn (Sacombank).

Tuy nhiên sau đó ông Hưởng lại rút khỏi danh sách ứng cử để quay về làm chủ tịch Hội đồng quản trị LienVietPostBank.

Trong khi đó, tại đại hội cổ đông bất thường lần 2 của LienVietPostBank diễn ra chiều 5-6, ông Dương Công Minh, người từng có thời gian dài giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị  LienVietPostBank, đã từ nhiệm với lý do cá nhân để tập trung cho các dự án, khoản đầu tư mới của Công ty Him Lam.

Ngày 30-6 tới Sacombank sẽ tiến hành Đại hội cổ đông thường niên năm tài chính 2015 và 2016. Tuy nhiên vấn đề nóng nhất là ai sẽ ngồi ghế Hội đồng quản trị lại vẫn còn bí mật.

Động thái bán toàn bộ vốn của Him Lam ở LienvietPostBank được dư luận đánh giá là hành động chuẩn bị cho việc ông Dương Công Minh sẽ tham gia vào Hội đồng Quản trị của Sacombank.

Sở dĩ phải thoái vốn ra khỏi LienvietPostBank vì theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, để tránh tình trạng sở hữu chéo, một ngân hàng thương mại chỉ được nắm tối đa cổ phiếu của hai tổ chức tín dụng khác, tỉ lệ nắm giữ dưới 5%.

Công ty Him Lam, nơi ông Minh nắm đến 99% cổ phần, là cổ đông lớn của LievietPostBank với tỉ lệ 14,98%, lớn hơn 5% so với quy định.

Với mức giá xoay quanh 12.500 đồng/cổ phiếu, việc bán đi gần 97 triệu cổ phiếu lần này được cho là sẽ mang về cho ông Minh khoản tiền khoảng 1.200 tỉ đồng.(Tuoitre)
-----------------------

Nhật vượt Hàn Quốc với 19 tỉ USD FDI đổ vào Việt Nam

Các dự án tỉ đô đã khiến cho dòng vốn FDI 6 tháng đầu năm 2017 tăng vọt lên hơn 19 tỉ USD, trong đó đáng chú ý Nhật Bản đã quay lại vị trí dẫn đầu thay cho Hàn Quốc.

Chỉ riêng trong tháng 6 đã có hơn 7 tỉ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam khiến cho 6 tháng đầu năm nay dòng vốn này đạt con số 19,22 tỉ USD, tăng 54,8 tỉ USD so với cùng kỳ năm 2016.

Trong số này, vốn đăng ký mới là 11,83 tỉ USD, tăng 57,9% so với cùng kỳ năm ngoái, vốn đăng ký tăng thêm là 5,14 tỉ USD, tăng 35,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh đó, còn có 2.501 lượt dự án góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, đạt giá trị 2,24 tỉ USD, tăng đến 97,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, đóng góp lớn cho mức tăng trưởng này là hai dự án tỉ USD trong ngành năng lượng.

Đầu tiên là dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, tổng vốn đầu tư 2,793 tỉ USD do nhà đầu tư Nhật Bản thực hiện tại Thanh Hóa.

Dự án này đã đưa nhà đầu tư Nhật Bản trở lại vị trí thứ nhất trong những nhà đầu tư FDI tại Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2017 với tổng số vốn đầu tư 5,08 tỉ USD, chiếm 26,45% tổng vốn đầu tư.  

Hàn Quốc xuống vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký là 4,95 tỉ USD (chiếm 25,79%), trong khi Singapore đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký là 3,48 tỉ USD, chiếm 18,1% tổng vốn đầu tư.

Dự án tỉ đô thứ 2 là dự án nhà máy nhiệt điện BOT Nam Định 1, tổng vốn đầu tư 2,07 tỉ USD do nhà đầu tư Singapore đăng ký với mục tiêu thiết kế, xây dựng, vận hành và chuyển giao một nhà máy nhiệt điện đốt than…

Sự xuất hiện các dự án mới trong ngành năng lượng cũng đã làm thay đổi cơ cấu lĩnh vực nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư trong 2 quý đầu năm.

Theo đó, sản xuất, phân phối điện vươn lên đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư là 5,25 tỉ USD, chiếm 27,34% tổng vốn đầu tư.

Đứng thứ nhất vẫn là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 9,48 tỉ USD, chiếm 49,3% tổng vốn đầu tư.

Cũng theo số liệu của Bộ Kế hoạch và đầu tư, từ đầu năm tới nay đã có 7,72 tỉ USD vốn FDI được giải ngân, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2016. (Tuoitre)
------------------------------

Nông sản Việt: Chạy đi, đừng kêu cứu nữa

Câu chuyện hàng loạt nông sản phải “giải cứu”, mới nhất là khoai mì cũng xin cơ chế tạm trữ đang phơi bày thực trạng, thách thức về tổ chức sản xuất, đặt ra nhiều câu hỏi về phát triển thị trường nông sản VN. 

Một bản tin ngắn “Khoai mì cũng xin cơ chế tạm trữ” (Tuổi Trẻ ngày 26-6) nhưng được nhiều người quan tâm khi khoai mì (sắn) dù trở thành cây công nghiệp chủ lực, nằm trong nhóm mặt hàng xuất khẩu tỉ đô nhưng cũng muốn có trong danh sách những cây - con cần được hỗ trợ như lúa, mía, cà phê...

Nếu đề xuất này của Hiệp hội Sắn được chấp nhận, khi vào vụ thu hoạch sẽ có những đợt mua tạm trữ khoai mì, rồi ngân hàng phải cho vay thêm vốn, Nhà nước có lãi suất ưu đãi.

Khi đi vào thực hiện, không tránh khỏi tranh cãi nơi được tạm trữ nhiều và ai đứng ra phân bổ số lượng được tạm trữ...

Những việc như thế này thường có lời ra tiếng vào, khó có được tiếng nói chung, sự công bằng... như từng xảy ra với sản phẩm được hưởng chính sách hỗ trợ.

Câu chuyện hàng loạt nông sản phải “giải cứu”, mới nhất là khoai mì cũng xin cơ chế tạm trữ đang phơi bày thực trạng, thách thức về tổ chức sản xuất, đặt ra nhiều câu hỏi về phát triển thị trường nông sản VN.

Đó là câu hỏi về sản xuất, xuất khẩu chưa thực bền vững; trách nhiệm cơ quan chức năng; Nhà nước can thiệp đến đâu, với những mặt hàng nào hay tất cả nông sản?

Thực tế cho thấy ít cây - con nào được hỗ trợ, được ưu đãi, được giải cứu lại phát triển tốt. Chỉ có giải pháp tốt nhất đó là làm quen và cạnh tranh theo quy luật thị trường mới giúp sản phẩm, ngành nghề đó tồn tại và phát triển.

Hơn nữa, nếu hỗ trợ cho khoai mì, chắc chắn nông dân trồng điều, tiêu và nhiều sản phẩm khác cũng muốn có trong danh sách những sản phẩm được hỗ trợ.

Trong bối cảnh hội nhập sâu, những biến động thị trường là khó tránh khỏi. Cơ quan quản lý thay vì chạy theo những biến động bất lợi của thị trường để “giải cứu”, cũng cần tăng tính chủ động, làm rõ những mặt hàng cần hỗ trợ, gắn với các điều kiện cụ thể, minh bạch để được hưởng (như chất lượng sản phẩm, quy trình, đăng ký liên kết với hiệp hội...), tránh mất công bằng cho các mặt hàng khác. Cũng cần tiêu chí cụ thể để được hỗ trợ, tránh ngành nào “khóc to” sẽ được để ý hơn.

Lâu dài, khó có thể kéo dài danh sách những sản phẩm cần được hỗ trợ bởi càng hỗ trợ càng tạo ra sức ì, sự ỷ lại.

Điều này càng khiến cho sản phẩm, ngành nghề đó sớm bị thị trường đào thải vì thiếu sức cạnh tranh.

Do vậy, cần sớm tìm ra một hướng giải quyết để bớt đi hiệu ứng “giải cứu”, buộc mọi doanh nghiệp, ngành nghề bươn chải, tự thay đổi, khai thác tốt các cơ hội từ thị trường, thay vì cứ mải chạy theo kêu cứu.(Tuoitre)

Trở về

Bài cùng chuyên mục