tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 30-06-2017

  • Cập nhật : 30/06/2017

Nhập khẩu trái cây 6 tháng tăng mạnh

Trong 6 tháng đầu năm nay, nhập khẩu rau quả các loại đạt 655 triệu USD, tăng 87,2% so với cùng kỳ năm 2016, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

nhap khau trai cay tang gap doi trong 6 thang dau nam 2017 anh: dao ngoc thach

Nhập khẩu trái cây tăng gấp đôi trong 6 tháng đầu năm 2017 ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Như vậy trung bình mỗi tháng người Việt chi gần 110 triệu USD để mua rau quả ngoại.

Trong đó, mặt hàng rau ước đạt 118 triệu USD, tăng 34,7% và mặt hàng quả đạt 507 triệu USD, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2016.

Thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất là Thái Lan, chiếm tới 57,5% thị phần; tiếp theo là thị trường Trung Quốc, chiếm 15,9%.

Trong 5 tháng đầu năm 2017, giá trị nhập khẩu rau quả ở tất cả các thị trường đều tăng; trong đó, thị trường có giá trị nhập khẩu rau quả tăng nhiều nhất là Thái Lan, tăng hơn 2 lần, tiếp đến là thị trường Ấn Độ, tăng khoảng 2 lần và Hàn Quốc, tăng khoảng 85,3%.

Ở chiều ngược lại, giá trị xuất khẩu hàng rau quả 6 tháng đầu năm 2017 ước đạt 1,7 tỉ USD, tăng 44,6% so với cùng kỳ năm 2016. Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của hàng rau quả Việt Nam.(Thanhnien)
---------------------------

Belarus sẽ sản xuất mẫu ô tô Minsk tại Việt Nam

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, trong chuyến thăm chính thức Cộng hòa Belarus, tại thủ đô Minsk, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Cộng hòa Belarus Alexander Lukashenko đã tới dự và phát biểu tại Tọa đàm Kinh tế Việt Nam-Belarus. Tọa đàm do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Belarus tổ chức, thu hút gần 500 doanh nghiệp hai nước tham dự.

Tại tọa đàm này, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cho biết sẽ chuyển từ thương mại đơn thuần sang hợp tác sản xuất, bằng việc đầu tư công nghệ, mở liên doanh, các trung tâm bảo dưỡng, đào tạo nhân lực tại Việt Nam.

Cụ thể, sắp tới Belarus sẽ mở liên doanh sản xuất ô tô Minsk tại Việt Nam, tiến tới hợp tác sản xuất máy kéo Minsk, máy xúc công suất lớn. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp hàng đầu của Belarus trong lĩnh vực công nghệ cao đang lên kế hoạch mở nhà máy tại các khu công nghiệp của Việt Nam để sản xuất thiết bị phụ trợ cho các sản phẩm trong nước.

Tổng thống Alexander Lukashenko cũng khẳng định, Belarus nhận thấy thị trường Việt Nam có nhiều tiềm năng trong lĩnh vực công nghệ xây dựng, vì vậy các doanh nghiệp của Belarus sẵn sàng hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam về xây dựng hệ thống tàu điện ngầm, các công trình ngầm.

Cùng với đó là cơ hội hợp tác về liên doanh sản xuất các sản phẩm sữa khô của Belarus tại Việt Nam, chế biến hải sản, chè, cà phê...; ứng dụng công nghệ thu hồi khí từ dầu mỏ, khai thác mỏ cũ; phát triển công nghệ thông tin, truyền thông; hợp tác về du lịch... (PLO)
--------------------------------

Quốc Cường Gia Lai tính phát hành 750 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi

QCGL lên kế hoạch huy động 750 tỷ đồng từ việc phát hành trái phiếu chuyển đổi nhằm bổ sung vốn lưu động và tái cơ cấu nợ vay.

Sáng nay (29/6), Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (mã QCG) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2017.

Phát hành 750 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi

Một nội dung đáng chú ý trong tờ trình ĐHĐCĐ là kế hoạch phát hành riêng lẻ khoản trái phiếu chuyển đổi trị giá 750 tỷ đồng nhằm bổ sung vốn lưu động và tái cơ cấu nợ vay.

Khoản trái phiếu này, dự kiến phát hành trong năm 2017 - 2018 với lãi suất cố định 10%/năm, kỳ hạn chuyển đổi trái phiếu 12-24 tháng kể từ ngày phát hành. Theo tờ trình, nguồn trả nợ và lãi trái phiếu chuyển đổi là dòng tiền hoạt động kinh doanh, hoạt động tài chính và các dòng tiền hợp pháp của công ty.

Giá chuyển đổi trái phiếu là 30.000 đồng/cổ phiếu.

Kế hoạch lợi nhuận 2017 gấp 11 lần năm trước

Năm 2017, QCGL lên kế hoạch doanh thu thuần 2.500 tỷ đồng, tăng 57% so với năm trước, còn kế hoạch lợi nhuận trước thuế là 720 tỷ đồng, gấp 11 lần. 

Công ty dự kiến chia cổ tức năm 2017 tỷ lệ 25%, trong đó 15% bằng tiền và 10% bằng cổ phiếu. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2011, QCG trả cổ tức bằng tiền. Công ty cũng dự tính sẽ tạm ứng cổ tức với tỷ lệ 8,6% bằng tiền mặt cho cổ đông.

Như vậy, QCGL sẽ phát hành khoảng 27,512 triệu cổ phiếu để chi trả cổ tức bằng cổ phiếu. Ngoài ra, công ty cũng sẽ phát hành 2 triệu cổ phiếu ESOP cho nhân viên, tương ứng với tỷ lệ 0,73% lượng cổ phiếu đang lưu hành.

Năm 2016, QCGL đạt 1.588 tỷ đồng doanh thu thuần và 44,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Trong khi vượt 5,89% kế hoạch doanh thu thì QCGL chỉ hoàn thành hơn 64% kế hoạch lợi nhuận năm 2016.

Tính đến cuối năm 2016, số dư nợ vay ngắn hạn là 1.788 tỷ đồng, gồm 390 tỷ đồng nợ ngắn hạn và 1.398 tỷ đồng nợ vay dài hạn đến hạn trả do công ty cam kết trả toàn bộ 1.398 tỷ đồng tiền nợ vay dài hạn tại BIDV chậm nhất là ngày 31/3/2017.(NCĐT)
---------------------------

Hai nhà máy nhiệt điện gần 5 tỷ USD được cấp phép trong tháng Sáu

Dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 và BOT Nam Định 1 được cấp phép đầu tư trong tháng Sáu.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tháng Sáu có hai dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện được cấp phép đầu tư.

Cụ thể, dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 có tổng vốn 2,793 tỷ USD do Nhật Bản đầu tư tại Thanh Hoá. Dự án này nhằm thiết kế, xây dựng, vận hành và chuyển giao một nhà máy nhiệt điện đốt than có công suất (thuần) khoảng 1.200 MW.

Ngoài ra, một dự án nhiệt điện khác là nhà máy nhiệt điện BOT Nam Định 1 cũng vừa được cấp phép. Dự án có tổng vốn 2,07 tỷ USD do Singapore đầu tư với mục tiêu thiết kế, xây dựng, vận hành và chuyển giao một nhà máy nhiệt điện đốt than với công suất thuần khoảng 1.109,4 MW.

Với việc cấp phép cho hai dự án có vốn đầu tư lớn, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã gia tăng mạnh.

6 tháng đầu năm nay, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần là 19,22 tỷ USD, tăng 54,8% so với cùng kỳ năm 2016. Như vậy ước tính số vốn FDI đăng ký vào Việt Nam chỉ riêng trong tháng Sáu đạt tới 7,09 tỷ USD.

Trong số các dự án lớn được cấp phép trong nửa đầu năm nay có dự án Samsung Display Việt Nam tại Bắc Ninh điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 2,5 tỷ USD. Nhà máy Công ty TNHH Polytex Far Eastern (Việt Nam) do Đài Loan đầu tư tại Bình Dương với mục tiêu sản xuất sản phẩm xơ tổng hợp polyester cũng điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 485,8 triệu USD.

Ngoài ra còn có dự án đường ống dẫn khí lô B – Ô Môn có tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,27 tỷ USD được cấp phép. Đây là dự án do nhà đầu tư Nhật Bản liên doanh với PVN và PVGAS Việt Nam đầu tư với mục tiêu xây dựng, vận hành đường ống dẫn khí Lô B – Ô Môn tại Kiên Giang. (NCĐT)

Trở về

Bài cùng chuyên mục