tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 30-06-2017

  • Cập nhật : 30/06/2017

Smartphone Trung Quốc chiếm hơn 50% thị trường Ấn Độ

cac san pham smartphone cua xiaomi duoc bay ban tai mot cua hang o new delhi (an do) anh: reuters

Các sản phẩm smartphone của Xiaomi được bày bán tại một cửa hàng ở New Delhi (Ấn Độ) ẢNH: REUTERS

Theo báo cáo từ India Ratings & Research, các thương hiệu smartphone của Trung Quốc đang cùng nhau chinh phục mạnh mẽ thị trường Ấn Độ, với doanh số bán hàng chiếm đến 51% thị trường điện thoại thông minh của đất nước Nam Á. Điều này đánh dấu bước nhảy vọt to lớn của các công ty Đại lục khi doanh số vào năm ngoái chỉ có 15%.

Việc chinh phục thị trường đông dân thứ hai thế giới của Xiaomi, Vivo hay Oppo chỉ mất ít hơn một năm, tạo ra một khu trú ẩn an toàn cho các thương hiệu nội địa Đại lục vốn đang sụt giảm về mặt lợi nhuận do sự cạnh tranh gay gắt và thị trường smartphone đã bão hòa ở quê nhà.

Theo IDC, nguyên nhân khiến các thương hiệu smartphone Trung Quốc có sức lấn át ở thị trường Ấn Độ, bên cạnh việc giá cả thấp, còn là do họ tập trung vào trải nghiệm người dùng tốt hơn, nhanh hơn với việc áp dụng công nghệ 4G và nhấn mạnh vào phần chụp ảnh. Gần hai phần ba smartphone bán ra được tranh bị máy ảnh có độ phân giải ít nhất 13 megapixel.

Redmi 4 của Xiaomi có giá bán lẻ 6.999 rupi, khoảng 108 USD, đang là thương hiệu dẫn đầu trong số các thương hiệu smartphone của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, với 14,2% thị phần. Xếp theo sau là Vivo, Lenovo và Oppo, với phần trăm thị phần lần lượt là 10,5%, 9,5% và 9,3%.

Theo South China Morning Post, các nhà sản xuất smartphone Ấn Độ bao gồm Micromaz Informatics, Lava International và Karbonn Mobiles đang vận động chính phủ áp thuế chống bán phá giá để kiềm chế tốc độ phát triển của các đối thủ cạnh tranh từ nước láng giềng.(Thanhnien)
------------------------------

Mỗi năm Việt Nam thiết hụt hơn 0,8 triệu tấn xăng

Theo một báo cáo của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), đơn vị vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi), với sự phát triển và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong 5 năm tới, tổng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong cả nước từ năm 2018 đến năm 2022 trung bình đạt khoảng 6,5 triệu tấn xăng và 8,5 triệu tấn dầu DO.

Trong khi đó, với công suất thiết kế của lọc dầu Dung Quất và lọc dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) hiện tại thì từ năm 2018 tổng nguồn cung xăng cả nước khoảng gần 6 triệu tấn/năm và tổng nguồn cung dầu khoảng gần 7 triệu tấn/năm (tương ứng khoảng 92% và 82% nhu cầu nội địa).

Như vậy, với tình hình cân đối cung cầu xăng dầu hiện tại thì mỗi năm thị trường Việt Nam vẫn đang thiếu hụt trung bình khoảng 0,8 triệu tấn xăng và 1,8 triệu tấn dầu DO. Nguồn xăng dầu thiếu hụt này sẽ được nhập khẩu về Việt Nam từ các nước trong khu vực như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Mỗi năm Việt Nam thiết hụt hơn 0,8 triệu tấn xăng - ảnh 1
 Tổng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong cả nước từ năm 2018 đến năm 2022 trung bình đạt khoảng 6,5 triệu tấn xăng và 8,5 triệu tấn dầu DO. 

Trước đó, vào năm 2009, Nhà máy lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động với công suất thiết kế 6,5 triệu tấn dầu thô/năm, đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu xăng dầu nội địa.

Theo kế hoạch, Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đi vào vận hành thương mại vào năm 2018, với công suất thiết kế 10 triệu tấn dầu thô/năm dự kiến cung cấp khoảng 8,75 triệu tấn sản phẩm các loại, đáp ứng khoảng 40% thị trường nội địa.(PLO)
--------------------------------

GDP quý II tăng 6,17% dù ngành khai khoáng giảm sâu nhất từ 2011

GDP quý II đã khởi sắc hơn quý I với tốc độ tăng 6,17%.

Tổng cục Thống kê vừa cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2017 ước tính tăng 5,73% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, quý I tăng 5,15%. GDP quý II đã khởi sắc hơn quý I với tốc độ tăng 6,17%, mức tăng này cũng cao hơn so với quý II năm ngoái (tăng 5,78%).

Sau nửa đầu năm, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,65%, đóng góp 0,43 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,81%, đóng góp 2,0 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,85%, đóng góp 2,59 điểm phần trăm.

Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành thủy sản có mức tăng cao nhất với 5,08% so với cùng kỳ năm 2016, đóng góp 0,15 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; ngành lâm nghiệp tăng 4,31%, thấp hơn mức tăng 5,75% của 6 tháng năm 2016, đóng góp 0,03 điểm phần trăm; ngành nông nghiệp tăng khá ở mức 2,01% so với mức giảm 0,78% của cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,25 điểm phần trăm.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng 5,33%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,66% và 7,01% của cùng kỳ năm 2015 và năm 2016, chủ yếu do ngành khai khoáng giảm 8,2%, làm giảm 0,61 điểm phần trăm mức tăng trưởng chung. Đây là mức giảm sâu nhất của ngành khai khoáng nếu so với cùng kỳ các năm từ 2011 trở về đây. 

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt mức tăng 10,52%, tương đương cùng kỳ năm trước và đóng góp 1,79 điểm phần trăm. Ngành xây dựng 6 tháng đầu năm tăng trưởng khá với tốc độ 8,50%, đóng góp 0,45 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung.

Trong khu vực dịch vụ, bán buôn và bán lẻ là ngành có mức đóng góp cao nhất vào mức tăng chung (0,65 điểm phần trăm) chứng kiến mức tăng 7,10% so với cùng kỳ năm trước.

Ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 8,90%, đóng góp 0,35 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,66%, đóng góp 0,31 điểm phần trăm.

Riêng hoạt động kinh doanh bất động sản đạt mức tăng cao nhất trong 5 năm gần đây với 3,86%, đóng góp 0,21 điểm phần trăm.

Về cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 15,06%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 32,76%; khu vực dịch vụ chiếm 41,84%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,34%. (NCĐT)
----------------------------

Sáu tháng, Việt Nam chi hơn 8.500 tỷ nhập trái cây Thái Lan

Theo thống kê sơ bộ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giá trị nhập khẩu rau quả 6 tháng đầu năm nay ước đạt 655 triệu USD (tương đương 14.890 tỷ đồng), tăng hơn 87% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, mặt hàng trái cây chiếm khoảng 507 triệu USD, tương đương 11.525 tỷ đồng.

Khoảng hai năm trở lại đây, Thái Lan vượt mặt Trung Quốc để vươn lên ngôi vị dẫn đầu về giá trị xuất khẩu trái cây vào Việt Nam. Giá trị nhập khẩu từ Thái Lan tăng gấp đôi so với cùng kỳ và chiếm đến 57,5% thị phần. Như vậy, Việt Nam đã chi hơn 376 triệu USD, tương đương khoảng 8.560 tỷ đồng để nhập khẩu trái cây từ quốc gia láng giềng này trong nửa đầu năm nay.

Bên cạnh đó, tất cả các thị trường nhập khẩu rau quả khác như Ấn Độ, Hàn Quốc… cũng duy trì mức tăng trưởng tích cực trên 85%.

Ở chiều ngược lại, luỹ kế kim ngạch xuất khẩu rau quả giai đoạn này ước đạt 1,7 tỷ USD (tương đương 38.640 tỷ đồng), tăng hơn 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ tiếp tục là những thị trường nhập khẩu hàng đầu của mặt hàng rau quả, chiếm gần 85% tổng giá trị xuất khẩu. (Vnexpress)

Trở về

Bài cùng chuyên mục