tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 22-11-2017

  • Cập nhật : 22/11/2017

Nhà máy lớn nhất của Mazda tại Đông Nam Á đã hoàn thành 70% tiến độ

Đây là chia sẻ của ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) tại lễ xuất xưởng mẫu xe Mazda CX-5 mới tại Việt Nam mới đây.

Nhà máy lớn nhất của Mazda tại Đông Nam Á đã hoàn thành 70% tiến độ

Tại Việt Nam, Mazda CX5 đã đạt doanh số hơn 25.000 xe.

Theo ông Trần Bá Dương, nhà máy mới sản xuất lắp ráp xe mang thương hiệu Mazda được xây dựng trên diện tích 35ha (trong đó 12ha nhà xưởng). Nhà máy có công suất 100.000 xe/năm với tổng vốn đầu tư 12.000 tỉ đồng. 

Nhà máy Thaco Mazda là nhà máy lớn nhất của Mazda tại Đông Nam Á có công nghệ hiện đại nhất, tự động hóa hoàn toàn, đáp ứng yêu cầu sản xuất lắp ráp các dòng xe Mazda thế hệ thứ 7. Dây chuyền của nhà máy này được cung cấp từ các nhà sản xuất thiết bị nổi tiếng của Châu Âu, Nhật Bản. Đến nay, Thaco đã hoàn thành hơn 70% khối lượng công việc theo đúng tiến độ và sẽ đưa vào hoạt động ngày 24/3/2018, đúng vào dịp chào mừng 43 năm ngày giải phóng tỉnh Quảng Nam, sau đúng một năm khởi công xây dựng.

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (THACO)

Trao đổi với phóng viên BizLIVE, Chủ tịch Hội đồng quản trị Thaco cho biết: “Thời gian để có thể xây dựng một nhà máy sản xuất ô tô Thaco Mazda tổng cộng lên đến gần 4 năm. Trong đó, thời gian thiết kế nhà máy mất 1,5 năm, khi chúng tôi khởi công nghĩa là thiết kế đã xong. Còn trước đó Mazda đã mất thời gian nghiên cứu sản phẩm và quy trình sản xuất công nghệ từ hơn 3 năm qua.” 

Ông Dương cho biết, Thaco đã có chiến lược với chu kỳ đầu tư phát triển mới là xây dựng hầu hết các nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô mới như: nhà máy xe du lịch Kia, Mazda, xe du lịch cao cấp, nhà máy bus, nhà máy tải, cũng như các nhà máy sản xuất linh kiện phụ tùng để gia tăng tỷ lệ nội địa hóa trên 40%, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu sang các nước ASEAN. 

Đây là những hành động nhằm hưởng ứng Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035, đã được Thủ tướng phê duyệt lần thứ 2 năm 2014, đặc biệt là đón đầu xu thế tất yếu của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4, mà cơ bản là sản xuất tự động hóa và đồng thời phải đáp ứng yêu cầu đặt hàng riêng lẻ của khách hàng.

 Nhà máy Thaco Mazda hiện đã hoàn thành hơn 70% khối lượng công việc xây dựng.

Từ năm 2011, Thaco bắt đầu ký kết hợp tác với Tập đoàn Mazda Nhật Bản và đã đầu tư xây dựng, đưa vào hoạt động nhà máy Vina Mazda công suất ban đầu 10.000 xe/năm và nâng lên 30.000 xe/năm vào năm 2014. Nhà máy Vina Mazda đã sản xuất lắp ráp hầu hết các mẫu xe của Mazda (Mazda2, Mazda3, Mazda6, Mazda CX-5). Tính đến nay Thaco đã bán ra hơn 92.000 xe Mazda, đưa Mazda trở thành thương hiệu ô tô Nhật Bản đứng thứ 2 về doanh số trên thị trường ô tô Việt Nam.

Được biết, trong 10 tháng đầu năm 2017, doanh số Thaco đạt 73.778 xe (gồm 39.316 xe du lịch, 34.462 xe thương mại) chiếm 36% thị phần VAMA. 

Từ khi đặt nhà máy ở Chu Lai, Thaco đã đóng góp vào ngân sách tỉnh Quảng Nam hơn 10 nghìn tỷ mỗi năm. Cụ thể, năm 2015 là 10.095 tỷ đồng,năm 2016 là 14.350 tỷ đồng, dự kiến năm 2017 là 12.110 tỷ đồng. Khi nhà máy Thaco Mazda đi vào sản xuất từ 2018, dự kiến con số này sẽ tiếp tục tăng lên.(bizlive)
----------------------

Nhu cầu mua nhà ở Úc của người Trung Quốc đang giảm nhiệt

Chính sách quản lý vốn chặt chẽ của Bắc Kinh và quy định thắt chặt cho vay thế chấp của các ngân hàng Úc đang khiến việc mua nhà của người Trung Quốc trở nên khó khăn hơn.

Theo một quan chức cấp cao của ngân hàng trung ương Úc, nhu cầu của người Trung Quốc đối với tài sản nhà ở tại Úc đã giảm bớt vì kiểm soát vốn chặt chẽ hơn từ phía Bắc Kinh, và những hạn chế đối với việc cho vay thế chấp của các ngân hàng Úc.

Ông Jonathan Kearns, giám đốc tài chính Ngân hàng Dự trữ Úc, cho biết người mua nước ngoài chiếm khoảng từ 10 đến 15% trong tổng số bất động sản mới xây dựng tại Úc. “Trung Quốc chiếm khoảng ba phần tư trong số người mua tài sản nhà ở tại Úc. Tuy nhiên, nhu cầu mua bất động sản của họ đã hạ nhiệt trong một năm qua”, ông Kearns nói trong hội nghị bất động sản Úc - Trung Quốc.

Theo South China Morning Post, nhu cầu sở hữu tài sản của người nước ngoài đã trở thành một vấn đề gây tranh cãi ở Úc trong những năm qua, trong bối cảnh giá nhà cao và người dân địa phương phàn nàn rằng họ không có khả năng mua được căn nhà đầu tiên. Nhưng ông Kearns cho rằng điều này không làm giảm nguồn cung cấp nhà ở có sẵn trong tổng thể, thay vào đó đã thúc đẩy việc mở rộng nguồn cung mới.

Song, ngân hàng trung ương Úc vẫn đang theo dõi cẩn thận các khoản cho vay phát triển bất động sản, đặc biệt trong lĩnh vực tài sản thương mại và căn hộ vốn đã bị đẩy giá cao do nhu cầu mạnh mẽ từ giới đầu tư nước ngoài. “Việc tăng giá bất động sản thương mại làm tăng nguy cơ xuất hiện sự điều chỉnh sâu sắc, ví dụ như sự thay đổi trong tâm lý hoặc thay đổi lãi suất dài hạn”, ông Kearns cho hay.

Các ngân hàng Úc đã thắt chặt yêu cầu đối với sở hữu tài sản thương mại thay vì nới lỏng tiêu chuẩn cho vay như đã từng làm trong quá khứ. Điều này đã tạo thuận lợi cho các ngân hàng châu Á tăng gấp đôi thị phần đối với tài sản thương mại Úc trong những năm gần đây.(Thanhnien)
--------------------------

Agribank dồn dập thoái vốn khỏi công ty con

Agribank vừa đăng ký bán đấu giá số lượng lớn cổ phần tại Công ty Vàng Agribank Việt Nam (AJC) và Công ty cổ phần Du lịch thương mại Nông nghiệp Việt Nam (Agritour).

 

agribank dang don dap thoai von khoi cac cong ty con. trong anh la giao dich tai ngan hang agribank. anh: duyen phan.

Agribank đang dồn dập thoái vốn khỏi các công ty con. Trong ảnh là giao dịch tại Ngân hàng Agribank. Ảnh: DUYÊN PHAN.

 

Theo thông báo của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) sẽ bán 12,6 triệu cổ phần (tương đương 61,24% vốn) của AJC với giá khởi điểm 13.900 đồng/cổ phần. 

Agribank cũng bán 5,29 triệu cổ phần, tương đương 23% vốn của Agritour với giá khởi điểm 18.990 đồng/cổ phần. 

Riêng với số cổ phiếu AJC chào bán, người nước ngoài được phép mua 10 triệu cổ phần.

Thời gian đấu giá dự kiến vào ngày 15-12 tới tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).

Nếu chào bán thành công đợt này với mức giá khởi điểm, Agribank dự kiến thu về tổng cộng 276 tỉ đồng.

Agritour được thành lập vào năm 1995, hoạt động chính trong lĩnh vực du lịch lữ hành trong nước và quốc tế, kinh doanh vận chuyển khách... 

Từ khi thành lập đến nay, Agritour chưa thực hiện tăng vốn điều lệ và vẫn giữ nguyên vốn thực góp ban đầu là 230 tỉ đồng.

Còn AJC có vốn điều lệ 206 tỉ đồng, kinh doanh xuất nhập khẩu vàng, bạc, đá quý, hàng trang sức, mỹ nghệ và các loại hàng hóa khác. 

Công ty này cũng sản xuất chế tác vàng miếng, hàng trang sức, vàng... AJC có 2 cổ đông chiến lược là Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank) và Tập đoàn Nam Cường.

Hai công ty trên đều kinh doanh khó khăn. Với AJC, sau khi Chính phủ thực hiện chủ trương siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vàng, đặc biệt là hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng miếng, thì hoạt động kinh doanh của AJC gặp rất nhiều khó khăn.

Doanh thu của Agritour cũng sụt giảm mạnh, 6 tháng đầu năm doanh nghiệp này lỗ hơn 780 triệu đồng.

Trước AJC và Agritour, đầu tháng 11 Agribank cũng đã có thông báo về việc bán Công ty Cho thuê tài chính I (ALCI) do Agribank sở hữu 100% vốn điều lệ. 

Việc bán ALCI nhằm thực hiện theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về phương án xử lý pháp nhân ALCI và Nghị quyết kỳ họp Hội đồng thành viên Agribank lần thứ 4-2017.(tuoitre)
-------------------------

Thêm một mặt hàng Việt bị Mỹ đánh thuế hơn 230%

Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, hàng loạt mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam bị các nước nhập khẩu điều tra áp thuế chống bán phá giá.

Theo Cục quản lý cạnh tranh(Bộ Công thương), Bộ thương mại Mỹ (DOC) vừa có thông báo về kết luận sơ bộ khẳng định rằng sản phẩm tủ đựng dụng cụ nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam đã bị bán phá giá.

 Theo đó, DOC sơ bộ xác định mức thuế chống bán phá giá đối với hàng hóa bị điều tra từ Việt Nam là 230,31%. Đối với hàng hóa bị điều tra từ Trung Quốc, DOC sơ bộ xác định mức thuế chống bán phá giá từ 90,40% - 168,93%.

Căn cứ vào kết luận sơ bộ này, DOC sẽ hướng dẫn Cơ quan Bảo vệ biên giới và Hải quan Mỹ yêu cầu nộp tiền đặt cọc. DOC công bố kết luận cuối cùng vào ngày 22-3-2018 (có thể gia hạn). Lệnh áp thuế này (nếu có) dự kiến sẽ được ban hành vào tháng 5-2018.

Trước đó, theo Công báo Liên bang, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã khởi xướng rà soát hoàng hôn lần thứ nhất lệnh áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm mắc áo bằng thép nhập khẩu từ Việt Nam.

Trong trường hợp cả DOC (điều tra về bán phá giá và trợ cấp) và USITC (Ủy ban thương mại quốc tế Mỹ) (điều tra về thiệt hại) đưa ra kết luận khẳng định việc dỡ bỏ lệnh áp thuế sẽ dẫn đến tiếp diễn tình trạng bán phá giá và/hoặc trợ cấp gây thiệt hại cho ngành sản xuất nước này thì biện pháp chống bán phá giá đối với mặt hàng trên của Việt Nam sẽ tiếp tục có hiệu lực thêm 5 năm nữa.

Ngày 6-11 DOC cũng đã có kết luận sơ bộ của đợt rà soát hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 4 (giai đoạn rà soát từ 1-2-2016 đến 31-1-2017) đối với sản phẩm tháp gió nhập khẩu từ Việt Nam.Theo đó, DOC quyết định hủy bỏ một phần rà soát đối với hai công ty mà nguyên đơn đã rút yêu cầu rà soát và không có bên liên quan nào khác có ý kiến về vấn đề này. 

Tuy nhiên, DOC vẫn sẽ tiếp tục tiến hành đợt rà soát hành chính này để có căn cứ đưa ra hướng dẫn tính thuế chống bán phá giá thích hợp cho Cơ quan Hải quan và bảo vệ biên giới Mỹ khi có kết luận cuối cùng.(PLO)
----------------------

Trở về

Bài cùng chuyên mục