tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 22-11-2017

  • Cập nhật : 22/11/2017

FPT báo lãi ròng 1.725 tỷ đồng trong 10 tháng, tăng 13% so với cùng kỳ

FPT cho biết, tăng trưởng lợi nhuận trong 10 tháng đầu năm được đóng góp chủ yếu từ hai lĩnh vực cốt lõi là Công nghệ và Viễn thông...

anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

 

Thông tin từ CTCP FPT cho biết, kết thúc 10 tháng năm 2017, doanh thu hợp nhất của tập đoàn đạt 34.966 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2016. Lợi nhuận trước thuế (LNTT) đạt 2.645 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.226 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ.

Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 1.725 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) sau 10 tháng đạt 3.255 đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2017, FPT đặt mục tiêu doanh thu 46.619 tỷ đồng, tăng 15% so với thực hiện năm 2016. Lợi nhuận trước thuế cũng tăng 13%, đạt mức 3.408 tỷ đồng. Như vậy, với kết quả đạt được trong 10 tháng đầu năm, doanh nghiệp đã hoàn thành lần lượt 75% kế hoạch doanh thu và gần 78% kế hoạch lợi nhuận năm.

FPT cho biết, tăng trưởng lợi nhuận trong 10 tháng đầu năm được đóng góp chủ yếu từ hai lĩnh vực cốt lõi là Công nghệ và Viễn thông, chiếm 72% tổng lợi nhuận toàn tập đoàn. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế của khối Công nghệ và khối Viễn thông tăng lần lượt là 12% và 8% so với cùng kỳ năm trước.

Thị trường nước ngoài của FPT ghi nhận doanh thu đạt 5.473 tỷ đồng, tăng 16%; LNTT đạt 850 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước, chiếm gần 1/3 lợi nhuận toàn Tập đoàn.

Mới đây, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính, SCIC đang triển khai bán cổ phần tại một loạt các doanh nghiệp lớn, trong đó có cả FPT, nơi SCIC đang nắm giữ 5,96% vốn điều lệ.

Hiện FPT đã kín room ngoại (49%) trong khi công ty cũng chưa có kế hoạch nới room nên SCIC sẽ chỉ có thể bán cổ phần cho các nhà đầu tư nội.

Theo kế hoạch về lộ trình bán cổ phần, SCIC sẽ công bố thông tin về đợt chào bán cổ phần và tổ chức bán cạnh tranh trong tháng 12 năm 2017. (Bizlive)
------------------------------

Đầu tư tư nhân tăng mạnh

"Đầu tư của tư nhân tăng mạnh về số lượng lẫn chất lượng trong năm qua và ngành có sự tăng trưởng tư đột biến là nông nghiệp".

Viện trưởng Viện Kinh tế VN, PGS.TS Trần Đình Thiên đã đưa ra nhận xét trên tại Hội nghị đầu tư “Đột phá tư duy kinh doanh” do Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư tổ chức hôm nay, ngày 21.11.

Theo ông Thiên, riêng năm 2017, đã có nhiều “hoài nghi” xung quanh việc tăng trưởng của GDP. Quý 1 chỉ tăng 5,15%, nhưng lên quý 3 có sự tăng trưởng đột phá lên 7,46%, nâng tỷ lệ GDP trung bình cả ba quý là 6,4%. “Bước nhảy vọt từ quý 1 lên quý 3 chưa năm nào mạnh như năm nay. Trong khi đó, giải ngân trong đầu tư công lại ít, đặc biệt khai thác dầu khí, than đá đều giảm rất mạnh”, ông Thiên nêu vấn đề và đặt cậu hỏi tại sao lại xuất hiện “hiện tượng” này trong điều hành kinh tế vĩ mô?

Về tăng trưởng GDP của năm 2017, ông Thiên cho rằng, cần nhìn nhận ở 2 khía cạnh về số lượng lẫn động thái. Trong đó, động thái gắn với sự dịch chuyển về chất lượng và động cơ tăng trưởng. “Tăng trưởng quý 3 nhảy vọt, tăng gần đến 50% so với quý 1 theo tôi chẳng có gì là đột biến cả. Về số lượng, cần ghi nhận đầu tư tư nhân tăng mạnh trong năm qua. Dịch vụ cũng tăng trưởng tốt, đó là chưa kể đóng góp của các tập đoàn đầu tư nước ngoài lớn tại VN”, ông Thiên lý giải và cho rằng, nếu xét về số lượng, việc tăng GDP vừa qua là hoàn toàn lý giải được, không có gì khó hiểu.

Tuy nhiên, Viện trưởng Viện Kinh tế cũng khá băn khoăn khi cho rằng, chính sách về tỷ giá đồng VN cao hiện nay chỉ khuyến khích nhập khẩu, lắp ráp gia công và đầu cơ hơn là khuyến khích đầu tư sản xuất phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu. “Đây là xu hướng triệt tiêu những nỗ lực tạo ra giá trị gia tăng cao cho nền kinh tế”, ông Thiên cảnh báo.(thanhnien)
-----------------------

Ô tô tiếp tục giảm giá gần 230 triệu đồng dịp cuối năm

Dòng xe bình dân đua nhau giảm giá để hút khách, giải phóng hàng tồn kho. 

Đón nhu cầu đợt cuối năm, các hãng xe tiếp tục đua nhau giảm giá xe ngay trong nửa đầu tháng 11.

Mạnh tay nhất là hãng xe Nhật Bản Mitsubishi giảm giá toàn bộ các mẫu xe hiện có, Ford ưu đãi cho các mẫu xe lắp ráp trong nước (Fiesta, Focus, Ecosport), Nissan tặng tiền mặt và các gói phụ kiện cho toàn bộ mẫu xe hiện có, bao gồm cả xe nhập khẩu và xe lắp ráp trong nước…

Đáng chú ý, một số mẫu xe có mức giảm khủng như mẫu Hyundai Santa Fe lắp ráp trong nước giảm trừ 230 triệu đồng, Volkswagen giảm 130 triệu đồng cho mẫu SUV Touareg, hai phiên bản của chiếc xe thể thao Scirocco được giảm 100-120 triệu đồng dù mới chỉ ra mắt vào hồi tháng 7…

Ô tô tiếp tục giảm giá gần 230 triệu đồng dịp cuối năm - ảnh 1
Các hãng xe tiếp tục đua nhau giảm giá hàng trăm triệu đồng dịp cuối năm.

Mitsubishi Việt Nam với mẫu crossover Outlander (nhập khẩu từ Nhật Bản) được giảm gần 130 triệu đồng (cho cả hai phiên bản 2.0L và 2.4L), Pajero Sport máy dầu giảm 100 triệu đồng trong khi phiên bản máy xăng là 198 triệu đồng; phiên bản Pajero Sport All-new dùng động cơ MIVEC hoàn toàn mới cũng có mức giảm 180-206 triệu đồng. Và mức giảm trừ tiền khủng khiếp nhất là mẫu SUV Pajero với mức giảm trong tháng 11 này lên tới 230 triệu đồng.

Ngược lại, trong tháng 11 này là việc Thaco lại tăng giá hầu như toàn bộ mẫu Mazda hiện có tại Việt Nam (trừ Mazda2), với các mức tăng 10-20 triệu đồng, trong đó có cả mẫu xe du lịch hạng C được quan tâm - Mazda3.

Các hãng xe phân khúc xe sang và thể thao hạng sang như Mercedes-Benz, Lexus, Infiniti, Land Rover… đều giữ nguyên giá bán của mình so với những tháng trước đó.(PLO)
---------------------

Sau rà soát, mỗi kilômet đường sắt Hà Nội giảm 1.000 tỉ đồng

Sau khi tính toán lại, Hà Nội đã giảm tổng mức đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình 5.825 tỉ đồng.

 

doan tau tren tuyen duong sat cat linh - ha dong - anh: phuong chinh

Đoàn tàu trên tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông - Ảnh: PHƯƠNG CHINH

 

Việc điều chỉnh tổng mức đầu tư này của Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội được thực hiện trên cơ sở tham khảo lại đơn giá, suất đầu tư đã được Bộ Kế hoạch - đầu tư thẩm định.

Tuyến đường sắt đô thị số 2 Hà Nội có tổng chiều dài 5,9km đi ngầm dưới lòng đất, ước tính chi phí đầu tư trung bình 5.888 tỉ đồng/km, tương đương 259 triệu USD/km theo tỉ giá hiện hành. 

Sau khi các bộ, ngành cho ý kiến thẩm định về đơn giá, suất đầu tư dự án, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội tính toán lại tổng mức đầu tư dự án. 

Theo đó, tổng mức đầu tư dự án giảm từ 34.743 tỉ đồng đã được rút xuống còn 28.918 tỉ đồng, tức giảm 5.825 tỉ đồng. 

Như vậy, trung bình 1km đường sắt đô thị được điều chỉnh giảm khoảng 1.000 tỉ đồng.

Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình thuộc danh mục các dự án, công trình trọng điểm, được bố trí vốn ngân sách để chuẩn bị đầu tư trong giai đoạn 2016-2020.

Đến giai đoạn 2010-2015, dự án này dự kiến được thực hiện đầu tư bằng ngân sách thành phố và nguồn vay ODA. Giai đoạn tiếp theo tuyến sẽ được đầu tư kéo dài đến khu vực Nam Thăng Long.

Theo thành phố Hà Nội, việc rà soát làm rõ căn cứ suất đầu tư, tổng mức đầu tư nhằm loại bỏ các chi phí không thực sự cần thiết để bảo đảm hiệu quả của dự án. 

Các chi phí được điều chỉnh giảm gồm chi phí xây dựng, chi phí mua sắm xây dựng, lắp đặt hệ thống đường sắt, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, chi phí quản lý dự án, chi phí lãi vay, và chi phí dự phòng…

Cụ thể, Hà Nội đã tính toán lại chi phí xây dựng, đơn giá nhân công, máy thi công tuyến đường sắt đô thị số 2 theo đơn giá mới được Bộ Xây dựng công bố tháng 5-2017. 

Một số đơn giá này không có trong định mức được áp dụng theo báo giá của nhà cung cấp, hoặc tham khảo từ các dự án tương tự. 

Chi phí mua sắm, xây dựng và lắp đặt hệ thống đầu máy, toa xe, công trình đường sắt, thông tin, hệ thống cung cấp điện nguồn, hệ thống thu phí… cũng được tính toán lại dựa trên thông số tham khảo tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long - Thượng Đình.

Bên cạnh đó, chi phí lãi vay, chi phí dịch vụ và phí cam kết cũng như các chi phí dự phòng đều được tính toán lại bên cạnh chi phí giải phóng mặt bằng. 

Dù đã rà soát lại và giảm được 5.825 tỉ đồng, thành phố Hà Nội cũng lưu ý rằng tổng mức đầu tư này mới chỉ là dự kiến ở giai đoạn đề xuất dự án và có thể tiếp tục ra soát trong giai đoạn lập dự án để có thể cắt bỏ các chi phí không cần thiết khác.(Tuoitre)

Trở về

Bài cùng chuyên mục