tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 23-11-2017

  • Cập nhật : 23/11/2017

Ôtô 7 đến 9 chỗ ngồi phải dán nhãn năng lượng từ năm 2018

Đây là quy định của Thông tư hướng dẫn việc dán nhãn năng lượng đối với xe ôtô con loại trên 7 chỗ đến 9 chỗ ngồi vừa mới được Bộ Giao thông Vận tải ban hành.

Nhãn năng lượng của xe là nhãn cung cấp các thông tin liên quan đến loại nhiên liệu sử dụng, mức tiêu thụ nhiên liệu của xe giúp người tiêu dùng nhận biết và lựa chọn xe tiết kiệm nhiên liệu.

Cụ thể, việc dán nhãn năng lượng này áp dụng với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, kinh doanh xe, kiểm tra, thử nghiệm mức tiêu thụ nhiên liệu và chứng nhận dán nhãn năng lượng xe. Các xe ôtô con từ 7 đến 9 chỗ ngồi sẽ phải được dán nhãn năng lượng theo quy định trước khi đưa ra thị trường.

Các cơ sở sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu được tự công bố mức tiêu thụ nhiên liệu và dán nhãn năng lượng trong trường hợp xe thuộc kiểu loại đã được cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

Thông tư này không áp dụng với các xe được sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu dùng cho an ninh, quốc phòng, xe ngoại giao, xe nhập khẩu theo quy định Chính phủ,…

Liên quan đến việc dán nhãn năng lượng, trước đó, Bộ Công Thương đã huỷ bỏ quy định trong Thông tư 07 do nhiều doanh nghiệp cho rằng thủ tục rườm rà, nhiều thủ tục, tốn kém thời gian, chi phí…

Để chứng nhận dán nhãn năng lượng, có doanh nghiệp phải gửi hàng đi kiểm tra mất vài tuần, thậm chí vài tháng. Các doanh nghiệp cho rằng thay vì dán nhãn năng lượng hãy để các nhà sản xuất tự công bố các tiêu chuẩn năng lượng riêng cho sản phẩm của họ.(Vneconomy)
---------------------------

Nước sạch Vĩnh Phúc "mở đường" cho nhà đầu tư muốn sở hữu lượng lớn cổ phần NVP

Hiện UBND tỉnh Vĩnh Phúc đang sở hữu gần 97% vốn điều lệ của Nước sạch Vĩnh Phúc.

Ngày 5/12 tới đây CTCP Nước sạch Vĩnh Phúc (mã chứng khoán NVP) sẽ chốt danh sách cổ đông thực hiện lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản. Thời gian thực hiện dự kiến ngay trong tháng 12/2017.

Nội dung lấy ý kiến được thông báo là để “chấp thuận cho nhà đầu tư được phép mua cổ phiếu NVP trên 25% mà không cần chào mua công khai trong đợt thoái vốn Nhà nước của UBND tỉnh Vĩnh Phúc”.

Gần 11 triệu cổ phiếu NVP của Nước sạch Vĩnh Phúc đăng ký giao dịch trên UpCOM từ 15/12/2016 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 11.000 đồng/cổ phiếu. Sau gần 1 năm lên sàn, gần như không có giao dịch khớp lệnh cổ phiếu NVP, giá cổ phiếu NVP cũng giữ nguyên mức 11.000 đồng/cổ phiếu cho đến cuối tháng 10 vừa qua.

Giai đoạn cuối tháng 10, đầu tháng 11 xuất hiện một số giao dịch cổ phiếu NVP, dù lượng khớp lệnh mỗi phiên chỉ 200 cổ phiếu, nhưng cũng đủ “đẩy” giá cổ phiếu NVP giảm theo, và hiện về giao dịch ở mức giá 6.300 đồng/cổ phiếu.

Một trong những nguyên nhân khiến thanh khoản cổ phiếu NVP thấp có lẽ do cơ cấu cổ đông của công ty. Hiện UBND tỉnh Vĩnh Phúc đang nắm giữ đến 96,41% vốn điều lệ Nước sạch Vĩnh Phúc.(Infonet)
------------------------

Xi măng Tam Điệp mất gần hết vốn

Xi măng Hải Phòng, Hạ Long và nhiều công ty con của Vicem bị đánh giá là mất cân đối tài chính, khả năng thanh toán nợ đến hạn thấp.

Báo cáo của Bộ Tài chính gửi Bộ Xây dựng về tình hình tài chính năm 2016 của Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) cho biết các thông tin chi tiết về hiệu quả của các công ty con trực thuộc đơn vị này.

Trong đó, với Công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Tam Điệp, Bộ Tài chính cho biết đến cuối năm 2016, vốn đầu tư của chủ sở hữu là 1.132 tỷ đồng. Tuy nhiên, do số lỗ luỹ kế quá lớn (1.120 tỷ đồng) nên vốn chủ sở hữu chỉ còn 68,86 tỷ đồng. Đặc biệt hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu là 28 lần, trong khi hệ số thanh toán nợ ngắn hạn chỉ là 0,55.

"Như vậy, công ty đã mất gần hết vốn, mất an toàn về tài chính nghiêm trọng và không đảm bảo khả năng thanh toán nợ, hoạt động của công ty hoàn toàn phụ thuộc vào các khoản vay, chiếm dụng và hỗ trợ từ công ty mẹ - Vicem", Bộ Tài chính nhận định.

nha may xi mang tam diep. anh: vicem tam diep

Nhà máy xi măng Tam Điệp. Ảnh: Vicem Tam Điệp

Tình trạng khó khăn tương tự cũng diễn ra tại Công ty TNHH Một thành viên Xi măng Vicem Hải Phòng. Đến cuối năm 2016, đơn vị này lỗ luỹ kế 285 tỷ đồng. Bộ Tài chính cho biết, công ty vẫn dùng nguồn vốn ngắn hạn tài trợ cho tài sản dài hạn cho thấy sự mất cân đối về tài chính, hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn thấp (chỉ 0,64). Cơ quan này cũng cho biết, công ty không bảo toàn được vốn, khi khoản đầu tư của chủ sở hữu là 1.021 tỷ đồng nhưng hiện chỉ còn 638 tỷ đồng.

Sau khi nhận chuyển giao Công ty cổ phần Xi măng Hạ Long từ Tổng công ty Sông Đà, Vicem đã giúp đơn vị này thoát lỗ. Tuy nhiên, đến cuối năm 2016, lỗ luỹ kế của công ty vẫn còn hơn 2.500 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm trên 1.500 tỷ đồng. Đặc biệt, con số nợ phải trả lên tới hơn 7.600 tỷ đồng.

"Công ty bị mất cân đối và mất an toàn về tài chính nghiêm trọng, việc cân đối dòng tiền để trả nợ trong những năm tiếp theo sẽ gặp khó khăn", Bộ Tài chính nhận định.

Các công ty xi măng khác của Vicem như Bút Sơn, Hoàng Mai, Bỉm Sơn... có hệ số nợ khả năng thanh toán chỉ từ 0,4-0,6 lần. Và cũng như những công ty sản xuất xi măng khác của Vicem, các đơn vị này đều sử dụng nguồn vốn ngắn hạn tài trợ cho tài sản dài hạn, cho thấy sự mất cân đối về tài chính, khả năng thanh toán nợ đến hạn thấp...

Bộ Tài chính đánh giá hiệu quả đầu tư ra ngoài doanh nghiệp của công ty mẹ còn thấp, chỉ đạt hơn 5%. Đến cuối năm 2016, công ty mẹ cho các công ty con vay 1.260 tỷ đồng, trong đó Tam Điệp vay 776 tỷ đồng, Bút Sơn vay 246 tỷ đồng, Hải Phòng vay 200 tỷ đồng.

"Do Vicem Hải Phòng và Tam Điệp có số lỗ luỹ kế lớn, tình hình tài chính khó khăn nên các khoản Công ty mẹ cho các công ty này vay khó có khả năng thu hồi hoặc thu hồi chậm", Bộ Tài chính nhận định.

Trong văn bản, cơ quan này đề nghị Vicem có biện pháp kiểm soát, thu hồi các khoản nợ cho các công ty con vay để không làm thất thoát, bị chiếm dụng vốn, tiền, tài sản nhà nước. Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Xây dựng kiểm tra, rà soát việc cho vay của công ty mẹ và chỉ đạo Vicem có biện pháp thu hồi nợ, đồng đốc thúc doanh nghiệp xây dựng phương án đảm bảo nguồn tiền trả nợ các khoản vay nước ngoài có bảo lãnh của Chính phủ, ADB...

Trước đó, vào đầu năm 2017, kết luận thanh tra của Bộ Xây dựng cũng cho biết, Vicem và 20 công ty trực thuộc vướng nhiều sai phạm, thua lỗ nghìn tỷ trong quá trình kinh doanh, đầu tư. Ngoài ra, việc chi trả thù lao cho ban lãnh đạo tại nhiều công ty con cũng không phù hợp quy định. Ngay sau đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu Bộ Xây dựng kiểm tra, làm rõ và báo cáo về Văn phòng Chính phủ trong tháng 3. Tuy nhiên, thông tin này hiện chưa được công bố rộng rãi.

Tháng 9, ông Trần Việt Thắng thôi chức Tổng giám đốc Vicem. Ông Bùi Hồng Minh, Phó tổng giám đốc tổng công ty sau đó đã được bổ nhiệm vào "ghế nóng" thay ông Thắng.(Vnexpress)
-----------------------------

Nhiều đại gia đồ uống nước ngoài 'đổ bộ' vào Việt Nam

“Hiện nay, các mặt hàng bia, rượu, nước giải khát của các doanh nghiệp trong nước còn tồn kho nhiều, dự báo từ giờ đến tết khó có chuyện thiếu hàng, giá cả dự kiến sẽ không tăng”, PGS.TS Nguyễn Văn Việt – Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam thông tin.

Ngày 22/11, tại buổi tọa đàm về thị trường ngành đồ uống 2017, dự báo xu hướng 2018, nhiều đại biểu bày tỏ sự quan ngại về vấn đề rượu tự nấu. Theo Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, ước lượng sản xuất công nghiệp ngành rượu đạt 70 triệu lít/năm, nhưng tổng sản lượng thực ước đạt 342 triệu lít, bao gồm rượu do người dân tự nấu. Rượu dân tự nấu vẫn được sử dụng rất phổ biến, nhất là ở khu vực nông thôn và miền núi. Mặc dù có chính sách quản lý nhưng không quản được việc này. Vì vậy đã gây thất thoát lớn về ngân sách và lo ngại về an toàn thực phẩm và môi trường.

Năm 2018 dự báo sẽ tiếp tục là năm nhiều thách thức của ngành công nghiệp đồ uống, bởi thuế tiêu thụ đặc biệt liên tục tăng cao, từ 55% (năm 2015) lên 60% (2017) và 65% (năm 2018). Trong khi đó, tỷ lệ tồn kho ngành đồ uống dần tăng cao, 8 tháng đầu năm 2017 tăng 62% so với năm 2016. Nhiều khả năng chỉ tiêu phát triển toàn ngành năm 2017 sẽ sụt giảm.

“Quá nhiều thuế nâng lên liên tục trong 4 năm qua khiến doanh nghiệp vô cùng khó khăn, hàng tồn kho còn rất nhiều. Với đà này, chắc chắn doanh nghiệp sẽ lỗ nặng vì thuế tăng cao, mà sản phẩm thì không thể tăng giá. Bởi không chỉ cạnh tranh với sản phẩm trong nước, doanh nghiệp còn đối mặt với sự đổ bộ của nhiều đại gia ngành đồ uống nước ngoài. Lúc này mà tăng giá thì chẳng khác gì lấy dây buộc cổ mình”, PGS.TS Nguyễn Văn Việt – Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam bày tỏ.

Theo ông Việt, chính sách nhà nước cần ổn định để doanh nghiệp biết trước, nếu chính sách thay đổi quá nhanh sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp làm ăn chân chính

Theo báo cáo của Tổng Cục thống kê, trong năm 2016, toàn ngành bia – rượu – nước giải khát nộp ngân sách gần 50.000 tỷ đồng, trong đó riêng ngành bia đã chiếm hơn 45.000 tỷ đồng.

Theo ông Shivam Misra - Chủ tịch Uỷ ban rượu và đồ uống có cồn Eurocham, Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ trong ngành công nghiệp đồ uống và thị trường Việt Nam có rất nhiều tiềm năng đối với doanh nghiệp châu Âu, thế nhưng khung thuế hiện nay quá cao gây trở ngại cho các doanh nghiệp. “Chúng tôi hy vọng nhà nước có những chính sách mới “dễ thở” hơn với ngành này” - ông Shivam Misra cho biết.

“Có nhiều dự thảo nghị định, luật ra đời nhằm giảm thiểu lượng tiêu thụ bia, rượu… Tuy nhiên việc xây dựng chính sách cần mang tính ổn định lâu dài (ít nhất trong 10 năm), và mỗi chính sách trước khi đưa ra thực tế cần đánh giá tác động, tránh ảnh hưởng lên doanh nghiệp; đồng thời các dự thảo chính sách mới nên tập trung tháo gỡ khó khăn và cần có sự linh hoạt, tạo điều kiện phát triển cho doanh nghiệp” – ông Trương Quang Thìn – Phó chủ tịch Hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Hà Nội kiến nghị.(Tienphong)

Trở về

Bài cùng chuyên mục