tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 07-06-2017

  • Cập nhật : 07/06/2017

Heineken góp 2.700 tỷ đồng lãi cho Satra

Nguồn thu cổ tức từ những doanh nghiệp đầu ngành bia rượu và bán đấu giá cổ phần Vissan giúp Satra lãi sau thuế 3.070 tỷ đồng.

heineken gop 2.700 ty dong lai cho satra

Heineken góp 2.700 tỷ đồng lãi cho Satra

Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) vừa công bố báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất năm 2016. Theo đó, doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 10.231 tỷ đồng, chênh lệch không đáng kể so với năm trước. Sau khi trừ lãi vay tài chính, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp thì lợi nhuận thuần của công ty chỉ xấp xỉ 3 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đáng chú ý là phần lợi nhuận từ công ty liên kết và liên doanh lên đến 3.526 tỷ, tăng hơn 1.030 tỷ đồng so với năm trước. Kết quả này kéo lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm qua tăng 13%, đạt mức 3.070 tỷ đồng.

Hiện Satra sở hữu 14 đơn vị thành viên, 45 công ty con và liên kết hoạt động trong nhiều lĩnh vực như ngân hàng, xăng dầu, thực phẩm, bia rượu và nước giải khát...

Nổi bật trong số này là Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam và Công ty TNHH Bia và Nước giải khát Heineken Việt Nam (Heineken Trading – đơn vị phụ trách hoạt động phân phối sản phẩm). Satra đang nắm giữ 40% vốn điều lệ tại mỗi công ty này, nhờ đó khoản tiền cổ tức và lợi nhuận được chia trong năm qua ước tính hơn 2.700 tỷ đồng.

Danh sách công ty liên kết của Satra còn xuất hiện một “ông lớn” trong lĩnh vực đồ uống là Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn. Năm 2016, Sabeco lãi sau thuế hơn 4.700 tỷ đồng và thông qua tỷ lệ chia cổ tức là 30%. Dù không công bố tỷ lệ nắm giữ hiện tại, nhưng căn cứ vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này có thể thấy Satra cũng thu về khoản lợi nhuận cổ tức không nhỏ.

Trong năm qua, lợi nhuận của Satra còn đến từ việc tổ chức thành công 5 đợt bán đấu giá cổ phần tại các đơn vị thành viên trong năm qua.

Trong đó, phiên đấu giá và chào bán lần đầu tiên ra công chúng cổ phần Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) giúp công ty thu về tổng cộng 2.334 tỷ đồng. Sau giai đoạn đầu cổ phần hoá, Satra vẫn sở hữu 68% cổ phần tại đây.(Vnexpress)
----------------------

Siết kiểm tra ôtô nhập khẩu Ấn Độ, ASEAN

Tổng cục Hải quan vừa có văn bản yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố tăng cường công tác kiểm tra xuất xứ đối với mặt hàng ôtô nhập khẩu từ ASEAN và Ấn Độ, vốn đang được áp thuế suất ưu đãi đặc biệt trong khuôn khổ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia.

Cụ thể, cơ quan này yêu cầu khi làm thủ tục hải quan đối với mặt hàng ôtô nguyên chiếc nhập khẩu từ ASEAN và Ấn Độ áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt, các đơn vị hải quan tăng cường công tác kiểm tra xuất xứ theo đúng quy định của Bộ Tài chính, Bộ Công Thương.

Trong đó, Tổng cục chỉ đạo rõ các đơn vị lưu ý kiểm tra việc đáp ứng tiêu chí xuất xứ áp dụng đối với ôtô nhập khẩu nguyên chiếc. Trường hợp có nghi vấn liên quan đến tính hợp lệ của C/O, các thông tin khai báo C/O hay xuất xứ thực tế của hàng hóa nhập khẩu, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố phải gửi báo cáo và hồ sơ liên quan về Tổng cục để tiến hành xác minh.

Tổng cục Hải quan cũng nêu rõ các dấu hiệu cần phải lưu ý liên quan đến tính hợp lệ của C/O như: có dấu hiệu giả mạo chữ ký, con dấu C/O, sự không phù hợp giữa thông tin về hàng hóa khai báo trên C/O với chứng từ thuộc bộ hồ sơ hải quan, nghi ngờ về tiêu chí xuất xứ trên C/O hay qua kiểm tra thực tế (nếu có) phát hiện xuất xứ thể hiện trên hàng hóa khác so với khai báo, quy định về vận chuyển trực tiếp…

Trong thời gian chờ kết quả xác minh, hàng hóa nhập khẩu không được áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt mà áp dụng theo mức thuế suất ưu đãi MFN (biểu thuế ưu đãi chung) - mức thuế ưu đãi thấp hơn ưu đãi đặc biệt. 

Đây không phải lần đầu tiên Tổng cục Hải quan chỉ đạo nội dung này. Trước đó, một chỉ đạo tương tự cũng được ban hành, song cơ quan này chỉ nhấn mạnh vào ôtô nhập khẩu từ ASEAN.

Trước đó, từ đầu năm 2017 thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ các nước ASEAN vào Việt Nam sẽ chỉ còn 30% thay vì 40% như năm 2016. Sang năm 2018, các mặt hàng ôtô từ các nước ASEAN sẽ được bãi bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu. Số liệu thống kê của ngành hải quan cho thấy lượng xe nhập khẩu từ ASEAN vào Việt Nam tăng mạnh trong những tháng đầu năm, thậm chí gấp nhiều lần so với cùng kỳ. Hiện trong khu vực ASEAN, 2 quốc gia xuất khẩu ôtô nguyên chiếc vào Việt Nam là Thái Lan, Indonesia. 

Trong khi đó, tuy không nằm trong khu vực ASEAN nên chưa được hưởng thuế suất ưu đãi, song 3 tháng đầu năm, số lượng ôtô nhập khẩu từ Ấn Độ vào Việt Nam cũng tăng đột biến. Cùng với đó, giá nhập khẩu giảm mạnh với mức giá cập cảng (chưa gồm thuế, phí) vào khoảng 87 triệu đồng mỗi chiếc xe, chỉ bằng một phần ba giá cùng kỳ 2016. Đây cũng là lý do khiến cơ quan hải quan chỉ đạo siết chặt việc kiểm tra nói trên. (Vnexpress)
----------------------------

Đất nền nhiều nơi ở Hà Nội bị thổi giá gấp đôi sau một năm

Mua đất nền một dự án tại Hà Đông lúc mở bán cách đây một năm với giá 18-22 triệu đồng mỗi m2, đến nay anh Ngọc - một môi giới bất động sản kiêm nhà đầu tư - đang rao bán giá gấp đôi, dao động từ 40 đến 50 triệu đồng mỗi m2, tùy vị trí. Một số lô anh đang quảng cáo là đẹp nhất dự án thậm chí được ra giá lên tới 56 triệu đồng mỗi m2. 

"Dự án hiện nay hạ tầng giao thông đang triển khai rất nhanh, một số tòa nhà cao tầng cư dân đã vào ở. Giá tăng là điều không khó hiểu", anh Ngọc giải thích. 

Dù luôn quảng cáo "không có mà mua", song thực tế, không ít lô tại dự án được nhà đầu tư này rao bán từ nửa năm nay vẫn chưa giao dịch được. Tuy vậy cứ mỗi lần rao bán, giá lại được đẩy lên cao hơn. Thậm chí một số lô dù hạ tầng chưa làm đến nơi, chưa giải phóng xong mặt bằng nhưng giá bán cũng được báo tăng 30-40% so với năm ngoái. 

dat-nen-nhieu-noi-o-ha-noi-bi-thoi-gia-gap-doi-sau-mot-nam

Một trong những dự án các môi giới đang đẩy giá bán rất cao. Ảnh: Ngọc Tuyên

"Không lâu nữa, khi dự án có hợp đồng mua bán và hạ tầng kết nối với một số tuyến đường lớn thì giá sẽ còn tăng", một môi giới cho hay. Với giá bán như trên, một số lô, hiện giá rao đã tăng lên gấp đôi, từ 1,8 tỷ đồng thời điểm mở bán cuối năm ngoái lên trên dưới 4 tỷ đồng.

Số lượng các sàn môi giới mở trụ sở tại dự án cũng "mọc lên như nấm" trong khoảng nửa năm nay. "Đó cũng là lý do khiến giá rao bán trên thị trường thứ cấp của dự án đang khá loạn, có thể cùng vị trí nhưng chênh nhau cả chục triệu đồng mỗi m2", anh Khoa - một nhà đầu tư ở khu vực này cho hay. 

Theo chia sẻ của một số nhà đầu tư, giá rao bán đang bị một số sàn, môi giới đẩy lên quá cao so với thực tế giao dịch. 

"Giá họ rao bán cao thế nhưng giao dịch được hay không lại là một câu chuyện khác. Có những lô rao cả năm vẫn không ai mua. Những mảnh đất này thường do các nhà đầu tư lớn ôm cả chục lô để găm hàng. Họ rao giá cao với tâm thế bán được thì bán, không thì họ vẫn để đó chờ tăng giá", anh Khoa nói. 

Thực tế, giá rao bán khá cao, song thị trường không phải sốt giao dịch bởi hàng còn khá nhiều, nhu cầu người mua để ở không lớn, chủ yếu là nhà đầu tư. Giá giao dịch thực theo anh Khoa vị trí đẹp nhất thị trường vào khoảng 42-43 triệu đồng mỗi m2. Theo đó, mỗi lô có giá chênh khoảng 200 triệu đến 1 tỷ đồng tùy vị trí và mức độ hoàn thiện của hạ tầng. 

Không chỉ tại Hà Đông, ở một số địa bàn khác tại Hà Nội, các dự án bán đất nền, đất thổ cư, đất tái định cư cũng đang bị đẩy giá khá cao, đặc biệt ở những khu vực có một số tuyến giao thông lớn vừa thông xe. Dọc đường Trần Hữu Dực và đường tuyến đường 70 thuộc địa bàn Xuân Phương (Nam Từ Liêm) và Vân Canh (Hoài Đức)... từ nửa cuối năm ngoái đến nay, giá tăng khoảng 30-40%. 

Ví dụ dự án tại Xuân Phương, ngay đầu đường Trần Hữu Dực, giá bán cuối năm ngoái khoảng 36-42 triệu đồng mỗi m2, đến nay đang được các nhà đầu tư thứ cấp rao bán tới 50-70 triệu đồng. Lô đất tái định cư của anh Chung ở Xuân Phương cuối năm 2016 được rao bán giá 45 triệu đồng một m2 hiện đã có mức giá mới là 70 triệu đồng một m2. 

Những dự án dọc tuyến đường Trần Hữu Dực, sau khi cầu vượt thông xe cũng đang khá "loạn giá", thậm chí cả những dự án còn "trên giấy". 

"Ở mỗi khu vực khi có sự thay đổi về hạ tầng, bất động sản thường mất một thời gian biến động, thậm chí là loạn giá, đặc biệt trên thị trường giao dịch thứ cấp. Tuy nhiên, thực tế, giá rao bán và giao dịch thực có thể chênh lệch khá lớn. Người mua nên chọn thời điểm thị trường ổn định trở lại để quyết định việc xuống sẽ tránh được rủi ro hơn", ông Nguyễn Tài Đức - Giám đốc một Sàn bất động sản Trường Linh cho hay. (Vnexpress)
--------------------------------

Thủ tướng đề nghị Nhật hỗ trợ Việt Nam trong Cách mạng 4.0

Sáng 06/06, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp gỡ và tọa đàm với 60 doanh nghiệp công nghệ thông tin của Nhật. Trong buổi tọa đàm, người đứng đầu Chính phủ đã khen ngợi các công ty Nhật là "nhà đầu tư có tiềm lực mạnh, hiệu quả cao, là đối tác tin cậy, lâu dài, những người bạn chân tình của doanh nghiệp và nhân dân Việt Nam". FPT Nhật Bản - doanh nghiệp CNTT nước ngoài lớn nhất tại đây - đóng vai trò kết nối và tổ chức cuộc gặp này.

Thủ tướng cho rằng cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang thay đổi diện mạo thế giới, cũng như thay đổi cách con người sống, làm việc và phát triển. Trong xu thế đó, Việt Nam cũng đang chuyển dần động lực tăng trưởng sang các ngành có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ tiên tiến và lao động chất lượng cao.

thu-tuong-de-nghi-nhat-ho-tro-viet-nam-trong-cach-mang-40

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong buổi gặp sáng nay tại Nhật Bản. Ảnh: VGP

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định Việt Nam có lợi thế và tiềm năng phát triển CNTT. Năm 2015, Việt Nam nằm trong top 10 châu Á - Thái Bình Dương và top 30 thế giới về gia công phần mềm. Bên cạnh đó, khoảng 60% dân số dưới 35 tuổi có khả năng tiếp cận nhanh công nghệ mới. Số người sử dụng Internet cũng chiếm một nửa dân số hiện tại.

Thủ tướng cho biết ưu tiên của Việt Nam hiện tại là đầu tư hạ tầng thông tin, kết nối số, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, bảo đảm an toàn thông tin, phát triển nguồn nhân lực công nghiệp công nghệ số…. Vì vậy, ông kỳ vọng các công ty Nhật đầu tư vào các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường và phát triển con người.

thu-tuong-de-nghi-nhat-ho-tro-viet-nam-trong-cach-mang-40-1

Thủ tướng muốn các công ty Nhật tăng đổ vốn vào lĩnh vực công nghệ cao của Việt Nam. Ảnh: VGP

Tại buổi gặp, các doanh nghiệp Nhật cũng cho biết đã đạt nhiều thành công khi hoạt động ở Việt Nam và cam kết nỗ lực phát triển quan hệ hợp tác 2 nước. Dù vậy, họ cũng nêu ra nhiều thách thức khi kinh doanh, như hệ thống pháp lý hay hợp tác công - tư (PPP) hay trần sở hữu nước ngoài.

Đáp lại, Thủ tướng cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Ông kỳ vọng các công ty Nhật Bản tiếp tục đổ vốn vào Việt Nam trong các lĩnh vực họ có thế mạnh.

Hiện tại, Nhật là quốc gia viện trợ ODA lớn nhất, nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai, đối tác lớn thứ ba về du lịch và đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam. Đến hết năm 2016, Nhật có hơn 3.200 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký hơn 42 tỷ USD. (Vnexpress)

Trở về

Bài cùng chuyên mục