tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 07-06-2017

  • Cập nhật : 07/06/2017

Toyota bán hết cổ phần tại Tesla

Người phát ngôn của Toyota vừa thông báo, hãng xe Nhật đã lặng lẽ bán hết cổ phần tại Tesla hồi năm ngoái. Đây được coi như một hành động chấm dứt mối quan hệ thân thiết dài 6 năm của Toyota. Theo một báo cáo tài chính tính đến tháng 3/2016, Toyota sở hữu 2,3 triệu cổ phiếu Tesla, trị giá 538 triệu USD.

"Toyota đã trở thành một đối thủ của Tesla sau việc bán cổ phần này", Masahiro Akita - chuyên gia tại Credit Suisse nhận định. Akita cho rằng Toyota nổi tiếng với những chiếc xe điện đời đầu. Tuy nhiên, hiện tại, Toyota chỉ là một nhà sản xuất đi sau trên thị trường xe điện thương mại, nơi mà Tesla đang dẫn đầu. Toyota cần phải khôi phục lại vị thế trước đây của mình.

toyota cham dut quan he doi tac de tro thanh doi thu cua tesla

Toyota chấm dứt quan hệ đối tác để trở thành đối thủ của Tesla

Tháng 5/2010, Toyota và Tesla lần đầu công bố quan hệ đối tác, một tháng trước khi hãng xe Mỹ IPO. Hai công ty này đã đạt được thoả thuận khi mà các nhà sản xuất tên tuổi đang cạnh tranh để tạo ra những mẫu xe thân thiện với môi trường hơn.

Khi đó, Toyota đã mua 50 triệu USD cổ phần của Tesla và hai hãng đã hợp tác sản xuất xe điện. Tesla cũng mua một nhà máy từng là một phần của liên danh Toyota và CM tại California.

Ngay sau đó, các mẫu xe RAV4 Toyota được sản xuất cùng hệ thống điện của Tesla. Tuy nhiên, quan hệ giữa hai doanh nghiệp này bắt đầu đi xuống từ cuối 2014. Tháng 11 năm ngoái, Toyota thông báo đang nỗ lực tạo ra một chiếc xe điện riêng, một phần quan trọng trong kế hoạch phát triển của họ nhưng không nhắc đến Tesla.

"Tesla đã vượt xa khỏi một cuộc thử nghiệm các công nghệ xe điện hữu ích để trở thành một đối thủ cạnh tranh toàn diện với các hãng xe truyền thống trên thị trường xe điện. Điều đó cũng có nghĩa Tesla đang xa cách Toyota", James Chao - Giám đốc IHS Automotive nhận định.

Năm ngoái, cổ phiếu Tesla có giá trị gấp 10 lần thời điểm hãng này IPO năm 2010. Hiện tại, cổ phiếu Tesla đã tăng 60% trong năm nay giúp họ vượt qua GM trở thành hãng xe giá trị nhất nước Mỹ.(Vnexpress)
-------------------------

Canada tìm cách 'lôi kéo' nhân tài Mỹ

Các công ty công nghệ ở Canada đang tung ra những chiến dịch tuyển dụng táo bạo để thu hút nhân tài từ Mỹ.

thu tuong canada justin trudeau anh: reuters

Thủ tướng Canada Justin Trudeau ẢNH: REUTERS

Trong nhiều thập niên qua, ngành công nghệ Canada đã phải chứng kiến sự thiếu hụt lao động lành nghề khi nhiều tài năng của đất nước di chuyển về quốc gia láng giềng ở phía nam, nơi có những tên tuổi lớn đầy thu hút và mức thu nhập hấp dẫn. Nhưng tình thế dường như đã thay đổi khi kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra. Ryan Holmes, người sáng lập Hootsuite, một nền tảng quản lý phương tiện truyền thông xã hội có trụ sở tại Vancouver (Canada), đã nghe từ các ứng viên tiềm năng và một số người sáng lập các công ty ở Mỹ nói rằng họ muốn chuyển đến Canada để tránh những rắc rối từ chính quyền mới. “Đây có phải là sự đảo ngược của cộng đồng tài năng mà Canada đã từng nhìn thấy trong lịch sử không và đây có phải là điểm bắt đầu của quá trình chảy máu chất xám của Mỹ hay không”, ông Holmes đặt vấn đề.

Theo The New York Times, những nỗ lực của Tổng thống Donald Trump trong việc áp đặt lệnh cấm đến Mỹ đối với một số quốc gia Hồi giáo cũng như thắt chặt cung cấp visa H-1B cho người lao động nước ngoài, đã tạo động lực cho các công ty và tổ chức công nghệ của Canada tung ra các chiến dịch tuyển dụng quyết đoán. “Nếu bạn biết rằng thực tế có tới 43% các nhà sáng lập tại Thung lũng Silicon không phải là người Mỹ bản xứ, bạn sẽ nhận ra quyết định hạn chế thị thực lao động của Mỹ đã làm rung chuyển giới công nghệ cao ra sao và đây cũng là cơ hội lớn như thế nào đối với Canada”, Michael Tippett, nhà đồng sáng lập True North ở Vancouver, cho biết.

Cho đến nay, đã có rất nhiều người lao động và công ty ở Mỹ bày tỏ sự quan tâm đến Canada như là một sự thay thế ổn định cho tình hình bất ổn của chính quyền tổng thống mới. “Tôi nghĩ các công ty, đặc biệt là công ty công nghệ, đang mất dần tự tin vào sự ổn định tại Mỹ và họ tìm đến Canada như một nơi trú ẩn mới. Ngành công nghệ Canada đang nóng hơn và thú vị hơn bao giờ hết. Canada luôn hoan nghênh sự đa dạng, khuyến khích tinh thần kinh doanh cũng như rất quan tâm tới định hướng khoa học, công nghệ”, Heather Galt, người điều hành Go North Canada, nói.

Các doanh nghiệp công nghệ nội địa nặng ký như Shopify, Kik và Hootsuite cũng đã góp phần thúc đẩy ngành này trở thành một trong những ngành tăng trưởng nhanh nhất của Canada, với hơn 200.000 việc làm được kỳ vọng sẽ xuất hiện trên cả nước từ nay đến năm 2020. Montreal đã được công nhận là trung tâm đào tạo chuyên sâu. Không những thế thành phố này còn được Vector Institute lên kế hoạch để xây dựng thành hạt nhân toàn cầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.

Ryan Gibson thuộc tổ chức Invest Ottawa cho biết có khoảng hơn ba triệu người đã tham gia vào các quảng cáo tuyển dụng và “thật ngạc nhiên khi có không ít trong số đó là từ Mỹ”. Tổ chức này đang mở rộng tìm kiếm sang cả Ấn Độ và Anh để có thêm tân binh đến Ottawa làm việc trong những tháng tới.(Thanhnien)
------------------------

Trung Quốc thiếu thép dù đang bán phá giá ra thế giới

Bloomberg dẫn nguồn từ nhà khai thác quặng sắt Fortescue Metals Group cho hay sự thiếu hụt thanh cốt thép, sản phẩm chủ chốt, là lý do khiến giá cả của loại hàng hóa được khai thác ở bước đầu khác với giá cả của loại hợp kim là thành phẩm cuối cùng.

CEO Nev Power của hãng Fortescue cho biết một số nhà máy thép Trung Quốc đang đóng cửa, đặc biệt là các hãng vận hành lò nung cảm ứng. Thanh cốt thép (hay còn gọi là cốt thép) là mặt hàng cơ bản để gia cố bê tông.

Trung Quốc sản xuất một nửa số thép trên toàn cầu. Trong những năm gần đây, nước này sản xuất dư thép, kéo cao xuất khẩu và đẩy giá cả đi xuống. Thực trạng này khiến chính phủ Đại lục phải đóng cửa nhiều nhà máy lỗi thời, thúc đẩy sáp nhập nhà máy và làm sạch không khí ô nhiễm. Năm qua, hoạt động đóng cửa các lò nung cảm ứng được đặt làm trọng tâm.

“Các lò nung cảm ứng thường làm cốt thép và các lò này đang bị đóng cửa. Vì thế cốt thép đang thiếu và giá cả gia tăng”, ông Power nói trên kênh Bloomberg.

Khi giá sắt sụt giảm trong năm nay vì lo ngại về nguồn cung và dự báo nhu cầu chậm lại ở Trung Quốc, giá cốt thép lại tăng mạnh. Xu hướng ngược chiều trên xuất hiện trong những năm gần đây và được hãng Shaw and Partners cùng Liberum Capital ghi nhận. Hiện có nhiều dấu hiệu cho thấy kho dự trữ quốc gia thiếu hụt hoặc số lượng cốt thép đang giảm dù giới phân tích cho rằng tình hình này có thể khá hơn nếu các nhà sản xuất tăng cung. Hàng tồn kho cốt thép ở Trung Quốc giảm mỗi tuần kể từ giữa tháng 2, hiện ở mức thấp nhất từ tháng 12.2016.

Ông Power cho hay chính sách về than cốc cũng là một trong những lý do khiến giá thép và sắt có sự khác biệt. CEO này cho hay ông nhận thấy sự thay đổi đáng kể trong mối quan hệ giữa hai loại hàng hóa. Khi giá than tăng như hồi năm ngoái, các nhà máy có thể dùng loại quặng sắt cao cấp hơn để tăng hiệu suất. Giá cả quặng sắt trong năm nay tăng vì nguồn cung ở các nước như Úc và Brazil đi lên.(Thanhnien)
------------------------

Cổ phiếu Google cán mốc 1.000 USD như Amazon

Theo CNN, cột mốc đối với Alphabet và Google đến một tuần sau khi cổ phiếu Amazon chạm mức bốn chữ số. Cổ phiếu Alphabet tăng hơn 25% trong năm nay, đẩy giá trị thị trường của công ty lên khoảng 680 tỉ USD. Hiện Alphabet chỉ đứng sau Apple, công ty có giá hơn 800 tỉ USD.

Thành công trên có được chủ yếu là nhờ sức thống trị của công cụ tìm kiếm Google và tiền thu từ quảng cáo. Hãng dự kiến báo cáo doanh thu gần 108 tỉ USD trong năm nay. Ngoài ra, YouTube và Android cũng tạo ra nhiều doanh thu và lợi nhuận cho công ty.

Alphabet còn nhiều khoản cược khác, chẳng hạn như đầu tư vào hãng sản xuất kỹ thuật ô tô tự hành Waymo, Fiber và nhà sản xuất thiết bị kết nối Nest. Những cái tên trên đang bắt đầu có nhiều doanh thu hơn.

Thành công của Google giúp hai nhà sáng lập công ty cực giàu. Ông Larry Page, người kiêm chức CEO Alphabet, và tỉ phú Sergey Brin mỗi người hiện có gần 50 tỉ USD, theo các công cụ theo dõi tài sản tỉ phú của Forbes và Bloomberg.

Dù vậy, con số 1.000 USD/cổ phiếu với Google và Amazon không phải quá đặc biệt, dù có rất ít doanh nghiệp có cổ phiếu đạt giá cao đến vậy. Priceline là cổ phiếu duy nhất trong chỉ số S&P 500 có giá trên 1.000 USD, song hiện có một doanh nghiệp khác trong chỉ số này đang tiến cận mốc bốn chữ số. Cổ phiếu nhà sản xuất robot y tế Intuitive Surgical đang được giao dịch ở mức 920 USD.

Thước đo thực tế cho một loại cổ phiếu không phải là mức giá mà là tỷ lệ giá cả trên thu nhập. Xét về mặt này, cổ phiếu Alphabet vẫn có giá hợp lý, không hẳn là rẻ khi được giao dịch ở mức gấp 25 lần thu nhập dự báo trong năm 2018. Cổ phiếu Amazon thì được giao dịch ở mức gấp 90 lần thu nhập dự báo năm 2018, cao hơn nhiều so với mặt bằng chung của thị trường và các ông lớn công nghệ khác như Apple, Microsoft và Facebook.

Lý do chính giúp cổ phiếu Amazon, Alphabet leo đến ngưỡng cao hiện thời là vì hai hãng không chia tách cổ phiếu, tức phát hành thêm cổ phần cho các nhà đầu tư hiện tại. Amazon không chia tách cổ phiếu từ năm 1999 còn Alphabet có chia tách một lần vào năm 2014 để tạo ra hai loại cổ phiếu. Nếu hai hãng muốn đứng vào top 30 cổ phiếu của Chỉ số Trung bình Công nghiệp Dow Jones, họ phải chia tách cổ phiếu công ty. Lý do là vì Dow Jones là chỉ số trung bình về mặt giá cả. Một cổ phiếu có giá cao quá mức có thể ảnh hưởng đáng kể lên giá trị chung của chỉ số.(Thanhnien)
--------------------------

Trở về

Bài cùng chuyên mục