tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 07-06-2017

  • Cập nhật : 07/06/2017

Hồng Kông đối diện với nguy cơ bong bóng bất động sản

Giá bất động sản Hồng Kông đã vượt qua đỉnh cao trước đó vào năm 1997 và đang tạo ra sự lo ngại về một bong bóng bất động sản mới.

nguoi dan hong kong do xo di mua bat dong san anh chup man hinh south china morning post

Người dân Hồng Kông đổ xô đi mua bất động sản ẢNH CHỤP MÀN HÌNH SOUTH CHINA MORNING POST

Hình ảnh những hàng dài người dân xếp hàng để mua bất động sản tại dự án nhà ở Tsuen Wan vào cuối tuần qua có thể là một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất, gợi lại ký ức về bong bóng bất động sản diễn ra cách đây khoảng hai thập niên tại Hồng Kông.

Theo South China Morning Post, hàng trăm người đã đổ vào văn phòng Cheung Kong Property Holdings, sẵn sàng bỏ qua mức giá cao ngất ngưởng và lãi suất thế chấp vừa được tăng lên để có được một căn hộ trong dự án Ocean Pride của ông Li Ka-shing, một trong những doanh nhân giàu có nhất thành phố, sở hữu các dự án bất động sản từ lâu đã được đánh giá cao. Các báo cáo phá vỡ kỷ lục về giá giao dịch cũng làm đau đầu Chan Tak-lam, Giám đốc điều hành của Cơ quan tiền tệ Hồng Kông. Ông Chan cho biết tỷ lệ cổ phiếu cao gợi nhớ lại đỉnh điểm của thị trường bất động sản vào năm 1997, và sự sụp đổ của thị trường khi đó đã khiến giá nhà đất trượt dài trong suốt sáu năm. “Giờ đây bong bóng bất động sản có thể cũng sẽ bùng nổ trở lại như thời kỳ trước”, ông Chan nói.

Nicholas Brooke, Chủ tịch của Professional Property Services Group, cũng đồng tình với ý kiến của ông Chan. “Tình hình bất động sản trong thời điểm hiện tại có những điểm tương đồng với năm 1997 về giá cả, cảnh người xếp hàng chờ mua nhà, chu kỳ tăng giá dài và đà mua vào tổng thể mạnh mẽ trên thị trường”, ông Brooke cho hay.

Hai thập niên trước, Villa Esplanada, một dự án chung của Chinese Resources, Sun Hung Kai Properties và Cheung Kong Property là tài sản phức hợp nóng nhất của đặc khu hành chính Trung Quốc. Nhưng chỉ một vài tháng sau khi khởi công dự án, ''cơn bão'' từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 đã ''đổ bộ'' vào Hồng Kông, khiến giá nhà giảm 70% và đẩy 100.000 chủ sở hữu nhà vào tình trạng bất lợi. Phải mất đến sáu năm sau, thị trường nhà đất mới “trườn” ra khỏi cơn sụt giảm.

“Chúng tôi thấy có những đám mây đen đang treo lơ lửng ở đó, nhưng không biết được khi nào trời sẽ mưa”, Cusson Leung, Giám đốc điều hành JPMorgan Chase thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cảnh báo sau khi nhớ lại những gì đã diễn ra trong năm 1997.

Tuy nhiên, mặc cho các lời dự đoán không mấy khả quan của các chuyên gia về sự sụp đổ của bong bóng bất động sản, nhiều người mua nhà đất vẫn chọn đứng ở bên lề. “Giá nhà ở Hồng Kông lúc nào cũng cao. Tôi không nghĩ từ giờ trở đi giá nhà sẽ giảm xuống. Chúng tôi phải mua nhà để có chỗ sinh sống. Vì vậy, những lời dự đoán không thực sự ảnh hưởng đến quyết định mua nhà của chúng tôi”, Alice Shun, một trong hàng trăm người xếp hàng chờ mua nhà trong dự án Ocean Pride, nói.

Một số ý kiến cũng cho rằng nền kinh tế Hồng Kông đã ở một mức độ khác so với năm 1997, khi tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội dường như đã ổn định, hệ thống ngân hàng vững chắc hơn, khả năng tài chính của người mua cũng cao hơn. Và tất cả những điều này có thể che chở cho thành phố ngay cả khi sự việc không hay xảy ra.(Thanhnien)
-------------------------

Kiểm soát chặt việc cho vay bất động sản

Tại cuộc gặp mặt báo chí ngày 5-6, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho biết đầu năm NHNN đặt ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm là 18%. Qua theo dõi, NHNN nhận thấy tín dụng có sự tăng trưởng mạnh.

Cụ thể, tính đến ngày 25-5, tăng trưởng tín dụng ở mức 6,53%, cao hơn cùng kỳ năm 2016 là 5% và năm 2015 là 4,5%. Đây cũng là mức tăng cao nhất tám năm qua.

Phó Thống đốc cho biết tín dụng tập trung vào sản xuất, kinh doanh. Đồng thời tín dụng bất động sản đã chậm lại so với năm 2016, trúng mục tiêu điều hành. Cơ cấu tín dụng tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.

Kiểm soát chặt việc cho vay bất động sản - ảnh 1
Tín dụng có sự tăng trưởng mạnh trong thời gian gần đây. Trong ảnh: Khách hàng đang làm thủ tục vay vốn. Ảnh: HTD

“Trong điều hành chính sách tiền tệ, NHNN cũng đồng thời yêu cầu các tổ chức tín dụng chú trọng quản lý rủi ro tín dụng. NHNN đã chỉ thị các tổ chức tín dụng phải kiểm soát tỉ lệ vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn, cho vay lĩnh vực bất động sản, các khoản tín dụng cho vay dự án BT và BOT” - bà Hồng cho biết.

Cũng theo Phó Thống đốc, NHNN không đưa ra lệnh cấm hay ngưỡng đối với cho vay các dự án BT, BOT. Song cần cân đối sử dụng vốn hợp lý để vừa đáp ứng được nhu cầu sản xuất, kinh doanh, vừa đảm bảo an toàn hệ thống.

Về nợ xấu, bà Hồng cho hay NHNN đã trình Quốc hội dự thảo nghị quyết về việc xử lý nợ xấu và sửa đổi, bổ sung về Luật Các tổ chức tín dụng. Điều này nhằm tháo gỡ những khó khăn, hỗ trợ và thúc đẩy việc xử lý nợ xấu nhanh và hiệu quả hơn. Mục tiêu chính của nghị quyết là xử lý triệt để được nợ xấu.

“Đồng thời tiếp đến xây dựng thị trường mua bán nợ theo kinh nghiệm trên thị trường thế giới. Theo đó cho phép Công ty Mua bán nợ các tổ chức tín dụng (VAMC) bán các nợ xấu và tài sản bảo đảm theo giá thị trường và theo quy định của pháp luật, kể cả bán dưới giá trị sổ sách; cho phép VAMC mua các khoản nợ xấu cả nội và ngoại bảng; được phép chuyển đổi từ các khoản nợ xấu đã được mua bằng trái phiếu VAMC chuyển đổi sang nợ được mua bán trong thị trường. Đặc biệt VAMC được bán nợ cho mọi tổ chức, cá nhân liên quan. Trong đó, bên mua có quyền nhận thế chấp bằng quyền sử dụng đất đối với các khoản nợ vay có tài sản bảo đảm. Đây là điểm gây ách tắc trong việc xử lý nợ xấu trong thời gian qua” - bà Hồng nhấn mạnh.

Trước đó, nhiều chuyên gia ủng hộ quan điểm cần có nghị định xử lý nợ song không sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu và phải quy trách nhiệm nghiêm khắc với người, tổ chức đã gây ra nợ xấu.(PLO)
---------------------------------

Ngân hàng Nhà nước muốn giảm lãi suất cho vay

Ngày 6-6, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phát đi thông tin về kết quả điều hành tiền tệ 6 tháng đầu năm 2017. 

Theo đó, NHNN cho biết, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của các TCTD diễn biến ổn định. Trong bối cảnh kỳ vọng lạm phát gia tăng, cầu vốn tín dụng và phát hành TPCP tiếp tục ở mức cao, tiến độ giải ngân vốn đầu tư còn thấp tạo áp lực đến cầu vốn tín dụng, mặt bằng lãi suất của các TCTD có sức ép tăng.

NHNN đã tập trung điều hành các giải pháp để giữ ổn định mặt bằng lãi suất thông qua điều tiết thanh khoản hợp lý hỗ trợ các TCTD ổn định lãi suất, tiếp tục chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh để giữ ổn định lãi suất huy động, phấn đấu giảm lãi suất cho vay.

Kết quả, mặt bằng lãi suất thị trường đạt được mục tiêu giữ ổn định, một số ngân hàng áp dụng chương trình cho vay đối với một số đối tượng khách hàng với lãi suất ưu đãi . Hiện lãi suất cho vay phổ biến khoảng 6-9%/năm đối với ngắn hạn và 9-11%/năm đối với trung và dài hạn; khách hàng tốt, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4-5%/năm.

NHNN cho biết, thời gian tới, đơn vị này tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ nhằm ổn định mặt bằng lãi suất. Tiếp tục chỉ đạo các TCTD tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả kinh doanh để ổn định lãi suất huy động và có điều kiện phấn đấu giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng vay nhưng đảm bảo an toàn tài chính trong hoạt động.

Bên cạnh đó NHNN tiếp tục chỉ đạo các TCTD tập trung vốn tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh hiệu quả theo chỉ đạo của Chính phủ; Tiếp tục chỉ đạo thực hiện các chương trình tín dụng đặc thù của Chính phủ như lúa gạo, cà phê, thủy sản,...(PLO)
---------------------------

5 tháng, chi tới 400 triệu USD nhập khẩu thuốc trừ sâu

Số liệu thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy chỉ trong vòng năm tháng đầu năm nay, nước ta đã chi 400 triệu USD (khoảng 8.800 tỉ đồng) để nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu. Con số này tăng đến 41% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý là nguồn nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu trong những tháng đầu năm chủ yếu từ Trung Quốc khi chiếm hơn 53% tổng giá trị của mặt hàng này. Trong khi việc nhập khẩu từ nhiều thị trường khác giảm mạnh.

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) thuộc Bộ NN&PTNT, thông tin mỗi năm Việt Nam chi khoảng 500 triệu USD để nhập khẩu nguyên liệu và thuốc trừ sâu từ Trung Quốc. Ngoài thị trường Trung Quốc, Việt Nam còn nhập khẩu nguyên liệu và thuốc trừ sâu tại nhiều thị trường như Đức, Malaysia, Thái Lan… Sở dĩ Việt Nam phải nhập nhiều thuốc BVTV nhất là từ Trung Quốc vì doanh nghiệp nước ta không đủ năng lực, trình độ để sản xuất các loại thuốc này.

Ông Trung nhấn mạnh: “Dù có nhập từ nước nào thì khi sử dụng ở Việt Nam, các loại thuốc đều phải đảm bảo chất lượng và yêu cầu của Việt Nam và mặt hàng này được kiểm soát đặc biệt 100% lô hàng”.

Tuy nhiên, TS Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, nhận định ngoài con số nhập khẩu chính ngạch thì lượng thuốc trừ sâu từ Trung Quốc được tuồn vào thị trường nội địa cũng rất lớn thông qua đường không chính ngạch. Đây là mối lo lớn nhất khiến Việt Nam vẫn nằm trong tốp những quốc gia sử dụng thuốc BVTV nhiều và khó kiểm soát.

Đồng quan điểm, GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp, cảnh báo nếu không có biện pháp kiểm soát nhập khẩu chặt chẽ thì ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ bị nhiễm độc nặng nề, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người, môi trường và làm mất uy tín hàng nông sản nước ta.

“Dù Cục BVTV đã có quy định thuốc nào được cho phép, sử dụng trên cây gì khi nhập khẩu vào Việt Nam nhưng “có cũng như không”. Lý do là các đơn vị nhập khẩu tìm đủ cách lách để nhập nhiều vào Việt Nam. Ví dụ một loại thuốc khi vào Việt Nam buộc phải dùng cho cây lúa, cây bắp nhưng nông dân trồng rau vẫn sử dụng loại thuốc này do không ai quản lý được. Đây là lý do thuốc trừ sâu của Trung Quốc vẫn luồn lách tìm đường nhập khẩu vào Việt Nam” - GS Xuân dẫn chứng.

Từ thực tế này, GS Võ Tòng Xuân kiến nghị cơ quan chức năng cần xử phạt thật nặng những đại lý buôn bán thuốc BVTV có chất cấm, không rõ nguồn gốc. Bên cạnh đó không hạn chế nhập từ Trung Quốc được nhưng cần có chính sách khuyến khích nhập thuốc sinh học có lợi cho môi trường.(PLO)

Trở về

Bài cùng chuyên mục