tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 17-09-2018

  • Cập nhật : 17/09/2018

Việt Nam có thể tốn kém hơn khi FED tăng lãi suất, chiến tranh thương mại

Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia vừa công bố báo cáo về tình hình tài khóa, ngân hàng của Việt Nam, trong đó đề cập hai diễn biến nổi bật trên thị trường: lộ trình Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất và cuộc chiến thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc.

Đó cũng là hai yếu tố chính có thể tác động tới cân đối ngân sách nhà nước, nợ công, nợ của quốc gia của Việt Nam trong thời gian tới, theo nhận định của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia.

Cụ thể, FED tăng lãi suất làm tăng chi phí trả nợ vay của Chính phủ trong bối cảnh tỷ trọng lãi suất thả nổi có xu hướng tăng. Sau các đợt tăng từ đầu năm 2018, nhiều khả năng FED sẽ tiếp tục có lần tăng lãi suất tiếp theo vào cuối tháng 9 này.

Theo báo cáo trên, việc tăng lãi suất đồng USD và hiệu ứng từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ tác động lên ngân ngân sách và nợ công của Việt Nam trên hai phương diện.

Thứ nhất, Mỹ đã áp thuế lên một số mặt hàng thương mại của Việt Nam tương tự như Trung Quốc. Điều này sẽ ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách từ hoạt động sản xuất kinh doanh và thu từ hoạt động xuất khẩu.

Thứ hai, đồng Nhân dân tệ đã giảm giá và có thể còn tiếp tục phá giá trong bối cảnh chiến tranh thương mại leo thang gây áp lực lên tỷ giá trong nước theo hướng giảm giá VND, từ đó tác động tới chi phí trả nợ vay của Chính phủ.

Ngoài ra, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia còn lưu ý đến một phạm vi khác chịu tác động: dư nợ vay nước ngoài ngắn hạn của các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng theo hình thức tự vay tự trả nếu tăng đột biến như năm 2017 có thể ảnh hướng đến giới hạn nợ nước ngoài của quốc gia (hiện đang ở mức 49% GDP, tiệm cận ngưỡng 50% GDP).

Chú thích của báo cáo cho biết, dư nợ vay nước ngoài ngắn hạn của các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng theo hình thức tự vay tự trả đã tăng đột biến, cuối năm 2017 ở mức 21,9 tỷ USD, tăng 73% so với năm 2016, cao hơn mức tối đa 10%/năm của hạn mức tăng dư nợ nước ngoài ngắn hạn hàng năm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong chương trình quản lý nợ trung hạn 2016 - 2018.(Vneconomy)
----------------------

Việt Nam xuất siêu lớn, tỷ giá USD/VND hạ nhiệt nhanh

Theo số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan, Việt Nam đã gia tăng mạnh xuất siêu trong kỳ 2 của tháng 8/2018, một yếu tố hỗ trợ cho bình ổn tỷ giá USD/VND.

Cụ thể, số liệu vừa công bố từ Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 8/2018 (từ ngày 16/8 đến 31/8/2018) đạt 24,18 tỷ USD, tăng 24% (tương ứng tăng 4,67 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 8/2018.

Kết quả đạt được trong nửa cuối tháng 8/2018 đã đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước trong 8 tháng tính từ đầu năm 2018 đạt 312,13 tỷ USD, tăng 14,5%, tương ứng tăng 39,6 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2017.

Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 203,05 tỷ USD, tăng 14,9% (tương ứng tăng 26,27 tỷ USD); trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước là 109,08 tỷ USD, tăng 13,9% (tương ứng tăng 13,34 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2017.

Đáng chú ý, trong kỳ 2 tháng 8 năm 2018, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 2,47 tỷ USD, qua đó đưa mức thặng dư của cả nước trong 8 tháng qua lên tới 4,69 tỷ USD.

Hướng xuất siêu được đẩy mạnh trở lại trong hai tháng gần đây tạo thêm thuận lợi cho cân đối ngoại tệ trong nền kinh tế, góp phần cùng chính sách tiền tệ bình ổn tỷ giá USD/VND.

Cũng trong kỳ số liệu trên, tỷ giá USD/VND đã dần bình ổn và có dấu hiệu hạ nhiệt nhanh trong tuần vừa qua.

Cụ thể, từ cuối tháng 6 kéo dài đến đầu tháng 8/2018, tỷ giá USD/VND biến động mạnh và liên tục lên các mức cao. Cao điểm, giá bán ra USD của một số ngân hàng thương mại đã có hiện tượng kịch trần biên độ vào đầu tháng 8, như ngày 3/8/2018 kịch trần ở 23.356 VND.

Nhưng tuần qua, giá USD bán ra phổ biến tại các ngân hàng thương mại đã hạ xuống lần lượt còn 23.320 VND, rồi xuyên thủng mốc 23.300 VND còn 23.290 VND chốt tuần.

Trên thị trường thế giới, sau thông tin có triển vọng Mỹ và Trung Quốc trở lại bàn đàm phán, qua đó xoa dịu khả năng leo thang cuộc chiến thương mại giữa hai nước này, chỉ số USD-Index đã giảm xuống dưới mốc 95 điểm; đồng Nhân dân tệ đã lên giá trở lại sau khi rơi mạnh trong tuần trước.

Tuy nhiên, ngay ngày cuối tuần (14/9), hãng tin Reuters cho hay, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại chỉ đạo các trợ lý chuẩn bị cho việc triển khai kế hoạch áp thuế quan bổ sung lên thêm 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, cho dù Bộ trưởng Bộ Tài chính Steven Mnuchin đang cố gắng tái khởi động đàm phán với Bắc Kinh.

Theo đó, thị trường quốc tế cũng như các đồng tiền chủ chốt có thể sẽ có nhiều biến động trong thời gian tới, khi cuộc chiến thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc vẫn diễn biến phức tạp.

Và phía trước, giới quan sát đang chờ đợi khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ có lần tăng lãi suất tiếp theo qua cuộc họp cuối tháng 9 này.(Vneconomy)
-------------------------

Đằng sau việc Trung Quốc "hào phóng" hỗ trợ châu Phi

Đầu tư của Trung Quốc ở châu Phi trong những năm qua đã thu lại được những lợi ích vượt ra ngoài lĩnh vực kinh tế, bất kể về chiến lược quốc tế hay lợi ích quốc gia, Trung Quốc đều không chịu thiệt.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - châu Phi (FOCAC) 2018 ở Bắc Kinh. Ảnh: TTXVN phát 

Mới đây nhất, phía Trung Quốc đã công bố gói hỗ trợ tài chính lên đến 60 tỷ USD cho châu Phi, đồng thời xóa nợ cho một số nước châu Phi. 

Việc này làm dấy lên những tranh cãi trên mạng Internet. Đa số cư dân mạng Trung Quốc cho rằng bản thân Trung Quốc vẫn còn có rất nhiều người dân nghèo, Chính phủ Trung Quốc không nên quá hào phóng với bên ngoài như vậy; nhưng cũng có phương tiện truyền thông chỉ ra rằng đầu tư của Trung Quốc ở châu Phi trong những năm qua đã thu lại được những lợi ích vượt ra ngoài lĩnh vực kinh tế, bất kể về chiến lược quốc tế hay lợi ích quốc gia, Trung Quốc đều không chịu thiệt.

Tại hội nghị trên, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định, trước mắt và trong vòng ba năm tới, Trung Quốc sẽ lựa chọn “8 hành động lớn” để tạo ra cộng đồng chung vận mệnh Trung Quốc-châu Phi, đồng thời sẵn sàng sử dụng các biện pháp như viện trợ chính phủ, đầu tư của các tổ chức, công ty tài chính… để dành cho châu Phi gói hỗ trợ tài chính lên đến 60 tỷ USD, bao gồm: 15 tỷ USD viện trợ, vay không lãi suất hoặc lãi suất ưu đãi, một gói tín dụng trị giá 20 tỷ USD, một quỹ đặc biệt 10 tỷ USD cho các dự án phát triển Trung Quốc-châu Phi và một quỹ đặc biệt 5 tỷ USD cho hàng nhập khẩu từ châu Phi; 10 tỷ cho các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào châu Phi.

 Bên cạnh đó, Trung Quốc sẽ xóa nợ từ các khoản vay không lãi suất của một số quốc gia ở châu Phi trước cuối năm 2018. Việc xóa nợ này sẽ được áp dụng với một số quốc gia kém phát triển tại châu Phi, những nước nợ Trung Quốc nhiều nhất và nghèo đói, các nước đang phát triển không có biển và là đảo nhỏ đồng thời có quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh.

Quyết định trên của Trung Quốc đã dẫn đến nhiều tranh cãi và phản đối trên mạng xã hội nước này. Nhiều cư dân mạng chỉ trích Trung Quốc mang nhiều tiền đi viện trợ nước khác, trong khi tại chính Trung Quốc vẫn có hàng chục triệu người dân trong diện cần xóa đói giảm nghèo. 

Một số ý kiến còn phân tích số tiền trên quy đổi được 410 tỷ Nhân dân tệ theo tỉ giá hiện hành, tương đương với 1,87 lần chi phí của tài chính Trung Quốc dành cho các bệnh viện công trên toàn quốc, gấp 2,18 lần chi phí dùng để ngăn ngừa ô nhiễm môi trường, gấp 1,26 lần chi phí dành cho xóa đói giảm nghèo trên cả nước Trung Quốc.

Thậm chí, có người còn dẫn lại phát biểu trong một bài viết năm 2009 của Giáo sư Luật của Đại học Bắc Kinh Trương Thiên Phàm với nội dung cho rằng việc Chính phủ Trung Quốc miễn giảm nợ cho nhiều nước châu Phi, ít nhất cũng phải được phản ánh trong dự toán ngân sách nhà nước, đồng thời sau khi thông qua thảo luận và phê chuẩn tại Nhân Đại toàn quốc hoặc Ủy ban Thường vụ Nhân Đại toàn quốc, phải công bố cho công chúng.

Trong bài phát biểu tại Diễn đàn ngày 3/9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng, hợp tác Trung Quốc-châu Phi có tốt hay không chỉ người dân Trung Quốc và châu Phi có quyền phát ngôn cao nhất. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh: “Bất cứ ai cũng không thể lấy tưởng tượng và suy đoán để phủ nhận những thành tựu đáng ghi nhận trong hợp tác Trung Quốc-châu Phi”.

Các phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc cũng đã nêu rõ tầm quan trọng và tính hợp tác cùng có lợi giữa Trung Quốc và châu Phi. Tờ Nhân dân Nhật báo phiên bản hải ngoại có bài viết cho rằng tính tương hỗ giữa Trung Quốc và châu Phi rất mạnh, tiềm năng phát triển của châu Phi sẽ mang lại thị trường khổng lồ. 

Châu Phi giàu tài nguyên khoáng sản, như dầu thô, mangan, đồng… nhưng các nguồn tài nguyên này trong một thời gian dài không được khai thác đầy đủ mà còn bị các nước phương Tây “bóc lột” thông qua việc trả giá thành thấp, Trung Quốc có thể tiến hành giao dịch với các nước châu Phi ở mức giá hợp lý hơn.

Bài viết dẫn lời Vương Hồng Nhất, Chủ nhiệm Phòng Nghiên cứu thông tin, Viện nghiên cứu Tây Á-châu Phi thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết số lượng đồng, bông nhập khẩu của Trung Quốc từ châu Phi còn nhiều hơn sản xuất ở trong nước, trong khi các dự án dầu mỏ của doanh nghiệp Trung Quốc ở châu Phi lại có sự trợ giúp rất lớn cho an ninh năng lượng của Trung Quốc.

Tờ Thời báo Hoàn cầu ngày 4/9 có bài xã luận cho rằng, người dân Trung Quốc hiểu rất rõ rằng, nước lớn buộc phải làm nghĩa vụ của nước lớn, nếu không sau này sẽ không thể giữ được vị thế của mình, càng không thể hy vọng tiếp tục đi lên. “Không được hiểu Trung Quốc vẫn còn người nghèo nên viện trợ cho nước ngoài là vô đạo đức. Lối suy nghĩ này là logic của nền kinh tế tiểu nông, về cơ bản sẽ không thể đem lại thực tiễn vĩ đại của Trung Quốc ngày nay”(Bnews)

Trở về

Bài cùng chuyên mục