tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 16-09-2018

  • Cập nhật : 16/09/2018

Bộ Tài chính sẽ cắt giảm 190/370 điều kiện kinh doanh

Năm nay là năm thứ 3 liên tiếp, Bộ Tài chính thực hiện việc đánh giá, chấm điểm cải cách hành chính (CCHC) các đơn vị thuộc Bộ Tài chính. Qua đó đã giúp việc theo dõi, đánh giá kết quả tại các đơn vị thuộc Bộ Tài chính được sát sao và chính xác, góp phần triển khai có hiệu quả công tác CCHC theo đúng các yêu cầu đặt ra của Chính phủ. Tạp chí Tài chính xin giới thiệu bài phỏng vấn Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn xung quanh vấn đề này.

thu truong bo tai chinh do hoang anh tuan

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn

Pv. Trong thời gian qua, Bộ Tài chính được đánh giá là một trong những bộ, ngành luôn dẫn đầu về CCHC. Xin Thứ trưởng cho biết những nhóm nhiệm vụ sẽ được Bộ Tài chính tập trung triển khai trong thời gian tới và dự kiến kết quả thực hiện?

Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn: Thời gian qua, việc CCHC trong ngành Tài chính đã đạt được những kết quả bước đầu về cải cách TTHC và hiện đại hóa. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại. Theo yêu cầu của Chính phủ, vẫn còn nhiều việc phải làm. Do đó, có 4 nhóm nhiệm vụ trong thời gian tới cần tập trung thực hiện.

Thứ nhất, về thể chế chính sách: Tập trung vào 2 Luật Quản lý thuếvà Luật Chứng khoán. Đối với Luật Quản lý thuế để làm sao hiện đại hóa được công tác quản lý thuế, chuyển sang tiêu chuẩn của OECD, tiêu chuẩn của diễn đàn chống chuyển giá. Đối với Luật Chứng khoán tập trung huy động được nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, chuyển đầu tư của khu vực doanh nghiệp dựa nhiều vào tín dụng hiện nay sang cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cũng cần tập trung vào 3 Nghị định quan trọng về hóa đơn điện tử; kiểm tra chuyên ngành và một cửa quốc gia; quản lý tài sản công.

Thứ hai, giảm thủ tục hành chính: Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo Nghị định về cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tài chính, qua đó, sẽ cắt giảm 190/370 điều kiện kinh doanh, dự kiến sẽ được trình Chính phủ trong tháng 9 hoặc tháng 10 để thông qua.

Thứ ba, hiện đại hóa thủ tục hành chính: Hiện nay, ngành Tài chính có 961 thủ tục, trong đó 54% thủ tục vẫn ở cấp độ 1,2; 46% thủ tục ở cấp độ 3,4, mục tiêu đề ra đến năm 2020 đạt được tối thiểu 90% cấp độ 3,4. Như vậy, cần lộ trình cứ 6 tháng là phải tăng 10-15% thủ tục lên cấp độ 3,4 giảm tương ứng cấp độ 1,2 trong tổng số 961 TTHC.

Thứ tư, nâng cao chất lượng công chức và cải cách thu gọn đầu mối bộ máy hành chính của cơ quan Bộ Tài chính cũng như của các đơn vị trong toàn ngành Tài chính: Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định 520/QĐ-BTC ngày 13/4/2018 về việc phê duyệt kế hoạch sắp xếp, sáp nhập chi cục thuế quận, huyện, thị xã, thành phố thành chi cục thuế khu vực thuộc cục thuế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trong đó đề ra Chiến lược trong 3 năm giảm 340 chi cục thuế/711 chi cục thuế hiện nay. Kho bạc đến nay đã giảm trên 60 phòng giao dịch. Tới đây sẽ tiếp tục cơ cấu bên trong để đảm bảo hiệu quả tinh giản bộ máy.

Với các cơ quan trong Bộ thì cũng tinh giản số lượng phòng, số đầu mối, trên cơ sở đó xây dựng lực lượng công chức theo Nghị quyết 27 của Trung ương đảm bảo giảm được số lượng, nâng cao chất lượng và ứng dụng được hiện đại hóa TTHC để đảm bảo tính hiệu quả, hiệu lực của bộ máy hành chính nhà nước.

Pv. Bộ Tài chính sẽ nâng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3,4 thêm khoảng 30% nữa từ nay đến 2020, vậy giải pháp trọng tâm là gì để nâng tỷ lệ này lên, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn: TTHC trong lĩnh vực tài chính hiện nay có 961 TTHC, nếu tính theo chuẩn OECD thì có khoảng 900 TTHC. Như vậy, việc đầu tiên là trong năm nay hoặc 6 tháng đầu năm 2019 thì phải giảm tối thiểu 61 thủ tục nữa. Từ 900 thủ tục đó thì phải giảm tỷ lệ 54% thủ tục ở cấp độ 1,2 hiện nay xuống còn dưới 10% trong vòng 3 năm tới.

Để làm được việc đó, cần xây dựng xong 2 Luật Quản lý thuế, Luật Chứng khoán và 3 Nghị định hóa đơn điện tử; kiểm tra chuyên ngành và một cửa quốc gia; quản lý tài sản công.

Pv. Cùng với các giải pháp trên nhằm đẩy mạnh CCHC, được biết, hiện Bộ Tài chính đang đẩy mạnh tinh giản bộ máy. Vậy trong mục tiêu tinh giản bộ máy thì sẽ phải giảm bao nhiêu % tổng số nhân sự ngành Tài chính, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn: Theo Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thì tất cả các bộ, cơ quan Trung ương, các đơn vị quản lý hành chính nhà nước phải giảm 10%. Kết thúc 31/12/2017, cơ quan Bộ Tài chính thì đã giảm được 4,7%, do đó tôi tin tưởng rằng đến năm 2020 Bộ Tài chính chắc chắn sẽ đạt được mục tiêu tinh giản được 10%. (TCTC)
-----------------------

Không để “trăm hoa đua nở” điều kiện kinh doanh kho, bãi

Đó là ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai tại cuộc họp trực tuyến với các đơn vị hải quan địa phương chiều 12/9, tại trụ sở Bộ Tài chính, nhằm hoàn chỉnh dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế, kho bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan.

Thứ trưởng Vũ Thị Mai yêu cầu việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 68/2016/NĐ-CP phải khắc phục được những vấn đề bất cập hiện nay, đảm bảo mục tiêu cải cách hiện đại hóa, chuẩn hóa trong quản lý, giám sát hải quan, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

“Tinh thần không để trăm hoa đua nở, dẫn đến tình trạng các kho, bãi, địa điểm hoạt động manh mún, không kiểm tra giám sát hải quan được, nhưng cũng không thể để một “chiếc áo” mặc cho các kích cỡ. Chính vì vậy, việc sửa đổi phải bám sát với thực tiễn” - Thứ trưởng Vũ Thị Mai nhấn mạnh.

Tại cuộc họp đại diện các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan và Cục Hải quan một số tỉnh, thành phố đã có những ý kiến xung quanh các điều, khoản tại dự thảo Nghị định.

Liên quan đến quy định trường hợp kho ngoại quan được công nhận nhưng doanh nghiệp không có hoạt động đưa hàng hóa vào, ra trong thời hạn nhất định thì cần phải chấm dứt hoạt động, theo đại diện Cục Hải quan Quảng Ninh dù không hoạt động kinh doanh nhưng cơ quan Hải quan vẫn phải bố trí cán bộ, công chức quản lý, kiểm tra, giám sát, điều này gây tốn thời gian, nhân lực và cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, vì vậy đề nghị cần nghiên cứu và có quy định phù hợp.

Hay như vấn đề điều kiện công nhận địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu ở khu vực biên giới cũng là những tồn tại cần sửa đổi. Đại diện Cục Hải quan Lào Cai cho rằng, cần tính toán kỹ điều kiện về diện tích tại cửa khẩu biên giới đất liền, vì quỹ đất ở các khu vực này không nhiều…

Ngoài những ý kiến trên, cuộc họp cũng ghi nhận nhiều ý kiến của các đơn vị hải quan về các nội dung như: Điều kiện công nhận kho ngoại quan; Hồ sơ công nhận kho ngoại quan, trường hợp tạm dừng hoạt động kho ngoại quan; Hồ sơ công nhận địa điểm thu gom hàng lẻ; Điều kiện công nhận địa điểm làm thủ tục hải quan tại cảng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa được thành lập trong nội địa; Địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát tập trung đối với hàng bưu chính, chuyển phát nhanh; Điều kiện công nhận kho, bãi, địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tập trung trong khu vực cảng biển, cảng thủy nội địa, cảng hàng không quốc tế, ga đường sắt liên vận quốc tế…

Trên cơ sở ý kiến tham gia của các đơn vị, Thứ trưởng Vũ Thị Mai yêu cầu ban soạn thảo tiếp thu các ý kiến tham gia, sớm trình Bộ Tài chính dự thảo Nghị định hoàn chỉnh. 

“Dự thảo Nghị định được xây dựng trong bối cảnh Chính phủ chỉ đạo cắt giảm điều kiện kinh doanh tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân. Chính vì vậy sửa đổi cần đảm bảo đúng theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, đồng thời hướng tới mục tiêu việc quản lý hải quan hiện đại” - Thứ trưởng Vũ Thị Mai nhấn mạnh.(TCTC)
-----------------------

Từ ngày 01/11/2018, phải dùng hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, dịch vụ

Đây là nội dung nổi bật tại Nghị định số 119/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, có hiệu lực từ ngày 01/11/2018.

Nghị định số 119/2018/NĐ-CP nêu rõ, khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán (trừ hộ, cá nhân kinh doanh không đáp ứng điều kiện phải sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế) phải lập hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế hoặc hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế để giao cho người mua theo định dạng chuẩn dữ liệu và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.

Trong đó, doanh nghiệp kinh doanh ở các lĩnh vực: Điện lực; Xăng dầu; Bưu chính viễn thông; Vận tải hàng không, đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy; Nước sạch; Tài chính tín dụng; Bảo hiểm; Y tế; Kinh doanh thương mại điện tử; Kinh doanh siêu thị; Thương mại và các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế đã hoặc sẽ thực hiện giao dịch với cơ quan thuế bằng phương tiện điện tử, xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, có hệ thống phần mềm kế toán, phần mềm lập hóa đơn điện tử đáp ứng lập, tra cứu hóa đơn điện tử, lưu trữ dữ liệu hóa đơn điện tử theo quy định và đảm bảo việc truyền dữ liệu hóa đơn điện tử đến người mua và đến cơ quan thuế thì được sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.

Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác thuộc trường hợp rủi ro cao về thuế thì sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.

Hộ, cá nhân kinh doanh thực hiện sổ sách kế toán, sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên và có doanh thu năm trước liền kề từ 03 tỷ đồng trở lên trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, xây dựng hoặc có doanh thu năm trước liền kề từ 10 tỷ đồng trở lên trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ phải sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.

Hộ, cá nhân kinh doanh không thuộc diện bắt buộc nhưng có thực hiện sổ sách kế toán, có yêu cầu thì cũng được áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo quy định.

Hộ, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, bán lẻ thuốc tân dược, bán lẻ hàng tiêu dùng, cung cấp dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng tại một số địa bàn có điều kiện thuận lợi thì triển khai thí điểm hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế từ năm 2018. Trên cơ sở kết quả triển khai thí điểm sẽ triển khai trên toàn quốc.

Hộ, cá nhân kinh doanh không đáp ứng điều kiện phải sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế nhưng cần có hóa đơn để giao cho khách hàng hoặc trường hợp doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác được cơ quan thuế chấp nhận cấp hóa đơn điện tử để giao cho khách hàng thì được cơ quan thuế cấp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo từng lần phát sinh và phải khai, nộp thuế trước khi cơ quan thuế cấp hóa đơn điện tử theo từng lần phát sinh theo Mẫu số 06 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

Theo Nghị định, thời điểm lập hóa đơn điện tử đối với bán hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền; Thời điểm lập hóa đơn điện tử đối với cung cấp dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung cấp dịch vụ hoặc thời điểm lập hóa đơn cung cấp dịch vụ, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

Nghị định quy định, trường hợp giao hàng nhiều lần hoặc bàn giao từng hạng mục, công đoạn dịch vụ thì mỗi lần giao hàng hoặc bàn giao đều phải lập hóa đơn cho khối lượng, giá trị hàng hóa, dịch vụ được giao tương ứng.(TCTC)

Trở về

Bài cùng chuyên mục