tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 17-07-2017

  • Cập nhật : 17/07/2017

Ngành than giải bài toán tiêu thụ

Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết, Tập đoàn đang bám sát diễn biến thị trường để có các biện pháp điều hành linh hoạt, phấn đấu vượt chỉ tiêu than tiêu thụ cả năm 2017 trên 36 triệu tấn, tăng 1 triệu tấn so với năm 2016; trong đó, tiêu thụ trong nước đạt trên 34 triệu tấn và xuất khẩu 2 triệu tấn than.

 

khai truong mo than ha tu (quang ninh). anh: trong dat/ttxvn

Khai trường mỏ than Hà Tu (Quảng Ninh). Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

 

Theo đó, Tập đoàn đã hoàn thành ký hợp đồng mua bán than năm 2017 với các khách hàng mua than ở thị trường trong và ngoài nước, các hợp đồng bảo hiểm và vận tải than. Đặc biệt, Tập đoàn đã trao đổi hợp đồng dài hạn xuất khẩu than với các khách hàng Nhật Bản.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho hay, thời gian qua, Bộ Công Thương đã báo cáo Chính phủ xem xét tháo gỡ khó khăn cho ngành than, đặc biệt là vấn đề liên quan đến chi phí giá thành than khai thác trong nước, thuế suất thuế tài nguyên môi trường, giúp giá than trong nước bình đẳng hơn trong cạnh tranh.

Về xuất khẩu than, Bộ Công Thương cũng đã tạo thuận lợi tối đa, nhưng bên cạnh khó khăn do giá thành, xuất khẩu gặp khó do vướng phải hàng rào kỹ thuật của Trung Quốc về lượng phốt pho tồn dư trong than, nên hiện tại ngành than chỉ trông đợi thị trường trong nước. Nhưng nếu cứ để giá than như hiện nay thì ngành than vẫn tiếp tục gặp khó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu rõ.

Theo TKV, năm nay, về cơ chế, chính sách cũng có nhiều thay đổi theo hướng có lợi cho ngành than, nhất là để giảm lượng than tồn kho. Bởi bắt đầu từ cuối năm 2016, Chính phủ đã chính thức cho phép TKV tăng sản lượng xuất khẩu đối với các loại than chất lượng cao mà hiện tại thị trường nội địa chưa có nhu cầu hoặc có nhu cầu rất thấp trong giai đoạn 2017-2020. Trên cơ sở đó, TKV căn cứ vào tình hình sản xuất, tỷ lệ cung - cầu để cân đối sản lượng than xuất khẩu. Năm nay, Tập đoàn thực hiện xuất khẩu 2 triệu tấn than đá có nhiệt lượng cao tại khu vực Vàng Danh, Nam Mẫu. Cùng với đó, ký kết hợp đồng tiêu thụ với đối tác nước ngoài nên thị trường trong nước đã có dấu hiệu tốt trở lại.

Để nâng cao chất lượng than đảm bảo điều kiện cho tiêu thụ, Tập đoàn chỉ đạo đầu tư phù hợp các hệ thống sàng tuyển than tại các mỏ trên địa bàn Quảng Ninh để tuyển các loại than xấu, bã sàng, đất đá lẫn than nhằm nâng cao chất lượng và hệ số thu hồi than. Công tác cơ giới hóa các khâu bốc rót, pha trộn cũng được triển khai theo hướng băng tải hóa; không tiến hành sàng tuyển than nhỏ lẻ, thủ công tại các kho cảng, bến xuất than.

Đối với các nhà máy sàng tuyển than mới như Nhà máy Tuyển than Khe Chàm, Tuyển than Vàng Danh 2, sẽ đầu tư theo hướng tự động hóa đồng bộ một cách tối đa. Còn với các nhà máy đang hoạt động như Tuyển than Cửa Ông, Tuyển than Vàng Danh 1 tiếp tục phục hồi tự động hóa các khâu vận hành liên động của nhà máy, hoàn thiện công tác xử lý bùn nước, bã sàng, đầu tư các hệ thống tự động hóa, đo lường tự động hóa và điều khiển tập trung..

Cũng theo TKV, dựa trên sự phân tích, đánh giá kỹ lưỡng từ nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế, TKV đã xây dựng và tích cực triển khai các giải pháp nhằm đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ than. Căn cứ nhu cầu thị trường, Tập đoàn xác định cụ thể sản lượng, chủng loại than giao cho từng đơn vị sản xuất, chế biến theo nguyên tắc giữ vững năng lực sản xuất, ổn định việc làm trong các dây chuyền công nghệ, thu nhập cho người lao động và hiệu quả chung của Tập đoàn.

Bên cạnh những thuận lợi, TKV cũng nhận định rõ những khó khăn để chỉ đạo các đơn vị thành viên tích cực, chủ động hơn nữa trong chế biến, pha trộn, tìm kiếm khách hàng... Đồng thời giữ các mối tiêu thụ tốt, đảm bảo đáp ứng yêu cầu của khách hàng về chủng loại than và tiến độ giao hàng; tăng cường kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo chất lượng than giao cho khách hàng.

Thời điểm này, khối sản xuất than của ngành đã chuẩn bị phương án tăng sản lượng khi có yêu cầu của Bộ Công Thương nhằm thực hiện nhiệm vụ đóng góp cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, tìm các giải pháp nâng cao năng lực sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; kiểm soát chặt chẽ việc thuê ngoài chế biến đất đá lẫn than trong tất cả các khâu (nguồn đầu vào chế biến, sản phẩm sau chế biến, vận chuyển, kho bãi...).

Các công ty kho vận cũng có kế hoạch đảm bảo đủ đầu xe cho các tuyến nhằm đẩy mạnh nhận than mỏ của các công ty sản xuất, phục vụ đúng tiến độ giao than cho khách hàng, nhất là đảm bảo nguồn dự phòng than cho sản xuất điện. Các đơn vị kinh doanh than trong TKV thường xuyên rà soát thị trường, sâu sát với khách hàng, duy trì được thị trường hiện có và mở thêm thị trường mới; chủ động chế biến các loại than phù hợp nhu cầu sử dụng của khách hàng với giá bán cạnh tranh...

Ngoài ra, các đơn vị chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, bảo vệ tài nguyên trong ranh giới đã được cấp phép khai thác và ranh giới quản lý tài nguyên, kiên quyết chống thất thoát than từ bên trong mỏ, siết chặt quản lý than đầu nguồn.

Song song với đó, các công ty kho vận phối hợp chặt chẽ với các đơn vị sản xuất để hoàn thành kế hoạch giao nhận các chủng loại than; tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng vào nhận than. Mặt khác, phối hợp với Công ty CP Giám định kiểm tra chân hàng đảm bảo chất lượng, nêu cao tinh thần phòng chống gian lận thương mại trong giao nhận.

Trước mắt, TKV tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tăng cường nhận than khu vực miền Tây để chế biến pha trộn tiêu thụ. Một số đơn vị đã cố gắng tiếp nhận vượt kế hoạch năm như Kho vận Cẩm Phả, Công ty Tuyển than Cửa Ông và Công ty Tuyển than Hòn Gai.(TTXVN)
-----------------------

Hậu Giang tiếp nhận 2 dự án đăng ký đầu tư vào năng lượng, vốn trên 4 tỷ USD

Trong lúc nhiều tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long đang khát nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thì Hậu Giang, một tỉnh có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn đang tiếp nhận đăng ký đầu tư 2 dự án FDI có qui mô vốn trên 4 tỷ USD, đầu tư vào lĩnh vực năng lượng.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hậu Giang, dự án thứ nhất là Dự án Nhà máy năng lượng mặt trời Jinko Solar Việt Nam do Công ty TNHH Phát triển Quốc tế Jinko Solar (Hong Kong) đăng ký đầu tư tại xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang với mục tiêu là sản xuất điện thương phẩm từ năng lượng mặt trời. Nhà máy có công suất thiết kế 35 MW, diện tích đất sử dụng 40ha, thời gian thuê đất là 50 năm. Tổng mức đầu tư của dự án là 1.168 tỷ đồng (tương đương 52,5 triệu USD).

..

Ông James Gia Co, đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Phát triển Quốc tế Jinko Solar cam kết, Công ty có đầy đủ nguồn tài chính để triển khai xây dựng dự án. Về công nghệ, Nhà máy sử dụng công nghệ biến đổi quang năng thành điện năng sử dụng tấm năng lượng (công nghệ PV- Photovoltaic) cho hiệu suất chuyển đổi điện cao, chi phí đầu tư hợp lý và phù hợp với khí hậu Việt Nam. Ông James Gia Co cho biết: “Sau khi được UBND tỉnh cấp Quyết định chủ trương đầu tư, Công ty sẽ liên hệ đơn vị chó chức năng đo vẽ phối hợp với UBND nơi được cấp đất dự án, xác định tính pháp lý khu đất làm cơ sở thực hiện việc đền bù, giải tỏa và làm thủ tục thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất trong thời hạn 3 tháng hoặc sớm hơn”.

Dự án thứ hai là Dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 3 Công ty CP Đầu tư Phát triển Năng lượng Việt Lào, đại diện cho Tổ hợp các nhà đầu tư  bao gồm: Công ty CP Đầu tư  Đèo Cả, Công ty CP Đầu tư Phát triển Năng lượng Việt Lào và Công ty TNHH Xây dựng Thủy lợi - Cầu và Đường Phongsubthavy (doanh nghiệp có trụ sở chính đặt tại thủ đô Viêng Chăn - Lào). Nhà đầu tư đề xuất địa điểm thực hiện dự án tại Trung tâm điện lực Sông Hậu, xã Phú Hữu A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang.

Mục tiêu của dự án là đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện để cung cấp điện thương phẩm hòa vào mạng lưới điện quốc gia, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về tiêu thụ năng lượng điện. Công suất thiết kế của Nhà máy khoảng 2.000 MW (3 x 660 MW), số giờ vận hành tại công suất đạt khoảng trên 6.500 giờ/năm; sản lượng tiêu thụ hàng năm là 13 tỷ kWh/năm. Diện tích đất dành cho dự án là 117,08 ha, gồm: khu vực nhà máy chính, bãi xỉ, sân thi công...

Thời hạn thực hiện dự án trong 50 năm kể từ khi có quyết định chủ trương đầu tư. Tổng mức đầu tư của dự án dự kiến 81.000 tỷ đồng (tương đương 3,636 tỷ USD), 100% từ nguồn vốn của nhà đầu tư. Tiến độ thực hiện dự án khoảng 50 tháng kể từ khi khởi công đến thời điểm vận hành thương mại tổ máy cuối cùng.

Trong Báo cáo thẩm định dự án đầu tư Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 3 do Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hậu Giang, Nguyễn Văn Quân ký gửi UBND tỉnh Hậu Giang, Dự án này phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của tỉnh đã được phê duyệt. Đồng thời dự án cũng phù hợp với quy hoạch và kế hoạch của tỉnh trong lĩnh vực phát triển công nghiệp và thu hút đầu tư. Tuy nhiên, có hai vấn đề cần lưu ý đó là vấn đề môi trường và công nghệ sản xuất của Nhà máy. Các vấn đề môi trường, chủ đầu tư đã nêu trong dự án cần phải được thực hiện một cách nghiêm túc, đảm bảo không làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, trước, trong và sau khi hoàn thành dự án đưa vào sử dụng và vận hành. Còn về công nghệ của nhà máy, đề nghị chủ đầu tư nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ theo hướng cập nhật công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới, hạn chế thấp nhất ô nhiễm môi trường...

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hậu Giang chho biết, do cả 2 dự án trên đều chưa có trong quy hoạch, cho nên tỉnh đã có công văn gửi Bộ Công thương đề nghị bổ sung vào quy hoạch, khi được bổ sung rồi, tỉnh sẽ làm các bước thủ tục tiếp theo, xúc tiến việc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các nhà đầu tư.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang có 29 dự án FDI, với tổng số vốn 808.563.599 USD. Nếu 2 dự án trên được cấp giấy chứng nhận đầu tư thì Hậu Giang sẽ vươn lên đứng thứ nhì về thu hút đầu tư FDI trong vùng đồng bằng sông Cửu Long (chỉ sau tỉnh Long An, hiện thu hút vốn FDI trên 6,7 tỷ USD).(Baodautu)
-------------------

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng 18%/năm

Kế hoạch 2016-2020, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận trung bình 18%/năm với tổng doanh thu đạt trên 40.000 tỷ đồng, lợi nhuận 9.000 tỷ đồng vào năm 2020.

Đó là nội dung trong Thông báo 303/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về Kế hoạch sản xuất, kinh doanh 05 năm 2016-2020 của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.

Thông báo nêu rõ: Phó Thủ tướng cơ bản đồng ý với Báo cáo của Tập đoàn về Kế hoạch sản xuất kinh doanh 05 năm 2016 - 2020: Trong bối cảnh đang thực hiện Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 5/1/2013 và thực hiện việc cổ phần hóa Công ty mẹ - Tập đoàn với 20 công ty TNHH MTV và 4 đơn vị sự nghiệp theo văn bản số 2296/TTg-ĐMDN ngày 16/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới công ty nông nghiệp của Tập đoàn, theo đó tiến độ dự kiến hoàn thành là quý II/ 2017 và chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần trong quý III/2017. Do vậy, kế hoạch 2016-2020 được xây dựng theo mô hình công ty TNHH MTV trong năm 2016 và từ 2017 đến 2020 hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.

Phó Thủ tướng cũng nhất trí với quan điểm chiến lược kinh doanh của Tập đoàn, trong đó, cần duy trì và phát triển vị thế là một Tập đoàn kinh tế công nông nghiệp có quy mô lớn; đa dạng các sản phẩm nông công nghiệp để nâng cao hiệu quả; đẩy mạnh và tăng cường hàm lượng khoa học - kỹ thuật trong sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị của sản phẩm; tiếp tục thực hiện chủ trương tái cơ cấu, đa dạng hóa sở hữu trong Tập đoàn thông qua cổ phần hóa để nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, hiệu quả doanh nghiệp và tạo nguồn vốn để phát triển Tập đoàn; chủ động hội nhập Quốc tế, tích cực tham gia các tổ chức, hiệp hội ngành nghề để nâng cao thương hiệu và mở rộng thị trường; thực hiện tốt vai trò trong chương trình phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Việt Nam, bao gồm phát triển sản xuất kết hợp với xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, không ngừng tăng năng suất và thu nhập của người lao động, nhất là đồng bào dân tộc. Kết hợp hài hòa phát triển kinh tế với nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội, an ninh chính trị và quốc phòng trong phạm vi tổ chức sản xuất của Tập đoàn.

Về mục tiêu kế hoạch giai đoạn 2016-2020, Phó Thủ tướng đồng ý với tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận trung bình 18%/năm với tổng doanh thu đạt trên 40.000 tỷ đồng, lợi nhuận 9.000 tỷ đồng vào năm 2020. Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu đạt bình quân 20%. Lợi nhuận toàn Tập đoàn trên vốn điều lệ bình quân 17%/năm; duy trì tổng diện tích cao su đến 2020 khoảng 400.000 ha, trong đó trong nước khoảng 285.000 ha, nước ngoài 115.000 ha. Sản lượng cao su gia tăng bình quân 15%/năm, đến 2020 khoảng 414.000 tấn. Tăng cường công tác thu mua mủ cao su tiểu điền, tăng sản lượng từ 60.000 tấn hiện nay lên 105.000 tấn vào năm 2020; sản lượng tiêu thụ xấp xỉ 520.000 tấn năm 2020.

Về giải pháp để thực hiện kế hoạch giai đoạn 2016-2020, Phó Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn cần tăng cường các giải pháp kỹ thuật, trong đó chú trọng đến trồng, chăm sóc, khai thác và chế biến mủ cao su; phát huy những lợi thế, tiếp tục đổi mới cơ chế, đa dạng hóa hoạt động sản xuất kinh doanh, áp dụng những thành tựu khoa học - công nghệ mới với mục tiêu tăng năng suất lao động; dự báo tốt thị trường để linh hoạt điều chỉnh các chủng loại sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường và có giá trị gia tăng cao để tăng doanh thu và hiệu quả; sử dụng đúng mục đích, hiệu quả và phù hợp với quy định nguồn vốn tự có của Tập đoàn và nguồn vốn tích lũy hàng năm. Mở rộng quan hệ với các định chế tài chính trong và ngoài nước để huy động nguồn cho các dự án thông qua nhiều hình thức như vay hợp vốn, phát hành trái phiếu…; thực hiện tốt công tác đào tạo cho lao động trực tiếp, tăng cường đội ngũ quản lý kỹ thuật cấp công ty và nông trường để xây dựng chương trình nâng cấp vườn cây trong thời gian sớm nhất. (Baodautu)
-----------------------

Tới tấp đón đơn hàng xuất khẩu thịt đông lạnh

Những đơn hàng đề nghị nhập khẩu thịt lợn đông lạnh từ Việt Nam của các đối tác Nga, Ukraine, Hàn Quốc, Georgia… đang mở ra những tia hy vọng mới về xuất khẩu thịt lợn của nước ta trong thời gian tới.

Đón nhiều đơn hàng xuất khẩu thịt

Theo nguồn tin từ Công ty TNHH VIETGO, doanh nghiệp chuyên tư vấn xuất nhập khẩu nông lâm, thủy sản cho các doanh nghiệp Việt Nam, thời gian gần đây, liên tiếp có các doanh nghiệp nước ngoài đề nghị được kết nối để nhập khẩu sản phẩm thịt lợn  từ Việt Nam.

Thông qua VIETGO,  một doanh nghiệp của Ukraine cần tìm nhà cung cấp thịt lợn và gà chất lượng cao theo tiêu chuẩn châu Âu với số lượng gần 80.000 tấn thịt đông lạnh. Thiện chí của doanh nghiệp này còn thể hiện ở việc sẵn sàng hỗ trợ chi phí cho doanh nghiệp Việt Nam đạt các tiêu chuẩn xuất khẩu sang châu Âu.

Theo đại diện doanh nghiệp đến từ Ukraine, sản phẩm thịt lợn của Việt Nam tuy đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Trung Quốc, Hàn Quốc (theo Chứng chỉ SGS), nhưng để có thể đạt được tiêu chuẩn EU, sẽ cần tới 8.000 USD để cơ quan thanh tra chuyên ngành kiểm nghiệm.

Ông Nguyễn Tuấn Việt, đại diện VIETGO cho hay, sau 12 năm kết nối, hỗ trợ xuất khẩu các sản phẩm nông sản Việt Nam,  gần đây, Công ty nhận được nhiều đề nghị nhập khẩu các sản phẩm thịt lợn đông lạnh từ Việt Nam. Cụ thể, sau đơn hàng  gần 40.000 tấn thịt lợn từ Hàn Quốc trong vòng một năm, mới đây, VIETGO tiếp tục nhận được đơn hàng từ các công ty của Nga và Ukraine.

Cũng theo ông Việt, rào cản cho các doanh nghiệp khi xuất sang Nga và Ucraine là tiêu chuẩn SGS của thịt lợn Việt Nam không phù hợp với tiêu chuẩn châu Âu. Để đáp ứng được tiêu chuẩn này, các doanh nghiệp trong nước phải qua các đợt kiểm nghiệm chất lượng.

Tận dụng xuất khẩu chính ngạch

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam mới xuất khẩu thịt lợn chính ngạch sang một số thị trường như Malaysia, Hồng Kông với sản phẩm thịt lợn sữa và thịt lợn choai đông lạnh, nhưng đã tạo được uy tín trên thị trường về mặt hàng này.

Năm 2016, lượng thịt lợn xuất khẩu đạt 11.000 tấn, trị giá 100 triệu USD. Trong 5 tháng đầu năm 2017, sản lượng thịt lợn xuất khẩu đạt 10.600 tấn, trị giá 46 triệu USD. Những con số trên, nếu so với tổng đàn lợn của Việt Nam, thì lượng thịt xuất khẩu chính ngạch còn quá khiêm tốn. Hiện nay, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chính của thịt lợn, nhưng phần lớn tiểu thương Việt Nam khai thác mạnh kênh xuất khẩu qua đường tiểu ngạch, sản phẩm được đưa sang vùng ven biên giới 2 nước, mà chưa có những đơn hàng cung cấp trực tiếp vào thị trường nội địa.

Ngoài Trung Quốc, Hàn Quốc cũng là điểm đến của sản phẩm ngành chăn nuôi trong nước. Theo VIETGO, một doanh nghiệp Mexico chuyên nhập khẩu thịt và xuất đi nhiều nước trên thế giới đã gửi đơn hàng nhập khẩu khoảng 4.000 tấn thịt lợn, yêu cầu đóng gói 20kg/thùng carton để xuất khẩu sang Hàn Quốc.

Doanh nghiệp Mexico tìm đến Việt Nam để đa dạng hóa thị trường cung ứng, tìm kiếm sản phẩm với giá cạnh tranh và đó chính là cơ hội để các nhà cung ứng trong nước chứng minh khả năng cung ứng, xuất khẩu thịt.

“Các đơn hàng sẽ dồn dập hơn khi uy tín của nhà cung ứng được thiết lập thông qua đơn hàng đầu tiên”, đại diện VIETGO nhấn mạnh.(Baodautu)

Trở về

Bài cùng chuyên mục