tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 17-07-2017

  • Cập nhật : 17/07/2017

Thương mại điện tử châu Âu có thể đạt 602 tỷ euro

Dự kiến tổng doanh số thương mại điện tử ở châu Âu sẽ tăng trưởng 14% so với năm ngoái, đạt 602 tỷ euro.

Đây là kết quả từ Báo cáo Thương mại điện tử châu Âu năm 2017 do tổ chức Ecommerce Europe, EuroCommerce và Ecommerce Foundation công bố. Vào năm ngoái, kinh doanh trực tuyến châu Âu đạt 530 tỷ euro (trong khi dự đoán chỉ 509,9 tỷ euro), tăng 15% so với năm trước.

thuong-mai-dien-tu-chau-au-co-the-dat-602-ty-euro

Báo cáo thường niên cũng cho thấy tỷ lệ các công ty có từ 10 nhân viên trở lên sở hữu website nhiều hơn đáng kể. Nếu năm 2010 con số này là 20% thì đến năm ngoái đã có 77% công ty xây dựng website. Tuy nhiên, chỉ có 18% các công ty này bán sản phẩm hoặc dịch vụ thông qua trang web của họ.

Số lượng người tiêu dùng mua hàng trực tuyến rất khả quan. 87% người dùng ở Anh đặt mua sản phẩm qua Internet, trong khi ở Đan Mạch và Đức tương ứng mức 84% và 82%. Các quốc gia như Romania, Macedonia và Bulgaria có tỷ lệ người mua sắm trực tuyến thấp nhất.

Khu vực Trung và Đông Âu chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử. Ở Rumani, doanh số bán hàng trực tuyến tăng 38%, trong khi thị trường thương mại điện tử ở Slovakia và Estonia tăng 35%.

Giao dịch qua biên giới cũng phổ biến hơn với 33% người mua sắm trực tuyến ở châu Âu mua hàng ở nước ngoài, trong đó Luxembourg, Nga và Thụy Sĩ đứng đầu danh sách này với tỷ lệ đều trên 60%.

Năm ngoái, hai phần ba số thanh thiếu niên từ 16-24 tuổi mua hàng trên mạng thường xuyên, trong khi chỉ một phần ba những người từ 55-74 tuổi làm việc này. Châu Âu vẫn đối mặt với nhiều thách thức như các khiếu nại của người dùng về thời gian giao hàng, lỗi kỹ thuật và hàng hóa bị hư hỏng.(Vnexpress)
------------------------------

Tổng thống Séc phê chuẩn luật thắt chặt cư trú với người nước ngoài

Tổng thống Cộng hòa Séc Milos Zeman đã ký phê chuẩn Luật sửa đổi về cư trú đối với người nước ngoài.

 

Người lao động nước ngoài ở Séc. 

Theo phóng viên TTXVN tại Praha, các quy định sửa đổi lần này có nhiều điểm tương đồng với Luật tị nạn, theo đó các cơ quan chức năng của Séc có quyền ngừng xử lý hồ sơ đề nghị cấp cư trú nếu người nước ngoài đệ đơn không có mặt tại địa bàn mà không có lý do xác đáng hoặc nộp các giấy tờ, tài liệu giả. Nếu người nước ngoài bị kết án tại Séc thì điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến quá trình xem xét cấp cư trú.

Luật mới quy định biện pháp xử lý đối với các công ty tuyển dụng lao động mà không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền của Séc. Danh sách các công ty tuyển dụng lao động bị nợ, không đóng bảo hiểm cho người lao động hoặc tuyển dụng lao động bất hợp pháp sẽ bị công khai. Các công ty này bị cấm tuyển dụng lao động người nước ngoài.

Một số chuyên gia nhận định việc Séc thắt chặt quy định đối với cư trú của người nước ngoài nhằm hạn chế người di cư đến Séc vì mục đích kinh tế. Động thái này cũng xuất phát từ các vấn đề phức tạp do công nhân người nước ngoài gây ra tại các khu công nghiệp của Séc gần đây.

Tuy nhiên, việc sửa đổi Luật cư trú đối với người nước ngoài vấp phải các ý kiến trái chiều trong dư luận Séc. Các tổ chức nhân quyền cho rằng các biện pháp thắt chặt cư trú đối với người nước ngoài vi phạm các cam kết quốc tế và Hiến pháp Séc. Một số thượng nghị sĩ Séc tuyên bố sẽ đưa vấn đề này ra trước Tòa án Hiến pháp. Một số điểm trong Luật cư trú sửa đổi mang xu hướng cực đoan, như trục xuất phụ nữ thất nghiệp đang mang thai; nộp giấy tờ gốc (chẳng hạn như giấy khai sinh và giấy đăng ký kết hôn) thay cho bản sao công chứng; xóa bỏ việc bồi thường do bị bắt giữ vô cớ; từ chối gia hạn thị thực vì tội trốn lệ phí giao thông; xóa bỏ cơ hội đoàn tụ gia đình của người nước ngoài sau khi nhận được thị thực xuất cảnh; xóa bỏ việc khiếu nại ra tòa khi bị từ chối cấp quyền cư trú; xét trách nhiệm người lao động nước ngoài vì lỗi của chủ sử dụng lao động; cấm hoạt động kinh doanh trong 5 năm.

Về phần mình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Séc Milan Chovanec khẳng định việc sửa đổi Luật cư trú đối với người nước ngoài là đúng đắn và cần thiết nhằm đảm bảo an ninh và hiệu quả quản lý trong lĩnh vực nhập cư. Ông Chovanec nhấn mạnh các nội dung sửa đổi sẽ chỉ tác động tới những người nước ngoài không tôn trọng các quy định của luật pháp CH Séc.(TTXVN)
-----------------------------

Hạ viện Nga xem xét dự luật đưa Nga ra khỏi WTO

anh minh hoa

Ảnh minh họa


 Dự luật này vừa mới được đệ trình lên bởi nhóm các nghị sĩ Đảng Cộng sản LB Nga với lý do sự tham gia của Nga vào WTO đã không mang lại lợi ích to lớn gì cho đất nước.

Báo cáo của các nghị sĩ Duma Quốc gia Nga đã đưa ra thiệt hại của nền kinh kế đất nước do những yêu cầu của WTO đòi hỏi từ bỏ trợ cấp thường xuyên của nhà nước đối với các nhà sản xuất và cân bằng phí dịch vụ của các công ty độc quyền.

Các nghị sỹ tuyên bố, trong 5 năm vào WTO, thiệt hại ước tính do cắt bỏ hỗ trợ ngân sách là 871,3 tỷ RUB, khoảng 13,6 tỷ USD, thiệt hại trong năm 2016 được đánh giá bằng 4,6% GDP.

Các tác giả dự luật cũng đưa ra phân tích của nhiều chuyên gia đến từ Trung tâm thông tin WTO. Theo đó, ước tính thiệt hại theo giá trị gia tăng của nền kinh tế Ngavào năm 2020 - sau 8 năm gia nhập WTO, sẽ vào khoảng 12.000 - 14.000 tỷ RUB, tương đương 200 - 230 tỷ USD.

Sau 20 năm đàm phán, Nga chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào ngày 22/8/2012. Đến nay, sau 5 năm trong bối cảnh cấm vận của Mỹ và phương Tây, tác động của WTO đối với nền kinh tế Nga hiện đang gây nhiều tranh cãi.(VTV)
--------------------

Grab sắp được bơm 2 tỉ đô la để cạnh tranh với Uber

Tờ Wall Street Journal ngày 14-7 dẫn các nguồn tin cho biết Grab đang huy động khoảng 2 tỉ đô la Mỹ từ tập đoàn viễn thông và internet SoftBank (Nhật) và công ty kinh doanh dịch vụ gọi xe Didi Chuxing (Trung Quốc). Các nguồn tin nói dự kiến thương vụ đầu tư này sẽ hoàn tất trong vài tuần tới và sẽ nâng mức định giá của Grab lên hơn 5 tỉ đô la Mỹ, đưa Grab trở thành công ty khởi nghiệp có giá trị nhất ở khu vực Đông Nam Á.

Grab được thành lập vào năm 2012 và cho đến nay, công ty này đã mở rộng mạng lưới hoạt động ra 65 thành phố ở 7 nước Đông Nam Á gồm Malaysia, Indonesia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Uber đã chi hàng tỉ đô la để mở rộng thị trường hoạt động ra hơn 70 nước nhưng đang vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt với các đối thủ có mối quan hệ địa phương và nguồn lực tài chính dồi dào. Năm ngoái, Uber buộc phải bán mảng kinh doanh ở Trung Quốc cho Didi Chuxing để đổi lấy 20% cổ phần ở công ty này. Hôm 13-7, Uber thông báo sáp nhập chi nhánh của Uber tại Nga vào Yandex.Taxi, công ty kinh doanh dịch vụ gọi xe lớn nhất của Nga.

Các nhà đầu tư ban đầu của Grab bao gồm Quỹ đầu tư mạo hiểm GGV Capital (Mỹ) và Quỹ đầu tư Hillhouse Capital Group (Trung Quốc). Năm 2014, Grab nhận được khoản đầu tư 250 triệu đô la Mỹ từ tập đoàn SoftBank. Năm ngoái, một nhóm đầu tư dẫn đầu là SoftBank tiếp tục rót thêm 750 triệu đô la Mỹ cho Grab.

Cả Grab lẫn Uber đều không tiết lộ lượng người sử dụng ứng dụng gọi xe của họ nhưng theo công ty phân tích ứng dụng di động App Annie (Mỹ), ứng dụng gọi xe của Grab được nhiều khách hàng sử dụng hơn so với ứng dụng của Uber ở nhiều thị trường Đông Nam Á. Ngoài dịch vụ gọi taxi, Grab còn kinh doanh dịch vụ gọi xe ôm.

Trong khi Uber đang gặp rắc rối với các nhà quản lý và các nghiệp đoàn taxi trên toàn cầu, Grab tập trung làm việc chặt chẽ với chính quyền địa phương nơi Grab hoạt động và thậm chí hợp tác với các công ty taxi địa phương.(TBKTSG)

Trở về

Bài cùng chuyên mục