tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 26-04-2017

  • Cập nhật : 26/04/2017

Novaland bỏ ra hơn 1.900 tỷ mua lại Công ty Gia Đức để làm gì?

Công ty Gia Đức đang sở hữu vốn góp tương đương với 19% trong dự án The Sunrise Bay, quy mô 181ha tại Đà Nẵng. Theo Novaland, mục tiêu mua lại công ty này để tiến đến chính thức sở hữu toàn bộ dự án The Sunrise Bay.

phoi canh du an the sunrise bay

Phối cảnh dự án The Sunrise Bay


Ngày 20/4/2017, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Tập đoàn Novaland) đã thông qua quyết định nhận chuyển nhượng phần vốn góp trị giá gần 1.939 tỷ đồng vốn điều lệ tại Công ty TNHH Bất động sản Gia Đức (Công ty Gia Đức).

Điều đáng chú ý là doanh nghiệp mà Novaland mua lại chỉ mới thành lập được 1 năm, đồng thời dư luận cũng như giới địa ốc khá tò mò về thương vụ này khi chủ tịch công ty là một nữ doanh nhân còn rất trẻ, đó là bà Lê Nguyễn Diễm My.

Novaland vừa phát đi thông cáo báo chí, công bố minh bạch về thông tin mua lại Công ty Gia Đức là nằm trong định hướng tiếp tục tăng thêm quỹ đất của HĐQT công ty, trong đó có dự án phức hợp The Sunrise Bay có quy mô 181ha tại thành phố Đà Nẵng. Tập đoàn đang hoàn thiện thủ tục pháp lý để dần sở hữu dự án này.

"Công ty Gia Đức đang sở hữu vốn góp tương đương với 19% trong dự án The Sunrise Bay (tên pháp lý là Khu đô thị quốc tế mới Đa Phước). Mục tiêu của việc mua vốn góp Công ty Gia Đức là tiền đề để Tập đoàn Novaland tiến đến chính thức sở hữu toàn bộ dự án The Sunrise Bay, góp phần hoàn thành kế hoạch kinh doanh của Tập đoàn trong những năm tiếp theo." Thông cáo chi tiết.

Công ty TNHH The Sunrise Bay (tiền thân là Công ty TNHH DAEWON CANTAVIL), hiện là Chủ Đầu tư dự án Khu đô thị mới quốc tế Đa Phước tại địa điểm phường Thuận Phước, phường Thanh Bình, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.

Cũng theo Novaland, trước đây công ty là đơn vị liên kết với Chủ đầu tư để phát triển dự án The Sunrise Bay. Novaland đã và đang tham gia trực tiếp vào việc điều hành, kiểm soát, quản lý toàn bộ việc xây dựng, phát triển và vận hành dự án The Sunrise Bay, bao gồm nhưng không giới hạn từ khâu hoạch định đầu tư, tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết để xây dựng Dự án, quản lý chất lượng thi công công trình của các nhà thầu cho đến giai đoạn hoàn tất Dự án.(CafeF)
-----------------------------------

Không phải căn hộ hay đất nền, phân khúc này đang thu hút mạnh dòng vốn đầu tư tại khu Nam TP.HCM

Theo báo cáo quý I/2017 của CBRE, thị trường BĐS phân khúc nhà phố, biệt thự xây sẵn khá nhộn nhịp với sự ra đời của 5 dự án mới... Tỷ lệ hấp thụ toàn thị trường tăng 14% so với quý IV-2016, cá biệt có những dự án tỷ lệ giao dịch thành công đến 90% chỉ sau một lần mở bán.

Theo sự ghi nhận của các chuyên gia, bắt đầu từ giữa quý IV/2016 đến nay, thị trường đất nền, nhà phố tại TP.HCM tăng trưởng một cách vượt trội cả về số lượng dự án và giá chào bán. Sự chững lại của thị trường căn hộ đã đẩy nguồn đầu tư mạnh mẽ vào phân khúc đất nền, giúp thị trường tiếp tục tăng trưởng dài hạn.

Đặc biệt, khu Nam TP.HCM đang trở thành tâm điểm của giới đầu tư bởi nơi đây đang hình thành nhiều dự án tốt thuộc phân khúc này sau khi căn hộ chung cư bùng nổ mạnh mẽ suốt 2 năm qua. Theo đánh giá của các nhà đầu tư tại một hội thảo về triển vọng thị trường nhà ở TP.HCM năm 2017 mới đây, riêng khu Nam, trong năm 2017, dự kiến số lượng tung ra khá nhiều theo trục đường sẵn có như Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Văn Linh nên năm nay giao dịch căn hộ sôi động nhất sẽ tập trung về khu Nam. Đất nền, nhà phố khu Nam vẫn hấp dẫn với mức tăng giá dự kiến 20-25%.

Theo quan sát, tại khu vực này, nói về số lượng dự án nhà phố, biệt thự thì không nhà đầu tư nào có thể "vượt mặt" được công ty Phú Mỹ Hưng. Thời gian qua, đơn vị này đã liên tục tung ra thị trường 5 dự án thuộc phân khúc này và tốc độ bán hàng ra đâu hết đấy. Nói đến khu Nam cũng không thể bỏ qua đại gia địa ốc Phú Long với dòng sản phẩm biệt thự, nhà phố Dragon City gồm hàng trăm sản phẩm đã được giao dịch thành công trên thị trường trong thời gian qua.

Ngay sau khi quay trở lại thị trường sau hơn 5 năm "kín tiếng" cùng dự án The Kenton Residences, công ty Tài Nguyên cũng đã đưa ra thị trường dự án nhà phố EverGreen tọa lạc tại đường Nguyễn Lương Bằng - trái tim của Phú Mỹ Hưng. Được biết, doanh nghiệp này muốn đẩy thật nhanh dự án này ra thị trường để tận dụng nguồn vốn và lợi nhuận tái đầu tư cho cho dự án Kenton Node (tên mới của The Kenton Residences) nằm cách đó không bao xa.

Ngày 17/4 vừa qua, Công CP đầu tư Nam Long một lần nữa nhận được sự tín nhiệm từ hai nhà đầu tư hàng đầu Nhật Bản là Hankyu Realty và Nishi Nippon Railroad để cùng phát triển dự án thứ tư liên tiếp – Mizuki Park với quy mô hợp tác lên đến 26ha tại đường Nguyễn Văn Linh, quận 7. Dự án gồm 4.676 căn hộ biệt lập Flora, khoảng 170 đất nền, nhà phố và biệt thự Valora.

Theo ghi nhận, những doanh nghiệp có quỹ đất lớn tại các quận/huyện vùng ven, không quá xa trung tâm đang đứng trước nhiều cơ hội tốt khi nhu cầu mua ở hoặc đầu tư ở phân khúc nhà phố, biệt thự tăng nhiệt. Tại khu Nam Sài Gòn, dự kiến ngày 6/5 tới đây, Công ty Kiến Á sẽ tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của dự án Lavila ra thị trường.

Chưa mở bán chính thức nhưng ngay từ sau Tết, sản phẩm tung ra đợt này được khách hàng săn ráo riết với tỷ lệ đặt chỗ hơn 90%. Được biết, giai đoạn 2 của dự án Lavila có tổng diện tích 16,4ha, bao gồm 268 căn biệt thự phố vườn nằm trong khu vực được quy hoạch với nhiều cây xanh, công viên bờ sông rộng 1ha và hồ cảnh quan rộng 4,6ha. Bên cạnh tiềm năng phát triển của hạ tầng giao thông kết nối khu vực Nhà Bè, Nam Sài Gòn, yếu tố giá hợp lý (khoảng 4,5 tỷ đồng/căn có diện tích 188-215m2), không gian sống gần gũi thiên nhiên và tiến độ xây dựng đảm bảo là những lợi thế khiến cho sản phẩm của Lavila có sức hút, gia tăng giá trị.

Theo đánh giá của các chuyên gia, sở dĩ khu Nam Sài Gòn được các nhà đầu tư quan tâm là do cú hích hạ tầng sẽ tạo điều kiện kết nối giao thông thuận lợi của khu vực này đến các khu vực khác. Cụ thể nút giao thông, xây cầu vượt và hầm chui Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh đang triển khai và dự kiến hoàn tất giai đoạn một vào năm sau sẽ giải tỏa ách tắc tại điểm nóng giao thông này. Trong đó, các hạng mục được thi công trong giai đoạn một gồm vòng xoay có đường kính 60m với 2 hầm chui và các nhánh trên đường Nguyễn Văn Linh. Giai đoạn 2 sẽ hoàn chỉnh nút giao, làm thêm 2 cầu vượt, 2 hầm chui, mở rộng đường Nguyễn Hữu Thọ.

Bên cạnh đường Nguyễn Hữu Thọ mở rộng 60m thì tuyến Lê Văn Lương và Huỳnh Tấn Phát cũng tăng lộ giới, lần lượt là 40m, 30m. Giảm tải cho các công trình giao thông hiện tại, thành phố cũng vừa thông tin 6 cây cầu kết nối khu vực Nam Sài Gòn đến các quận khác (cầu Nguyễn Khoái, cầu Rạch Đĩa 1, cầu Thủ Thiêm 4, Cầu Thủ Thiêm 3, cầu Phước Khánh, cầu Bình Khánh) đang trong những bước đầu triển khai. Vì thế giao thông kết nối khu Đông và Nam, 2 hướng chính để phát triển các đô thị vệ tinh của thành phố sẽ thông suốt trong tương lai không xa.

2 cầu Phước Khánh và Bình Khánh hoàn thành sẽ giúp đường cao tốc liên vùng - Vành đai 3 kết nối trục giao thông liên hoàn giữa khu vực miền Tây Nam Bộ qua Nam Sài Gòn nối với khu vực miền Đông Nam Bộ như Nhơn Trạch, Đồng Nai, Vũng Tàu. Từ dự án đến đường cao tốc liên vùng - vành đai 3 chỉ trong khoảng cách chưa đến 10km. Điều này sẽ rất tiện cho cư dân cần đi công tác, du lịch các khu vực trên hay ra đến sân bay quốc tế Long Thành.

Hạ tầng giao thông từng bước hoàn thiện đã tạo thành lực đẩy khiến BĐS phía Nam ngày càng trở nên hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư, đặc biệt là phân khúc biệt thự, liền kề.(cafeF)
---------------------------

ĐHCĐ Petrolimex: Đề án bán cổ phần PJICO cho NĐT chiến lược nước ngoài đang được thực hiện

Phát biểu tại đại hội, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn ông Bùi Ngọc Bảo cho biết năm 2016 các chỉ tiêu hoạt động kinh doanh của Petrolimex đều vượt kế hoạch đại hội đồng cổ đông thông qua.

Sáng nay Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) tổ chức đại hội cổ đông thường niên tại Hà Nội.

Phát biểu tại đại hội, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn ông Bùi Ngọc Bảo cho biết năm 2016 các chỉ tiêu hoạt động kinh doanh của Petrolimex đều vượt kế hoạch đại hội đồng cổ đông thông qua.

Tổng sản lượng xăng dầu bán là 11.442 nghìn m3/tấn, vượt 5,3% kế hoạch năm và tăng 7,3% so với thực hiện năm 2015; doanh thu thuần hợp nhất đạt 123.096 tỷ đồng, giảm 16% do giá xăng dầu giảm tuy nhiên lợi nhuận trước thuế hợp nhất tập đoàn đạt 6.300 tỷ, vượt 59% kế hoạch năm, tăng 68% so với thực hiện năm 2015, đạt mức cao nhất kể từ khi hoạt động. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất toàn Tập đoàn đạt 5.147 tỷ đồng, lãi cơ bản trên một cổ phiếu đạt 4.254 đồng.

Tập đoàn đủ nguồn lực để chi trả cổ tức cho cổ đông cao hơn nhiều so với mức dự kiến kế hoạch là 8%. Tập đoàn dự kiến chi cổ tức năm 2016 tỷ lệ 32,24% bằng tiền mặt.

Năm 2016, Tập đoàn đã phát hành thành công 8% cổ phần cho cổ đông chiến lược Nhật Bản JX Nippon Oil & Energy, nâng cao năng lực tài chính của Tập đoàn qua đó giảm được đáng kể chi phí tài chính.

Định hướng 2017, HĐQT tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng quản trị của tập đoàn, duy trì được sự ổn định và bền vững, nâng cao hiệu quả kinh doanh, dự kiến mức chia cổ tức 2017 là 12%; Triển khai tái cấu trúc theo đề án tái cấu trúc của tập đoàn, có phương án tái cơ cấu từng bước các công ty con, tiết giảm chi phí theo định hướng tái cấu trúc của Chính phủ; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, triển khai xây dựng phương án thoái vốn, lựa chọn cách thức thoái vốn tối ưu trên cơ sở các yếu tố pháp lý.

Ngày 21/4/2017, Tập đoàn đã niêm yết cổ phiếu PLX trên sàn chứng khoán Tp.HCM.

Đánh giá tình hình năm 2017, Tổng giám đốc Tập đoàn ông Trần Văn Thịnh phát biểu tại đại hội cho biết dự báo giá dầu thô thế giới dự kiến sẽ ở mức bình quân 55 USD/thùng, hoạt động kinh doanh xăng dầu tiếp tục được hỗ trợ bởi các yếu tố thuận lợi như Liên bộ tiếp tục điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến thị trường thế giới, kinh tế trong nước được dự báo sẽ duy trì ổn định. Bên cạnh đó, năm 2017 hoạt động SXKD của Tập đoàn cũng chịu tác động từ các yếu tố bất lợi như thị trường xăng dầu ngày càng cạnh tranh quyết liệt, một số khách hàng công nghiệp thực hiện chuyển đổi nhiên liệu từ sử dụng mazut sang sử dụng gas hoặc nhiên liệu thay thế để giảm giá thành, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn sẽ cung cấp sản phẩm thương mại từ quý 3/2017…

Do đó, Ban điều hành Tập đoàn đặt ra một số chỉ tiêu kinh doanh như sau: sản lượng xăng dầu xuất bán 11,82 triệu m3, tăng 3,3% năm trước, doanh thu hợp nhất đặt kế hoạch 143.208 tỷ đồng, tăng 16,3% so với thực hiện năm trước, lợi nhuận hợp nhất trước thuế 4.680 tỷ đồng, chia cổ tức tối thiểu 12%. Tổng giá trị đầu tư năm 2017 đặt ra ở mức 1.449 tỷ đồng, tăng 38%.

Báo cáo của Ban kiểm soát cho biết đề án bán cổ phần PJICO cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài đang được thực hiện, hiện PJICO đang chuẩn bị tổ chức ĐHCĐ bất thường và thường niên để giải quyết các thủ tục cần thiết theo quy định.(NDH)
----------------------------

Tạm dừng bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay trong và ngoài nước

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình quản lý nợ trung hạn giai đoạn 2016-2018 với mục tiêu nợ công (bao gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương) không quá 65% GDP, trong đó dư nợ Chính phủ không quá 54% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP.

Chương trình đặt mục tiêu cụ thể vay trong và ngoài nước để bù đắp bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) theo hướng giảm dần, trong đó bội chi NSNN năm 2016 là 5,4% GDP, bội chi ngân sách trung ương năm 2017 khoảng 3,38% GDP và bội chi ngân sách trung ương năm 2018 là 3,3% GDP.

Quyết định nêu rõ huy động vốn vay của Chính phủ cho bù đắp bội chi NSNN khoảng 606.400 tỉ đồng, trong đó năm 2016 khoảng 247.200 tỉ đồng, năm 2017 khoảng 172.300 tỉ đồng và năm 2018 khoảng 186.900 tỉ đồng. Vay để trả nợ gốc ngân sách trung ương khoảng 414.400 tỉ đồng, trong đó năm 2016 là 132.400 tỉ đồng, năm 2017 khoảng 144.000 tỉ đồng và năm 2018 là 138.000 tỉ đồng. Vay về cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ khoảng 118.400 tỉ đồng, trong đó năm 2016 khoảng 32.000 tỉ đồng, năm 2017 khoảng 42.400 tỉ đồng và năm 2018 khoảng 44.000 tỉ đồng.

Hạn mức vay thương mại nước ngoài của các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng sẽ theo hình thức tự vay, tự trả Ảnh: Tấn Thạnh

Về bảo lãnh Chính phủ, thực hiện Nghị quyết số 25/2016 của Quốc hội phê duyệt kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020, cắt giảm mạnh bảo lãnh Chính phủ theo hướng: Đối với phát hành trái phiếu của Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách Xã hội, khống chế hạn mức bảo lãnh phát hành trái phiếu tối đa bằng nghĩa vụ trả nợ gốc hằng năm để ổn định dư nợ. Đối với các khoản vay nước ngoài đã được cấp bảo lãnh Chính phủ và đang giải ngân, thực hiện khống chế hạn mức rút vốn ròng hằng năm là 1 tỉ USD/năm.

Đáng chú ý, Chính phủ quyết định tạm dừng toàn bộ việc cấp mới bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay trong và ngoài nước. Về vay nợ chính quyền địa phương, khống chế hạn mức bội chi và nợ của chính quyền địa phương theo quy định của Luật NSNN năm 2015, theo đó bội chi ngân sách địa phương năm 2017 khoảng 6.000 tỉ đồng, năm 2018 khoảng 11.100 tỉ đồng.

Đặc biệt, hạn mức vay thương mại nước ngoài (vay ròng) của các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng theo hình thức tự vay, tự trả tối đa khoảng 5,5 tỉ USD/năm. Tiếp tục kiểm soát chặt mức dư nợ nước ngoài ngắn hạn của quốc gia, tốc độ tăng hằng năm tối đa 8%-10%/năm.(NLĐ)

Trở về

Bài cùng chuyên mục