tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 16-08-2017

  • Cập nhật : 16/08/2017

Trung Quốc “khát” thịt bò, Nhật thấy lo

Nhu cầu tiêu thụ thịt bò ngày càng tăng của Trung Quốc đang gây ảnh hưởng toàn cầu. Trong khi các công ty xuất khẩu thịt bò Brazil và Mỹ xem đây là cơ hội “vàng”, thì các nhà nhập khẩu thịt bò ở Nhật Bản và Đông Nam Á lại lo ngại mức giá sẽ bị đẩy lên cao.

Theo tờ báo Nhật Nikkei, thu nhập gia tăng là nguyên nhân chính phía sau việc người Trung Quốc tiêu thụ ngày càng nhiều thịt bò, loại thịt có mức giá cao hơn thịt lợn.

Tốc độ tăng trưởng nhu cầu thịt bò của Trung Quốc hiện cao đến nỗi các nhà sản xuất trong nước không thể đáp ứng. Bởi vậy, Bắc Kinh đã giải quyết bằng cách dỡ lệnh cấm nhập khẩu thịt bò từ Brazil và Mỹ.

Trung Quốc nối lại nhập khẩu thịt bò Brazil, quốc gia xuất khẩu thịt bò lớn thứ nhì thế giới, vào năm 2015 sau khi dừng nhập mấy năm trước đó do lo ngại bệnh bò điên. Hồi giữa tháng 6 năm nay, Trung Quốc chấm dứt lệnh cấm nhập kéo dài 14 năm, cũng vì lý do bệnh bò điên, đối với thịt bò Mỹ - quốc gia xuất khẩu thịt bò lớn thứ tư thế giới.

Trong bối cảnh như vậy, các công ty nhập khẩu thịt bò ở Nhật Bản và nhiều quốc gia khác trong khu vực lo ngại giá thịt bò sẽ bị đẩy lên cao.

“Khi các nhà nhập khẩu Trung Quốc mua nhiều thịt bò Mỹ hơn, thì giá sẽ bị đẩy lên. Họ sẽ mua với khối lượng lớn để phục vụ cho các nhà hàng lẩu”, đại diện một công ty bán buôn thịt bò hàng đầu ở Nhật phát biểu.

Thịt lườn bò có nhiều mỡ rất được ưa chuộng ở Trung Quốc, vì phần chất béo có thể được dễ dàng tách ra khỏi thịt khi nấu trong nồi lầu. Loại thịt bò này cũng được ưa chuộng ở Nhật Bản, và thường được sử dụng trong các nhà hàng lầu băng chuyền.

Từ trước đến nay, Trung Quốc chưa bao giờ “khát” thịt bò như bây giờ. Chính phủ nước này dự báo tiêu thụ thịt bò trong nước sẽ đạt mức 7,9 triệu tấn trong năm 2017, tăng 6% so với năm 2015, trong khi sản lượng thịt bò trong nước được dự báo chỉ tăng 5%, đạt mức 7,32 triệu tấn. Như vậy, Trung Quốc sẽ phải nhập khẩu khoảng 590.000 tấn thịt bò trong năm nay.

Cũng theo báo cáo của Chính phủ Trung Quốc, đến năm 2025, tiêu thụ thịt bò của nước này sẽ tăng 21% so với năm 2017, đạt mức 9,54 triệu tấn. Sản lượng thịt bò trong nước sẽ tăng 16%, trong khi lượng nhập khẩu sẽ đạt 1,05 triệu tấn.

Hãng đồ ăn nhanh McDonald’s của Mỹ đang có kế hoạch tăng số cửa hàng tại Trung Quốc lên 4.500 từ mức 2.500 hiện nay. Sự mở rộng này của McDonald’s có thể sẽ đẩy nhu cầu tiêu thụ thịt bò tại Trung Quốc tăng mạnh hơn.(Vneconomy)
-----------------------

SCIC gửi ngân hàng gần 30.000 tỉ đồng lấy lãi

Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa công bố báo cáo tài chính 2016 hợp nhất, trong đó lợi nhuận trước thuế đạt 8.097 tỉ đồng, giảm 6,7% so với năm trước đó.

Tổng tài sản trong năm 2016 đạt 66.000 tỉ đồng, giảm hơn 7.300 tỉ đồng so với đầu năm. Chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản là các khoản đầu tư ngắn hạn với 38.300 tỉ đồng và đầu tư tài chính dài hạn với 27.600 tỉ đồng.

Trong danh mục đầu tư tài chính, tiền gửi ngân hàng của SCIC và của Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp đã chiếm gần 30.000 tỉ đồng, chiếm gần một nửa tổng tài sản của SCIC.

Trong năm 2016, SCIC đạt tổng doanh thu 10.530 tỉ đồng, trong đó doanh thu từ cổ tức và lợi nhuận được chia hơn 4.470 tỉ đồng, doanh thu từ bán các khoản đầu tư đạt 4.860 tỉ đồng, doanh thu lãi tiền gửi và lãi đầu tư trái phiếu tín phiếu là 1.187 tỉ đồng.(Thanhnien)
---------------------------

Google trả Apple hàng tỷ USD để lên iPhone

Theo hãng tin CNBC, thông tin trên được hãng nghiên cứu Bernstein đưa ra trong một báo cáo gửi các nhà đầu tư vào ngày 14/8.

Báo cáo này cho rằng Google sẽ phải trả Apple khoảng 3 tỷ USD trong năm nay, từ mức chỉ 1 tỷ USD cách đây 3 năm. Cũng theo báo cáo, phí cấp phép cho Google đóng góp một phần lớn trong doanh thu mảng dịch vụ của “quả táo”.

Apple luôn tự hào rằng mảng dịch vụ của công ty đang tăng trưởng với tốc độ nhanh chóng. Hãng từng nhấn mạnh kỳ vọng rằng riêng mảng này sẽ sớm đạt quy mô lớn như một doanh nghiệp trong danh sách Fortune 500.

“Các tài liệu từ tòa án cho thấy Google đã trả cho Apple 1 tỷ USD trong năm 2014. Chúng tôi ước tính rằng tổng số tiền mà Google trả cho Apple trong năm tài khóa 2017 có thể lên tới gần 3 tỷ USD”, nhà phân tích A.M. Sacconaghi Jr. của Bernstein cho biết.

“Số tiền mà Google trả cho Apple có thể tương đương 5% tổng lợi nhuận hoạt động của Apple trong năm nay, và có thể tương đương 25% tổng tăng trưởng lợi nhuận hoạt động của Apple trong hai năm qua”, nhà phân tích nói.

Theo ông Saccconaghi, Google có thể quyết định dừng trả phí cấp phép cho Apple, nếu cảm thấy đủ tự tin rằng công cụ tìm kiếm của mình phổ biến đến nỗi “quả táo” sẽ không đưa thêm bất kỳ công cụ tìm kiếm mặc định nào khác vào iPhone.

Nhưng mặt khác, ông Sacconaghi nói rằng các thiết bị iOS của Apple đóng góp khoảng 50% doanh thu tìm kiếm di động của Google, đồng nghĩa với việc Google có thể rất lo sợ nếu không giữ được thỏa thuận cấp phép này với Apple.

Như vậy, có thể thấy rằng đây là một thỏa thuận đôi bên cùng có lợi cho cả “quả táo” và “gã khổng lồ” tìm kiếm.(Vneconomy)
-------------------------

Hà Lan thiệt hại hàng trăm triệu USD từ vụ bê bối trứng bẩn

Các nhà buôn và bán lẻ Hà Lan hôm 14.8 ước tính chi phí thiệt hại phát sinh từ vụ bê bối trứng bẩn bị nhiễm hóa chất diệt côn trùng Fipronil đã lên đến hàng trăm triệu euro.

hang trieu qua trung nhiem chat diet sau bo fipronil o chau au da bi dem di tieu huy anh: reuters

Hàng triệu quả trứng nhiễm chất diệt sâu bọ Fipronil ở châu Âu đã bị đem đi tiêu hủy ẢNH: REUTERS

Theo AFP, ông Mark de Jong, người phát ngôn của liên đoàn ZLTO đại diện cho nông dân miền nam Hà Lan, cho biết tính đến nay vụ bê bối trứng nhiễm độc đã làm thiệt hại “ít nhất 150 triệu euro”, tương đương khoảng 176 triệu USD. Con số này liệu có tăng lên hay không còn phụ thuộc vào mức độ giải quyết vấn đề nhanh chóng từ phía các nhà chức trách. Tuy nhiên, các chuyên gia dự đoán mức thiệt hại sẽ không dừng lại trong thời gian tới.

“Chúng tôi đã phải thu hồi trứng trong 4.000 siêu thị và hàng triệu quả trứng đã phải đem đi tiêu hủy. Thiệt hại tính riêng cho các chuỗi siêu thị đã lên đến hàng chục triệu euro, trong đó có những siêu thị thuộc các tập đoàn lớn như Albert Heijin, Aldi, Lidl và Jumbo. Chúng tôi đang làm mọi thứ để có thể khôi phục lại lòng tin của người tiêu dùng”, ông Rene Roorda, Giám đốc liên hiệp CBL của các nhà bán lẻ, nói với hãng tin quốc gia Hà Lan ANP.

Trong khi những quả trứng không bị nhiễm độc đã trở lại trên kệ ở nhiều cửa hàng trên khắp đất nước, nhưng nông dân Hà Lan nói với AFP rằng họ vẫn đang phải đối mặt với những hệ lụy gây ra từ lượng trứng có chứa chất diệt côn trùng Fipronil.

“Tại thời điểm này chúng tôi vẫn đang xử lý những quả trứng nhiễm độc, hi vọng cuối cùng chúng tôi sẽ thoát khỏi Fipronil”, Iris Odink-Schrijver, thủ quỹ Hiệp hội các nhà chăn nuôi gia cầm Hà Lan, nói.

Vụ bê bối trứng bị nhiễm Fipronil bắt nguồn từ Hà Lan sau đó lan sang các nước châu Âu. Hiện đã có 16 nước châu Âu thông báo tìm thấy trứng bị nhiễm độc. Thậm chí, lượng trứng “bẩn” này còn được ghi nhận đã xuất hiện ở Hồng Kông. Hôm 14.8, Áo đã trở thành nước châu Âu mới nhất khẳng định đã tìm thấy Fipronil trong các sản phẩm trứng nhập khẩu từ Đức, Hà Lan, Bỉ và Ba Lan.

Được biết, hệ thống cảnh báo an toàn thực phẩm của Liên minh châu Âu (EU) đã thông báo về sự hiện diện của trứng nhiễm độc từ hôm 20.7. Tuy nhiên, phát hiện này đã không được công khai cho đến ngày 1.8. Việc xác định thời gian chính xác các quan chức biết về vấn đề này đã làm dấy lên làn sóng căng thẳng giữa ba nước ở trung tâm cuộc khủng hoảng là Bỉ, Hà Lan và Đức.

Fipronil là một loại hóa chất thường được sử dụng để diệt bọ chét, chí và ve trên động vật. Chất này đã bị EU cấm sử dụng trong ngành công nghiệp thực phẩm vì theo Tổ chức Y tế Thế giới nó có thể gây hại cho thận, gan và tuyến giáp nếu ăn phải với số lượng lớn. Hàng triệu quả trứng đã bị tiêu hủy và hàng chục trang trại gia cầm bị đóng cửa trên khắp châu Âu kể từ khi vụ bê bối diễn ra.

Theo AFP, hiện các nhà điều tra Hà Lan đã bắt giữ hai người đàn ông 31 tuổi và 24 tuổi có liên quan đến vấn đề trên. Cả hai được cho là chủ sở hữu của Chickfriend, một công ty có trụ sở tại miền trung Hà Lan thường được nông dân thuê để diệt rận ký sinh trùng. “Hai đối tượng trên sẽ xuất hiện trong một phiên điều trần khép kín trước khi tòa án đưa ra phán quyết sau cùng về việc giam giữ”, Marieke van derMolen, phát ngôn viên cơ quan công tố Hà Lan, cho hay.(Thanhnien)

Trở về

Bài cùng chuyên mục