tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 21-08-2018

  • Cập nhật : 21/08/2018

Điều gì sẽ xảy ra nếu các nước vùng Vịnh ngoảnh mặt với đồng USD?

Nhà kinh tế học Jawad cho rằng nếu các nước vùng Vịnh tạo ra một loại tiền tệ duy nhất, đồng USD của Mỹ sẽ phải run sợ.

Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc và Iran đang tìm cách “thoát li” đồng USD và thúc đẩy thương mại song phương sử dụng tiền tệ quốc gia của họ trong bối cảnh Mỹ không ngừng gia tăng cấm vận và dựng lên các hàng rào thuế quan.

viec thoat li khoi dong usd co phai la giai phap cuu roi nen kinh te cua tho nhi ky? anh minh hoa: reuters.

Việc thoát li khỏi đồng USD có phải là giải pháp cứu rỗi nền kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ? Ảnh minh họa: Reuters.

Vùng Vịnh sẽ có đồng tiền chung thay thế đồng USD?

“Rất khó để có thể một mình thoát li khỏi đồng USD, nhưng nếu các nước vùng Vịnh cùng nhau quyết tâm làm điều này, nếu họ giới thiệu được một loại tiền tệ duy nhất thì điều này sẽ có tác động lớn và đẩy nhanh tiến độ thoát li khỏi đồng USD”, nhà kinh tế học người Ai Cập Muhammed Abdel Jawad nói với tờ Sputnik tiếng Arab.

Ông Jawad thậm chí còn cho rằng “điều này sẽ biến các quốc gia vùng Vịnh thành ‘đầu tàu’ kinh tế của toàn cầu”.

Theo ông Jawad, có nhiều điểm tương đồng giữa Liên minh châu Âu (EU) và các nước thuộc vùng Vịnh Ba Tư. Hơn thế nữa, các nước vùng Vịnh còn có tiềm năng vượt trội so với EU bởi đây là khu vực có trữ lượng dầu và khí đốt khổng lồ.

“Nếu các nước vùng Vịnh tạo ra một loại tiền tệ duy nhất, đồng USD của Mỹ sẽ phải run sợ”, ông Jawad nhận xét.

Quá trình thoát li đồng USD đã được khởi động trên toàn cầu sau khi Mỹ liên tục tung đòn trừng phạt kinh tế với những nước họ coi là đối thủ hoặc thậm chí là chính với đồng minh của Washington. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan thông báo rằng Ankara sẽ chuyển sang sử dụng đồng nội tệ lira để thanh toán quốc tế. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh giá trị của đồng tiền của Thổ Nhĩ Kỳ “rơi tự do” và căng thẳng leo thang giữa Ankara và Washington.

Trước đó, Trung Quốc, Ấn Độ, Iran và Nga cũng đã bắt đầu sử dụng tiền tệ quốc gia trong thương mại năng lượng song phương. Câu hỏi đặt ra là liệu các quốc gia vùng Vịnh Ba Tư, các nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới có làm như vậy?

Theo ông Abdel Aziz al-Arayar, một thành viên Ủy ban Cố vấn của Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh, không cần thiết để các nước vùng Vịnh từ bỏ đồng USD.

“Tôi không thấy các nước vùng Vịnh Ba Tư cần thiết phải chuyển sang sử dụng tiền tệ của họ. Đồng rial, dinar hay dirham đều là những đồng tiền rất mạnh. Không quan trọng đồng tiền ấy có tên gọi là gì. Điều quan trọng là mọi người đều nhận ra nó và đồng tiền ấy được hậu thuẫn bởi một nền kinh tế mạnh”, ông al-Arayar nói với Sputnik.

Nhà kinh tế học này cũng cho rằng cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ là do dòng đầu tư gây ra. Cụ thể, nền kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ được xây dựng dựa trên dòng vốn đầu tư nước ngoài. Al-Arayar giải thích thêm, tình hình tương tự từng xảy ra ở Malaysia trong những năm 1990.

Ông al-Arayar tin rằng việc thoát li khỏi đồng USD sẽ không phải là giải pháp cứu rỗi nền kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ “tự tin” trong cuộc đối đầu căng thẳng với Mỹ VOV.VN - Có nhiều lý do để Thổ Nhĩ Kỳ “tự tin” tuyên bố sẵn sàng đáp trả các lệnh trừng phạt mới của Mỹ vì vụ Ankara bắt mục sư Mỹ Andrew Brunson.

“Điều cần thiết là phải hồi sinh niềm tin vào nền kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ. Việc đa dạng hóa nền kinh tế là điều tối quan trọng vì người ta không thể chỉ dựa vào các nhà đầu tư nước ngoài. Tiền chỉ chảy vào một số lĩnh vực mà hiện không phải cấp thiết với Thổ Nhĩ Kỳ, ví dụ như bất động sản và cơ sở hạ tầng. Tất cả điều này không mang lại hiệu quả như mong muốn”, al-Arayar nhận định.

Làn sóng thoát li?

Ngày 26/3, Trung Quốc đã bắn phát súng hiệu cho việc thoát li khỏi đồng USD trong giao dịch dầu bằng tuyên bố sẽ niêm yết các hợp đồng dầu thô định giá bằng đồng nhân dân tệ trên Sàn giao dịch năng lượng quốc tế Thượng Hải (INE).

Hồi tháng 4/2018, trong bối cảnh bị Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa rút khỏi Kế hoạch Hành động Toàn diện chung (JCPOA), thường được biết đến với tên gọi thỏa thuận hạt nhân Iran, Tehran đã quyết định không sử dụng đồng USD và chuyển tất cả các khoản thanh toán quốc tế sang đồng euro.

Ấn Độ hiện đang tiến hành các hoạt động thương mại năng lượng với Iran bằng đồng euro. Ngoài ra, New Delhi cũng đã đề xuất với Iran – một trong những nhà cung cấp năng lượng quan trọng nhất của nước này để trả các khoản thanh toán bằng đồng rupi.

Quay trở lại trường hợp của Thổ Nhĩ Kỳ, nước này thực tế từ lâu đã tính toán đến kế hoạch từ bỏ đồng USD và bây giờ rất có thể Ankara sẽ biến lời nói thành hành động với mục đích cứu đồng nội tệ của nước này. Vào hôm 10/8 vừa qua, giá trị đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã rơi xuống mức thấp kỷ lục, giảm 18%.

Hiện tại, Nga hoàn toàn có thể chuyển sang sử dụng tiền tệ quốc gia trong thương mại với Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Việc các ông lớn hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất dầu mỏ bỏ rơi đồng USD có thể có khả năng thúc đẩy xu hướng bài đồng USD toàn cầu.

Vào ngày 14/8 vừa qua, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã nhấn mạnh rằng, Nga hỗ trợ thương mại phi USD với Thổ Nhĩ Kỳ.

“Việc sử dụng tiền tệ quốc gia cho thương mại song phương là một trong những nhiệm vụ mà Tổng thống Nga và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã đặt ra trong nhiều năm”, ông Lavrov đồng thời cho biết, “các quá trình tương tự” đang diễn ra trong mối quan hệ thương mại của Nga với Iran và Trung Quốc.

“Tôi tin rằng sự lạm dụng nghiêm trọng vai trò của đồng USD như đồng tiền dự trự toàn cầu sẽ dẫn đến kết cục là đồng tiền này bị suy yếu và đánh mất vai trò của nó”, Ngoại trưởng Nga Lavrov chỉ ra.(VOV)
-------------------------

Vì sao cổ phiếu công nghệ Trung Quốc bị bán tháo?

Thời gian gần đây, cổ phiếu các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc bị giới đầu tư bán tháo ồ ạt, khiến giá trị vốn hóa của các công ty này "bốc hơi" chóng mặt. Đâu là lý do phía sau sự bán tháo này?

Theo hãng tin CNN, từ đầu năm đến nay, cổ phiếu của các hãng công nghệ Trung Quốc đi ngược chiều với đà tăng mạnh mẽ của cổ phiếu các công ty công nghệ Mỹ. Trong khi cổ phiếu các công ty công nghệ thuộc chỉ số Dow Jones của thị trường chứng khoán Phố Wall đã tăng hơn 25% từ đầu năm, một chỉ số đo giá cổ phiếu các hãng công nghệ Trung Quốc giảm 12%.

Thứ nhất, một số nhà phân tích thị trường cho rằng trước đây, nhiều nhà đầu tư đã phớt lờ những cảnh báo cho rằng mức giá cổ phiếu của các hãng công nghệ Trung Quốc đã trở nên quá cao so với lợi nhuận mà các công ty này có thể đạt được. Giờ đây, khi nhận thức được điều này, giới đầu tư bán vội cổ phiếu các công ty công nghệ Trung Quốc.

Tuần trước, các cổ phiếu công nghệ Trung Quốc hứng một đòn mạnh khi "đại gia" Tencent - công ty truyền thông xã hội và trò chơi trực tuyến - khiến giới đầu tư sửng sốt vì lợi nhuận bất ngờ giảm lần đầu tiên sau ít nhất 1 thập kỷ. Theo Tencent, những khó khăn mà công ty gặp phải trong mảng kinh doanh trò chơi tại Trung Quốc đã dẫn tới kết quả đáng thất vọng này.

"Khi lợi nhuận bắt đầu giảm, thay vì tăng mãi, nhà đầu tư không thể tiếp tục chấp nhận mức giá cổ phiếu cao như hiện tại", ôn Mohammed Apabhai, trưởng bộ phận chiến lược giao dịch thị trường châu Á của Citigroup, nhận định.

Cuối năm ngoái, Tencent đã vượt mạng xã hội Facebook về giá trị vốn hóa thị trường. Tuy nhiên, từ tháng 1 đến nay, giá trị vốn hóa của Tencent đã mất khoảng 160 tỷ USD.

Giá cổ phiếu Baidu, công cụ tìm kiếm trực tuyến lớn nhất Trung Quốc, cũng sụt giảm do một cuộc điều chỉnh nhân sự lãnh đạo bất ngờ và những đồn đoán cho rằng Google có thể sắp đưa một công cụ tìm kiếm có kiểm duyệt vào Trung Quốc.

Thứ hai, nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc và cuộc chiến tranh thương mại giữa nước này với Mỹ cũng gây sức ép lên thị trường chứng khoán Trung Quốc. Thời gian qua, những thông tin về cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung leo thang và những dữ liệu kinh tế kém tươi sáng của Trung Quốc đã khiến thị trường chứng khoán nước này có nhiều phiên giảm mạnh, và các cổ phiếu công nghệ cũng không phải là ngoại lệ.

"Có một số trở ngại đối với nền kinh tế Trung Quốc hiện nay, và tất cả các công ty niêm yết đều phải chịu ảnh hưởng, cho dù đó là Alibaba hay Tencent" - ông Colin Gillis, Giám đốc nghiên cứu thuộc Chatham Road Partners, nhận định.

Trong xung đột thương mại giữa Bắc Kinh với Washington, chiến lược phát triển các ngành công nghệ cao của Trung Quốc là một nguồn căng thẳng. Mỹ lo ngại rằng những bước tiến công nghệ nhanh chóng của Trung Quốc sẽ giúp nước này đến một thời điểm nào đó chiếm lĩnh thế thống lĩnh của nền công nghệ Mỹ trên thế giới, nên tìm cách kiềm chế. Bởi vậy, các công ty công nghệ Trung Quốc dễ dàng trở thành nạn nhân trong cuộc chiến thương mại song phương giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Không chỉ cổ phiếu các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc sụt giảm, mà cổ phiếu các công ty công nghệ nước này mới lên sàn cũng bị bán mạnh.

Đầu năm nay, giới phân tích dự báo hãng sản xuất điện thoại thông minh (smartphone) Xiaomi sẽ huy động được 10 tỷ USD trong cuộc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Tuy nhiên, cuối cùng, Xiaomi chỉ huy động được chưa đầy một nửa số vốn kỳ vọng. Thậm chí, giá cổ phiếu Xiaomi niêm yết tại thị trường Hồng Kông hiện còn đang thấp hơn cả giá IPO.

Giám đốc điều hành (CEO) Xiaomi đổ lỗi cho cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung là nguyên nhân khiến các điều kiện thị trường xấu đi cho việc công ty lên sàn.

Vào cuối năm ngoái, giá cổ phiếu công ty sách điện tử Trung Quốc China Literature tăng tới 100% trong ngày đầu giao dịch. Nhưng kể từ đó, giá cổ phiếu China Literature đã giảm khoảng một nửa, và về ngưỡng thấp hơn 10% so với giá IPO vào tuần trước.

Theo số liệu của xếp hạng tỷ phú Bloomberg Billionaires Index, từ đầu năm đến nay, tổng giá trị tài sản ròng của 8 tỷ phú công nghệ Trung Quốc thuộc danh sách này đã giảm gần 34 tỷ USD, lớn hơn cả tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Latvia.(Vneconomy)
-----------------------------

Quan ngại chính sách thuế của Tổng thống Trump sẽ gây tổn hại nền kinh tế Mỹ

Các nhà kinh tế doanh nghiệp đang hết sức quan ngại rằng cuộc chiến thương mại xuất phát từ chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ làm tổn hại đến chính nền kinh tế nước này.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP/ TTXVN

Kết quả thăm dò của Hiệp hội quốc gia các nhà kinh tế doanh nghiệp Mỹ (NABE) công bố ngày 20/8 cho thấy các chuyên gia đang bị chia rẽ về chính sách cắt giảm thuế công ty, song đều nhất trí rằng quốc hội nước này cần tìm cách thu hẹp thâm hụt ngân sách.

Phó Chủ tịch NABE, ông Kevin Swift nêu rõ hơn 90% trong số 251 các nhà kinh tế được thăm dò cho rằng các nguy cơ từ thuế quan đều gây ra những hậu quả tiêu cực. Hiệp hội cũng đánh giá kết quả tương tự khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA).

Theo cuộc thăm dò, đa số những người được hỏi đều ủng hộ chính sách giảm thuế cho các công ty, trong khi có rất ít người tán thành sự thay đổi chính sách cho các cá nhân, vốn bị đảng Dân chủ chỉ trích là sẽ làm lợi cho người giàu. Hơn 80% tin rằng chính sách tài chính hiện này sẽ làm tăng thâm hụt ngân sách và mong muốn quốc hội tìm cách ngăn tình trạng này.

Bên cạnh đó, khoảng 60% những người được hỏi cho rằng chính sách kinh tế cần chú trọng hơn nữa vào công tác chống biến đổi khí hậu. Ước tính 74% tin rằng chính sách kinh tế nên tăng cường việc chống bất bình đẳng thu nhập. Tỷ lệ ủng hộ việc nâng cao đào tạo để tăng năng suất lao động và thúc đẩy việc đánh thuế lũy tiến lần lượt là 47% và 33%.

Trước đó, Bộ Thương mại Mỹ ngày 3/8 công bố báo cáo cho biết trong tháng 6/2018, thâm hụt thương mại của Mỹ tăng 7,3%, tương ứng 3,2 tỷ USD, lên 46,3 tỷ USD.

Đây cũng là mức thâm hụt thương mại trong tháng lớn nhất mà nền kinh tế số 1 thế giới gánh chịu kể từ tháng 11/2016, bất chấp việc chính quyền Tổng thống Donald Trump đã áp dụng chính sách tăng thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu của một số nước nhằm giảm con số này. Những con số thực tế nêu trên đã phản ánh rõ chính sách thương mại mà chính quyền Mỹ theo đuổi là không hiệu quả.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc Mỹ gánh chịu mức thâm hụt thương mại kéo dài nhiều năm là một thực tế không thể thay đổi bằng chính sách của nền kinh tế Mỹ, đó là mức tiêu thụ của người dân Mỹ lớn hơn lượng hàng hóa được sản xuất và hàng hóa nhập khẩu bù đắp vào chỗ thiếu hụt đó.(Bnews)

Trở về

Bài cùng chuyên mục