tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 21-08-2018

  • Cập nhật : 21/08/2018

Xuất khẩu gạo của Việt Nam khởi sắc trở lại

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tính đến cuối tháng 7/2018, các doanh nghiệp đã đăng ký hợp đồng xuất khẩu gần 5 triệu tấn gạo, tăng 14,28% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trung Quốc tiếp tục đứng vị trí thứ nhất nhập khẩu gạo của Việt Nam với 26,8% thị phần. Tiếp theo là Indonesia với 18,2% thị phần, Philippines với thị phần 10,4%.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, có được kết quả trên, ngoài sự tác động tích cực từ thị trường tiêu thụ ở Trung Quốc, thì nhiều doanh nghiệp Việt đã liên kết tạo nên các vùng nguyên liệu đa dạng cung cấp cho nhiều phân khúc xuất khẩu gạo.

Cụ thể, vụ lúa hè thu 2018, nông dân ĐBSCL đã chuyển đổi trồng các giống lúa thơm cho giá trị cao như, nhóm lúa thơm (Jasmine 85, Nàng Hoa 9, VD 20, ST, RVT...) chiếm tỷ lệ 22,41%; nhóm chất lượng cao chiếm trên 45%.

Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) dự báo, xuất khẩu gạo Việt Nam trong những tháng còn lại của năm 2018 có dấu hiệu tích cực từ thị trường Philippines, với nhu cầu nhập khẩu thêm 500.000 tấn gạo vào tháng 12/2018. Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ sẽ có khả năng cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh như Việt Nam hay Thái Lan do Chính phủ Ấn Độ vừa công bố nâng giá mua gạo từ nông dân tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái, bắt đầu từ vụ mùa hiện tại.

Cùng với đó, nhu cầu nhập khẩu của Iraq trong các tháng tiếp theo sẽ tăng do Iraq đang phải cắt giảm diện tích canh tác lúa để đối phó với tình trạng thiếu nước. Ngoài ra, các nước châu Phi vẫn có nhu cầu nhập khẩu gạo tăng để đáp ứng nhu cầu trong nước ngày càng cao.(VOV)
-----------------------

1 tỷ USD được cam kết rót vào Bình Phước

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự hội nghị xúc tiến đầu tư Bình Phước sáng 20/8. "Tôi đã cảm nhận được niềm tin về sinh khí mới của tỉnh sau hơn 20 năm tái lập", Thủ tướng nói và cho biết ông thấy được những quyết tâm hành động, những dự án đầu tư lớn, những kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng của tỉnh.

Theo đó, Thủ tướng chúc mừng tỉnh Bình Phước trao Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các nhà đầu tư tổng vốn trên 1 tỷ USD, tức hơn 23.000 tỷ đồng. 

Theo Thủ tướng, Bình Phước cũng đang có những điều kiện, lợi thế như Bình Dương từng có. Ví dụ yếu tố địa chiến lược của Bình Dương với vị trí nằm sát TP. Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế của cả nước, thì ngày nay Bình Phước đang nằm cạnh Bình Dương, là một trong những đầu tàu kinh tế của cả nước, và tỉnh Đồng Nai, với dân số lớn thứ hai của Nam Bộ và đang khẳng định mình là một cực công nghiệp của cả nước.

Bình Phước nằm tiếp giáp 2 trong 3 góc nhọn của tam giác phát triển TP. Hồ Chí Minh - Bình Dương - Đồng Nai , đồng thời là tỉnh xung yếu ở vị trí yết hầu giữa Tây Nguyên và TP. Hồ Chí Minh, có khả năng kết nối giao thông đến các cảng hàng không gồm sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Long Thành và các cảng nước sâu Sài Gòn, Thị Vải, Đồng Nai...

Thủ tướng nhân dịp này cũng giao trách nhiệm cho Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu khả năng kết nối giao thông Bình Phước đến sân bay Long Thành và kết nối đường sắt xuống cảng từ Bình Phước.

Trước con số trên 1 tỷ USD cấp giấy phép hôm nay, là con số ấn tượng, Thủ tướng nêu rõ, "nhưng giữa giấy phép và hành động có đi vào thực tế không, có nhanh không?" Thủ tướng yêu cầu những dự án, giấy phép này "không được nằm trên giấy".

Theo thống kê, Bình Phước hiện có 6.425 doanh nghiệp và vốn đăng ký kinh doanh 53.506 tỷ đồng. Riêng 7 tháng đầu năm 2018, số doanh nghiệp thành lập mới là 568 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 7.465 tỷ đồng. Dự án đầu tư nước ngoài (FDI) đến nay đã có 185 dự án với vốn đăng ký 1, 85 tỷ USD. Riêng 7 tháng đầu năm 2018 thu hút được 22 dự án với số vốn đăng ký 314 triệu USD. Trong tổng số 185 dự án FDI, đến nay đã có 125 dự án đi vào hoạt động.

Hiện tại, Bình Phước có 8 khu công nghiệp đã được đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng và đi vào hoạt động. Trong đó có KCN Minh Hưng Hàn Quốc do nhà đầu tư Hàn Quốc (Công ty TNHH C&N Vina) làm chủ đầu tư, kinh doanh hạ tầng với diện tích 193ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 100%, nhà đầu tư thứ cấp chủ yếu đến từ Hàn Quốc. Dự án Khu Công nghiệp và Đô thị Becamex Bình Phước do Công ty cổ phần phát triển hạ tầng kỹ thuật Becamex Bình Phước đầu tư được triển khai tại huyện Chơn Thành với tổng diện tích trên 4.600ha, trong đó khu công nghiệp hơn 2.400ha, khu đô thị, khu tái định cư gần 2.200ha.(CafeF)
--------------------------------

Hà Nội: Dự án bất động sản nào trong “tầm ngắm” thu hồi?

Khu đô thị mới AIC tại xã Mê Linh; Dự án khu đô thị Việt Á, tại xã Thanh Lâm; Dự án “Siêu thị Metro - giai đoạn 2” tại phường Yên Sở; Dự án “Trung tâm thương mại dịch vụ Cửu Long” tại 201 Trường Chinh… đều là những dự án nằm trong "tầm ngắm" thu hồi của Hà Nội.

Theo nguồn tin của BizLIVE, HĐND TP. Hà Nội vừa yêu cầu UBND TP lập các đoàn kiểm tra, xem xét thu hồi một loạt các dự án bất động sản chậm tiến độ theo đúng quy định của pháp luật.

Theo đó, một trong những dự án đầu tiên nằm trong tầm ngắm xem xét thu hồi là Khu đô thị mới AIC tại xã Mê Linh, Tiền Phong, huyện Mê Linh do Công ty Bất động sản AIC làm chủ đầu tư.

Dự án này được giao đất tại Quyết định số 2572/QĐ-UBND ngày 21/7/2008 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, diện tích 94,32 ha; đã giải phóng mặt bằng (GPMB) được khoảng 80%, đầu tư thi công một số hạ tầng kỹ thuật. Dự án không nằm trong 161 dự án chậm triển khai theo báo cáo của Sở TNMT Hà Nội.

Theo khảo sát thực địa, hiện khu đất thực hiện dự án đã được GPMB, có đầu tư một số hạ tầng kỹ thuật như đường nội bộ, vỉa hè. Hiện trạng để hoang hóa, không sử dụng. Đối với phần chưa GPMB người dân vẫn canh tác trồng hoa.

Theo đánh giá việc dự án chậm triển khai đã làm ảnh hưởng đến đầu tư, sản xuất của người dân, ảnh hưởng nguồn nước và ô nhiễm môi trường do chưa đấu nối được hệ thống tưới tiêu phải đi qua khu vực dự án đã GPMB.

Trước thực trạng trên, HĐND Hà Nội đề nghị UBNDTP chỉ đạo thanh tra, kiểm tra xử lý theo quy định của pháp luật, xem xét thu hồi dự án.

Một dự án khác cũng đang trong tầm ngắm thu hồi đó là Dự án khu đô thị Việt Á, tại xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh do Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư thương mại công nghiệp Việt Á làm chủ đầu tư.

Dự án được giao đất tại Quyết định số 2729/QĐ-UBND ngày 29/7/2008 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, diện tích được giao 23,017 ha. Dự án này cũng không có trong 161 dự án chậm triển khai theo báo cáo của Sở TNMT Hà Nội.

Theo báo cáo của UBND huyện Mê Linh, dự án thuộc nhóm phải điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500, đề nghị Thành phố chỉ đạo chủ đầu tư khẩn trương thực hiện điều chỉnh, phối hợp với huyện thực hiện GPMB thực hiện dự án.

Hiện trạng, dự án chưa được giao đất, chưa cắm mốc giới cụ thể trên thực địa. Do đó, HĐND Hà Nội đề nghị UBNDTP giao cơ quan chuyên môn thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm theo quy định.

Theo HĐND Hà Nội, dự án đã 10 năm không thực hiện, chưa cắm mốc giới, giải phóng mặt bằng cho nên cần phải xem xét thu hồi.

Một dự án khác cũng đang trong tầm ngắm thu hồi là Dự án “Siêu thị Metro - giai đoạn 2” tại phường Yên Sở, quận Hoàng Mai do Siêu thị Metro làm chủ đầu tư.

Dự án được giao đất theo Quyết định 8162/QĐ-UBND ngày 15/12/2005, diện tích 7.753m2. Theo báo cáo của Sở TNMT, dự án thuộc nhóm vướng mắc về đầu tư, quy hoạch, GPMB, UBND Thành phố đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, UBND quận thực hiện. Đồng thời, yêu cầu kiểm tra, xử lý dứt điểm vướng mắc GPMB, báo cáo UBND Thành phố.

Còn theo báo cáo của UBND quận Hoàng Mai, dự án đã được Thành phố giao Ban chỉ đạo GPMB Thành phố kiểm tra, xử lý dứt điểm vướng mắc GPMB (văn bản số 3702/UBND-TNMT ngày 27/5/2014).

Tuy nhiên, hiện nay dự án vẫn chưa được GPMB, hiện các hộ dân vẫn ở, sinh sống. Dự án treo nhiều năm ảnh hướng đến đời sống sinh hoạt của nhân dân nằm trong quy hoạch của dự án.

Dự án này đã được Đoàn giám sát của HĐND Thành phố kiến nghị tại Báo cáo số 53/BC-HĐND ngày 20/9/2012, thời điểm đó UBND quận đề nghị thu hồi. Do đó, đề nghị UBND Thành phố chỉ đạo kiểm tra, đề nghị thu hồi theo quy định.

Tương tự, Dự án “Trung tâm thương mại Đền Lừ” tại khu Đền Lừ 2, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai do Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Việt Nam làm chủ đầu tư cũng đang nằm trong tầm ngắm thu hồi của Hà Nội.

Dự án được giao đất theo Quyết định số 845/QĐ-UBND ngày 22/02/2009, diện tích 5.058m2 và điều chỉnh tại Quyết định 1724/QĐ-UBND ngày 16/4/2012 của UBND Thành phố.

Dự án đã có kết luận thanh tra số 75/KL-STNMT-TTr ngày 14/01/2016 của Sở Tài nguyên và Môi trường. UBND Thành phố có văn bản chỉ đạo số 2651/UBND-ĐT ngày 11/5/2016 chỉ đạo xử lý sau thanh tra giao Sở Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra hồ sơ giấy chứng nhận đầu tư, điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án.

Sau đó, Sở KHĐT có văn bản số 2453/KH&ĐT-NNS ngày 08/5/2017 đôn đốc chủ đầu tư hoàn thiện đồ án. Hiện dự án vẫn đang tiếp tục trình hồ sơ xin điều chỉnh tiến độ.

Hà Nội: Dự án bất động sản nào trong “tầm ngắm” thu hồi? - Ảnh 1.

Phối cảnh Trung tâm thương mại Đền Lừ.

Hiện trạng khu đất có ranh giới rõ ràng; xung quanh có tường rào bảo vệ. Trên khu đất, công ty đã tập kết giáo, cốt pha, lắp đặt hàng rào, phối cảnh công trường...để chuẩn bị đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa triển khai xây dựng. Hiện sử dụng một phần đất của dự án làm bãi trông xe, sử dụng sai mục đích.

 

Dự án đã được Đoàn giám sát của HĐND Thành phố kiến nghị tại Báo cáo số 53/BC-HĐND ngày 20/9/2012, thời điểm đó UBND quận đề nghị thu hồi. Do đó, đề nghị UBND Thành phố chỉ đạo thanh tra, kiểm tra xem xét thu hồi theo quy định.

Dự án “Trung tâm thương mại dịch vụ Cửu Long” tại 201 Trường Chinh, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân do Hợp tác xã Thương mại dịch vụ Cửu Long làm chủ đầu tư cũng đang trong tầm ngắm thu hồi.

Dự án được cho thuê đất theo Quyết định số 1195/QĐ-UBND ngày 11/3/2005 của UBND Thành phố, với diện tích 2.099m2.

Ngày 26/5/2009, UBND quận Thanh Xuân cấp Giấy phép xây dựng số 585/GPXD cho Hợp tác xã xây dựng công trình Trung tâm thương mại dịch vụ Cửu Long cao 09 tầng có 02 tầng hầm.

Ngày 25/8/2014, UBND quận Thanh Xuân có văn bản số 968/ƯBND- QLĐT chấp thuận cho Hợp tác xã được xây dựng công trình tạm để làm văn phòng điều hành, kinh doanh.

Dự án được chấp thuận điều chỉnh quy hoạch, bổ sung chức năng nhà ở cho tòa nhà theo văn bản 10963/VP-ĐT ngày 20/11/2017 của Văn phòng UBND Thành phố. Sở Quy hoạch-Kiến trúc đang hướng dẫn nhà đầu tư các thủ tục về quy hoạch theo quy định.

Theo báo cáo của Sở TNMT, dự án chậm tiến độ quá 24 tháng, UBND quận Thanh Xuân báo cáo đề nghị Thành phố tổ chức thanh tra để thu hồi.

Theo khảo sát thực địa, dự án đang bị sử dụng sai mục đích, hiện là nhà hàng ăn uống.

Trước việc sử dụng dự án trên, HĐND Hà Nội đề nghị UBND Thành phố chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, xử lý thu hồi theo quy định. (DDDT)

Trở về

Bài cùng chuyên mục