tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 12-04-2017

  • Cập nhật : 12/04/2017

Kinh tế toàn cầu suy thoái trong 18 tháng tới?

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm đáng kể trong những tháng tới vì mức vay nợ ở Trung Quốc, châu Âu và hiệu ứng đến từ Tổng thống Mỹ Donald Trump dần biến mất.

    anh: reuters

    Ảnh: Reuters


    Theo CNBC, đây là ý kiến của nhà kinh tế Steen Jakobsen tại Ngân hàng Saxo Bank (Đan Mạch). Ông Jakobsen cho hay: “Dự báo kinh tế vĩ mô chính của chúng tôi vẫn giữ quan điểm suy thoái kinh tế có thể đến trong tương lai gần (từ 12 đến 18 tháng) vì tín dụng toàn cầu và lạm phát lên cao”.

    Jakobsen cho biết thêm doanh nghiệp ông không dự báo về một cuộc suy thoái, mà các mô hình kinh tế thực sự cho thấy sự suy giảm đáng kể vì “mức thúc đẩy tín dụng lớn ở châu Âu, Trung Quốc hồi đầu năm 2016 không đảo chiều”. Điều này khiến các nhà đầu tư bảo thủ, tránh rủi ro đổ xô về hướng khác.

    “Trong khi thị trường nhận định có ít hơn 10% khả năng suy thoái, hãng Saxo cùng Ngân hàng Nedbank ở Nam Phi cho rằng có hơn 60% khả năng kinh tế thế giới suy thoái”, ông Jakobsen nói.

    Theo chuyên gia này, châu Âu được xem là khu vực chính thúc đẩy tăng trưởng thế giới, đánh bại Mỹ trong quý 2 và quý 3/2017. Ông Jakobsen không phải là người duy nhất đánh giá như trên. Một số nhà đầu tư gần đây nâng dự báo của họ về cổ phiếu châu Âu vì lo ngại sự đi lên của chủ nghĩa dân túy và cuộc thăm dò cử tri cho thấy ứng cử viên Emmanuel Macron có khả năng thể hiện tốt trong cuộc bầu cử sắp tới ở Pháp.

    Dù vậy, những nơi khác trên toàn cầu không có cùng động lực tăng trưởng như châu Âu: “Có một yếu tố rất rõ ràng: Châu Á sẽ không đóng góp bất cứ điều gì cho tăng trưởng toàn cầu năm 2017. Trung Quốc đang hoàn toàn đứng yên. Họ không biết phải làm gì với Tổng thống Mỹ Donald Trump và tôi nghĩ rằng ông Trump, một lần nữa, sẽ thể hiện rằng mình không phải chỗ dựa để họ có thể nhìn vào và quyết định hướng đi”.

    Tuần trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ đồng ý về việc đàm phán thương mại trong vòng 100 ngày tới để giảm thặng dư thương mại Trung Quốc với Mỹ. Hai bên cũng đồng ý tăng cường hợp tác để kiềm chế chương trình hạt nhân của Triều Tiên.(Thanhnien)
    -------------------------------------------------

    Uber chính thức được thí điểm ở Việt Nam

    Sau 2 lần bác bỏ, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã đồng ý cho Uber hoạt động đề án thí điểm xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ.

    Ngày 11-4, ông Đặng Việt Dũng, Giám đốc điều hành Uber Việt Nam, cho biết sau 986 ngày có mặt tại thị trường Việt Nam, nay Uber đã được Chính phủ cho phép hoạt động thí điểm loại hình dịch vụ Uber tại Việt Nam.

    Trong văn bản của Bộ GTVT nêu rõ: Đề án thí điểm "Ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng hiệu lực từ ngày 10-4”. Về mặt chủ trương Bộ GTVT cho phép nhưng Uber phải làm việc với các địa phương để được chấp thuận triển khai đề án.

    tu ngay 10-4 uber duoc phep hoat dong tai viet nam.

    Từ ngày 10-4 Uber được phép hoạt động tại Việt Nam.

    Nói về vấn đề này, ông Dũng bày tỏ: “Sau 2 lần bác bỏ, có lúc chúng tôi lung lay niềm tin vào tương lai của mô hình mới này. Nhưng lần này, với sự hỗ trợ của chính phủ chúng tôi sẽ cống hiến, nỗ lực nhiều hơn nữa, tiếp tục phát triển một giải pháp di chuyển hiện đại, tiết kiệm, an toàn và tiện lợi dành cho mọi người dân Việt Nam, đóng góp xây dựng nền kinh tế chia sẻ và nền kinh tế số còn non trẻ ở Việt Nam”.

    Được biết, Uber gia nhập vào Việt Nam vào tháng 7-2014. Sau đó, tháng 11-2015 Bộ GTVT trả lại đề án thí điểm gọi xe theo hợp đồng điện tử của Uber vì công ty này chưa thành lập doanh nghiệp ở Việt Nam.

    Sau đó, đầu năm 2017 tiếp tục trình lại đề án đã sửa đổi nhưng vẫn bị trả lại vì Bộ GTVT cho rằng ngành nghề kinh doanh đăng ký trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Uber Việt Nam chỉ bao gồm “hoạt động tư vấn quản lý” và “nghiên cứu thị trường, thăm dò dư luận”, không liên quan đến hoạt động được ủy quyền trong đề án.

    Đề án của Uber cũng chưa làm rõ được quyền và trách nhiệm của đơn vị cung cấp dịch vụ ứng dụng khoa học công nghệ và đơn vị kinh doanh vận tải đối với hành khách; chưa có quy chế phối hợp, giải quyết các khiếu nại của hành khách.(NLĐ)
    -----------------------------

    Đường sắt xin cấp 7.000 tỉ đồng để làm gì?

    Tổng Cty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) vừa đề nghị Bộ GTVT báo cáo Chính phủ xin cấp 7.000 tỉ đồng. Tân Chủ tịch Tổng Cty Đường sắt Việt Nam Vũ Anh Minh nói gì về các biện pháp xoay xở để đưa ĐSVN thoát cơn khủng hoảng?

    Bộ GTVT vừa trình Chính phủ cấp 7.000 tỉ đồng cho đường sắt, số vốn nếu có này dự kiến làm gì, thưa ông?

    Đường ray từ Hà Nội đi Đà Nẵng chỉ chịu được tải trọng là 4,2 tấn/m, từ Đà Nẵng vào TP HCM là 3,6 tấn/m rất bất lợi cho đường sắt. Vì thế, cần vốn đầu tư chủ yếu tập trung nâng tải trọng đồng đều lên 4,2 tấn/m thông qua cải tạo cầu yếu, hầm yếu, các cung đường yếu. Tiếp theo là kéo dài đường ray trong ga để nối dài số toa tàu từ 19 lên 25 toa.

    Điều chúng tôi muốn thực hiện nhất là kêu gọi đầu tư bên ngoài. Ngay tháng 4 này, chúng tôi ký kết với Tổng Cty Tân Cảng Sài Gòn xây 2 cảng cạn (ICD) tại Sóng Thần (Bình Dương) và Đông Anh (Hà Nội). Đây là doanh nghiệp quân đội, chiếm tới 50% thị phần container của cả nước, chiếm 90% thị phần container Sài Gòn, hy vọng mang lại đột phá về vận tải hàng hoá của đường sắt.

    Với vận tải hành khách, chúng tôi ký hợp tác với các hiệp hội du lịch, các hiệp hội doanh nghiệp để tăng khách hàng, tăng cường quảng bá.

    Ngành Đường sắt sẽ đổi màu sơn tàu hỏa?

    Nhằm tạo sự thân thiện với hành khách, chúng tôi sẽ sử dụng màu xanh hòa bình kết hợp với màu trắng để tạo sự tươi mới, gần gũi, thân thiện. Các đoàn tàu mới đóng ở Nha Trang, Dĩ An đã được sơn mới. Chúng tôi đang nghiên cứu thực hiện việc sơn lại toàn bộ vỏ tàu bằng việc kêu gọi các nhà tài trợ và đổi lại cho họ quyền quảng cáo trên tàu.

    Sau một tháng nhận nhiệm vụ mới, ông đã đưa ra chiến lược gì để kéo khách quay về với đường sắt?

    Hội đồng thành viên thống nhất mục tiêu lớn nhất là khai thác an toàn, tối đa hạ tầng, đoàn tàu hiện có. Có 3 nguyên tắc để thực hiện mục tiêu này: Cung ứng những gì xã hội cần; Đóng tàu vì mục tiêu có bao nhiêu khách, không phải để có bao nhiêu chỗ; Tập trung vận tải khách trên các tuyến ngắn có hiệu quả, phát triển vận tải hàng hoá trên chặng dài.

    Cụ thể việc tập trung chặng ngắn thế nào, thưa ông?

    Hiện, tàu giữa Hà Nội - Sài Gòn hàng trăm chỗ, nhưng chỉ có 15-20 người đi hết chặng. Tàu đẹp, giờ đẹp lại tập trung cho các chuyến dài, trong khi, khách đi tuyến ngắn 5- 6 tiếng cần chọn giờ đẹp. Ví dụ, từ Hà Nội đến TP Vinh, khách cần đến lúc gần trưa để nhận phòng khách sạn tại Vinh và Cửa Lò luôn, thay vì “bơ vơ” lúc 4h hoặc 5h như hiện nay. Khách đi chặng dài 30 giờ họ không quá quan trọng điều đó.

    Tới đây, tàu đẹp, giờ đẹp sẽ dành cho các tuyến ngắn, trước hết là Hà Nội - Vinh và TP HCM - Nha Trang.

    Phải chăng đường sắt không dám cạnh tranh trên chặng dài với hàng không vì giá thành cao?

    Chúng tôi chọn phân khúc có lợi thế nhất. Giá vé giữa TP HCM - Nha Trang, Hà Nội - Vinh rẻ hơn hàng không. Với hàng không, thời gian di chuyển giữa thành phố ra sân bay, thời gian chờ và thời gian bay, mỗi chuyến ít nhất 4-5 tiếng.

    Với chặng ngắn của đường sắt, thời gian 5-6 tiếng vẫn cạnh tranh được. Ưu điểm đường sắt là an toàn, đúng giờ, ga đường sắt nằm ở các trung tâm. Tuy nhiên, để thu hút khách cần có dịch vụ tốt.

    Chúng tôi chuẩn bị bán vé 2 trong 1. Chẳng hạn khi tàu vào Vinh, chúng tôi sẽ phục vụ ô tô đưa khách xuống Cửa Lò. Khách mua vé sớm rẻ hơn, vé có thể đổi và không thể đổi, có cả vé tặng cho người có sức ảnh hưởng, quảng bá cho đường sắt… cũng sẽ được áp dụng tựa như hàng không.

    Trên chặng dài, chúng tôi sẽ “ép” giá bình quân của đường sắt thấp hơn hàng không thông qua quản trị, chống thất thoát, tiêu cực.(Tienphong)
    -------------------------------------------

    ADB cảnh báo Việt Nam đừng thành bãi rác công nghệ của Trung Quốc

    Giám đốc Quốc gia ADB Việt Nam Eric Sidgwick ngày 10-4 cho biết ông hy vọng Việt Nam sẽ chú ý để không trở thành bãi rác công nghệ cũ của Trung Quốc.

    Tại buổi họp báo công bố Báo cáo Triển vọng phát triển Châu Á (ADO) 2017 ngày 10-4 tại Hà Nội, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam Eric Sidgwick cho biết ông hy vọng Việt Nam sẽ chú ý để không trở thành bãi rác công nghệ cũ của Trung Quốc.

    giam doc quoc gia adb viet nam eric sidgwick (giua) phat bieu tai buoi hop bao sang 10-4

    Giám đốc Quốc gia ADB Việt Nam Eric Sidgwick (giữa) phát biểu tại buổi họp báo sáng 10-4

    Ông Eric Sidgwick nhận định Trung Quốc đang nhanh chóng trở thành nền kinh tế tiên tiến, tận dụng tối đa công nghệ cao, công nghệ mới trong chiến lược dài hơi.

    Việt Nam phải chú ý sát sao những diễn biến đang diễn ra tại nước láng giềng lớn của mình và xa hơn thế nữa. Đặc biệt, phải chú ý đến công nghệ, nếu cho phép nhập khẩu công nghệ, chỉ cho phép nhập khẩu công nghệ phải đúng, phù hợp với mình.

    Cho rằng nên nhập khẩu công nghệ đến từ nhiều quốc gia chứ không chỉ từ 1 quốc gia, ông Sidgwick nhận xét các doanh nghiệp (DN) Việt Nam có xu hướng nhập khẩu công nghệ chi phí thấp do hạn chế về ngân sách và muốn cắt giảm chi phí, song cần nhìn vào chi phí công nghệ trong toàn vòng đời chứ không chỉ lợi ích khi nhập vào. Nếu công nghệ nhập khẩu có giá cao song hiệu suất cao hơn, vòng đời dài hơn, sẽ hợp lý hơn nếu ta nhập chi phí cao hơn, bởi vì rẻ chưa hẳn đã tốt.

    Thể hiện sự hy vọng và tin tưởng rằng Việt Nam sẽ không thành bãi rác công nghệ của Trung Quốc, ông Sidgwick phân tích rằng Việt Nam đã đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và nhập khẩu, hy vọng Việt Nam sẽ nhìn rộng ra trên toàn thế giới để xem thế giới có những công nghệ gì. Có thể công nghệ lúc nhập vào đắt hơn nhưng sử dụng được lâu dài, lợi ích cao hơn nhiều so với nhập khẩu công nghệ rẻ hiện tại.

    Nhìn rộng ra, ông Eric Sidgwick phân tích rằng công nghệ cần hỗ trợ mạnh mẽ cho sản xuất, nhưng cần phải là công nghệ tiên tiến chứ không phải lạc hậu. Việt Nam không thể sử dụng những công nghệ cũ, sáng kiến cũ. Các lĩnh vực sản xuát nông nghiệp, xây dựng… có thể cải thiện bằng áp dụng loại hình công nghệ phù hợp, có thể không quá cao nhưng không quá thấp. Cần sử dụng công nghệ đúng tầm, đúng mực để tăng hiệu quả, năng suất.

    Đặc biệt, cần đảm bảo đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam phải mang đến những công nghệ phù hợp.

    Vậy làm thế nào để DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mang đến công nghệ đúng? Giám đốc quốc gia ADB Việt Nam cho rằng cần tham khảo những kinh nghiệm đúng từ các nước. “Khi DN nước ngoài đầu tư vào, ít ra phải hỏi được câu hỏi: ngoài đồng vốn mang đến thì anh mang lại lợi ích gì, có công nghệ đổi mới gì cho chúng tôi” - ông Eric Sidgwick chia sẻ. Ông nhấn mạnh điều này cần được thấm nhuần ở từng DN, địa phương, bộ ngành. “Tôi không nghĩ cần biện pháp quản lý nhiều hơn mà cần nâng cao nhận thức về vấn đề này. Công nghệ đang thay đổi liên tục, cái mới ngày hôm nay thì ngày mai đã không còn mới nữa nên cần có cơ chế để quản lý công nghệ, tiếp nhận với những công nghệ mới, với cả các bộ ngành và các cơ sở sản xuất” - ông Eric Sidgwick khẳng định.(NLĐ)
    -------------------------------------------

     

    Trở về

    Bài cùng chuyên mục