tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 07-10-2017

  • Cập nhật : 07/10/2017

Mỹ đổi giọng hòa giải thương mại với Hàn Quốc

Tổng thống Mỹ Donald Trump từng đe dọa sẽ chấm dứt thỏa thuận thương mại với Hàn Quốc, nhưng giờ đây lời nói của cả hai bên dường như đang hướng tới âm điệu hòa giải.

Mỹ đổi giọng hòa giải thương mại với Hàn Quốc

Tổng thống Donald Trump từng đe dọa sẽ rút khỏi Hiệp định Tự do Thương mại Mỹ - Hàn. Ảnh: reuters

Theo CNBC, đại diện Thương mại Mỹ, ông Robert Lighthizer, hôm 4/10 cho biết ông mong muốn thảo luận về việc giải quyết các vấn đề thực hiện và sửa đổi Hiệp định Tự do Thương mại Mỹ - Hàn, được gọi là Korus, hơn là hủy bỏ toàn bộ.

Điều này cho thấy sự thay đổi rõ rệt, mang âm điệu hòa giải hơn so với lời tuyên bố chấm dứt thương mại với Hàn Quốc của Tổng thống Trump được đăng trên tờ The Wall Street Journal hồi cuối tháng 8/2017.

“Thật khó để tưởng tượng ra một điều gì khác có thể mang lại nhiều thiệt hại cho nền kinh tế và an ninh quốc gia hơn là việc rút khỏi Korus. Chúng tôi kêu gọi chính quyền không nên thực hiện hành động vô trách nhiệm này”, ông Thomas Donohue, Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Phòng Thương mại Mỹ, bày tỏ sự phản đối rõ ràng với lời đe dọa của chính quyền Trump.

Thượng nghị sĩ Joni Ernst, đảng viên đảng Cộng hòa thuộc tiểu bang Iowa, người từng được biết đến là nhân vật đồng hành thân thiết trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump, cũng đã gửi một lá thư tới Nhà Trắng để bày tỏ sự ủng hộ Korus. Bà lưu ý rằng Hàn Quốc là thị trường lớn thứ năm trong xuất khẩu nông nghiệp của Mỹ vào năm 2016.

Trong khi đó, một số ý kiến khác bảo vệ Korus lập luận rằng đây nên là lúc Mỹ cần phải có sự hợp tác để đối phó với căng thẳng chính trị leo thang với Triều Tiên. “Thậm chí ngay cả khi bạn không thích hiệp định thương mại này, thì đây cũng không phải là thời điểm thích hợp để phá vỡ nền tảng mối quan hệ đối tác của chúng ta và Hàn Quốc, đặc biệt trong bối cảnh các mối đe dọa từ Triều Tiên ngày càng tăng. Chúng ta nên cố gắng giữ mối quan hệ theo tinh thần chiến lược địa chính trị cũng như kinh tế”, bà Miriam Sapiro, Phó đại diện thương mại Mỹ, người hiện là giám đốc văn phòng công ty quan hệ công chúng Finsbury ở Washington D.C, nói.

Bà Sapiro cũng chỉ ra một lý do khác để Mỹ nên tập trung duy trì Korus, đó là sự cần thiết của tính chắc chắn. “Việc có một hiệp định thương mại sẽ bảo đảm về tính chắc chắn cho doanh nghiệp. Họ sẽ biết rõ mức thuế quan như thế nào, và nếu họ là nhà cung cấp dịch vụ họ cũng sẽ biết có thể cung cấp những loại dịch vụ nào và loại dịch vụ nào bị hạn chế. Đây là điều mà giới doanh nghiệp rất quan tâm nếu hiệp định bị phá vỡ”, bà Sapiro cho hay.

Bà Deborah Elms, giám đốc điều hành Trung tâm Thương mại châu Á, cũng bày tỏ những lo ngại tương tự. Nhưng tệ hơn là ngay cả khi các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Hàn Quốc chuyển sang hướng tích cực hơn thì giọng điệu ban đầu cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự tiến bộ của hai bên. “Khi bạn bắt đầu thỏa thuận với những lời chỉ trích đã được đưa ra trước đó thì giọng điệu của bạn sẽ không được như khi bạn thỏa thuận với tất cả thiện chí ban đầu. Một khi bạn đã lên tiếng đe dọa sẽ hủy bỏ hợp đồng thì sẽ luôn có một chút khó khăn để quay đầu trở lại”, bà Elms nói. (thanhnien)
-----------------------------

Lối đi nào cho chuỗi cung ứng hàng Việt?

Sáng ngày 6/10, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo "Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng thời kỳ hội nhập".

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định cần xác định rõ được tầm quan trọng của chuỗi cung ứng, chính phủ đã giao các bộ ngành, địa phương, các hiệp hội, các doanh nghiệp sản xuất và phân phối hàng hóa.

Theo đó, Bộ Công Thương đã tham mưu cho Chính phủ xây dựng một số đề án, chương trình đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, tổ chức chuỗi cung ứng hàng hóa như: Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", Đề án phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2020...

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh "Việc tổ chức Hội thảo lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng góp phần định hình rõ nét hơn về hiện trạng và khả năng của Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh Chính phủ quyết tâm xây dựng một hệ thống công vụ kiến tạo, liêm chính".

Tại Hội thảo, các diễn giả đã chia sẻ những thông tin về cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng thời kỳ hội nhập.

Thông tin về kinh nghiệm hoạt động hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của địa phương, kinh nghiệm của các doanh nghiệp phân phối về các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia mở rộng thị trường cũng được thảo luận tại buổi hội thảo.

Theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, Uỷ viên Ban Thường vụ Hiệp hội Chợ Việt Nam, giám đốc hợp tác xã Phú Cường cho biết trong xu thế đất nước hội nhập, thực trạng thị trường cả nước luôn "nóng", nhiều bất cập trong chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ hàng Việt, vấn đề về hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, nông sản không an toàn..luôn là những bài toán khó đặt ra cho các nhà quản lý.

Ông Phạm Thanh Hùng- Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Ba Huân, Hà Nội nhận xét: "Chúng ta luôn nói về chiến dịch người Việt dùng hàng Việt nhưng chất lượng hàng Việt và giá cả như thế nào để người Việt có thể dùng được thì lại là một vấn đề trong chuỗi sản xuất, chế biến".

Số doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ chiếm tới trên 90% cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Đây là bài toán vô cùng khó khi tham gia thị trường ngày càng hội nhập sâu rộng hơn với nền kinh tế quốc tế, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Liên hiệp Hợp tác xã tiêu thụ nông sản an toàn Việt Nam cho biết. Việc thiếu vốn, thiếu công nghệ, thiếu trình độ quản lý, thiếu sự liên kết...là rào cản lớn đối với các doanh nghiệp khi tham gia chuỗi cung ứng và hội nhập thế giới.

Ông Tuấn đề xuất cần xây dựng chính sách cụ thể, thiết thực dễ áp dụng vào đời sống, đồng thời giảm thiểu tối đa các thủ tục hành chính nhằm thúc đẩy các thành phần kinh tế tích cực tham gia chuỗi cung ứng. Chuỗi cung ứng đóng một vai trò quan trọng trong hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hiệu quả, thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng. Đây là một hệ thống các tổ chức, con người, thông tin, hoạt động và các nguồn lực liên quan tới công tác chuyển sản phẩm hoặc dịch vụ từ nhà cung cấp tới khách hàng.

Ông Tuấn cũng đề xuất Bộ Công Thương làm đầu mối lựa chọn các tổ chức doanh nghiệp, xây dựng các mô hình thí điểm về phát triển chuỗi cung ứng theo cơ chế thị trường hội nhập. Đặc biệt là trong chuỗi nông sản, thực phẩm an toàn mang thương hiệu Việt Nam. (NDH)
------------------------

Lỗ 129 triệu USD, Niken Bản Phúc tạm dừng hoạt động

Công ty TNHH Mỏ Niken Bản Phúc đã quyết định dừng hoạt động khai thác, chế biến quặng sulfur đặc xít (niken, đồng, coban) tại khu vực mỏ Niken Bản Phúc (huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La) tới ngày 30/9/2018, bởi doanh thu của Dự án không bù đắp nổi chi phí hoạt động.

Lỗ 129 triệu USD, Niken Bản Phúc tạm dừng hoạt động

Lỗ lũy kế 129 triệu USD

Công ty TNHH Mỏ Niken Bản Phúc được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào tháng 7/2007 và tới tháng 11/2014 đã qua lần điều chỉnh thứ 8.

Có mục tiêu đưa vào sản xuất từ giữa năm 2009, nhưng Dự án đã phải tạm dừng các hoạt động xây dựng và phát triển mỏ từ ngày 1/10/2008 và thực hiện các hoạt động duy tu bảo dưỡng cho đến khi các  điều kiện thị trường được cải thiện. Vào tháng 5/2013, Công ty Niken Bản Phúc đã bắt đầu khai thác mỏ.

Theo giới thiệu tại trang chủ của Công ty Niken Bản Phúc, Asian Mineral Resources Limited (AMR) là một công ty thăm dò và khai thác hoạt động độc lập trên toàn cầu, đã được niêm yết trên thị trường chứng khoán Toronto (Canada), có mã viết tắt là ASN.

Trọng tâm ban đầu của AMR là đầu tư 90% cổ phần trong Dự án Nike Bản Phúc (do Công ty TNHH Mỏ Niken Bản Phúc điều hành) tại Việt Nam. 10% cổ phần còn lại thuộc sở hữu của Công ty cổ phần Cơ khí và Kỹ thuật Sơn La, địa phương có mỏ niken.

Công ty cũng đã đầu tư và đưa nhà máy chế biến bột tinh quặng niken vào sản xuất với tổng vốn đầu tư là 136 triệu USD. Công suất khai thác của nhà máy là 360.000 tấn quặng/năm và sản lượng chế biến là 70.000 tấn tinh quặng/năm.

Mỏ niken Bản Phúc chứa hơn 200.000 tấn niken và 18.000 tấn đồng trong các thân quặng sulfur đặc xít và xâm tán.

Ngay sau khi đi vào hoạt động, toàn bộ khối lượng quặng sulfur Ni-Cu được đưa vào nhà máy chế biến để sản xuất và xuất khẩu tinh quặng 9,5 Ni. Tính đến tháng 11/2016, Công ty đã xuất khẩu được 42 lô hàng tinh quặng niken, tổng số tiền thuế xuất khẩu đã nộp vào ngân sách nhà nước là 929 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Công ty đã quyết định tạm dừng hoạt động khai thác, chế biến quặng sulfur đặc xít (gồm nikel, đồng, coban) tại khu vực mỏ Nikel Bản Phúc, trong khoảng thời gian từ tháng 9/2016 đến hết tháng 9/2018 vì doanh thu từ Dự án không đủ bù đắp chi phí hoạt động.

Lý giải câu chuyện này, ông Stephen John Ennor, Tổng giám đốc Công ty TNHH Mỏ Nikel Bản Phúc cho hay, giá nikel và đồng trên thị trường thế giới ở mức thấp, khiến hoạt động khai thác và chế biến quặng sulfur đặc xít tại khu vực mỏ này không thể duy trì ở thời điểm hiện tại. Ngoài ra, nhiều loại thuế, phí áp dụng cho Dự án ở mức cao khiến cho chi phí hoạt động của Dự án tăng cao. Tính tới tháng 8/2017, Dự án Mỏ Nikel Bản Phúc đã lỗ lũy kế 129 triệu USD.

Tuy nhiên, Công ty cũng có dự định tiếp tục tiến hành thăm dò tại các điểm quặng theo giấy phép thăm dò số 1366/GP-BTNMT (cấp ngày 13/7/2014) trên diện tích 49,7 km2 để chuẩn bị cho việc nâng trữ lượng và kéo dài tuổi thọ mỏ.

Khó bộn bề

Một báo cáo giám sát về khoáng sản của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành hồi tháng 10/2012 cho hay, trữ lượng niken ở Việt Nam khoảng 4,5 triệu tấn, tập trung chủ yếu tại Bản Phúc (Sơn La) - chính là địa bàn mà Công ty TNHH Mỏ Niken Bản Phúc đang khai thác. Đây cũng là dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, hạ tầng kém phát triển.

Vào tháng 2/2014, ngay sau khi đi vào hoạt động, Công ty Niken Bản Phúc đã đề nghị giảm thuế xuất khẩu tinh quặng niken từ 20% xuống mức 10% để có thể duy trì hoạt động.

Ông Evan Spencer, Tổng giám đốc Công ty TNHH Mỏ Niken Bản Phúc khi đó, trong phân tích gửi tới các cơ quan chức năng đã cho hay, giá niken trên thị trường quốc tế giảm mạnh, khiến nhu cầu về tinh quặng niken giảm theo. Vào năm 2008, khi Dự án bắt đầu khởi công, giá niken kim loại đạt mức 28.890 USD/tấn. Tuy nhiên, đến năm 2012 đã tụt xuống còn 19.640 USD/tấn và tới năm 2014 chỉ còn 13.216 USD/tấn.

Trong khi đó, thuế và phí của hoạt động khai thác, chế biến, xuất khẩu niken được doanh nghiệp cho là không hề thấp. Cụ thể, doanh nghiệp đang phải nộp 20% thuế xuất khẩu, 10% thuế tài nguyên và 2% tiền cấp quyền khai thác mỏ, đều tính trên doanh thu. Tổng cộng 3 loại thuế, phí này chiếm khoảng 32% doanh thu của Công ty, bên cạnh các khoản phải nộp khác như tiền thuê đất, thuế nhà thầu, thuế thu nhập doanh nghiệp.

Sau khi nộp các loại thuế trên, thu nhập còn lại không đủ để trang trải các chi phí vận hành của Công ty. (Baodautu)
-------------------------------

Đâu là động lực tăng trưởng của Bóng đèn Điện Quang?

Điện Quang cho biết sẽ tăng năng lực cạnh tranh với sản phẩm LED, đẩy mạnh phát triển các kênh phân phối và tăng cường khả năng bán hàng.

 

anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

 

Gần như không vay nợ ngân hàng

CTCP Bóng đèn Điện Quang (mã DQC) là một trong 2 nhà sản xuất thiết bị chiếu sáng và điện dân dụng hàng đầu Việt Nam. Với thương hiệu được xây dựng hơn 40 năm, các sản phẩm đèn LED, compact, bóng đèn và thiết bị điện của Điện Quang đã được người tiêu dùng trong nước biết đến rộng rãi đặc biệt thị trường miền Nam. Bên cạnh đó, sản phẩm của công ty cũng đã được xuất khẩu ra nhiều thị trường.

Theo báo cáo tài chính năm 2016, doanh thu thuần hợp nhất của Điện Quang đạt 1.035 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 204 tỷ đồng. Liên tiếp trong nhiều năm liền, Điện Quang lọt top 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam.

Bước sang năm 2017 kết quả sản xuất kinh doanh của Điện Quang đứng trước thách thức không nhỏ khi không còn đóng góp doanh thu tài chính từ Cu Ba cũng như áp lực lớn từ thị trường nhập khẩu.

Báo cáo tài chính 6 tháng năm 2017 của Điện Quang ghi nhận, doanh thu thuần hợp nhất công ty đạt 418 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 50,4 tỷ đồng. Ban lãnh đạo Điện Quang cho biết hoạt động của công ty vẫn ổn định, lợi nhuận giảm là do những năm trước Điện Quang có khoản thu tài chính từ khách hàng Cu Ba.

Báo cáo cũng cho thấy, tính đến ngày 30/6/2017, tổng tài sản của Điện Quang đạt 1.493 tỷ đồng, trong đó lượng tiền mặt của Điện Quang ở mức cao đạt 322 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt tới 1.104 tỷ. Trong đó, nợ phải trả là 389 tỷ đồng, tỷ lệ nợ phải trả/tổng tài sản chỉ ở mức 26%.

Đặc biệt, một điểm ít các doanh nghiệp làm được như Điện Quang đó là DQC gần như tự chủ tài chính, nợ vay ngân hàng phải trả lãi chỉ có 3,4 tỷ đồng, giảm hơn 14 lần so với cùng kỳ. Do đó, công ty hoàn toàn không bị áp lực tài chính từ vay nợ, trả lãi như các doanh nghiệp khác. 

Chẳng hạn với doanh nghiệp cùng ngành với Điện Quang đó là CTCP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (mã RAL) tính đến 30/6/2017, công ty có tổng tài sản 2.200 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả lên tới 1.569 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 71,3%. Trong đó, tỷ lệ nợ vay phải trả lãi của Rạng Đông lớn, chủ yếu vay ngắn hạn 1.271 tỷ đồng, do đó áp lực trả nợ và lãi vay của Rạng Đông cao hơn. Ghi nhận từ báo cáo tài chính, 6 tháng đầu năm 2017 Rạng Đông phải chi trả lãi vay 22,45 tỷ đồng, công ty vay nhiều khoản vay mới để trả nợ gốc 1.061 tỷ đồng.

 So sánh với các công ty trong ngành. (Nguồn Bloomberg tại ngày 2/7/2017)

Trong khi đó, Điện Quang trong 6 tháng đầu năm 2017, chi phí lãi vay chỉ vỏn vẹn 247 triệu đồng. Hiện cổ phiếu DQC đang được thị trường định giá khoảng 37.200 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức vốn hoá của Điện Quang đạt 1.187 tỷ đồng. EPS đạt 1.412 đồng/cổ phiếu. 

Theo nhận định của CTCP Chứng khoán TP. HCM (HSC), kết quả kinh doanh kể từ 2018 của Điện Quang có thể tăng trưởng mạnh mẽ trở lại nhờ công suất gia tăng gấp đôi khi nhà máy sản xuất LED, thiết bị chiếu sáng thông minh của Điện Quang tại khu công nghệ cao TP.HCM đi vào hoạt động. Ngoài ra việc vay nợ không đáng kể, tự chủ tài chính hoàn toàn có thể giúp công ty tăng quy mô đầu tư, tạo đòn bẩy, thúc đẩy lợi nhuận gia tăng trong những năm tới.

Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng phương pháp định giá P/E sẽ không phản ánh được hết lợi nhuận tiềm năng mà công ty có thể đạt được trong những năm sắp tới khi thị trường đèn LED tại Việt Nam có sự bùng nổ.

“Sử dụng phương pháp chiết khấu dòng tiền, với giả định CAGR đèn LED của Điện Quang giai đoạn 2016-2021 là 36%, chúng tôi xác định giá trị hợp lý của DQC là 49.400 đồng. Nếu giá cổ phiếu giảm về vùng hấp dẫn, nhà đầu tư cần lựa chọn thời điểm mua vào thích hợp”, VDSC đưa ra khuyến nghị.

Sản phẩm chủ lực “đánh bật” hàng Trung Quốc

Để giữ vững vị thế số 1 trong ngành chiếu sáng, Ban lãnh đạo Điện Quang đề cập đến là tăng năng lực cạnh tranh với sản phẩm LED, đẩy mạnh phát triển các kênh phân phối và tăng cường khả năng bán hàng.

Khảo sát trên thị trường cho thấy, giá thành của một bóng đèn LED giá rẻ Trung Quốc bằng khoảng 1/2 giá của Điện Quang nhưng tuổi thọ thực tế chỉ đạt 500 giờ, tương đương 1% so với tiêu chuẩn thông thường là 50.000 giờ. Vì lý do này, trong dài hạn, người tiêu dùng sẽ nhận thức được lợi ích về mặt kinh tế khi sử dụng các sản phẩm chất lượng.

Trong quá khứ, đèn Compact của Trung Quốc cũng từng có thời “làm mưa làm gió” khiến sản phẩm của các thương hiệu lớn trong nước như Điện Quang bị lấn át. Tuy nhiên, không lâu sau đó, hàng Trung Quốc đã bị “đánh bật” khỏi thị trường, sản phẩm của Điện Quang đã từng bước chiếm lĩnh niềm tin của người tiêu dùng.

Tính đến thời điểm hiện tại, đã 10 năm kể từ khi Điện Quang bắt tay vào việc nghiên cứu và đầu tư dây chuyền sản xuất đèn LED, Điện Quang đã hoàn toàn làm chủ công nghệ với 5 dây chuyền dán chip LED hiện đại theo công nghệ Nhật Bản có công suất tương đương 30 triệu sản phẩm/năm. Với các dây chuyền này, sản phẩm LED Điện Quang đạt chuẩn quốc tế, đảm bảo yêu cầu khắt khe của những thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ.

Với tiềm năng và quy mô dân số 100 triệu dân trong tương lai của Việt Nam, Ban lãnh đạo Điện Quang xác định thị trường nội địa với sản phẩm đèn LED sẽ là “trận đánh lớn” của công ty. 

Hiện Điện Quang đang dồn lực đầu tư cho nhà máy đèn LED tại Khu Công nghệ cao quận 9, TP.HCM. Dự kiến năm 2018, nhà máy mới này sẽ đi vào hoạt động.

Theo ông Hồ Quỳnh Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Điện Quang đây là sẽ nơi Điện Quang dành cho nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm đèn LED công nghệ cao và sản phẩm thông minh, nhằm tạo sự khác biệt với thị trường. Nhà máy hứa hẹn nâng công suất lên 70 triệu đèn LED/năm.

Bên cạnh việc đầu tư về chất lượng sản phẩm , Điện Quang cũng sẽ thực hiện cuộc cải cách về bán hàng, thông qua 5 kênh bán hàng truyền thống, hiện đại, trực tiếp cho các công trình dự án, bán online, bán qua showroom.(Bizlive)

Trở về

Bài cùng chuyên mục