tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh sáng 08-05-2016

  • Cập nhật : 08/05/2016

“Sức khỏe” các doanh nghiệp bất động sản vẫn còn rất yếu!

“Sức khỏe” các doanh nghiệp bất động sản vẫn còn rất yếu!
"Sức khỏe" của các doanh nghiệp bất động sản vẫn còn rất yếu, vẫn phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng và vốn huy động từ khách hàng, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HOREA nhìn nhận.

Xuất hiện nhiều bất cập

Ghi nhận của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HOREA) cho thấy, trong quý I/2016, thị trường bất động sản xuất hiện một số dấu hiệu rất đáng chú ý.

Theo đó, số lượng nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp, phần lớn nhằm mục đích mua đi bán lại, cũng tăng gấp 3 lần, chiếm khoảng 15% giao dịch.

Về mặt chính sách, cũng có yếu tố bất cập như tại khoản 1 điều 59 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 đã cho phép bên mua nhà có quyền chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai khi hồ sơ đề nghị cấp sổ đỏ cho bên mua chưa được nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Quy định này nhằm bảo vệ quyền lợi của người mua nhà trong trường hợp chủ đầu tư chậm làm thủ tục cấp sổ đỏ. Nhưng quy định này có thể bị những người đầu cơ lợi dụng để bao chiếm nhiều nhà để thủ lợi cao nhất, và có thể sẽ có tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản.

"Ví dụ nhà đầu tư mua 100 căn hộ, mỗi căn giá 2 tỷ đồng, tổng trị giá 200 tỷ đồng. Theo thông lệ thị trường, nhà đầu tư chỉ phải đặt cọc 10% tương đương 20 tỷ đồng, nhưng lại có quyền chuyển nhượng cả 100 căn hộ", HOREA dẫn chứng.

Về mặt bằng giá, giá bán bất động sản cao cấp tại nhiều dự án cũng tăng từ 5% đến trên dưới 15% so với năm 2014.

Bên cạnh những yếu tố bất ổn tiềm ẩn, theo HOREA thị trường bất động sản còn có một số vấn đề mới phát sinh sẽ có tác động trực tiếp đến thị trường bất động sản.

Cuối năm 2015, nhiều cơ quan công chứng từ chối công chứng các hợp đồng giao dịch thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở, thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai với lý do chưa có hướng dẫn của bộ chủ quản.

Tháng 1/2016, Ngân hàng Nhà nước công bố dự thảo sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN theo hướng hạn chế tín dụng vào thị trường bất động sản và nâng hệ số rủi ro trong kinh doanh bất động sản.

Việc này đã phát đi thông điệp mạnh mẽ đến các chủ thể tham gia thị trường bất động sản, trước hết là các chủ đầu tư dự án, các ngân hàng thương mại, các nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp đều phải tự điều chỉnh và tái cấu trúc đầu tư, kinh doanh để đảm bảo thị trường phát triển lành mạnh.

Giữa tháng 2/2016, nhiều ngân hàng thương mại đã nâng lãi suất huy động tiết kiệm kỳ hạn trên 12 tháng lên đến hơn 8%/năm dẫn đến lãi suất cho vay có thể tăng thêm khoảng 1-2% trong năm 2016.

Từ giữa tháng 3/2016 đã xuất hiện dấu hiệu đầu cơ tăng giá sắt thép đã tác động trực tiếp đến thị trường bất động sản, tạo thêm áp lực và gánh nặng cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và cả người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, trong qúy I/2016, tăng trưởng kinh tế (GDP) chỉ đạt 5,46% thấp hơn so với mức 6,03% của qúy I/2015. Lạm phát (CPI) tăng 1,25% cao hơn so với mức 0,74% so với cùng kỳ 2015.

Trong cả nước đã có đến 2.919 doanh nghiệp giải thể tăng 13,8% và 20.044 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng 23,9%.

"Sức khỏe" của các doanh nghiệp bất động sản vẫn còn rất yếu, vẫn phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng và vốn huy động từ khách hàng.

Đói nguồn cung nhà giá thấp

Toàn thành phố hiện có 1.219 dự án với quy mô 4.921 ha, 315.506 căn nhà. Trong đó, có 549 dự án đã hoàn thành (chiếm 45%) với 78.140 căn nhà; 584 dự án đang triển khai đầu tư (chiếm 48%), gồm 353 dự án đang thực hiện thủ tục đầu tư; 231 dự án đã khởi công xây dựng, trong đó có 51 dự án đang ngưng thi công với quy mô 28.312 căn; và có đến 86 dự án hết hạn công nhận chủ đầu tư (chiếm 7%).

Như vậy, có đến 137 dự án tạm ngưng thi công hoặc hết hạn công nhận chủ đầu tư, chiếm 11,2% tổng số dự án.

Đây cũng là nguồn hàng hóa dự án tiềm năng cho thị trường mua bán, chuyển nhượng dự án (M&A) nếu có chính sách và cơ chế phù hợp.

Bên cạnh đó, còn có 52 dự án chưa thể triển khai được do vướng khâu giải phóng mặt bằng (trong đó, có 23 dự án đã giải phóng mặt bằng trên 80% diện tích, 29 dự án đã giải phóng mặt bằng dưới 80% diện tích, nhưng phần diện tích còn lại doanh nghiệp không thể thỏa thuận đền bù được).

Đây cũng là phần chìm của tảng băng hàng tồn kho trên thị trường bất động sản cần phải có giải pháp hợp lý, nên rất cần có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp để sớm triển khai dự án và vừa đảm bảo lợi ích của người có đất, vừa đảm bảo lợi ích chung của xã hội.

Hiện nay, nhìn toàn cục, thị trường bất động sản vẫn đang trong giai đoạn phục hồi và tăng trưởng nhưng chưa vững chắc.

Sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản chỉ có thể đạt được khi giải quyết được cơ bản nhu cầu nhà ở của số đông người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, người nhập cư.

TP.HCM hiện có trên 10 triệu dân (dự kiến đến năm 2020 sẽ có dân số lên đến 12 triệu người) với hơn 1,8 triệu hộ gia đình, với gần 3 triệu người nhập cư, có một bộ phận trong số 200.000 cán bộ công chức, viên chức, nhất là ngành giáo dục, y tế, và khoảng 50.000 cặp kết hôn mới mỗi năm có nhu cầu thuê nhà, tạo lập nhà ở.

Bên cạnh đó, cũng như hơn 20.000 hộ dân sống trong các khu nhà lụp xụp trên và ven kênh rạch hoặc trong các chung cư hư hỏng nặng cũng đặt ra nhu cầu rất lớn về cải thiện nhà ở đi đôi với chỉnh trang đô thị.

Để đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội , nhà ở thương mại nhất là loại căn hộ 1-2 phòng ngủ để cho thuê, hoặc bán với giá trên dưới 1 tỷ đồng/căn là thách thức lớn nhất vì nhu cầu quá lớn trong khi nguồn cung có hạn, đòi hỏi phải có cơ chế, chính sách phù hợp và sự nỗ lực phối hợp hiệu quả của chính quyền thành phố, quận, huyện, cộng đồng doanh nghiệp bất động sản và hệ thống tín dụng.


Lo đơn hàng dệt may “chảy” sang Lào, Myanmar

Theo phản ánh của ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) tại Hội nghị “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế” diễn ra tại TP.HCM mới đây, đã xuất hiện tình trạng đơn hàng dệt may dịch chuyển từ Việt Nam sang Myanmar, Lào, vì đặt hàng tại các nước này, khách hàng có ưu đãi về thuế xuất khẩu vào Mỹ và châu Âu”, trong khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) chưa có hiệu lực.

Trước tình hình trên, ông Vũ Đức Giang cho rằng, cần thay đổi chính sách về lương tối thiểu, bởi đây là áp lực rất nặng nề đối với ngành dệt may.

“Kể từ ngày 1/5, Trung Quốc thực hiện điều chỉnh bảo hiểm xã hội từ 22% xuống 19%. Chúng ta cũng cần có giải pháp điều chỉnh việc này, nếu không sẽ khó cạnh tranh được với các nước trong khu vực”, ông Giang nói.

.Tỷ lệ đơn đặt hàng cho quý II và quý III/2016 của ngành dệt may thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái tới 5 - 7%,

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong quý I/2016, xuất khẩu nhóm hàng dệt may của Việt Nam đạt 5,13 tỷ USD, chỉ tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2015. Kết quả 4 tháng ước đạt hơn 7 tỷ USD, tăng chưa tới 7%. Trong khi đó, nhập khẩu nguyên phụ liệu cũng có dấu hiệu giảm sút.

Ông Hoàng Trọng Khang, Phó phòng Xuất nhập khẩu Công ty cổ phần Việt An (Hà Nam) chuyên xuất khẩu hàng dệt may đi Mỹ, châu Âu và Hàn Quốc cho hay, nhập khẩu giảm có nguyên nhân từ việc một số thị trường xuất khẩu chủ lực giảm nhu cầu, điển hình là Hàn Quốc.

Thực tế, hiện tại, tỷ lệ đơn đặt hàng cho quý II và quý III/2016 thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái tới 5 - 7%, trong khi giá thực hiện gia công không tăng.

Rõ ràng, điều khiến doanh nghiệp lo ngại là khả năng đơn hàng từ các khách hàng truyền thống có xu hướng dịch chuyển sang các nước trong khu vực trong quý II, quý III năm nay. Việc này sẽ ảnh hưởng tức thì đến kết quả xuất khẩu của doanh nghiệp dệt may và làm chậm lại tốc độ xuất khẩu cả ngành.

Bởi vậy, với nỗ lực tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu về cho các doanh nghiệp, nâng công việc này lên tầm chuyên nghiệp hơn, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã thành lập 2 đơn vị là Công ty TNHH một thành viên Vinatex Quốc tế (VTJ) và Trung tâm Phát triển chuỗi cung ứng (SCDC).

“Nhiệm vụ của 2 đơn vị này là liên kết và hỗ trợ các đơn vị thành viên của Tập đoàn trong việc khai thác, mở rộng, tìm kiếm khách hàng, hình thành, phát triển hệ thống liên kết, tạo thành chuỗi kinh doanh cung ứng từ nguyên liệu đến thành phẩm”, ông Trần Quang Nghị, Chủ tịch HĐQT Vinatex cho biết.

Dù thành lập chưa đầy năm, đến nay, SCDC đã có được 8 khách hàng thường xuyên về hàng may mặc và đang phát triển 20 khách hàng tại các thị trường Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc và Nhật Bản. Riêng với mặt hàng bông, xơ, sợi, đã có 10 khách hàng thường xuyên, đồng thời đang phát triển 30 khách hàng tại các thị trường Chi Lê, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia và Hàn Quốc.

Trong khi đó, VTJ cũng có được kết quả kinh doanh đầy triển vọng, khi 100% doanh thu của Công ty mang về trong gần 1 năm qua từ làm hàng FOB. “VTJ đang có 10 khách hàng lớn và trong giai đoạn này, Công ty đang tập trung vào khách hàng Mỹ với đơn hàng lớn, chất lượng vừa phải như JC Penny, Walmart, GAP, OneJeans, Perry Ellis và đơn hàng cho các khách hàng Nhật Bản như Nomura, Toyobo.


Doanh nghiệp ô tô "kêu" khó khi tính thuế mới

Các nhà nhập khẩu ô tô được ủy quyền chính hãng tại Việt Nam kiến nghị Bộ Tài chính duy trì phương thức tính thuế hiện tại theo quy định của Nghị định 108. Đồng thời tạm hoãn áp dụng phương thức tính thuế tiêu thụ đặc biệt mới cho đến khi xác định cụ thể tỷ lệ để so sánh với giá bán bình quân.

Liên quan đến một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/7 tới đây, 10 doanh nghiệp nhập khẩu ô tô được ủy quyền chính hãng tại Việt Nam vừa cùng ký chung văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các bộ: Công Thương, Tài chính và Ủy ban Kinh tế và Ngân sách Quốc hội.

Phương thức tính thuế mới chưa rõ ràng

Theo đó, 10 doanh nghiệp nhập khẩu ô tô được ủy quyền chính hãng tại Việt Nam là Audi, Bentley và Lamborghini, BMW và Mini, Jaguar và Land Rover, Luxgen và Baic, Maserati, Renault, Rolls - Royce, Subaru và Volkswagen cho rằng, phương thức tính thuế mới của luật chưa rõ ràng.

Cụ thể, tỷ lệ để so sánh với giá bán bình quân của các cơ sở kinh doanh thương mại làm căn cứ tính thuế thay vì cố định thì lại được thay đổi thành khung tỷ lệ với biên độ chưa xác định. Bên cạnh đó, việc xác định “cơ sở kinh doanh thương mại là cơ sở đầu tiên trong khâu lưu thông thương mại” (nhà bán sỉ/nhà phân phối) chưa cụ thể, khi mà mối quan hệ trong "cơ sở có mối quan hệ liên kết” chưa được định nghĩa trong bất cứ văn bản luật nào.

Cùng với đó, hiện nay chưa có thông tin chi tiết về kế hoạch triển khai luật mới, trong khi ngày hiệu lực dự kiến chỉ còn hơn 2 tháng. Các doanh nghiệp này cũng cho rằng, phương pháp tính thuế tiêu thụ đặc biệt mới theo Nghị định 108/2015/NĐ - CP được triển khai từ 1/1/2016, cùng với đó là Thông tư hướng dẫn nhưng từ thời điểm trên đến gần cuối tháng 3/2016, các nhà nhập khẩu chính thức đã không thể thực hiện kê khai phần thuế tiêu thụ đặc biệt tăng thêm cho Cục Thuế do hệ thống kê khai trực tuyến không cập nhật mẫu biểu mới. Do vậy, các nhà nhập khẩu chính thức không muốn một lần nữa phải đối mặt với tình trạng muốn kê khai và tuân thủ Luật Thuế nhưng lại không thể làm được do chậm cập nhật.

Theo các nhà nhập khẩu này, việc kinh doanh ô tô mới nhập khẩu chính hãng được căn cứ trên 6 tháng, thời gian chờ tính từ lúc bắt đầu đặt hàng sản xuất đến lúc bàn giao cho khách hàng tại Việt Nam. Chính vì thế, việc không thể báo giá bán bằng tiền đồng một cách tương đối chính xác cho khách hàng khi nhận đặt hàng trong thời gian này cho ô tô giao sau ngày 1/7/2016. Điều này sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc kinh doanh của các doanh nghiệp nhập khẩu và hệ quả tất yếu là sẽ làm sụt giảm nguồn thu ngân sách nhà nước.

Cần có hướng dẫn chi tiết

Các nhà nhập khẩu ô tô được ủy quyền chính hãng tại Việt Nam kiến nghị Bộ Tài chính duy trì phương thức tính thuế hiện tại theo quy định của Nghị định 108. Đồng thời tạm hoãn áp dụng phương thức tính thuế tiêu thụ đặc biệt mới cho đến khi xác định cụ thể tỷ lệ để so sánh với giá bán bình quân.

Các doanh nghiệp này cũng nhấn mạnh, mặc dù Chính phủ luôn có chủ trương tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhưng việc liên tục điều chỉnh chính sách thuế trong thời gian ngắn sẽ gây khó khăn cho việc xây dựng kế hoạch kinh doanh phù hợp của doanh nghiệp. Điều này cũng sẽ tác động đến thị trường, sức mua và gây ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thuế đóng góp vào ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô.

Đại diện các nhà nhập khẩu kiến nghị Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết và dự phòng thời gian chuẩn bị triển khai hợp lý để doanh nghiệp có thể áp dụng phương thức tính thuế mới trong thực tiễn nhằm đảm bảo việc thực hiện dễ dàng.

Ngoài ra, các nhà nhập khẩu ô tô ủy quyền tại Việt Nam cũng đề nghị Bộ Tài chính tổ chức một cuộc họp công khai lấy ý kiến từ các nhà nhập khẩu ô tô được ủy quyền chính hãng và các nhà lắp ráp ô tô trong nước trước khi thực hiện áp dụng phương thức tính thuế tiêu thụ đặc biệt mới.

Theo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vừa được Quốc hội thông qua, từ 1/7/2016 các dòng xe dung tích xi lanh dưới 1.500 cm3 được giảm thuế tiêu thụ đặc biệt từ mức 45% hiện hành xuống còn 40% và tiếp tục giảm còn 35% từ ngày 1/1/2018.

Với các dòng xe có dung tích xi lanh trên 1.500 - 2.000 cm3 vẫn giữ nguyên mức 45% hiện hành đến ngày 31/12/2017, sau đó giảm còn 40% từ ngày 1/1/2018. Các loại xe có dung tích xi lanh trên 2.000 - 2.500 cm3 sẽ giữ nguyên mức 50% hiện hành. Đặc biệt, những xe có dung tích từ 3.000 cm3 trở lên tăng rất mạnh kể từ 1/7/2016; trong đó loại trên 3.000 - 4.000 cm3 tăng lên 90% (tăng 30%); loại trên 4.000 - 5.000 cm3 lên 110% (tăng 50%); loại trên 5.000 - 6.000 cm3 lên 130% (tăng 70%) và loại trên 6.000 cm3 tăng lên 150% (tăng 90%) so với hiện hành.

Theo lý giải của Bộ Tài chính, việc điều chỉnh thuế này nhằm đảm bảo công bằng và tính đồng bộ với Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, khuyến khích việc sản xuất và tiêu thụ dòng xe nhỏ, tiêu thụ ít năng lượng, phù hợp với hạ tầng giao thông và thu nhập của người dân. Trong khi đó, với dòng xe có dung tích xi lanh lớn, tiêu hao nhiều nhiên liệu, hạ tầng cơ sở chưa đáp ứng được nên áp dụng mức thuế cao để hạn chế tiêu dùng.


Sửa đổi chính sách thuế đối với hàng NK gửi qua dịch vụ CPN

Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thuế XK, thuế NK sửa đổi đang được Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) lấy ý kiến, đã đề cập tới nội dung trên.  
 

hang hoa nk gui qua dich vu chuyen phat nhanh, dich vu buu chinh co gia tri tu 1 trieu dong tro xuong duoc mien thue.

Hàng hóa NK gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh, dịch vụ bưu chính có giá trị từ 1 triệu đồng trở xuống được miễn thuế.

Về nội dung miễn thuế hàng hóa có trị giá hoặc có số tiền thuế phải nộp dưới mức tối thiểu, tại khoản 5 Điều 16 Luật Thuế XK, thuế NK sửa đổi đã quy định: Hàng hóa có trị giá hoặc có số tiền thuế phải nộp dưới mức tối thiểu được miễn thuế XK, NK. 

Ban soạn thảo Nghị định cho biết, học tập kinh nghiệm một số nước và nâng cấp quy định đã thực hiện ổn định về mức giá trị hàng hóa NK gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg), vì vậy, tại dự thảo Nghị định quy định cụ thể về miễn thuế đối với hàng hóa có trị giá hoặc có số tiền thuế phải nộp dưới mức tối thiểu như sau: 

“Hàng hóa có tổng trị giá khai báo dưới 1 triệu đồng Việt Nam hoặc có tổng số tiền thuế XK, NK phải nộp dưới mức 1 trăm nghìn đồng Việt Nam cho một lần XK, XK” sẽ được miễn thuế. 

Theo đó, đối với hàng hóa NK gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh tại dự thảo Nghị định quy định: Hàng hóa NK gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh, dịch vụ bưu chính có giá trị từ 1 triệu đồng trở xuống được miễn thuế. Hàng hóa NK gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh, dịch vụ bưu chính có giá trị trên 1 triệu đồng phải nộp thuế theo quy định của pháp luật.


Liên minh EU áp dụng Luật Hải quan mới

Theo thông báo chính thức của Ủy ban châu Âu (EC), Luật Hải quan mới chính thức có hiệu lực từ ngày 1-5 sẽ giúp đơn giản hóa cho các doanh nghiệp hoạt động thương mại tại châu Âu và bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn trong việc chống hàng hóa bất hợp pháp. 

luat hai quan moi co hieu luc tu ngay 1-5-2016.

Luật hải quan mới có hiệu lực từ ngày 1-5-2016.

Luật Hải quan mới (UCC) thay thế Luật Hải quan của EU áp dụng từ năm 1992, được coi là một cột mốc quan trọng đối với Liên minh Hải quan châu Âu. 

Nội dung Luật Hải quan mới bao gồm việc thiết lập các cơ sở dữ liệu chung cho một hệ thống công nghệ thông tin mới cho phép các cơ quan hành chính của các nước thành viên phối hợp chặt chẽ hơn về mặt trao đổi thông tin. Đồng thời cung cấp dữ liệu nhanh chóng và chất lượng đối với hàng hóa đang giao dịch, cải thiện công tác quản lý rủi ro và tăng cường chống buôn lậu, khủng bố và các hoạt động bất hợp pháp. 

Theo ông Pierre Moscovici, Ủy viên Cục Kinh tế và tài chính, Hải quan đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và chống khủng bố thông qua việc kiểm tra hàng hóa. Chính vì thế khả năng phát hiện các hành vi buôn lậu hay khủng bố là rất cao. Bên cạnh đó, Hải quan cũng góp phần bảo vệ người tiêu dùng đối với hàng hóa có nguy cơ về an toàn và sức khỏe. 

Trong năm 2015, EU chiếm gần 15% thương mại thế giới về trao đổi hàng hóa với trị giá 3,5 nghìn tỷ euro. Để quản lý tần suất lớn về thương mại thế giới này đòi hỏi phải xử lý hàng triệu tờ khai hải quan mỗi năm một cách nhanh chóng và hiệu quả. Với Luật Hải quan mới này, 28 cơ quan Hải quan của EU sẽ hành động như một thực thể thống nhất và tạo thuận lợi cho thương mại, bảo vệ sức khỏa và an toàn cho tất cả công dân EU. 


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục

  • Tin kinh tế đọc nhanh trưa 09-05-20161

    Tin kinh tế đọc nhanh trưa 09-05-2016

    Xuất khẩu dệt may đạt gần 7 tỷ USD sau 4 tháng
    Các ngân hàng khao khát nới room để thu hút vốn từ cổ đông ngoại
    Doanh nghiệp kiến nghị thay đổi cách quản lý xuất khẩu gạo
    Trung Quốc sẽ khiến chứng khoán thế giới bị bán tháo
    Nhà máy xăng sinh học chết yểu!

  • Tin kinh tế đọc nhanh sáng 09-05-20162

    Tin kinh tế đọc nhanh sáng 09-05-2016

    Dấu hiệu suy yếu của kinh tế Trung Quốc
    Trung Quốc toan tính “mua cả nước Úc”
    Vẫn siết cấp phép mở chi nhánh ngân hàng
    Vingroup với tham vọng thống trị thị trường bán lẻ Việt Nam
    VNPT-Net đạt doanh thu gần 21.000 tỷ đồng

  • Tin kinh tế đọc nhanh 09-05-20163

    Tin kinh tế đọc nhanh 09-05-2016

    Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc “nợ như chúa chổm”, hơn cả Hy Lạp
    Thị phần bán lẻ chưa mất vào tay ai cả, Việt Nam vẫn nắm 97%?
    BigC bắt đầu “tận thu” doanh nghiệp Việt
    Thị trường TP HCM “nóng” với hàng điện lạnh
    Apple bị Samsung vượt mặt trên sân nhà

  • Tin kinh tế đọc nhanh sáng tôi 08-05-20164

    Tin kinh tế đọc nhanh sáng tôi 08-05-2016

    Trung Quốc điều tra các công ty dược phẩm nước ngoài
    Bộ trưởng Dầu mỏ Saudi mất ghế
    Người Thái "nhắm" đến Việt Nam
    Tìm cách hóa giải thách thức trong nhập khẩu gỗ nguyên liệu
    6 trường hợp được nhập khẩu sản phẩm công nghệ thông tin cũ

  • Tin kinh tế đọc nhanh chiều 08-05-20165

    Tin kinh tế đọc nhanh chiều 08-05-2016

    Ấn Độ "đau đầu" tìm cách xử lý hơn 120 tỷ USD nợ xấu ngân hàng
    Đây là lý do tại sao Trung Quốc thất thoát 500 tỷ USD ngoại hối chỉ trong 1 năm duy nhất
    Iran tuyên bố sẵn sàng tham gia đóng băn sản lượng dầu mỏ
    Thị trường thép đã phục hồi tích cực
    Thái Lan muốn bán ồ ạt trên 11 triệu tấn gạo

  • Tin kinh tế đọc nhanh trưa 08-05-20166

    Tin kinh tế đọc nhanh trưa 08-05-2016

    “Cuộc chiến” giành giật thị phần bán lẻ: Ông lớn đua tranh vị trí đầu bảng
    FPT Trading sẽ nối gót FShop bán trong năm nay
    Thuốc lá lậu vẫn còn chiếm 20% thị phần
    Có vội vàng khi đưa lãi suất tiền gửi USD về 0%?
    Rạng Đông sẽ đầu tư 193 tỷ cho thiết bị công nghệ

  • Tin kinh tế đọc nhanh 08-05-20167

    Tin kinh tế đọc nhanh 08-05-2016

    Kinh tế Eurozone tăng trưởng trở lại, lợi hại hơn Mỹ
    Doanh nghiệp ngày càng teo tóp vì rào cản
    Him Lam khởi công dự án 5.000 tỷ đồng tại Hải Phòng
    Quan niệm sai về công nghiệp hỗ trợ?
    Woojin đầu tư 247 triệu USD xây nhà máy điện gió ở Trà Vinh

  • Tin kinh tế đọc nhanh chiều 07-05-20168

    Tin kinh tế đọc nhanh chiều 07-05-2016

    Quốc Cường Gia Lai cũng nhận trái đắng từ 'vàng trắng'
    LG Display khởi công dự án 1,5 tỷ USD tại Hải Phòng
    Nhật Bản cấp mới hơn 204 triệu USD vốn ODA cho Việt Nam
    Liệu kiều hối sẽ là mảnh đất màu mỡ cho ngân hàng?
    Big C đòi chiết khấu cao, doanh nghiệp rút hàng

  • Tin kinh tế đọc nhanh trưa 07-05-20169

    Tin kinh tế đọc nhanh trưa 07-05-2016

    Vàng phục hồi mạnh sau số liệu việc làm thất vọng tại Mỹ
    Giá bán USD ngân hàng tiếp tục duy trì trong khoảng 22.320-22.325 đồng/USD
    Chấn chỉnh việc thực hiện quy định về lãi suất huy động
    Thêm 119 nhà đầu tư ngoại được cấp mã số giao dịch chứng khoán
    Vì sao nhiều ngân hàng không muốn lên sàn?

  • Tin kinh tế đọc nhanh sáng 07-05-201610

    Tin kinh tế đọc nhanh sáng 07-05-2016

    Các công ty Mỹ hết đường trốn thuế
    Vinamilk vươn tới doanh thu 2 tỷ USD trong năm 2016
    Mục tiêu đến năm 2020, cả nước có khoảng một triệu doanh nghiệp hoạt động
    NHNN ra "tối hậu thư" chấn chỉnh hiện tượng lách trần lãi suất
    Các ngân hàng giảm mạnh vay mượn ngoại tệ