Tăng trưởng tín dụng năm 2015 có thể đạt 18%
Nền kinh tế đang vay mượn hơn 4,45 triệu tỷ đồng
Cộng đồng kinh tế ASEAN: “Nước đã đến chân”
Mỹ đã đầu tư hơn 11 tỷ USD vào Việt Nam
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 12-12-2015
- Cập nhật : 12/12/2015
Sẽ thanh tra Vinatex, ACV, Vietcombank, VDB
Thanh tra Chính phủ vừa ra quyết định số 3642/QĐ-TTCP, thay thế QĐ số 3348/QĐ-TTCP ngày 10/11/2015 về việc phê duyệt Kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2016 của Thanh tra Chính phủ.
Theo đó, trong năm 2016 sẽ thanh tra Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) và Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) về việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản, cổ phần hóa, thoái vốn và tái cơ cấu.
Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ cũng sẽ thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về trách nhiệm quản lý Nhà nước và quản lý các dự án đê điều.
Đối với Bộ Xây dựng, Thanh tra Chính phủ sẽ tập trung vào việc khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng.
Tổng Cục Hải quan cũng sẽ bị thanh tranh việc chấp hành pháp luật trong phòng, chống buôn lậu, đầu tư, mua sắm tài sản.
Hai Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội và TPHCM sẽ bị thanh tra về việc chấp hành chính sách, pháp luật trong tổ chức quản lý và điều hành thị trường giao dịch chứng khoán.
Ngoài ra, Ngân hàng Vietcombank và Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cũng sẽ bị thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động tín dụng và đầu tư tài chính.
Từ vụ Bạc Liêu, Cà Mau “vỡ nợ”: Bộ Tài chính siết chi tiêu của các địa phương
Nội dung trên đưa ra tại Văn bản số 18410/BTC-NSNN do Bộ Tài chính ban hành ngày 10/12/2015 gửi Ủy ban Nhân dân các tỉnh/thành phố trong việc thực hiện một số giải pháp điều hành nhiệm vụ tài chínhngân sách địa phương.
Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo thực hiện một số giải pháp điều hành, thực hiện nhiệm vụ tài chính trong thời gian còn lại của năm 2015, trong đó:
Chỉ đạo cơ quan thuế, Hải quan phối hợp với cơ quan liên quan của địa phương tăng cường quản lý thu, chống thất thu và xử lý nợ đọng thuế, phấn đấu tăng thu ở mức cao nhất đề hoàn thành vượt mức nhiệm vụ thu đã được giao.
Cơ quan tài chính tham mưu cho UBND tỉnh/thành phố quản lý chingân sách nhà nước, đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả theo đúng chế độ quy định và trong phạm vi được giao. Tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên, giảm tối đa kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết; hạn chế bố trí kinh phí đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài, hạn chế mua sắm ô tô và trang thiết bị đắt tiền. Đặc biệt, quản lý chặt chẽ việc ứng tước dự toán Ngân sách nhà nước và chi chuyển nguồn sang năm sau.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng yêu cầu Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Tài chính phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát tình hình thu, chi tại các cấp ngân sách trên địa bàn, đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ chi trong phạm vi dự toán được giao, không để xảy ra tình trạng nợ lương cán bộ, công chức, viên chức, các khoản chi cho con người và chính sách đảm bảo xã hội theo chế độ trên địa bàn.
Trường hợp bị hụt thu, chưa xử lý dứt điểm hoặc thiếu hụt tạm thời các quỹ ngân sách, cần chủ động giãn tiến độ hoặc tạm dừng thực hiện một số khoản chi chưa thực sự cần thiết. Nếu vẫn thiếu nguồn, cần sử dụng thêm nguồn lực tài chính địa phương theo quy định như nguồn dự phòng, quỹ dự trữ tài chính và các nguồn lực khác của địa phương.
Kết hợp với đó, Bộ Tài chính yêu cầu các địa phương cần rà soát, sắp xếp lại cá nhiệm vụ chi theo thứ tự ưu tiên, cắt giảm hoặc giãn thời gian thực hiện các nhiệm vụ chưa thực sự cần thiết để đảm bảo cân đối.
Riêng với nguồn thu từ sử dụng đất và các nguồn thu khác gắn với nhiệm vụ chi, cần căn cứ dự toán đã giao và tiến độ thực hiện thu thực tế. Trường hợp dự kiến giảm thu so dự toán, ngân sách địa phương không thể bù đắp từ các khoản tăng thu khác thì phải chủ động rà soát, cắt giảm hoặc giãn tiến độ thực hiện các công trình, dự án đã được bố trí từ nguồn này.
Trường hợp sau khi thực hiện các giải pháp nêu trên mà ngân sách địa phương vẫn khó khăn, địa phương có báo cáo bằng văn bản kịp thời đến cơ quan quản lý cấp trên để xem xét, trình cấp có thẩm quyền cho phép tạm ứng nguồn để đảm bảo các nhiệm vụ chi quan trọng, đặc biệt là các chế độ, chính sách cho con người và an sinh xã hội.
Cộng đồng ASEAN và những việc cần làm ngay
Nhận thức về Cộng đồng ASEAN của cán bộ, công chức, doanh nghiệp và nhân dân còn hạn chế là một trong những thách thức lớn Việt Nam cần vượt qua để tận dụng tối đa cơ hội cũng như hóa giải thách thức trong tiến trình tham gia Cộng đồng ASEAN trong thời gian tới.
Đó là phát biểu của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh tại Hội thảo về Cộng đồng ASEAN, diễn ra sáng 11/12 tại Hà Nội.
Theo điều tra mới đây của một số học giả trong nước cũng như của Ban Thư ký ASEAN, nhận thức về Cộng đồng ASEAN, cơ hội và thách thức từ việc hình thành Cộng đồng của doanh nhân, người dân, sinh viên Việt Nam rất thấp - nhất là so với các nước Singapore, Thái Lan, Malaysia.
Bên cạnh đó, so với các nước ASEAN-6, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam còn nhỏ về quy mô, lạc hậu về công nghệ; doanh nhân, doanh nghiệp cũng chưa có nhiều kinh nghiệm trong cạnh tranh quốc tế.
Những thách thức trên đặt ra yêu cầu phải có chương trình cụ thể để nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, các tổ chức đoàn thể và nhân dân về Cộng đồng ASEAN cũng như chương trình hành động để thực hiện các mục tiêu cụ thể của Cộng đồng đã đặt ra.
Bộ Ngoại giao - với vai trò là cơ quan điều phối quốc gia về hợp tác ASEAN, sẽ chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan để xây dựng Đề án thực hiện, triển khai các chương trình hành động của Cộng đồng ASEAN nhằm tận dụng cơ hội Cộng đồng mang lại cũng như xử lý các thách thức đối với đất nước nói chung, đối với từng ngành nghề, từng địa phương, từng doanh nghiệp.
Theo Phó Thủ tướng, đến thời điểm hiện nay, ASEAN đã thực hiện trên 90% các mục tiêu để hướng tới việc chính thức thành lập Cộng đồng vào cuối năm 2015, đồng nghĩa với việc chúng ta đang sống trong Cộng đồng ASEAN rồi.
Sự ra đời của Cộng đồng ASEAN là một dấu mốc quan trọng, bước phát triển mới của ASEAN, thể hiện nhận thức chung về sự cần thiết nâng cao khả năng, tận dụng cơ hội để phát triển của từng nước thành viên.
Đối với Việt Nam cũng như các nước ASEAN, Cộng đồng mang lại nhiều cơ hội cũng như thách thức. Về chính trị, Việt Nam có cơ hội củng cố môi trường hòa bình, hữu nghị khi các nước ASEAN chia sẻ và gắn kết sâu hơn với các lợi ích an ninh của nhau.
Về kinh tế, đất nước có cơ hội mở rộng thị trường hàng hóa, dịch vụ, thu hút đầu tư nước ngoài, đẩy nhanh quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế, định vị đất nước vào vị trí tối ưu trong chuỗi sản xuất của khu vực và toàn cầu.
Về văn hóa xã hội, chúng ta có cơ hội thực hiện các chuẩn mực cao hơn về văn hóa xã hội, các tiêu chí về bảo vệ quyền con người, chia sẻ và làm giàu bản sắc văn hóa và xã hội của con người Việt nam.
Việc hiện thực hóa các cơ hội đóng góp thiết thực vào mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, trong đó đóng góp vào việc giữ vững môi trường hòa bình, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển.
Phó Thủ tướng cho hay trong 10 năm tới, ASEAN sẽ bám sát 6 định hướng lớn, gồm: Nâng cao hiệu quả và tính thực chất của liên kết ASEAN, hợp tác của ASEAN với các đối tác; đề cao và tăng cường yếu tố luật lệ trong các hoạt động của ASEAN; thúc đẩy sự tham gia của người dân; nâng cao khả năng tự cường của ASEAN trong việc ứng phó, xử lý thách thức và những biến động bất thường; chú trọng yếu tố phát triển bền vững gắn liền với chương trình nghị sự 2030 của LHQ về phát triển bền vững; củng cố vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực, đồng thời nâng cao đóng góp và vị thế toàn cầu của ASEAN.
Dự án dầu khí Bir Seba: Biểu tượng hợp tác Việt Nam-Algeria
Ngày 11/12, Tổng công ty thăm dò và khai thác dầu khí Việt Nam (PVEP) - đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) - tổ chức lễ đón dòng dầu thương mại đầu tiên tại mỏ Bir Seba, Lô 433A&416B, Algeria.
Đây là sự kiện mang ý nghĩa chính trị, kinh tế quan trọng trong bối cảnh vô vàn khó khăn đối với công nghiệp dầu khí thế giới khi giá dầu giảm sâu như hiện nay.
Dự án thăm dò khai thác dầu khí tại mỏ Bir Seba do PVEP liên doanh cùng các đối tác là Công ty Quốc gia Algeria (Sonatrach), Công ty Thăm dò Khai thác dầu khí Thái Lan (PTTEP) với quyền lợi tham gia lần lượt là 40%, 25% và 35%.
Đây là dự án thành công đầu tiên của PVEP cũng như của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tại nước ngoài từ khâu đầu tiên là tham gia đấu thầu quốc tế tới khâu thăm dò do đội ngũ nhân sự PVEP trực tiếp điều hành trong Giai đoạn thăm dò thẩm lượng, từ năm 2003 đến 2008.
Liên doanh Bir Seba được thành lập vào năm 2009, với tổng vốn đầu tư 1,26 tỷ USD. Hiện, dự án được điều hành bởi Công ty điều hành chung Groupment Bir Seba (GBRS) do các bên trong liên doanh thành lập theo quy định của Hợp đồng phân chia sản phẩm đối với giai đoạn phát triển khai thác.
Ông Hoàng Ngọc Đông, Giám đốc Công ty PVEP-Algeria cho biết liên doanh Bir Seba đang trong quá trình phát triển và khai thác giai đoạn 1 tại mỏ Bir Seba. Tính đến nay, liên doanh đã khoan 16 giếng, trong đó có 4 giếng được khoan trong giai đoạn thăm dò và thẩm lượng, còn 12 giếng được khoan trong giai đoạn phát triển mỏ.
Hiện tại dự án đang khai thác với sản lượng trung bình khoảng 20.000 thùng dầu/ngày theo đúng thiết kế. Sản lượng khai thác của dự án đã đạt mốc khai thác một triệu thùng dầu thương mại vào ngày 4/11/2015.
Bám sát kế hoạch tổng thể đã đặt ra, trong thời gian tới, dự án sẽ tiếp tục hoàn thiện giai đoạn I, ổn định khai thác, tiếp tục triển khai giai đoạn II, phấn đấu nâng sản lượng khai thác toàn lô lên 40.000 thùng/ngày vào đầu năm 2020.
Ông Đông cũng đánh giá tốt sự hợp tác giữa PVEP, Sonatrach và PTTEP trong việc thực hiện thành công dự án này. Theo ông Đông, để có được kết quả trên còn là có sự quyết tâm táo bạo và bước đột phá của các cấp lãnh đạo PVEP/PVN trong công cuộc tìm dầu ở các vùng đất xa xôi trong đó có châu Phi.
Ông Đông nêu rõ việc khai thác mỏ Bir Seba đã khẳng định vị thế của người Việt Nam trong hành trình tìm dầu ở nước ngoài, đặc biệt là tại dự án này, phía Việt Nam đã tự lực tự cường ngay từ những ngày đầu để tìm kiếm, thăm dò rồi phát hiện ra mỏ này, sau đó là xây dựng hệ thống khai thác để đến ngày gặt hái kết quả trên một đất nước xa xôi cách thủ đô Hà Nội trên 10.000km tại sa mạc Sahara có khí hậu khắc nghiệt nhất thế giới.
Ngành dầu khí Việt Nam đã vươn ra nhiều nước trên thế giới như Venezuela, Nga..., trong đó Algeria là khu vực có nhiều tiềm năng dầu khí. Quốc gia Bắc Phi này là một trong ba nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu châu Phi, với trữ lượng ước tính khoảng 5,7 tỷ tấn (38 tỷ thùng), sản lượng gần 180.000 tấn/ngày (tương đương 1,2 triệu thùng/ngày), xếp thứ 12 về sản lượng sản xuất và đứng thứ 9 về sản lượng xuất khẩu.
Về khí đốt, Algeria có trữ lượng khoảng 4.500 tỷ m3 với sản lượng 60 tỷ m3/năm và là nước sản xuất khí tự nhiên hàng đầu châu Phi, nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn thứ hai vào châu Âu và đứng thứ 4 thế giới.
Tỉnh Hassi Messaoud ở sa mạc Sahara, nơi có mỏ Bir Seba, nằm cách thủ đô Alger hơn 600km về phía Nam, được xem là thủ phủ dầu mỏ của Algeria vì tại đây tập trung tất cả các loại dịch vụ dầu khí, cũng như rất nhiều các công ty dầu mỏ lớn của thế giới và của nước chủ nhà.
Có hai doanh nghiệp Việt Nam cũng đang đặt trụ sở tại đây là PVEP và Tổng công ty Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí (PVD).
Hiện nay, bên cạnh những cán bộ quản lý, nhân viên người địa phương, hơn 30 cán bộ, kỹ sư người Việt Nam đang làm việc cho PVEP-Algeria trong đó có 12 người thường trực làm việc tại mỏ Bir Seba, số còn lại làm việc tại văn phòng công ty tại Hassi Messaoud. Trong số này có những người đã có thâm niên làm việc tại quốc gia Bắc Phi này được 8 năm.
Đi tìm dầu, khoan thấy dầu, và khai thác được dầu thương mại tại khu vực sa mạc Sahara, nơi có khí hậu khắc nghiệt nhất thế giới là thành công của những người làm dầu khí Việt Nam. Thành công này sẽ giúp PVEP/PVN mở rộng cánh cửa đầu tư ra nước ngoài và Bir Seba được xem là một biểu tượng cho quan hệ hợp tác Việt Nam-Algeria.
Theo phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhân chuyến thăm chính thức Algeria cuối tháng 5/2015, việc khai thác dòng dầu đầu tiên sẽ đem lại lợi ích cho hai doanh nghiệp dầu khí nói riêng và giữa hai nước nói chung. Đây là một biểu tượng hợp tác thành công giữa hai nước; là thành quả của sự hợp tác kiên trì lâu dài giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Algeria và sẽ là một đóng góp thiết thực vào việc tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác tốt đẹp giữa hai nước; tạo động lực để hai bên mở rộng hợp tác trong nhiều lĩnh vực mới.
11 tháng, doanh thu TKV đạt gần 86% kế hoạch
Theo báo cáo của Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV), doanh thu toàn Tập đoàn trong 11 tháng qua ước đạt 97.681 tỉ đồng, đạt 85,7% kế hoạch và bằng 103,3% so với cùng kỳ năm 2014.
Cụ thể, doanh thu 5 ngành nghề kinh doanh chính (than, khoáng sản, hóa chất, điện, cơ khí) đạt 70.480 tỉ đồng, đạt 83,6% kế hoạch đầu năm, bằng 91,4% kế hoạch điều chỉnh và bằng 97,7% so với cùng kỳ năm 2014.
Trong đó, doanh thu than đạt 47.312 tỉ đồng, đạt 82,7% kế hoạch đầu năm; sản xuất, tiêu thụ khoáng sản đạt 5.559 tỉ đồng, đạt 67 % kế hoạch đầu năm; sản xuất, bán điện là 11.061 tỉ đồng, đạt 97% kế hoạch; sản xuất cơ khí thực hiện 2.575 tỉ đồng, bằng 89,5% kế hoạch; sản xuất, cung ứng vật liệu nổ công nghiệp là 3.973 tỉ đồng, đạt 88,6% kế hoạch; doanh thu kinh doanh dịch vụ đạt 27.201 tỉ đồng, đạt 91,5% kế hoạch.
Các sản phẩm chủ yếu như: Than nguyên khai sản xuất đạt 34,7 triệu tấn (đạt 84,8% kế hoạch); than sạch thành phẩm đạt 33,1 triệu tấn (88,6% kế hoạch).
Than tiêu thụ trong 11 tháng qua là 32,4 triệu tấn (bằng 85,5% kế hoạch). Trong đó, lượng than dành cho xuất khẩu chiếm 1,171 triệu tấn (đạt 39% kế hoạch), lượng than tiêu thụ trong nước đạt 31,3 triệu tấn (chiếm 89,5% kế hoạch). Cũng trong 11 tháng qua, TKV đã nhập khẩu 318.000 tấn than.
Tình hình sản xuất điện trong 11 tháng là 8.004 triệu kWh, đạt 93,1% kế hoạch điều chỉnh và bằng 106,2% so với cùng kỳ năm 2014.
Trước đó, vào đầu tháng 8/2015, trận mưa lũ lịch sử trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh của TKV. Hầu hết các mỏ lộ thiên, hầm lò đều đã phải ngừng sản xuất, Tập đoàn không có thiệt hại về người nhưng thiệt hại về tài sản và vật chất ước tính lên đến 1.200 tỉ đồng.