tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 26-06-2018

  • Cập nhật : 26/06/2018

Trung Quốc sắp bơm hơn 100 tỷ USD vào nền kinh tế

Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) cho biết sẽ đưa 700 tỷ nhân dân tệ (107 tỷ USD) vào hệ thống tài chính bằng cách giảm mức tiền gửi mà hầu hết ngân hàng thương mại được yêu cầu nắm giữ.

Động thái trên nhằm hỗ trợ nền kinh tế Trung Quốc, vốn đang phải đối mặt với những lo ngại về suy thoái và cuộc chiến thương mại leo thang với Mỹ.

Mức giảm 0,5% sẽ có hiệu lực vào ngày 5/7, một ngày trước khi 2 nước có kế hoạch áp thuế lên hàng chục tỷ USD hàng xuất khẩu của nhau. Ngân hàng trung ương Trung Quốc sẽ "sử dụng toàn diện tất cả các loại công cụ chính sách tiền tệ" để bù đắp bất kỳ sự suy giảm nào trong nền kinh tế, Thống đốc Dịch Cương phát biểu tuần trước.

Quyết định của PBOC có thể dẫn đến các điều kiện tiền tệ nới lỏng hơn, chuyên gia kinh tế cấp cao Julian Evans-Pritchard của công ty nghiên cứu Capital Economics nhận định hôm 25/6. Các ngân hàng sẽ được khuyến khích cho doanh nghiệp vay thêm và tạo ra nhiều hoạt động kinh tế hơn, theo giới phân tích.

Kinh tế Trung Quốc tăng mạnh trong năm ngoái (6,9%) và vẫn giữ đà vào đầu năm nay. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế hoài nghi về triển vọng nửa cuối năm. Dữ liệu kinh tế chính thức tháng 5 cho thấy tăng trưởng ở các khu vực quan trọng như xuất khẩu, đầu tư của khối doanh nghiệp và chi tiêu tiêu dùng đều giảm so với cùng kỳ năm trước.(NDH)
----------------------

Lừa châu Phi "bốc hơi" vì Trung Quốc mê da lừa

Nhu cầu da lừa tại Trung Quốc tăng mạnh khiến nhiều người dân châu Phi bị đánh cắp lừa để bán sang thị trường đại lục.

Bình minh vừa ló dạng, ông Joseph Kamonjo Kariuki, 37 tuổi, tỉnh dậy và phát hiện những con lừa của mình đã biến mất. Dù lục tung cả ngôi làng nhưng ông Kariuki vẫn không thể tìm thấy vật nuôi của mình.

Sau đó, đám trẻ ở địa phương dẫn ông Kariuki tới chỗ có 3 cái đầu lừa bị cắt rời, máu chảy thấm đẫm trên mặt đất.

Người đàn ông 37 tuổi chia sẻ với hãng tin AP rằng mình cảm thấy bị sốc, đồng thời tin rằng những con lừa của ông đã bị bán ra thị trường chợ đen.

Từ Kenya đến Burkina Faso, Ai Cập đến Nigeria, các nhóm hoạt động vì quyền động vật cho biết lừa ở những nơi này hầu hết được cung cấp cho thị trường đại lục. Trong y học cổ truyền Trung Quốc, chất gelatin mà họ gọi là ejiao được lấy từ da lừa hầm mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, như sống lâu, giảm cân và cường tráng cơ thể. Mặc dù vậy, cơ quan y tế của chính phủ Trung Quốc thừa nhận việc quảng cáo như vậy chỉ dựa trên "sự mê tín dị đoan".

Lừa châu Phi bốc hơi vì Trung Quốc mê da lừa - Ảnh 1.

Những con lừa chuẩn bị kéo xác đồng loại ra bãi rác sau khi bị lấy da ở Naivasha - Kenya. Ảnh: Donkey Sanctuary Kenya

Vì nhu cầu gia tăng nên các nhà cung cấp tích cực tìm kiếm da lừa tại châu Phi, Úc và Nam Mỹ, đe dọa cuộc sống của nhiều người dân khi họ dựa vào vật nuôi này để làm nông và chuyên chở. Hồi năm 2010, da lừa có giá 78 USD/tấm nhưng đến năm 2015 đã tăng lên 405 USD, theo Hiệp hội Ejiao Sơn Đông.

Trong khi đó, số lượng lừa ở Trung Quốc đã giảm một nửa từ 9,4 triệu con (năm 1996) xuống còn 5,5 triệu con (năm 2015). Và hơn 2 triệu trong số 44 triệu con lừa trên khắp thế giới bị giết để lấy da mỗi năm.

Nhóm hoạt động Donkey Sanctuary (trụ sở tại Anh) tiết lộ 14 chính phủ châu Phi đã cấm xuất khẩu da lừa. Tuy nhiên, chúng vẫn bị buôn bán trái phép trên thị trường chợ đen, trong đó có một phần không nhỏ bị đánh cắp.

Ở Kenya, số lượng lừa đã giảm từ 1,8 triệu con xuống còn 1,2 triệu con trong vòng 9 năm qua. Giám đốc phát triển chương trình của Donkey Sanctuary chi nhánh Kenya, Calvin Onyango, cho hay 3 nhà máy giết mổ được cấp phép ở Kenya thịt 1.000 con lừa mỗi ngày để cung cấp da cho Trung Quốc. Vị này ước tính nếu cứ tiếp tục tình trạng như hiện tại, Kenya sẽ hết sạch lừa trong khoảng 5 năm nữa.

Từ Kenya, lừa được vận chuyển tới thị trấn Dong'e, phía Đông Trung Quốc. Tại đây, chúng được giết mổ để chế biến ejiao ở Công ty Dong'e Ejiao Corporation Limited (DEEJ). AP cho biết DEEJ xử lý khoảng 1 triệu tấm da lừa mỗi năm, chiếm 63% thị trường ejiao.

Chủ tịch DEEJ Qin Yufeng từ chối phỏng vấn nhưng gửi một văn bản cho AP nói rằng ejiao mang lại lợi ích cho hơn 20.000 hộ nghèo tại 1.000 thị trấn. Người này cũng khẳng định nhu cầu ejiao gia tăng không phải là lý do khiến số lượng lừa bị giảm. Thay vào đó, ngày càng có ít lừa được nhân giống bởi chúng bị thay thế bằng máy móc ở nông trại.(NLĐ)
------------------------

Úc: Bang Tasmania e ngại dự án 100 triệu USD của Trung Quốc

Trung Quốc đang đặt quyết tâm vào bang Tasmania, miền Nam Úc, với dự án khu nghỉ dưỡng sinh thái trị giá 100 triệu USD.

Dự án đã được Công ty Quản lý Du lịch và Nông nghiệp Cambria Green - dưới quyền lãnh đạo của doanh nhân Úc gốc Hồng Kông Ronald Hu và doanh nhân Trung Quốc Liu Kejing - đề xuất hồi tháng 4. Trải rộng trên 3.000 ha ở bờ Đông Tasmania, dự án này được xem là một trong những cơ hội phát triển du lịch lớn nhất của bang.

Trên trang Facebook công ty, 2 doanh nhân trên cho biết họ đưa ra dự án trên nhằm mục đích thu hút thêm nhiều khách du lịch hơn, vừa để thưởng thức vẻ đẹp của bờ Đông Tasmania vừa đem lại giá trị kinh tế cộng thêm và việc làm cho khu vực. Theo trang News.com.au, dự án trên hy vọng thu hút khách du lịch Trung Quốc giàu có đến khu vực này. Trong năm 2017, tổng cộng có 279.000 du khách quốc tế đã đến Tasmania, chi tiêu gần 500 triệu USD; riêng khách du lịch Trung Quốc đến Tasmania đã tăng 60% so với năm 2016.

Tasmania hiện là địa phương ở Úc có lượng nhà đầu tư Trung Quốc lớn nhất, theo báo The Guardian (Anh). Tuy nhiên, dự án được các nhà đầu tư Trung Quốc hậu thuẫn này đang gây ra nhiều bàn cãi, dân cư địa phương lo ngại môi trường xung quanh bị ảnh hưởng. Bà Anne Held, Chủ tịch Liên minh bờ Đông, cho biết người dân địa phương cảm thấy mờ mịt về dự án trên, đồng thời họ không tin dự án sẽ nâng cao con số việc làm đáng kể.

Úc: Bang Tasmania e ngại dự án 100 triệu USD của Trung Quốc - Ảnh 1.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viên trong chuyến thăm tới Tasmania, Úc năm 2014. Ảnh: APP

"Họ không tổ chức hỏi ý kiến trước khi đệ trình kế hoạch xây dựng khu vực đó. Các nhà phát triển không công bố họ thực sự muốn điều gì và chính do không biết nên người dân có cảm giác không tin cậy" - bà Anne thừa nhận. Bà cho biết thêm cư dân còn lo ngại sự phát triển dự án, nếu thực sự diễn ra, có thể ảnh hưởng đến quần thể thực vật và động vật ở Tasmania. 

Trong khi đó, Đảng Tasmanian Greens - vốn phát triển từ nhiều chiến dịch bảo vệ môi trường ở Tasmania - nêu cao những mối lo ngại ngày càng tăng về quyền sở hữu và tầm ảnh hưởng của nước ngoài ở Tasmania. Ngoài ra, thủ lĩnh Tasmanian Greens, bà Cassy O’Connor, đặt vấn đề về ý đồ chính trị và mục tiêu chiến lược của chính phủ Trung Quốc. "Chúng tôi sẽ không phải là những kẻ ngốc dễ lợi dụng đối với Trung Quốc. Chúng tôi sẽ đến và bảo vệ chủ quyền của Tasmania, an ninh thực phẩm, lối sống và văn hóa của chúng tôi từng ngày một" - bà khẳng định.

Tuy vậy, nhà phát triển Hu đã phản bác ý tưởng dự án trên có liên quan đến sự ảnh hưởng của Trung Quốc. Còn người dân địa phương ít quan ngại về sự căng thẳng chính trị mà lo ngại nhiều hơn về mức độ ảnh hưởng mà cộng đồng của họ phải gánh chịu từ dự án.

Các ý kiến trái chiều về dự án được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng về chính trị giữa Canberra và Bắc Kinh vẫn chưa hạ nhiệt. Quan hệ giữa hai bên đang đứng trước một giai đoạn đầy thử thách khi chính quyền Úc có thể sắp thông qua dự luật mới nhằm ngăn chặn nguy cơ gián điệp và sự can thiệp của nước ngoài về chính trị, sau khi giới tình báo và các chuyên gia hồi năm 2017 cáo buộc Trung Quốc can thiệp vào các hãng truyền thông, trường đại học và chính trường Úc. Thêm vào đó, Canberra cũng thể hiện nước này có thể sẵn sàng giao chiến với Trung Quốc nếu căng thẳng leo thang ở biển Đông.(NLĐ)
---------------------------

Người Mỹ, Nhật, Hà Lan chi 780 triệu USD mua túi, ô, dù... từ Việt Nam

Đến hết tháng 5, ba thị trường đang tiêu thụ mạnh các sản phẩm túi xách, ví, va li, ô, dù… được sản xuất tại Việt Nam là Mỹ, Nhật và Hà Lan với tổng kim ngạch đạt gần 780 triệu USD.

Người Mỹ chi gần 490 triệu USD mua túi, ví từ Việt Nam trong 5 tháng qua /// Gia Khiêm

Người Mỹ chi gần 490 triệu USD mua túi, ví từ Việt Nam trong 5 tháng qua - GIA KHIÊM

Chỉ trong 5 tháng, số liệu từ Trung tâm Thông tin thương mại Bộ Công thương cho thấy, xuất khẩu nhóm hàng túi xách, ví, va li, mũ, ô, dù ra thị trường nước ngoài đạt 1,34 tỉ USD, giảm nhẹ 0,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, xuất hiện nhiều thị trường lớn tiêu thụ mạnh nhóm hàng nói trên, mức chi đạt trên 100 triệu USD.

Cụ thể, thị trường Mỹ trong 5 tháng đầu năm đã chi gần 490 triệu USD, chiếm hơn 36% trong tổng kim ngạch xuất khẩu túi xách, ví, va li, mũ, ô, dù của cả nước. Tuy thị trường này sức mua có giảm hơn so vùng kỳ, song đánh giá sơ bộ đây là thị trường lớn nhất cho xuất khẩu nhóm hàng túi, ví…

Đứng thứ hai là thị trường Nhật Bản. Số liệu cho thấy, trong 5 tháng đầu năm, người Nhật chi gần 153 triệu USD, chiếm 11,4% tổng kim ngạch nhóm hàng để mua túi, ví, va li… từ Việt Nam, tăng hơn 4% so cùng kỳ.

Kế đó, Hà Lan nổi lên như thị trường tiềm năng khi kim ngạch nhập khẩu túi, ví... từ Việt Nam tăng gần 13% so cùng kỳ, đạt hơn 137 triệu USD, chiếm hơn 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng.

Theo Bộ Công thương, nhìn chung, xuất khẩu túi xách, ví, va li, mũ, ô, dù của Việt Nam sang phần lớn các thị trường trong 5 tháng đầu năm nay đều tăng kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, xuất khẩu tăng mạnh ở một số thị trường như: Séc tăng 202,2%, đạt 2,55 triệu USD; Ba Lan tăng 57,7%, đạt 4,84 triệu USD; Brazil tăng 26%, đạt 4,33 triệu USD; Hàn Quốc tăng 14,2%, đạt 60,32 triệu USD.

Một số thị trường sụt giảm kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái như: Đan Mạch, Malaysia và Singapore với mức giảm tương ứng 28,7%, 28,4% và 20,9%.(THanhnien)

Trở về

Bài cùng chuyên mục